Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư?


Góp ý cho dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, nhiều độc giả đề xuất nên bổ sung quy định về nhất thể hóa “Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư”.

Các ý kiến được đăng tải công khai trên trang web lấy ý kiến nhân dân của Văn phòng Quốc hội.

Theo độc giả Phạm Gia Minh, việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải quy định rõ Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu Nhà nước. Phải làm nổi bật vai trò của người đứng đầu tham gia các hoạt động đối nội và đối ngoại. Thủ tướng là người điều hành Chính phủ do Chủ tịch nước giới thiệu để Quốc hội bầu.

Cụ thể, theo độc giả Gia Minh, khi Chủ tịch nước giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội bầu thì phải giới thiệu 3 người chứ không giới thiệu 1 người như hiện nay.

Ngoài ra, cần sớm hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước để tăng thêm quyền và vị trí đứng đầu Đảng và Nhà nước.

Một số độc giả cũng tán thành đề xuất trên về nhất thể hóa.

Chẳng hạn, theo độc giả Lê Khắc Thành, Hiến pháp nên ghi rõ: "Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại".

Còn theo bạn Đại Dũng, Hiến pháp nên quy định Chủ tịch nước có quyền đề cử và với sự phê chuẩn của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

“Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là thành viên của Chính phủ và có tác động trực tiếp đến bộ máy Hành pháp. Chủ tịch nước sẽ chủ trì việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Chính phủ và phải là trung tâm quyết sách của Chính phủ. Nếu quy định như vậy thì vai trò, vị trí và quyền lực của Chủ tịch nước sẽ tương tự như quyền lực của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946 hoặc tương tự như quyền lực của Tổng thống trong các nước có chính thể Cộng hoà hỗn hợp hiện nay”, bạn Dũng góp ý.

Theo bạn Dũng, muốn quyền lực của Chủ tịch nước được tăng cường theo hướng nói trên thì quy trình bầu cử phải thay đổi theo hướng Chủ tịch nước cũng phải để nhân dân bầu trực tiếp.

“Như thế, quyền lực của Chủ tịch nước nhận được từ nhân dân, do nhân dân uỷ quyền nên có thể độc lập với Quốc hội ở một mức độ nhất định”, bạn Dũng phân tích.

Ngoài ra, với điều kiện Đảng lãnh đạo như hiện nay, nên chăng có thể quay lại thực tế lịch sử của đất nước trước đây, đó là nguyên thủ quốc gia sẽ đồng thời là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch Đảng. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa là Chủ tịch nước, vừa là Chủ tịch Đảng.

Cũng theo bạn đọc Đại Dũng, trong xu thế hiện nay và nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước cần rạch ròi hơn, sự giám sát và kiểm soát quyền lực Nhà nước cũng cần được tăng cường. Hiến pháp nên quy định cho Chủ tịch nước quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối. Nếu ở lần thảo luận lại này mà Quốc hội vẫn thông qua với ít nhất là 2/3 số phiếu tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố.

“Quy định như vậy sẽ vừa làm tăng trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội trong việc làm luật, vừa làm cho quy trình làm luật cẩn thận, kỹ càng và chắc chắn hơn, qua đó vừa nâng cao sự ổn định của luật, vừa tăng cường được ảnh hưởng, sự quan tâm và trách nhiệm của Chủ tịch nước với việc làm luật của Quốc hội và đảm bảo sự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước”, bạn Đại Dũng lý giải.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hiện đang được lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân. Theo thuyết minh của ban soạn thảo, bản dự thảo tiếp tục giữ các quy định cũ về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Quy định như vậy phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước của nước ta.

Dự thảo cũng đã có điều chỉnh bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Dự thảo quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc quyết định phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định.

Dự thảo Hiến pháp chưa đề cập đến chủ trương “nhất thể hóa” như đề xuất mà nhiều độc giả nêu ở trên.

(VNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét