Tại phiên điều trần ở Quốc hội trước khi được chuẩn y làm ngoại trưởng mới của Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ John Kerry cảnh báo rằng thất bại của giải pháp hai nhà nước ở Trung Đông sẽ là ‘thảm họa’.
Tuy nhiên ông nói rằng ông tin có ‘con đường tiến về phía trước’ trong tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine.
Là một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam và vào Thượng viện từ năm 1985, John Kerry từng đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống hồi năm 2004 nhưng để thua vào tay George W Bush.Các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông do Mỹ làm trung gian đã sụp đổ hồi năm 2010.
Hiện tại ông là chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện – cơ quan đứng ra chất vấn ông hôm thứ Năm ngày 24/1. Phiên điều trần do Thượng nghị sỹ Robert Menedez của tiểu bang New Jersey chủ trì.
Hồ sơ Trung Đông
Kerry cảnh báo rằng ‘cánh cửa cho giải pháp hai nhà nước có thể đóng lại – và khi đó sẽ là thảm họa cho tất cả các bên liên quan’.
“Có lẽ đây là lúc chúng ta tái khởi động các nỗ lực để đưa các bên vào bàn đàm phán ngõ hầu đi trên một con đường khác biệt với con đường chúng ta đã đi trong những năm qua,” ông phát biểu và nói rằng hiện vẫn chưa rõ Israel sẽ có chính phủ mới như thế nào sau cuộc tổng tuyển cử mới đây.
"John là lựa chọn thích hợp. Ông ấy sẽ đem đến một bề dày lãnh đạo và phục vụ mẫu mực."
Ngoại trưởng Hillary Clinton
Tuy nhiên, vị thượng nghị sỹ của tiểu bang Massachusetts không nêu chi tiết của một kế hoạch khả thi. Ông nói ông không muốn làm thiên lệch bất kỳ nỗ lực mới nào cho tiến trình hòa bình Trung Đông.
Trong suốt phiên điều trần kéo dài 5 tiếng đồng hồ, John Kerry cũng nói rằng ‘sẽ làm những gì phải làm để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân’.
“Hôm nay tôi nói lại một lần nữa: chính sách của chúng ta không phải là kiềm chế. Đó là ngăn chặn và thời gian đang gần cạn để chúng ta cố gắng đạt được một sự tuân thủ có trách nhiệm,” ông giải trình trước Ủy ban đối ngoại.
Ông nói ông hy vọng Hoa Kỳ và đồng minh sẽ tiếp tục duy trì sức ép ngoại giao lên Iran nhưng cũng nói rằng quốc gia Hồi giáo này cần chứng minh chương trình hạt nhân của họ chỉ đơn thuần nhằm mục đích hòa bình.
Ngoại trưởng tương lai của Mỹ cũng nói về những nỗ lực tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ông nói đây sẽ là một ‘công việc khó khăn’.
Ông cũng mô tả mình là một ‘người ủng hộ nhiệt thành’ trong hành động chống hiện tượng ấm lên toàn cầu.
‘Lãnh đạo mẫu mực’
Ngoại trưởng Hillary Clinton, Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain và Thượng nghị sỹ của tiểu bang Massachusetts Elizabeth Warren đã giới thiệu John Kerry trước Ủy ban điều trần.
“John là lựa chọn thích hợp,” bà Clinton nhận xét, “Ông ấy sẽ đem đến một bề dày lãnh đạo và phục vụ mẫu mực.”
"Chứng kiến hầu như mỗi ngày phong cách lãnh đạo mẫu mực của ông ấy (John Kerry) là một trong những đặc ân cao quý nhất mà tôi có được ở Thượng viện. "
Thượng nghị sỹ John McCain
Lời nhận xét của bà Clinton cũng được John McCain hưởng ứng ngay lập tức.
“Chứng kiến hầu như mỗi ngày phong cách lãnh đạo mẫu mực của ông ấy là một trong những đặc ân cao quý nhất mà tôi có được ở Thượng viện,” thượng nghị sỹ của tiểu bang Arizona ca ngợi.
Thượng nghị sỹ John Kerry là lựa chọn thứ hai của Tổng thống Obama sau khi Đại sứ Susan Rice tại Liên Hiệp Quốc bị dính vào những tranh cãi xung quanh vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, hồi tháng 9 năm ngoái.
Phe Cộng hòa đã cáo buộc bà Rice là cố tình làm cho người dân Mỹ hiểu sai về bản chất của vụ tấn công mà đã giết chết bốn người Mỹ này.
Chính phủ Obama đã giận dữ bác bỏ những cáo buộc này, nhưng bà Rice đã phải rút lui khỏi đề cử cho vị trí ngoại trưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét