Pages

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Nói chuyện về Anh Ba


Icon_Symbols_Nations_Trung Cộng_Rồng đỏ
Lữ Giang
Đối với đa số người Việt trong cũng như ngoài nước, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề Biển Đông. Hai câu hỏi đã được đặt ra: Trung Quốc đang mưu tính gì và làm thế nào để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam?
Gần như người Việt nào cũng thuộc lòng câu “Tri bỉ tri kỷ bách chiến bách thắng”, tức “biết người biết mình trăm trận trăm thắng”. Nhưng “biết người biết mình” để trở thành “bên thắng cuộc” quá khó và phải canh chừng thắng khác chiếm chỗ của mình, nên nhiều người chọn phương thức dễ nhất là suy nghĩ và hành động theo cảm tính rồi quay lại cấu xé nhau và trở thành “bên thua cuộc”!

Trong hai bài trước, chúng tôi đã nói đến cái nhìn của Đảng CSVN về Mỹ và Nga đối với vấn đề Biển Đông qua bài nói chuyện của Đại Tá Trần Đăng Thanh tại hội nghị các viên chức lãnh đạo giáo dục ở Hà Nội. Ông ta nhấn mạnh: Mỹ thì “chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả” và “tội ác của họ trời không dung, đất không tha”. Nga thì đã phục hồi lại địa vị của một cường quốc và đang quay lại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. “Liên bang Nga đánh giá rất cao Việt Nam chúng ta, Việt Nam là một nước thủy chung son sắt”. Nga muốn thuê cảng Cam Ranh, nhưng “chắc chắn chúng ta cũng sẽ không cho bất cứ nước ngoài thuê mướn”. Còn Trung Quốc thì sao?
Bài nói chuyện của Đại Tá Thanh kéo dài hơn hai tiếng, trong đó ba phần tư bài nói về Trung Quốc. Chúng tôi đã tóm lược phần nói về Mỹ và Nga. Trong bài này chúng tôi xin tóm lược phần nói về Anh Ba, Anh Ba Tàu, tức Trung Quốc.
ĐÃ CÓ LÚC CHƠI CẠN TÀU RÁO MÁNG
Sau cuộc chiến trên biên giới Việt – Trung vào tháng 2 năm 1979, Đảng CSVN nghĩ rằng “tình hữu nghị đời đời bền vững” Việt – Trung không còn nữa, nên đã cho biên soạn và phổ biến rộng rãi ba cuốn sách nói lên tất cả những chuyện bi thảm trong bang giao Việt – Trung, đó là các cuốn (1) “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, (2) “Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh” và (3) “Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”. 
Khi hành động như vậy, Đảng CSVN đã đoạn giao với Trung Quốc và đứng về phía Liên Sô. Nhưng trời bất dung gian, chế động cộng sản Liên Sô sụp đổ, Đảng CSVN không còn con đường nào khác là quay về với Trung Quốc. Hiểu rất rõ chủ trương bá quyền của Trung Quốc, Đảng CSVN phải ngậm đắng nuốt cay để “sống chung hoà bình”.
CHỦ TRƯƠNG CỦA TRUNG QUỐC
Đại Tá Trần Đăng Thanh đã mở đầu phần nói về Trung Quốc như sau:
“Và nước thứ năm tôi muốn nói với các đồng chí là anh bạn núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông, chung tình hữu nghị. Hoặc là nói như ông Hồ Cẩm Đào: sơn thủy thì tương liên, lý tưởng thì tương thông, văn hóa thì tương đồng, vận mệnh thì tương quan, tay vẫn bắt nhưng chân đá lung tung” (có tiếng cười ở dưới).
Tiếp theo, ông nói về chủ trương của hai lãnh tụ lớn của Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
1.- Mao Trạch Đông “công ba tội bảy”
Diễn giả nói về Mao Trạch Đông dựa vào cuốn “Mao Trạch Đông – nghìn năm công tội” do một Đại tá Học Viện Quốc Phòng của Trung Quốc, nguyên là thư ký của Mao Trạch Đông biên soạn theo lệnh của Đặng Tiểu Bình. Cuốn sách đó khẳng định Mao Trạch Đông “công ba tội bảy”. Tội của Mao Trạch Đông được thể hiện trong 27 năm ở cương vị Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Nước là làm chết 57,5 triệu người dân. Riêng Cách Mạng Văn Hóa làm chết 21,5 triệu, và để cho chết đói chết rét 36 triệu nữa. Và trong quãng đời làm cách mạng, ông ta nói một câu rất nổi tiếng: “Chính quyền treo trên đầu ngọn súng”. Ông ta giải thích súng đẻ ra chính quyền, súng đẻ ra niềm tin, súng đẻ ra chiến thắng, súng đẻ ra tất cả.
2.- Đặng Thiểu Bình ngoại hình rất nhỏ
Người thứ hai được ông nói tới là Đặng Tiểu Bình. Ông cho biết:
“Ngoại hình của ông Đặng Tiểu Bình rất nhỏ nhoi, rất nhỏ. Nghĩa là nếu mà nhìn ngoại hình không thôi, nếu mà ông thầy bói nào mà gọi là không biết bói thì bảo là ông này không có dáng làm quan. Nhưng mà quan lộ của ông ta vô cùng vất vả, vào rồi lại ra, vào rồi lại ra, ba lần mới vào được Trung Nam Hải sau khi ông Mao chết. Và ông Đặng Tiểu Bình đứng vững ở trên Trung Nam Hải, ông ta bắt đầu phát động bốn công cuộc hiện đại hóa, cải cách, cải tổ, đổi mới của Trung Quốc.”
Theo diễn giả, phương châm hành động của Đặng Tiểu Bình gồm 24 chữ: “Lặng lẽ quan sát, giấu mình chờ thời, giữ vững trận địa, quyết không đi đầu, nắm vững thời cơ, lẳng đi không tích.” (tức không để lại dấu tích).
Ông Bình đưa ra phương pháp công tác của cán bộ Trung Quốc nghe rất lạ: “Một hòn đá, hai con mèo, ba con gà, bốn con cá.”
Diễn giả hỏi cử toạ: “Các đồng chí nghe có thấy buồn cười không!” Sau đó ông giải thích:
“Một hòn đá” là mỗi người cán bộ phải có nền tảng tư tưởng như một hòn đá. Nền tảng tư tưởng đó là kết hợp Mác với tư tưởng Mao.
“Hai con mèo” là mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột đều là mèo quý.
“Ba con gà” là cái gì có lợi cho nhân dân Trung Quốc là bắt lấy, cái gì có lợi cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt lấy, cái gì có lợi cho quân đội Trung Quốc là bắt lấy, tức là phải nắm bắt thời cơ.
Còn “Bốn con cá” chỉ bốn nguyên tắc. Nhưng diễn giả chỉ nói đến hai nguyên tắc: Nguyên tắc thứ nhất “hàng hóa của Trung Quốc tới đâu thì biên giới của Trung Quốc tới đó”. Nguyên tắc thứ hai là “sức mạnh hải quân Trung Quốc tới đâu thì biển của Trung Quốc tới đó”.
Theo diễn giả, Trung Quốc đang sống trong thời kỳ trỗi dậy hòa bình. Cuộc chiến Libya năm 2011 và Syria năm 2012 đã làm ngành khai thác dầu mỏ của Trung Quốc thua thiệt. Riêng Libya, Trung Quốc mất 77 cơ sở dầu mỏ. Do đó Trung Quốc đang thực hiện quay lại với ý đồ họ đã nung nấu từ rất xa xưa đó là phải độc chiếm Biển Đông trong thời gian ngắn nhất.
NGUỒN LỢI CỦA BIỂN ĐÔNG
Diễn giả cho biết Biển Đông có diện tích chính xác là 3.447.000 km2, có liên quan đến 9 quốc gia ven biển: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bruney, Philippines v.v… Có thể xét nguồn lợi của Biển Đông về ba phương diện: Một là giao thông, hai là kinh tế và ba là quốc phòng an ninh.
Về giao thông, Biển Đông là biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới sau Địa Trung Hải. Mỗi một ngày có khoảng 200 đến 300 lượt tàu khoảng 5000 tấn trở lên hoạt động. 90% hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương đều phải tiếp tế hậu cần kỹ thuật qua Biển Đông, 70% các loại hàng hóa của Nhật Bản hoạt động đều phải qua Biển Đông. 70% đến 80% hàng hóa của Trung Quốc đều phải qua Biển Đông.
Về mặt kinh tế, theo đánh giá của Mỹ là toàn bộ Biển Đông có trữ lượng dầu mỏ 50 tỷ tấn, chiếm 19% trữ lượng dầu mỏ của thế giới.
Về quốc phòng an ninh, hiện nay toàn bộ hoạt động của khu vực của Mỹ ở Thái Bình Dương phải tùy thuộc vào Biển Đông.
Vì các lý do đó, Trung Quốc đang thực hiện 7 công tác để chiếm Biển Đông. Diễn giả trình bày rất nhiều chi tiết, chúng tôi chỉ ghi lại tên của 7 công tác đó: Thứ nhất là vẽ đường 9 đoạn. Thứ hai là đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vùng chiếm đóng đặc biệt là Hoàng Sa. Thứ ba là ngăn cản phá hoại các hoạt động kinh tế trên Biển Đông của ta. Thứ tư là đẩy mạnh đánh bắt thủy sản tạo ra vùng đánh bắt truyền thống. Thứ năm là thăm dò, khảo sát, mời thầu vùng tài nguyên trên biển của chúng ta. Thứ sáu, tìm mọi cách để hạ đặt giàn khoan trên biển của ta nếu ta không ngăn chặn kịp thời. Thứ bảy là chiếm bãi cạn của ta trong trường hợp ta không có người chốt giữ.
Ông kể lại từ ngày 11 đến 15.10.2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước Hồ Cẩm Đào. Ông Hồ Cẩm Đào nói đường 9 đoạn là do Quốc Dân Đảng để lại, Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thực hiện thì nhân dân Trung Quốc mới theo. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói lại: Các đồng chí nói chưa đúng. Quốc Dân Đảng để là 11 đoạn, các đồng chí xóa đi 2 đoạn. Quốc Dân Đảng để lại Đài Loan độc lập, các đồng chí đang xóa Đài Loan.
Diễn giả cho biết hiện nay có 4 nước 5 bên đang có những điểm đóng quân trên Biển Đông: Việt Nam, Philippines, Malaysia và Trung Quốc, thêm một bên nữa là Đài Loan. Hiện nay Việt Nam đang duy trì 33 điểm đóng quân.
BA KHÔNG BỐN TRÁNH
Về cách thức đối phó, diễn giả đưa ra chủ trương “ba không bốn tránh”.
1.- Chủ trương “ba không”
Ba không mà diễn giả đưa ra gồm có: Cái không thứ nhất là không được mất chủ quyền, cái không thứ hai là không được mất môi trường hoà bình và cái không thứ ba là không được mất mối tình đoàn kết nhân dân hai nước.
Diễn giả nói cái không thứ hai xem ra mâu thuẫn với cái không thứ nhất, nhưng để xẩy ra chiến tranh thì vất vả lắm. Ông nói: “Tôi thưa với các đồng chí, mặc dầu chân họ đá nhưng ta phải biết tránh.”
Còn việc giữ mối tình đoàn kết nhân dân hai nước, ông nói: “Nói điều này thì có người bĩu môi, có người chưa đồng tình. Nhưng thôi xin thưa với các đồng chí… họ là nước lớn thật sự. Trong chiều dài lịch sử trên dưới 20 lần họ xâm lược chúng ta cơ mà.” Nhớ lời dặn của các cụ ngày xưa: “Thứ nhất cận thân, thứ nhì cận lân”, “Vắng anh em xa mua láng giềng gần”, rồi “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Vắng anh em xa có láng giềng gần”. Ta phải chấp nhận. Ông nói tiếp:
“Báo cáo các đồng chí, một câu chuyện mà lịch sử mà đã dạy cho chúng ta nhắc nhở thời nhà Lê chém tên Liễu Thăng, tên Liễu Thăng là một tướng mang 10 vạn quân để viện trợ cho quân Thanh. Nhà Lê chém chết nhưng sau đó nhà Lê hàng năm vẫn đúc một cái tượng bằng vàng bằng cái đầu Liễu Thăng sang cống nạp để làm sao hòa hiếu giữ cho muôn đời không phải chiến tranh. Tất nhiên bây giờ ta không phải cống nộp như vậy, ta bình đẳng nhưng ta phải khẳng định rất rõ ràng như 3 cái không như vậy.”
2.- Chủ trương “bốn tránh”
“Bốn tránh” mà diễn giả đưa ra gồm có: Tránh đối đầu quân sự, tránh đối đầu toàn diện, tránh bị bao vây cô lập, và tránh lệ thuộc nước ngoài. Diễn giả biện luận:
“Báo cáo các đồng chí bây giờ ta đòi lại Hoàng Sa là rất khó, bây giờ nó đã chiếm nó đã xây như trên, bảo đòi là rất khó nhưng ta vẫn phải đòi… Chúng ta phải cùng với nhân dân cả nước góp phần để đòi được Hoàng Sa, đòi một phần của Trường Sa nữa, phải đòi chứ. Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo. Khôn khéo nghĩa là đừng để xảy ra chiến tranh, đừng để va chạm, cứ tránh đã. Cha ông ta đã dạy: Tránh voi không xấu mặt nào.”
KHÔNG CẦN ĐÁNH MÀ THẮNG…
Diễn giả đã dùng “cường điệu” để kết luận buổi nói chuyện như sau:
“Từ nhà Tùy, nhà Đường, từ đại Tống, đại Minh, đại Nguyên, đại Thanh, đại đại gì đi chăng nữa thì đều bị Đại Việt “đánh cho nó chích luân bất phản, cho phiến giáp bất hoàn”, đánh cho phải chui ống đồng trốn chạy về nước. Đó là điều rõ ràng chúng ta có quyền tự hào dân tộc của chúng ta. Hơi buồn cái là sinh viên thanh niên chúng ta hiện nay không biết lịch sử.”
Nhưng ông lại nhấn mạnh: “trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa, đấy là đối với Trung Quốc hai điều không được quên.”
Theo ông, hiện nay trên Biển Đông người Trung Quốc đang xử dụng mưu kế “rút củi đáy nồi”, “rung cây dọa khỉ”… trong binh pháp của Tôn Tử. Nhưng từ thế kỷ thứ 5 trước CN, Tôn Tử đã định ra một mưu kế là trong chiến tranh đánh mà thắng đã là giỏi nhưng chưa phải giỏi nhất, không cần đánh mà thắng mới là người giỏi nhất trong chiến tranh.
Ông dành phần cuối của bài nói chuyện để nói về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của sinh viên. Ông cho rằng các lãnh đạo sinh viên “bị động với công tác tuyên truyền của đối phương.” Khẩu hiệu của họ là: “Bảo vệ tổ quốc, Hoàng Sa – Việt Nam, Trường Sa – Việt Nam”, “Hoàng Sa – Trường Sa là máu thịt của Việt Nam” v.v… Rồi họ hát những bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” v.v…
Nếu trường đại học nào còn để sinh viên tham gia biểu tình bất hợp pháp, các đồng chí Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu trường đó, Bí thư Đảng ủy – Phòng Quản Lý Sinh Viên của trường đó phải chịu trách nhiệm.
Chúng tôi sẽ có nhận xét trong một bài khác,
Ngày 15.1.2013
Lữ Giang

Không có nhận xét nào: