Pages

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Pháp quyền và thịnh vượng



Qua ba chương trình liên tiếp, mục Diễn đàn Kinh tế đã tìm hiểu vì sao các nước trên thế giới từng có lúc gặp cảnh nghèo khổ rồi phát triển mạnh về kinh tế, mà cũng có lúc từ sự phồn thịnh lại tụt vào tình trạng nghèo đói.
AFP photo
Tòa nhà Empire State, New York. Ảnh minh họa.
Vũ Hoàng đi vào phần kết với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do, về những quy luật của sự giàu nghèo.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Khởi đi từ chương trình đầu tiên của năm 2013, khi đề cập về quy luật của sự giàu nghèo giữa các quốc gia, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu nhiều khía cạnh khác biệt về sự thịnh vượng, nào là địa dư hình thể và tài nguyên thiên nhiên, nào là dân số rồi dân trí, và cả văn hóa lẫn di dân, v.v....

Qua các chương trình này, chúng tôi nghiệm thấy một số yếu tố đáng chú ý là cách đo đếm về thống kê để so sánh sự giàu nghèo của các nước qua nhiều thời kỳ khác nhau, rồi có một số quốc gia tương đối khá giàu rồi lại bị tụt hậu trong nhiều thế kỷ, như trường hợp Trung Quốc. Có quốc gia như Nhật Bản thật ra còn nghèo và ít tài nguyên mà lại vươn lên rất nhanh thành một nền kinh tế thịnh vượng và tiên tiến. Vì sao lại như vậy?
Thưa ông, khi kiểm lại thì ta thấy quốc gia nào trên mặt địa cầu đều đã từng là một nước nghèo, chẳng khác gì các nước mà ngày nay ta gọi là chậm tiến hay chưa phát triển, thế rồi họ lại thành trù phú phồn thịnh. Như vậy, vấn đề đáng chú ý và tìm hiểu ở đây không phải là sự nghèo khốn mà là sự thịnh vượng. Ta sẽ đi vào phần kết để tìm ra cái gì đã tạo ra sự thịnh vượng đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì đây là một đề tài bao quát nên ta sẽ tập trung dần vào các yếu tố then chốt như khi tìm một cái đòn bẩy rồi suy tính về điểm tựa và điểm động để hiểu ra quy luật vận hành của sự phồn thịnh. Tôi xin tạm lấy một thời điểm làm cơ sở suy tư vì có thể đánh dấu thời kỳ sau này ta gọi là Hiện đại. Đó là năm 1789, khi Pháp và Mỹ có cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh quốc gia. Đó cũng là năm của chiến thắng Đống Đa khi Quang Trung Hoàng đế đại thắng trong có năm ngày một lực lượng xâm lăng đông đảo gấp bội của nhà Mãn Thanh.
Chiến thắng Đống Đa năm 1789 là hình thái chiến tranh cổ điển giữa hai nước và có nhiều nguyên nhân sâu xa dù Việt Nam khi đó chưa thống nhất. Trước đấy, vào thời nội chiến Trịnh Nguyễn rồi giữa nhà Nguyễn với Tây Sơn, Việt Nam đã tiếp xúc với các nước Tây phương và nói chung thì chẳng thua kém gì nhiều. Nhưng so với Âu Châu Việt Nam lại tụt hậu sau khi thống nhất nên đúng 70 năm sau trận Đống Đa thì không cưỡng nổi sức ép của Pháp khi họ tấn công Việt Nam và bắn đại bác vào Đà Nẵng năm 1859. Cái gì đã xảy ra là điều ta nên tìm hiểu...
Năm 1789 cũng là khi nền quân chủ Pháp bị khủng hoảng về nhiều mặt. Cái nhân có thể là tôn giáo hay chính trị, nhưng cái duyên, hay yếu tố châm ngòi cho một chuỗi biến động sau đó, lại là kinh tế khi công khố kiệt quệ nên triều đình phải triệu tập hội nghị có sự hiện diện của một đẳng cấp mới, Đệ tam Đẳng cấp, là đại diện cho sức mạnh kinh tế và thực tế tài trợ cho công cuộc phát triển quốc gia. Chính là hội nghị này mới làm tan rã chế độ quân chủ và mở ra cuộc cách mạng. Bảy chục năm sau, nước Pháp bị kiệt quệ ấy đã khuất phục được nước ta.
Nói ra thì kỳ chứ cuộc Cách mạng Độc lập của Mỹ khởi đi từ một chuyện nhỏ mà có ý nghĩa và hậu quả lớn lao. Chuyện nhỏ vì chỉ là vấn đề thuế khóa của các thuộc địa Anh. Mà hậu quả lớn lao là khi đã đóng thuế, tức là góp phần xây dựng quốc gia, thì người ta có quyền tham gia vào tiến trình quyết định về chính trị, nghĩa là đổi lại luật chơi và xây dựng nền tảng pháp chế khác.
Chuyện Việt Nam
000_Hkg8093802-250.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (P) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tham dự phiên khai mạc cuộc họp Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 12 năm 2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Ông hay có lối trình bày lung khởi về bối cảnh rồi tập trung vào chuyện then chốt nhất. Trong ba thí dụ vừa nhắc lại cho thính giả, ông nhấn mạnh đến cái quyền được đại diện để tham gia vào tiến trình quyết định và từ đó xây dựng nền tảng pháp chế khác. Đấy là tiến trình mà sau này chúng ta gọi là dân chủ. Nhưng trường hợp của Việt Nam thì sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngày nay, chúng ta đều có thể hiểu rằng kinh tế chính là sự chọn lựa. Mà cái quyền chọn lựa giải pháp có lợi nhất cũng là một động lực của thịnh vượng và phát triển.
Đàng Trong của nước Nam trong thời Nội chiến Nam Bắc là nơi mà người ta đã có quyền tự do tương đối trong sự chọn lựa nên thật sự đã trở thành một nước thịnh vượng của Đông Nam Á. Nhưng khi nước Nam thống nhất từ thời Gia Long thì ta lại trở về trật tự cũ trên cả nước, lại theo mẫu mực tù túng lạc hậu của nhà Thanh, nên triều đình quyết định tất cả trong sự hỗn loạn và bất mãn chung của xã hội ở dưới, để rồi xứ sở kiệt quệ dần cho đến khi bị nước Pháp khuất phục. Kỹ thuật chiến tranh, hay đại bác và pháo hạm không giải thích được tất cả. Chính là sự lạc hậu tù túng mới khiến xứ sở không thể canh tân và nâng cao được dân trí và mở ra nhiều chọn lựa khác.
Khi kiểm lại chuyện Âu-Mỹ-Á từ thời Hiện đại, sau khi nhớ đến sự thăng trầm thịnh suy của các nước, ta thấy ra một yếu tố quyết định then chốt nhất trong tiến trình làm cho quốc gia trở thành thịnh vượng. Đó là nền tảng pháp lý hay luật lệ pháp chế.
Vũ Hoàng: Chúng ta tiến dần vào điểm then chốt mà ông gọi là pháp chế. Thưa ông, nó thể hiện như thế nào trong thực tế kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chiến tranh hay loạn lạc hoặc tình trạng vô luật pháp tại vùng núi non hiểm trở là những trở ngại cho sinh hoạt kinh tế. Cho nên tối thiểu thì kinh tế cần đến sự ổn định và một nền tảng pháp quyền chung cho mọi người ở mọi nơi mà không quá tốn kém khi áp dụng.
Các chế độ độc tài có thể bảo đảm được sự ổn định ấy bằng một hệ thống luật lệ hà khắc và một bộ máy cưỡng hành to lớn cồng kềnh. Liên bang Xô viết đã có sự ổn định tốn kém này trên một lãnh thổ có nhiều tài nguyên, cho nên nếu so sánh với thời đại của các Sa hoàng của họ, thì nước Nga có thể giàu hơn trước. Nhưng so với Âu Châu thì vẫn là một xứ nghèo đói và 70 năm sau thì kinh tế tự sụp đổ dưới sức nặng của hệ thống kiểm soát và bộ máy sản xuất kiệt quệ vì chế độ tập trung quản lý, tức là một chế độ triệt tiêu cái quyền chọn lựa kinh tế của người dân.
Chính là sự lạc hậu tù túng mới khiến xứ sở không thể canh tân và nâng cao được dân trí và mở ra nhiều chọn lựa khác.
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vũ Hoàng: Cứ như vậy thì ta tiến dần đến trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam khi nói đến yêu cầu ổn định bằng luật lệ và yêu cầu phát triển bằng chế độ pháp quyền. Thưa ông, có phải là kinh tế hai xứ này đã thịnh vượng hơn trước là nhờ có hệ thống luật lệ thông thoáng hơn chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng hai quốc gia này có thịnh vượng hơn khi so với chính mình trong quá khứ. Chứ so với các nước khác thì vẫn còn rất nghèo mà lại không có tương lai vì chính hệ thống pháp quyền của họ. Tôi xin được lần lượt giải thích.
Chúng ta đều biết kinh tế chỉ tăng trưởng và tạo ra của cải khi có sự ổn định, không bị chiến tranh. Nhưng hệ thống luật lệ và chế độ pháp quyền của hai xứ ấy có thể giúp người dân khỏi chết đói chứ không thể làm quốc gia phú cường được vì bản chất thiên lệch của nó. Chế độ pháp quyền này có mục tiêu ưu tiên là đảm bảo quyền lực đảng hơn là bảo vệ pháp quyền nhà nước, nôm na là đảng vẫn cao hơn nhà nước, như được ghi trong hiến pháp lạc hậu của họ.
Thuần về kinh tế thì hậu quả của chế độ pháp quyền có kỳ thị đó là những gì? Trước hết, nó gây tốn kém vì nhiều lãng phí trong chọn lựa, tức là phải tốn nhiều công sức hơn xứ khác để tạo thêm một sản phẩm. Mà đằng sau những thống kê về sản lượng hay lợi tức bình quân thì tốn sức của ai và để cho ai hưởng? Câu hỏi đó cho thấy là ngoài sự tốn kém hay phản kinh tế lại còn có sự bất công vì đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong sự tăng trưởng. Vừa rồi, chính lãnh đạo Trung Quốc đã xác nhận chuyện bất công này khi công bố chỉ số Gini, là khác biệt đào sâu giữa các nhóm ngũ phân hay 20% giàu nhất và nghèo nhất trong xã hội.
Thứ ba là chế độ pháp quyền này dung dưỡng nạn tham nhũng vì tạo ra cơ hội trục lợi bất chính của những kẻ nằm trong, hoặc có quan hệ với, hệ thống quyết định kinh tế. Tham nhũng cũng là một biểu hiện của bất công vì không có tiền đút lót là không có cơ hội làm giàu, nên cơ hội làm giàu chỉ dành cho một thiểu số. Một quốc gia không thể phát triển và người dân không có được sự thịnh vượng khi mà chế độ pháp quyền lệch lạc lại thực tế định chế hóa hành vi tham nhũng. Mà chưa hết....
Nạn tham nhũng
Vũ Hoàng: Ông vừa đưa ra một số phê phán nghiêm khắc mà chính xác về những nhược điểm nay đã được công khai hóa về chế độ pháp quyền của Trung Quốc và Việt Nam. Như sự tốn kém rất nhiều công sức đầu tư để tạo thêm một sản phẩm qua hệ số người ta gọi là ICOR, hoặc những bất công xã hội và sự xuất hiện của một tầng lớp tư bản đỏ các đại gia hay Thái tử đảng sống phè phỡn trên sự lầm than còn quá lớn của xã hội. Hoặc như nạn tham nhũng mà ông gọi là được định chế hóa. Vậy mà ông còn nói là chưa hết! Chế độ này còn nhược điểm nào khác?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng sự thiên lệch và mờ ám của nó còn tác động vào chính sách kinh tế để bảo vệ quyền lợi cho một khu vực hay thành phần kinh tế và mặc nhiên gây thiệt hại cho đa số còn lại. Quốc gia không thể thịnh vượng, người dân không thể giàu có và chế độ này không có tương lai chính là vì lý do đó.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước tại Trung Quốc và Việt Nam là những thí dụ mà ai cũng biết. Chế độ kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc hoặc kế hoạch cấp cứu khu vực bất động sản bị nạn bong bóng đầu cơ tại Việt Nam là loại thí dụ khác. Cứu những ai và bỏ những ai và với tài nguyên công quỹ bị mắc nợ đến chừng nào là loại vấn đề về chính sách. Đằng sau các thống kê mờ ám, nó cho thấy tình trạng thiếu bình đẳng và minh bạch của chế độ pháp quyền lệch lạc.
Tình trạng cướp đất hay bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng cho cái gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa là biểu hiện khó chấp nhận được của cả hai chế độ tự xưng là "xã hội chủ nghĩa".
Ông Nguyễn-Xuân Nghĩa
Căn bản nhất, chế độ ấy vẫn chưa xác định và bảo vệ quyền tư hữu, cụ thể là quyền tư hữu một phương tiện sản xuất cần thiết là đất đai. Tình trạng cướp đất hay bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng cho cái gọi là công nghiệp hóa và đô thị hóa là biểu hiện khó chấp nhận được của cả hai chế độ tự xưng là "xã hội chủ nghĩa".
Thực chất thì đấy là chủ nghĩa tư bản hoang dại và vô pháp trong khi các nước theo tư bản chủ nghĩa đều trước tiên xây dựng pháp quyền nhà nước và bảo vệ quyền tư hữu để mọi người có thể kinh doanh và làm giàu nhờ sự hợp tác trong tinh thần tin cậy lẫn nhau. Nếu chỉ tin nhau trong một phạm vi rất nhỏ hẹp của gia đình và thân tộc thì làm sao có thể thịnh vượng khi cần làm ăn với thế giới bên ngoài? Có thể là kỳ sau mình sẽ kết thúc loạt bài này bằng cái quyền chọn lựa, trước mình khi ăn Tết và chúc nhau an khang thịnh vượng.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và xin hẹn quý thính giả kỳ sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét