Pages

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam với hai trọng tâm kinh tế và an ninh


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Việt Nam nhằm thắt chặt
quan hệ song phương (REUTERS)
Trọng Nghĩa
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Hà Nội vào hôm nay, 16/12/2013, trong khuôn khổ một chuyến ghé thăm trong vòng 24 tiếng đồng hồ, mà trọng tâm là thảo luận về việc thắt chặt thêm quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai bên. Giới phân tích ghi nhận ý nghĩa của việc tân Thủ tướng Nhật đã dành chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông cho Việt Nam, nước cùng chia sẻ với Nhật Bản mối quan ngại về các hành động bành trướng của Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền biển đảo.

Sau khi duyệt qua hàng quân danh dự, Thủ tướng Shinzo Abe đã có ngay một cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Theo chương trình dự kiến, ông Shinzo Abe còn tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam, trước khi lên đường thăm hai thành viên nặng ký khác trong ASEAN là Thái Lan vào ngày mai, 17/01 rồi Indonesia kể từ ngày 18/01. 
Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Abe xác định là Việt Nam và Nhật Bản phải « đóng một vai trò tích cực hơn trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực». Theo lời Thủ tướng Nhật Bản, cả Tokyo lẫn Hà Nội đều sẽ hướng tới việc hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, trong đó có việc phát huy một quan hệ đối tác chiến lược song phương, để đối phó với các « thách thức khu vực »,
Về phía Việt Nam, trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận là hai nước đều mong muốn là tất cả các tranh chấp trong khu vực phải được giải quyết « thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế ».
Trên bình diện kinh tế, Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong nỗ lực của Tokyo nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Bắc Kinh, đặc biệt trong hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc qua các nước khác. Vào năm 2012, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, với các khoản đầu tư to lớn trong lĩnh vực ngân hàng, sản xuất hàng dành cho xuất khẩu cũng như hàng tiêu dùng nhắm vào tầng lớp trung lưu đang lớn lên nhanh chóng. 
Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp nhiều viện trợ nhất cho Việt Nam, đồng thời quan hệ chính trị và an ninh giữa hai bên càng lúc càng được tăng cường trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực củng cố các mối quan hệ khu vực nhằm tạo ra đối trọng với một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán. 
Phát biểu với các phóng viên trước lúc lên đường qua Việt Nam, ông Shinzo Abe – người vừa giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội Nhật hồi tháng trước với quan điểm cứng rắn trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, xác nhận : « Môi trường chiến lược trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hiện đang trải qua những chuyển biến năng động… Trong quá trình thay đổi này, quan hệ chặt chẽ hơn với các nước ASEAN sẽ góp phần duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, và điều đó là vấn đề lợi ích quốc gia của Nhật Bản. » 
Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng với nhau do tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát. Việt Nam và Trung Quốc cũng tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển Đông, với hàng loạt những hành động cứng rắn trong nhiều năm gần đây của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền Trung Quốc, bất chấp phản đối của các láng giềng, đặc biệt là của Việt Nam và Philippines.

Không có nhận xét nào: