Pages

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Xét lại hệ thống chính trị của Việt Nam


Benedicy J. Tria Kerkvliet
Australian National University

Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
  
Mặc dầu là một nước có một đảng, hệ thống chính trị của Việt Nam thông thường đáp ứng nguyện vọng của nông dân, công nhân, và những người người khác để cải thiện tình trạng kinh tế, xã hội, và chính trị.
Có nhiều thay đổi quan trọng trong 25 năm vừa qua – đặc biệt là thay thế nền kinh tế chỉ huy bằng nền kinh tế thị trường và bãi bỏ nông nghiệp tập thể bằng sản xuất gia đình – là kết quả của áp lực đòi hỏi thay đổi từ dưới lên trên mà giới lãnh đạo Đảng CSVN mặc nhận.
 
Tuy nhiên không rõ là Đảng CSVN và chánh phủ của đảng bây giờ có đáp ứng một cách thích đáng hay không đối với những đòi hỏi ngày càng nhiều về việc cải thiện hơn nữa đời sống của đa số dân chúng.
 
 
Hình (Reuters): Khoảng 1,000 nông dân biểu tình vào ngày 24-4-2012 để phản đối việc chiếm đoạt khoảng 500 mẫu đất nông nghiệp của hơn 4,000 gia đình tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, gần Hà Nội. Hơn 3,000 cảnh sát và công an thường phục đã được huy động để dẹp cuộc biểu tình. 20 dân làng đã bị bắt giam theo bài tường thuật vào ngày 26-4-2012 của AP: “Vietnam detains 20 following mass land eviction.”
Chứng cớ của những đòi hỏi như vậy có rất nhiều và nó có thểthấy được rõ ràng hơn so với giai đoạn từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1980 bởi vì trong giaiđoạn này những công dân Việt Nam ít khi công khai nói lên sự bất mãn. Bây giờ, gần như hàng ngày, những công dân chán ghét, thông thường tức giận, biểu tình trước những văn phòng của nhà nước và của Đảng CSVN tại Hà Nội, thành phố HCM và những nơi khác. Những người dân quẫn trí thường phải đi xa để hi vọng làm cho chinh quyền tỉnh hay quốc gia nghe những khiếu nại của họ, đọc những đơn thỉnh cầu và đáp ứng một cách thuận lợi đối với những sự phê phán của họ.
 
Trong những cuộc biểu tình, gồm từ vài chục người đến trên một ngàn người, những tham dự viên mang theo những tranh cổ động, trưng lên những biểu ngữ và phổ biến danh sách liệt kê những khiếu nại cho bất cứ ai họ có thể vươn tới. Họ thông thường mặc quần áo mang những hàng chữ hay những bức hình tóm tắt những khiếu nại và cầu xin của họ. Những sự chỉ trích của những người biểu tình liên quan thông thường nhất đến việc chiếm đoạt dất canh tác của họ bởi những viên chức địa phương và tỉnh và họ chỉ được bồi thường rất ít trong khi đó đất này được đem bán cho những nhà đầu tư và phát triển đất đai với những số tiền rất lớn và những nguồn lợi khác. Quan điểm chung của những người biểu tình là những viên chức tham nhũng này không chỉ cướp đất đai mà còn cướp cả cuộc sống của họ (2).
 
Trên Internet, người ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm chuyện, những bài bình luận và những cuộc phỏng vấn bởi và về người dân Việt chỉ trích đích danh những chính sách của chính phủ, những cơ quan và các viên chức. Internet cũng chứa đựng những bài tường thuật về công nhân đình công đòi được trả lương và điều kiện làm việc tươm tất. Ngoài ra, trên Internet còn có những bài tiểu luận của những người theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc chửi rủa chính phủ Việt Nam vì không làm gì nghiêm chỉnh để chống lại những cuộc xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam và bóc lột tài nguyên thiên nhiên trên đất nước Việt Nam của Trung Quốc.
 
Chính quyền Việt Nam có lắng nghe những lời chỉ trích chính trị công khai này và những chỉ trích khác hay không? Họ có đáp ứng một cách nhiệt tình và trách nhiệm hay không? Những cuộc thăm dò trên toàn quốc và những nguồn tin tức khác cho thấy rằng chỉ có vài cơ quan là tốt còn phần đông là không (3).
 
Chính quyền thiết lập những bức tường lửa để ngăn chặn những trang mạng phổ biến những tài liệu trái ngược với quan điểm và lợi ích của nhà nước.Những trang mạng cá nhân của những người chỉ trích không phải là những mục tiêu duy nhất. Nhà nước chiếu cố cả đến Facebook, mạng BBC tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do, Radio France Internale và một vài hệ thống truyền thông lớn trên thế giới. Trong khi những người Việt Nam khôn khéo có thể tìm cách vượt qua được những hàng rào cản của chính phủ, nhiều công dân khác bị chặn lại.
 
Tham nhũng trở nên lan rộng hơn một cách dễ chứng minh, không phải chỉ ở cấp địa phương mà còn ở những cấp cao nhất (4). Hàng loạt những chiến dịch của chính phủ, những chỉ thị và những bài diễn văn chống tham nhũng chỉ tạo được ít hiệu quả trong vài năm vừa qua.Theo những người chỉ trích và ngay cả một vài đại biểu Quốc Hội, một lý do quan trọng là những cơ quan phụ trách chống tham nhũng khoan nhượng tham nhũng hoặc chính các cơ quan này cũng tham nhũng. Một số người Việt thông thạo tin tức nói rằng ngay chính thủ tướng có những viên chức tham nhũng ở xung quanh và theo nhiều lời đồn đãi, ông ta quá giầu có so với những thứ mà lương của một viên chức suốt đời làm việc cho nhà nước có thể cung cấp.
 
 
Hình (Beijing Shots): Biểu tình tại Hà Nội vào ngày 1-7-2012 chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông.
Những vụ tịch thu đất đai (và nạn tham nhũng đi kèm theo) là mục tiêu của trên 70% của những khiếu nại trên giấy tờ mà những cơ quan của nhà nước đã nhận được trong những năm vừa qua. Tuy vậy, bản thảo của luật đất đai tu chính mà chính quyền đã phổ biến vào tháng 9, 2012 không đề cập gì đến đòi hỏi chính của những người chỉ trích là không được lấy đất của nông dân để làm lợi cho những người phát triển đất đai và đầu tư. Họ lập luận rằng nếu đất cần phải được thu hồi cho một dự án công – thí dụ xây cất xa lộ quan trọng hay một căn cứ quân sự – nông dân cần phải được bồi thường thỏa đáng.
  
Về vấn đề bang giao với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam nói rằng họ đang dùng những đường dây ngoại giao để đối phó với những vụ xâm nhập của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam tiếp tục công khai ca ngợi Trung Quốc là người bạn thân của Việt Nam, đổi xử với chính quyền Trung Quốc một cách kính trọng tột bực và với lễ nghi hoành tráng. Trong khi đó chính quyền Việt Nam lại đe dọa đồng bào của mình, những người tham gia biểu tình trong hàng trăm lần trong hai năm vừa qua để chống những hành động của Trung Quốc gây thiệt hại cho Việt Nam. Gần đây, một tòa án tại thành phố HCM đã xử hai người chống đối. Họ làm bài hát chỉ trích phản ứng của nhà nước Việt Nam đối với sự xâm nhập vào lãnh thổ của Việt Nam trong Biển Hoa Nam và kêu gọi người Việt tham gia những cuộc tập hợp để phản đối. Tòa xét thấy cả hai người này phạm tội phổ biến tuyên truyền chống nhà nước và kết án một người bốn năm tù và người kia sáu năm tù (7). Bản án này chỉ là một trong nhiều thí dụ cho thấy rằng, chính quyền Việt Nam bắn người đưa thư thay vì giải quyết những khiếu nại và phê bình chính đáng.
 
Còn có hi vọng rằng chính phủ của Đảng CSVN một lần nữa sẽ đáp ứng nhiều hơn và ít đàn áp hơn, mặc dù hiện tại triển vọng kém lạc quan hơn so với quá khứ.
 
Benedict J. Tria Kerkvliet là giáo sư danh dự của phân khoa Thay Đổi Chính Trị và Xã Hội của School of International, Political and Strategic Studies thuộc Australian National University. GS Kerkvliet viết khá nhiều sách về Việt Nam, trong đó có ba cuốn mới nhất là (a) The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy; (b) Beyond Hanoi: Local Governments in Vietnam; và (c) Getting Organized in Vietnam: Moving in and around The Socialist State.
  
© Nguyễn Quốc Khải
 
© Diễn Đàn Người Dân ViệtNam
 
—————————————–

Chú thích:
(1) Benedict J. Tria Kerkvliet, “The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy,” Cornell University Press, 2005.
(2) AFP, “Vietnam farmers protest land lost to satellite city,” February 10, 2012.
(3) Central Committee of the Vietnam Fatherland Front, Commission on People’s Petitions – National Assembly, UNDP, “Vietnam Provincial Governance and Public Administration Performance Index, 2011-2012.” 2012.
(4) Le Hong Hiep, “Vietnam’s fight against corruption: a self-defeating effort?” VNU, November 6, 2012.
(5) Vũ Hoàng, “Chống tham nhũng: 7 năm chưa kết quả,” RFA, 16-11-2012.
(6) Le Hong Hiep, “Vietnam confronts the Chinese ‘charm offensive’,” VNU, February 1, 2012.
(7) UPI, “Vietnam jails musicians for propaganda,” October 31, 2012

Không có nhận xét nào: