MINH CƯỜNG
Qua kinh nghiệm của lịch sử Việt Nam và nhiều quốc gia khác, lãnh đạo có thể là lực đẩy hoặc lực cản cho sự tiến lên của đất nước.
Năm 2013, hàng loạt trọng trách rất lớn sẽ đặt lên vai QH. Lá phiếu của các vị đại biểu do nhân dân tín nhiệm bầu lên sẽ quyết định nhiều vấn đề mang tính chất đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước trong vận hội mới, thực hiện nhiều việc chưa từng có tiền lệ… Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện đầu năm với luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu QH, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
. Phóng viên: Thưa ông, năm 2013, hàng loạt trọng trách rất lớn sẽ đặt lên vai QH và lá phiếu của từng đại biểu: Thông qua Bản Hiến pháp (HP) sửa đổi HP 1992, thông qua Luật Đất đai sửa đổi, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn… Tâm thế của ông cho những việc này trong năm mới như thế nào?
+ Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa: Tôi rất xúc động, cũng rất băn khoăn vì những công việc của QH năm nay và khóa 13 này thực chất là những thời cơ để Việt Nam tạo được một bước ngoặt trong công cuộc đổi mới đất nước. Phải đặt những công việc đang làm trong bối cảnh chung của đất nước và quốc tế để thấy tầm vóc và ý nghĩa của nó. Mục tiêu cao nhất của Việt Nam là xây dựng một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong một thế giới đang hội nhập và toàn cầu hóa, cạnh tranh nhau để làm cho đất nước văn minh, thịnh vượng.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, theo tôi, chúng ta phải giải quyết được ba yêu cầu bức xúc gắn kết với nhau hiện nay là dân chủ hóa xã hội, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Việc sửa đổi HP và hệ thống luật pháp phải tạo điều kiện pháp lý để đáp ứng được ba yêu cầu này trên thực chất. HP phải đặt “đường ray” pháp lý tiến tới một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh một cách thực sự và thực chất ngay từ bây giờ. Nếu không, việc sửa HP, sửa luật hay lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức, chỉ gây tốn kém, quan trọng hơn là làm mất thời cơ phát triển.
Tầm nhìn của lãnh đạo rất quan trọng
. Hiện toàn dân đang góp ý cho bản dự thảo sửa đổi HP 1992 (kéo dài từ ngày 2-1 đến 31-3-2013). Vậy cần làm gì để việc này phát huy tác dụng của nó?
+ Việc góp ý dự thảo HP cần phải được tiếp tục sau ngày 31-3-2013, thậm chí sau khi QH cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 tới đây. Riêng các đại biểu QH còn phải góp ý cho đến lúc bấm nút thông qua. Tuy nhiên, không kém quan trọng là cơ chế đánh giá, phân tích và tiếp thu các góp ý. Nó phụ thuộc vào nhận thức, tầm nhìn, quan điểm và cách làm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay.
Qua kinh nghiệm của lịch sử Việt Nam và nhiều quốc gia khác, lãnh đạo có thể là lực đẩy hoặc lực cản cho sự tiến lên của đất nước. Vua Tự Đức chẳng hạn, về cá nhân là người đạo đức tốt nhưng về chính trị là điển hình của một nhà lãnh đạo thiển cận, bảo thủ, triệt tiêu các động lực cải cách khiến đất nước suy yếu và dễ dàng thất thủ trước ngoại xâm. Đây là bài học cốt lõi của những người cầm quyền. Nhiệm kỳ của anh có thể qua nhưng lịch sử thì anh không xóa được.
Đại biểu QH Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường về Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo sửa đổi HP năm 1992 trong kỳ họp QH vừa qua.Ảnh: TTXVN
Mấy tháng qua, nhân dân, trong đó có nhiều vị cách mạng lão thành, nhân sĩ, trí thức và cả những người lao động bình thường đã góp nhiều ý rất tâm huyết, thiện chí và sáng suốt. Nhiều ý kiến chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết của dự thảo và vượt lên trên tầm của dự thảo. Tôi đề nghị phải có một bản dự thảo mới tiếp thu nghiêm túc những điểm đúng đắn, hợp lý trong những góp ý vừa qua. Như đã nói, đây là trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất, không chỉ là Ban Biên tập. Đây cũng không chỉ là trách nhiệm đối với việc ban hành một bản HP mà là với những thời cơ mới trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Bốn vấn đề cần lưu tâm khi sửa HP
. Theo ông, vấn đề nào cần được lưu tâm một cách thích đáng nhất cho bản HP sửa đổi lần này?
+ Có bốn nội dung và yêu cầu chủ yếu: Bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân, thể hiện qua quyền con người và quyền công dân; quy định các nguyên tắc cơ bản của chế độ chính trị là một chế độ cộng hòa, dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân; các quy định bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; các định chế của ba nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) có phân công rành mạch và kiểm soát lẫn nhau.
. Có ý kiến cho rằng cần lấy tinh thần bản HP 1946 soi rọi cho việc sửa đổi HP 1992 lần này. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
+ HP 1946 là một bản HP của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, với những ưu điểm và hạn chế chủ quan và khách quan của nó. Cái cần tiếp thu là những tinh hoa của bản HP ấy, không phải là những quy định cụ thể. Ví dụ, ta hay nói đến hạn chế của HP 1992 là việc trưng cầu ý dân không phải là quyền của dân mà là của QH. Trong khi HP 1946 quy định người dân có quyền phúc quyết về sửa đổi HP và những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia, nhưng xem kỹ thì quyền này chỉ được thực hiện khi có 2/3 tổng số nghị viên tán thành. Tôi ủng hộ việc khôi phục quyền phúc quyết của dân như HP 1946 nhưng phải khắc phục hạn chế này của HP 1946. Theo tôi, điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề của HP hiện nay chủ yếu từ thực tiễn và nhu cầu của đất nước trong bối cảnh của thế kỷ 21, với những kiến thức, thông tin và kinh nghiệm ở thời điểm hiện tại.
Làm hình thức = tốn kém + phản tác dụng
. Trong kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới, lần đầu tiên QH tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Sự kiện này rất thu hút sự chú ý của dư luận. Theo ông, cái khó mà các đại biểu QH sẽ gặp phải trong việc này là gì?
+ Theo tôi, cái khó chủ yếu là nhiều đại biểu QH mang nhiều chiếc mũ cùng một lúc: Vừa là đại biểu dân cử, vừa là công chức (của lập pháp, hành pháp hay tư pháp), vừa là cán bộ Đảng cao cấp của trung ương hay địa phương. Chưa kể các đại biểu QH được tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo theo từng đoàn ở mỗi địa phương. Nhiều trách nhiệm, cương vị, quan hệ và lợi ích chi phối lá phiếu của họ.
Về nguyên lý, khi đã là đại biểu dân cử thì dù là cán bộ, đảng viên, công chức hay thường dân thì đều phải đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên cao nhất. Bản thân tôi sẽ và tôi rất mong đa số đại biểu QH sẽ biết cách xử lý được tốt các mối quan hệ của họ để có một lá phiếu khách quan, trung thực, đúng trách nhiệm mà nhân dân đã giao phó.
. Cũng có người lo ngại việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm theo thời gian rồi cũng sẽ rơi vào hình thức. Ông nghĩ QH cần làm gì để gạt bỏ tâm trạng này?
+ Một điều quan trọng quyết định thành bại của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là đại biểu phải được cung cấp thông tin và tự mình thu thập thông tin đầy đủ, trung thực về những quan chức thuộc diện được lấy phiếu. Như tôi, ngoài báo chí, dư luận trong nhân dân, trong cử tri và cảm nhận của riêng tôi, tôi không có nguồn thông tin nào khác về việc hoàn thành trách nhiệm hay hiệu quả công việc của bộ trưởng bộ A hay bộ B chẳng hạn. Nếu không có đủ thông tin thì việc bỏ phiếu dễ bị cảm tính và chi phối bởi những lợi ích chủ quan. Do vậy, từ đây đến kỳ họp, lãnh đạo QH và Chính phủ phải có cách giúp các đại biểu khắc phục khó khăn này.
Lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là công việc mới của QH, làm tốt thì sẽ có tác dụng tích cực đối với toàn bộ hệ thống nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, nếu làm hình thức thì vừa tốn kém vừa phản tác dụng.
. Xin cảm ơn ông.
Nhân dân là người chủ thật sự của đất đai
. Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến nhân dân tiếp tục khẳng định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Vậy cần bịt những lỗ hổng nào trong luật sửa đổi tới đây để hạ nhiệt tình trạng khiếu kiện liên quan tới lĩnh vực này, thưa ông?
+ Ông Trương Trọng Nghĩa: Qua thăm dò dư luận của nhân dân, của cử tri và của một số đại biểu QH, Việt Nam nên đa dạng hóa sở hữu đất đai, có sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân đối với những loại đất đai khác nhau. Một chế định sở hữu đa dạng về đất đai là phù hợp và có nhiều ưu điểm để phát triển đất nước.
Luật Đất đai nhất thiết phải phù hợp với HP nên phải được sửa đổi sau khi có HP sửa đổi. Nếu HP vẫn khẳng định chỉ có sở hữu toàn dân về đất đai thì Luật Đất đai phải tuân thủ HP. Tuy nhiên, phải bảo đảm nguyên tắc: Nhân dân là người chủ của đất nước, của Nhà nước, cũng là người chủ của đất đai, không thể bị đối xử như những “tá điền” của Nhà nước. Dù đất đai có thể bị thu hồi vì lợi ích công thì cũng phải có quy định bảo đảm các quyền của người sử dụng đất và quy định chặt chẽ trách nhiệm của Nhà nước. Chỉ có như vậy mới khắc phục việc lạm dụng quyền lực để thu hồi đất đai tràn lan, tùy tiện, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của nhân dân và gây lãng phí lớn như vừa qua.
MINH CƯỜNG thực hiện
*****
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét