Pages

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

ĐẢNG CỘNG SẢN


Đặng TấnHậu
 
Mỗi năm, vào giờ phút giao thừa, tôi có lệ khai bút đầu xuân mặc dù tôi không phải là thi sĩ, văn sĩ hay ông đồ mà chỉ muốn ghi lại vài ý nghĩ. Những gì tôi viết đầu năm có tính cách nhìn về quá khứ để ôn cố tri tân hay tống cựu nghinh tân. Năm nay, tôi đặt bút viết vài dòng ôn lại bài học “thành hình” và “tan rã” của đảng cộng sản tại Nga Sô.
 
Có câu “mặt trời mọc hướng đông vào đầu thế kỷ 20 và lặn hướng đông vào cuối thế kỷ 20”. Quả thật vậy! Đảng cộng sản thành hình tại Nga Sô vào năm 1917 và tan rã cũng tại Nga Sô vào năm 1991. Lần lược, chúng ta ôn lại bài học lịch sử với niềm hy vọng VN không mắc phải lỗi lầm của chế độ cộng sản tại Nga Sô và VN sẽ có cơ hội thăng tiến trong năm Quý Tỵ 2013 với tinh thần “tự do, độc lập, ấm no và hạnh phúc” đúng nghĩa.
 
Vào thế kỷ thứ 8, người dân gốc Slaves từ Bắc Âu (Thụy Điển) di dân xuống phía nam hay phía đông Âu Châu chia làm 3 nhánh:
 
·         nhánh thứ nhất di dân về hướng tây, lập thành các quốc gia Ba Lan, Tiệp, Slovaquie dùng mẫu tự latin,
·         nhóm thứ hai di dân xuống phía nam, lập thành các quốc gia Serbie, Macédoine, Slovénie, Croatie, Bulgarie dùng chữ viết latin hay chữ thẳng (Hy Lạp),
 
·         nhánh thứ ba di dân về hướng đông, lập thành các quốc gia Nga Sô, Ukraine, Belarus, dùng chữ thẳng (Hy Lạp).
 
Người Nga lấy từ chữ Rous ám chỉ người lính Bắc Âu nên mới có danh từ Russia, Russe. Những người này di dân đến Kiev (thủ đô Ukraine) theo chính thống giáo (orthodox). Khi quân Mông Cổ tiến chiếm Kiev vào thế kỷ 13, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị Nga Sô lánh nạn sang Mạc Tư Khoa nên Mạc Tư Khoa trở thành thủ đô của xứ Nga.
 
Tưởng cần biết, vua Pierre le Grand có lần dời thủ đô từ Mạc Tư Khoa về St Peterbourg mà Liên Sô đã đổi tên lại là Leningrad; nơi này có trận đánh để đời giữa quân đội Đức Quốc Xã và Liên Sô trong thời kỳ đệ nhị thế chiến. Tóm lại, người Nga là người da trắng gốc Slaves ở Bắc Âu, theo chính thống giáo và dùng chữ viết thẳng (y như chữ Hy Lạp).
 
Người dân của ba xứ Nga Sô, Ukraine và Belarus không khác vì họ có cùng ngôn ngữ, lịch sử và tôn giáo (mặc dù có thời tiếng nói của cả 3 hơi khác). Dưới thời quân chủ, nước Nga có chế độ nô lệ khế ước (contract) nghĩa là người nô lệ có thể bán thân để phục dịch cho người chủ trong thời gian khế ước.
 
Mỗi năm vào tháng 11, người nô lệ có thể trở về đời sống tự do sau khi thanh toán nợ nần với chủ nhân. Nạn đói thường xảy ra tại Nga Sô mặc dù diện tích của nước Nga lớn nhất trên thế giới vì người nô lệ không hăng say làm việc (dại gì làm việc cho họ hưởng). Vua Alexander II nhận thức điểm này nên ông đã bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông để lại câu nói để đời “bãi bỏ chế độ nô lệ phải từ trên, đừng để từ phía dưới”. Tiếc thay! Ông bị giết chết vào năm 1881.
 
Cháu nội của ông là Nicolas II không những bãi bỏ chế độ nô lệ, lại còn cho nô lệ bầu quốc hội (Dumas), nhưng sự canh tân của ngài chậm trễ vì sự ngăn chận, phản đối đến từ 2 phía: phía quý tộc, địa chủ sợ mất tài sản (vì nô lệ được coi là tài sản), phía cộng sản (mới manh nha) sợ sự cải tổ thành công chận đứng con đường cộng sản làm cách mạng.
 
Thế chiến thứ nhất xảy ra vào năm 1914, đa số lính Nga là thợ thuyền, nông dân “nô lệ” nên họ không hăng say chiến đấu, nhất là số tử vong, tù binh, thương binh quá cao nên khi có biểu tình của dân chúng đòi sự công bằng, lương thực thì chính những người lính “nô lệ” quay súng bắn vào đám cảnh sát dẹp biểu tình, đưa tới cách mạng tháng 10 năm 1917 do Lenin lãnh đạo.
 
Sau 5 năm nội chiến giữa hai phe quý tộc và cộng sản, Lenin và nhóm Bolchevik đã chiến thắng và chính thức thành lập Liên Bang Soviet (hay Liên Sô) có diện tích lớn hơn diện tích của cả hai xứ Hoa Kỳ và Canada nhập lại. Dân Nga ủng hộ cộng sản vì Lenin tuyên bố tranh đấu cho tự do và công bằng, phân chia của cải, đất đai cho người nghèo.
 
Thực chất, Lenin áp dụng lý thuyết “không tưởng” của Karl Max và Engels dựa trên tình trạng xã hôị bóc lột trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ tại Anh Quốc. Lenin vừa tàn sát giới quý tộc, địa chủ như giết chết dã man hoàng hậu Alexandra, 4 cô công chúa và thái tử bị bệnh nan y sắp chết, vừa ban hành chính sách “quốc hữu hóa”, “hợp tác xã”, “không có quyền động sản và bất động sản”.
 
Nạn đói xảy ra dưới chế độ cộng sản vì dân chúng giết gà vịt, bò ngựa không để cho cộng sản ăn. Do đó, Lenin mới đưa ra đạo luật ngăn cấm người dân di chuyển từ làng này sang làng khác để dễ bề kiểm soát thông tin. Tóm lại, Lenin đã lên tiếng cho tự do, nhưng chính ông đã cướp mất tự do của người dân. Ông lên tiếng cho công bằng, nhưng chính ông đã cướp mất tài sản của người dân. Ông chính thức cầm quyền chỉ được hai năm thì chết vào năm 1924 vì bệnh tim.
 
Stalin là mật danh (y như Hồ Chí Minh là mật danh). Stalin dịch từ tiếng Nga là “sắt”, tức là bàn tay sắt giết người không gớm tay trong khi ông hoạt động bí mật cho đảng cộng sản. Stalin đã ký giấy hợp tác với nhà độc tài  Hitler theo “dân tộc chủ nghĩa” (y như Phạm Văn Đồng ký giấy bán nước) để ông ta có thời giờ tiêu diệt các đồng chí cộng sản mà ông không tin tưởng (y như Hồ Chí Minh bán đứng đồng chí của mình cho mật thám Pháp).
 
Hitler cho quân Đức tấn công Nga Sô vì muốn tiêu diệt dân Slaves là gốc của người Nga mà Hitler coi là giống dân hạ tiện, thấp hèn nên Stalin và dân Nga phải đoàn kết lại chống quân đội Đức Quốc Xã. Hitler thua trận đệ nhị thế chiến vì quân số không đủ để dàn trải khắp mặt trận tại Tây Âu, Đông Âu và Bắc Phi. Liên Sô trở thành cường quốc, là một trong 5 quốc gia có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc sau đệ nhị thế chiến.
 
Khrushev thay thế Stalin từ năm 1955 và chỉ cầm quyền đến năm 1964 thì ông bị đảo chánh lật đổ. Khrushev đã phạm phải lổi lầm lớn là gây ra chiến tranh”nóng” với Hoa Kỳ, chạy đua vũ khí, đưa hỏa tiển vào Cuba, lập hàng rào ngăn chia Đông Đức và Tây Đức, cấm quân đội Hoa Kỳ đi đường bộ vào Tây Đức do Hoa Kỳ kiểm soát. Chi phí quân sự của Liên Sô quá tải trong khi lương thực trong nước thiếu thốn nên ông bị đảo chánh.
 
Brejnev lên cầm quyền, thay thế Khrushev tại Liên Sô. Ông chủ trương sống chung hòa bình, ký hiệp ước với Hoa Kỳ giảm vũ khí nguyên tử như ký hiệp ước Salt-1 (Strategic Arms Limitation Talks) vào tháng 5, 1972 tại Mạc Tư Khoa, Liên Sô.
 
Brejnev áp dụng chính sách “sống lâu lên lão làng”, “thăng chức dựa trên sự quen biết”. Số đảng viên gia tăng lên đến 17 triệu người vì thẻ đảng bảo đảm có công ăn việc làm, nhưng không có sự thăng tiến vì các vị lão thành không chịu về hưu và các công việc tốt đều nằm trong tay con cháu của các ông.
 
Tóm lại, thời kỳ Brejnev là thời kỳ “hưởng thụ” của đảng viên cộng sản. Chế độ áp dụng trung ương tập quyền, quốc hữu hóa xí nghiệp và hợp tác xã. Báo cáo láo để thăng tiến vì không có ai kiểm soát. Kết quả, chi phí quân sự vẫn cao vì quyền lực của quân đội, sản xuất yếu kém, thực phẩm thiếu thốn.
 
Người dân thấy tương lai mờ mịt nên sinh ra tệ nạn rượu chè và xảy ra các tội phạm trong xã hội. Brejnev ra lệnh cấm uống rượu, cho đốt vườn nho. Sự việc lại còn tai hại hơn nữa vì chính các quan chức cộng sản buôn rượu lậu, tội phạm tiếp tục gia tăng, chính phủ lại mất tiền đánh thuế vào các vườn nho và hãng rượu.
 
Brejnev chết năm 1982. Bộ chính trị chỉ có mấy ông lão thành già nua trên 70 tuổi. Tướng Andropov lên thay thế, chỉ cầm quyền vài tháng là đi theo Mác Lê. Người kế tiếp là ông Chernenko lại còn già hơn tướng Andropov nên thủ tướng Anh là bà Thatcher sau khi đi dự đám tang ông Andropov, bà đã điện thoại cho tổng thống Reagan Hoa Kỳ là bà sẽ trở qua Mạc Tư Khoa năm sau vì bà tin ông Chernenko sẽ chết trong vài tháng.
 
Quả thật vậy! Ông Chernenko cũng chỉ cầm quyền được vài tháng là đi theo ông Andropov. Ông Gorbachev được coi là người trẻ tuổi nhất trong bộ chính trị, ông lên cầm quyền lúc 58 tuổi. Thế hệ Gorbachev chịu ảnh hưởng ít nhiều “mùa xuân Prague 1968” với tinh thần “kinh tế thị trường” là điều mới mẻ cho những người dân sống sau bức màn sắt Liên Sô.
 
[Tưởng cần nhắc lại, chính người Tiệp đã mang chế độ cộng sản vào Tiệp Khắc sau đệ nhị thế chiến, chứ không phải Liên Sô áp đặt như trường hợp các quốc gia khác. Các nhà lãnh đạo cộng sản tại Tiệp đã thấy chính họ sai lầm nên họ muốn chính họ phải sửa lỗi lầm mà họ đã gây ra cho đất nước. Họ mới làm cuộc cải tổ đi theo “kinh tế thị trường”, nhưng sự cải tổ đã bị quân đội Liên Sô đàn áp và tiêu diệt].
 
Gorbachev là người bảo vệ đảng cộng sản tại Liên Sô, nhưng muốn phát triển kinh tế. Ông nhận thấy “không một ai biết sự chi tiêu của quân đội” như thế nào trong khi thực phẩm thiếu thốn trong nước. Người dân “xếp hàng cả ngày” trước các tiệm quốc doanh mà trong đó, các quầy hàng đều trống không.
 
Ông muốn trung ương tập quyền, nhưng phải cải tổ làm việc gọi là Perestroika để làm việc có hiệu quả.  Muốn có hiệu quả thì công việc, chi tiêu phải rõ ràng, trong sáng gọi là Glasnost. Lẽ tất nhiên, ông gặp sự chống đối của phe bảo thủ chủ trương “tham nhũng”, buôn lậu và không muốn ai biết việc làm “mờ ám” của họ (y như tình trạng đất nước VN ngày nay).
 
Nhưng, vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl vào ngày 26.4.1986, báo chí không được thông tin; trong khi chất phóng xạ đã bay khắp nơi làm thiệt mạng nhiều người nên đưa tới sự quyết định cứng rắn của ông Gorbachev trong việc cải cách “tái cấu trúc” (Perestroika) và “trong sáng” (Glasnost).
 
Tuy nhiên, sự quyết định chậm chạp, do dự của Gorbachev đưa tới quân đội đảo chánh vào ngày 18.8.1991 nhằm chống lại sự cải tổ của ông Gorbachev nên đưa tới chấm dứt cuộc đời chính trị của Gorbachev cầm quyền được 6 năm (1985-1991).
 
Ông Yeltsin là người lãnh đạo “tỉnh bang Nga Sô”, yêu chuộng tự do dân chủ. Ông đã lợi dụng thời cơ đứng lên chống lại quân đội đảo chánh. Ông tách “tỉnh bang” Nga Sô ra khỏi Liên Sô và đưa đất nước Nga Sô vào con đường tự do dân chủ. Ông Yeltsin là vị tổng thống đầu tiên của nước Nga tự do. Ông cầm quyền được 8 năm từ 1991 đến 1999.
 
Tóm lại, theo tài liệu “Hắc Thư Về Chủ Nghĩa Cộng Sản” (le livre noir du communisme), đảng cộng sản đã giết chết hơn 100 triệu người và còn tàn ác hơn bất cứ chế độ độc tài nào tự cổ chí kim. Chúng ta học được bài học gì vào thế kỷ 20 tại Nga Sô?
 
Bất cứ cái gì cũng phải qua 4 giai đoạn “thành-trụ-hoại-diệt”. Nói theo kinh tế học là “bắt đầu, phát triển, bảo hòa và suy thoái”. Thí dụ, Lenin và Stalin là giai đoạn bắt đầu, Khrushev là giai đoạn phát triển, Brejnev là giai đoạn bảo hòa, Gorbachev là giai đoạn suy thoái.
 
Triều đại Nicolas II là giai đoạn “suy thoái” của chế độ quân chủ. Nếu Nga Hoàng Alexander II không bị ám sát, nếu vua Nicolas II dám canh tân “bãi bỏ chế độ nô lệ” nhanh chóng thì chế độ quân chủ có thể còn tồn tại ở xứ Nga cho đến ngày nay như trường hợp Anh Hoàng và Nhật Hoàng vì sự cải tổ có thể kể là giai đoạn bắt đầu, “thành hình” trở lại cho thể chế mới.
 
Nhìn về đất nước VN, chúng ta thấy được những gì?
 
1.      CSVN có nhân danh tự do để cướp mất tự do của ngưởi dân? [lường gạt người nhẹ dạ]
2.      CSVN có nhân danh công bằng để cướp mất tài sản của người dân? [luật bất động sản và dân oan khiếu kiện]
3.      CSVN có áp dụng chế độ mâu thuẩn “trung ương tập quyền” và “kinh tế thị trường”? [tạo ra tham nhũng]
4.      CSVN có làm tay sai cho Trung Cộng? [công hàm Phạm Văn Đồng và bắt giam những người yêu nước]
5.      CSVN có theo chính sách “sống lâu lên lão làng” và “bè phái”? [tiêu diệt tài năng của giới trẻ]
6.      CSVN có hệ thống đào tạo chuyên viên nói láo và báo cáo láo? [việc làm không trong sáng và không rõ ràng].
7.      CSVN có kiểm soát thông tin? [khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế vì thiếu thông tin].
8.      CSVN có áp dụng chính sách 2 người làm cùng 1 công việc? [thí dụ, đảng CSVN và ban hành pháp; đó là gánh nặng cho người dân].
9.      CSVN có bắt quan tòa xử phạt theo bản án định sẳn? [luật rừng nên cha Lý ị vào quan tòa CSVN].
10.  CSVN có quốc hội gồm các dân biểu do đảng cử và bắt dân bầu? [nhà cầm quyền CSVN không phải của dân, do dân và vì dân].
 
Nếu chúng ta trả lời “CÓ” cho 10 câu hỏi trên thì chúng ta phải hiểu là đảng CSVN đang trong thời kỳ “suy thoái”. Người trí sẽ tìm cách “cải tổ” mau lẹ để xã hội không đào thải họ y như trường hợp đã xảy ra dưới thời Nga Hoàng vào đầu thế kỷ 20 và đảng cộng sản tại Nga Sô vào cuối thế kỷ 20.
 
Tôi hy vọng người cộng sản VN không quá ngu đần đến đổi “sửa rồi sai, sai rồi lại sửa, càng sửa lại càng sai”, vừa mất thời giờ, vừa mất cơ hội cho dân tộc VN thăng tiến cùng nhân loại trên thế giới. CSVN chỉ có con đường duy nhất là bãi bỏ điều 4 Hiến Pháp, phân quyền giữa tư pháp với hành pháp và chấp nhận đa nguyên đa đảng nếu muốn được sống còn.
 
Kết luận, sử gia người Nga Andrei Amalrik đã tiên đoán đảng cộng sản sẽ bị giải thể vào năm 1984 tại Liên Sô. Ông là tác giả quyển sách “ L’Union Soviétique survivra-t-elle en 1984?” (Liên Sô có thể tồn tại vào năm 1984?) thì đúng 7 năm sau, lời tiên đoán của ông đã trở thành sự thật.
 
Cho đến giờ phút này, CSVN vẫn còn lây quây trong vụ kiểm soát tham nhũng mặc dù ai cũng biết anh nào kiểm soát tham nhũng thì cũng chỉ có 1 đảng, 1 người thì công việc kiểm soát kể như vô ích. Nói theo Gorbachev là “tổ chức không có tái cấu trúc” và “việc làm không có trong sáng” thì việc làm không hiệu quả và sẽ bị sa thải trước đà tiến hóa của nhân loại.
 
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng thư ký của đảng CSVN, muốn kiểm soát Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng nỗi tiếng tham nhũng, bao che đồng bọn, rút ruột các tổ chức công và ngân hàng. Nhưng, Nguyễn Phú Trọng không dám đụng đến Ba Dũng vì ông này có lực lượng quân đội và công an hậu thuẩn. Tưởng cần nhắc lại, Ba Dũng vừa mới thăng chức cho 48 tướng công an vào cuối năm 2012 để tăng cường phe cánh.   
 
Nguyễn Tấn Dũng cho Nguyễn Phú Trọng thành lập ban kiểm soát “tham nhũng” do ông Nguyễn Bá Thành làm trưởng ban, nhưng chắc chắn việc làm cũng không đi đến đâu mặc dù ông Trọng hay ông Thành có được chứng cớ việc làm tham nhũng, thụt két của ba Dũng vì hai lý do:
 
·         Ba Dũng có thể thủ tiêu ông Trọng (hay ông Thành), còn chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ là người bù nhìn của đảng CSVN;
 
·         Ô. Trọng phải nhắm mắt để cho Ba Dũng tham nhũng nhằm bảo vệ quyền lợi của đảng CSVN y như trường hợp “theo TC thì mất nước, theo HK thì mất đảng”.
 
CSVN chỉ có con đường làm “Lê Chiêu Thống” tay sai cho Trung Cộng; điển hình là CSVN không dám phạm húy nói đến TC mà chỉ dám nói “tàu lạ” khi tàu TC bắt người dân VN”.
 
Nhân dịp đầu năm âm lịch, tôi cầu nguyện hồn thiên sông núi giúp cho dân tộc VN thoát khỏi chế độ bạo tàn độc đảng CSVN. Tôi cầu chúc bà con trong nước có được đời sống tự do dân chủ, độc lập, ấm no và hạnh phúc “thật sự”, nhất là các nhà đối kháng trong nước được sớm thả ra để trở về sum hợp cùng với gia đình và vợ con trong dịp đầu năm Quý Tỵ 2013.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét