Hiền Vy, thông tín viên RFA
Phần đông giáo dân Việt Nam ở thành phố Houston tiểu bang Texas đã tỏ ra ngạc nhiên, xúc động và khâm phục Đức Giáo Hoàng Benedict 16 khi ngài tuyên bố thoái vị.
Sáng thứ Hai, ngày 11 tháng Hai năm 2013, nhằm ngày mùng 2 Tết Quí Tỵ, khi miền Đông Bắc nước Mỹ vẫn đang chìm trong trận bão tuyết và Houston với những cơn mưa Xuân thì tin Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16 tuyên bố thoái vị, được truyền đi trên các hệ thống truyền thanh, truyền hình cũng như trên internet làm giáo dân Công giáo nhiều nơi trên thế giới ngỡ ngàng và xúc động.
Một cái gương cho những người phục vụ trong GHCG
Kỹ sư Trịnh Tiến Tinh cho biết, khi nghe tin Đức Giáo Hoàng thoái vị, ông rất sửng sốt:
"Phải nói là sửng sốt vô cùng bởi vì từ trước đến giờ tôi chưa từng nghe đến vụ ĐGH thoái vị bao giờ. Cho đến khi nghe tin này thì tôi mới biết được là trước đây cũng đã có một vị giáo hoàng đã thoái vị, khoảng năm 1293. Tôi nghĩ đây là một cái điềm gì, hay là một cái gì đã báo cho biết là sắp có một sự thay đổi rất là lớn, không những cho Giáo hội Công giáo mà còn có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi của cả toàn cầu nữa.
Nhưng suy nghĩ lại thì tôi thấy đây cũng là một cái ơn đặc biệt mà Chúa soi sáng cho Ngài để Ngài nghĩ đến giáo hội và Ngài từ chức bởi vì Chúa soi sáng khi Ngài còn đủ sáng suốt để biết rằng sức khỏe không cho phép Ngài để phục vụ gần hai tỉ người Công giáo trên hoàn cầu thì Ngài mới nhường chỗ cho người có sức khỏe hơn, có thể là đầu óc còn minh mẫn hơn. Đây là cái gương sáng cho tất cả những người phục vụ trong giáo hội Công giáo noi theo".
Chúa soi sáng khi Ngài còn đủ sáng suốt để biết rằng sức khỏe không cho phép Ngài để phục vụ gần hai tỉ người Công giáo trên hoàn cầu thì Ngài mới nhường chỗ cho người có sức khỏe hơn, có thể là đầu óc còn minh mẫn hơnKỹ sư Trịnh Tiến Tinh
Còn nhà báo Nguyễn Phi Thọ nói rằng sự thoái vị của Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16 là do sức khỏe của Ngài nên không có
gì lạ:
"Chuyện Đức Giáo Hoàng từ nhiệm là chuyện rất đặc biệt nhưng mà theo tôi thì đến 90% là do sức khỏe. Ngài không điều hành Giáo hội nổi thì sự từ nhiệm cũng là điều tốt thôi. Chuyện đó bình thường thôi chứ không đến nỗi gì mà người ta lại làm lớn chuyện. Mấy năm gần đây, Ngài rất là yếu, Vatican đã nói trước rồi, nhưng Ngài vẫn cố làm việc thôi!"
Bà Vũ Thanh Thủy, giám đốc đài phát thanh Saigon-Houston chia sẻ rằng bà cũng rất sửng sốt và giao động khi nghe tin Đức Giáo Hoàng thoái vị. Tuy nhiên khi bình tâm lại thì bà nhận thấy Ngài là người rất can đảm và khiêm tốn khi quyết định thoái vị:
"Chính vì hành động này của Ngài, càng nghĩ kỹ thì càng thấy Ngài là người rất can đảm và rất khiêm tốn mới tự nhận biết mình và tự thú nhận cái sự hạn hẹp của con người như vậy. Cho nên tôi nghĩ là Đức Giáo Hoàng đã làm một cái gương rất là khó làm cho các vị lãnh đạo trên thế giới vì đường tâm linh, đường đạo không hề bị ai chống phá, không hề bị ai đảo chánh, lật đổ hay là tranh chấp mà Ngài còn tự nhận ra, tự biết mình như vậy để mà thoái vị, nhường chỗ cho người thích hợp hơn với thời đại mới. Đó là cái gương rất là cần thiết cho thời đại ngày nay, nhất là đối với những người lãnh đạo ở ngoài đời"
LM Vũ Thành, nguyên Chủ tịch Cộng đồng Công Giáo Việt Nam, Tổng giáo phận Galveston - Houston, chia sẻ cảm tưởng của ông, trước tin Đức Giáo Hoàng thoái vị:
Linh mục Bác sĩ Phạm hữu Tâm cho biết là khi đọc được tin Đức Giáo Hoàng Benedicto thứ 16 thoái vị, qua internet, ông không tin đó là sự thật. Nhưng sau khi phối hợp với những nguồn tin khác và biết là tin chính xác thì ông cho rằng quyết định của Đức Giáo Hoàng rất dũng cảm:
...không hề bị ai đảo chánh, lật đổ hay là tranh chấp mà Ngài còn tự nhận ra, tự biết mình như vậy để mà thoái vị, nhường chỗ cho người thích hợp hơn với thời đại mới. Đó là cái gương rất là cần thiết cho thời đại ngày nay, nhất là đối với những người lãnh đạo ở ngoài đờiBà Vũ Thanh Thủy
"Hành động của Ngài rất là dũng cảm bởi vì Ngài thấy có những cái hậu quả, đồng thời nó có những cái điều mà có thể mang nặng đến cho Ngài nhưng mà Ngài vẫn dũng cảm để làm chuyện này, sau khi Ngài đã suy nghĩ, cầu nguyện chín chắn.
Hành động của Ngài là một hành động cách mạng, bởi vì lâu nay phần đông tín hữu cũng như nhiều người trên thế giới nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 là một người rất bảo thủ, hay gò bó trong những truyền thống của giáo hội. Tuy nhiên hành động lần này đi ngược lại cái truyền thống thông thường của Giáo hội,
như chúng ta thấy, là khoảng 700 năm nay thì chưa có vị Giáo hoàng nào từ nhiệm. Cho nên chúng ta thấy vị Giáo hoàng này không phải là một vị Giáo hoàng bảo thủ nhưng Ngài có cái nhìn rất là cách mạng về cái tiến trình của giáo hội.
Ngài có tình yêu sâu xa cho Giáo hội. Một ngôi vị Giáo Hoàng trông coi 1.2 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới là một trách nhiệm rất nặng nề. Có lẽ Ngài thấy nhu cầu của Giáo Hội bây giờ rất là rộng lớn, đặc biệt là xã hội bây giờ đi ngược chiều với giá trị của tin mừng và Ngài cảm thấy sức khỏe của Ngài không cho phép Ngài có thể đối đầu, cũng như có thể đáp ứng những nhu cầu của giáo hội. Vì vậy tôi nghĩ, khi từ chức như vậy thì Ngài hy vọng có một người trẻ hơn lên thay thế Ngài, sẽ đáp ứng những nhu cầu này của Giáo hội cho nên tôi thấy Ngài có một tình yêu sâu xa cho giáo hội trong cái quyết định này của Ngài"
Trước những lời đồn đoán cũng như bàn tán về vị Giáo Hoàng tương lai, LM Phạm Hữu Tâm tâm sự rằng không dễ gì để có Giáo Hoàng gốc Á Đông vào thời điểm này:
"Trong Hồng Y Đoàn - tức là những vị có tư cách; thứ nhất là để được chọn lựa làm Giáo hoàng, thứ hai là những vị có thể bỏ phiếu cho những người khác làm giáo hoàng - có rất nhiều vị Hồng Y từ Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Cho nên thời gian sau này có rất nhiều lời đồn đóan, hy vọng là vị Giáo hoàng kế tiếp sẽ không phải là từ khối Âu Châu. Những vị Hồng Y từ các nước Á Đông hay Châu Mỹ La Tinh hay Phi châu thì tôi nghĩ chưa có sự quen biết cũng như chưa có uy tín rộng lớn đối với tất cả các vị hồng y trong hồng y đoàn mà muốn được bầu thì phải có uy tín với nhiều người thì mới được bầu. Cho nên mong muốn thì có mà có lẽ hy vọng thì không"
Còn LM Vũ Thành thì cho rằng những đức Hồng Y của Hoa Kỳ cũng có nhiều hy vọng được tiến cử:
"Các Hồng Y của Mỹ bây giờ làm việc bên Roma cũng nhiều, chẳng hạn như đức Hồng Y Daniel DiNardo của Houston, Ngài cũng mới ngoài 50, hay là đức Hồng Y, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ ở New York. Nhưng mà cái gì cũng vậy, người ta nhắm đến một người có khả năng để có thể chịu đựng được tất cả sức ép của thời đại bây giờ. Tức là người có thể lý cũng như tâm lý vững mạnh"
Trong niềm xúc động của nhiều người trước tin thoái vị của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16, chúng tôi xin mượn lời của bà Vũ Thanh Thủy để chấm dứt phóng sự này:
"Với sự thay đổi, những biến chuyển quá nhanh của các vấn đề trên thế giới, chuyện gì cũng có thể xảy ra cả. Riêng trong chuyện Đức Giáo Hoàng thì càng suy nghĩ tôi càng thấy là Ngài đang muốn dạy cho tất cả chúng ta một bài học về sự tự xét lại mình và tự nhận biết mình. Biết được khả năng của mình, biết được sự hạn hẹp của con người và khiêm tốn chấp nhận điều đó và nên vì quyền lợi chung của tập thể hơn là quyền lợi cá nhân"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét