Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Hiệp định hòa bình 1973: viên thuốc độc bọc đường



VRNs – Sài Gòn – Trong ánh nắng dịu dàng của buổi sáng bên trên không phận của cánh rừng già U Minh dày đặc nằm ở cuối hành lang xâm nhập Hồ Chí Minh – nơi Cộng Sản Bắc Việt đặt mật khu để quấy phá miền Nam và vi phạm Hiệp định Đình chiến Geneve 1954 – các phi công trực thăng Mỹ đang giữ cho tàu đứng nguyên chỗ để cố chong mắt tìm dấu hiệu bãi đáp mà hai bên đã quy định. Nhận ra được một vuông đất rừng phát quang nho nhỏ, chiếc máy bay sà xuống thảm cỏ xanh đẫm sương để đón người khách quý. Với bàn chân của kẻ từng trải nhiều tháng năm ở rừng già, người khách trèo lên tàu để máy bay đón trở lại Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất. Ngày hôm sau, trong bộ quân phục kaki tươm tất, ông tướng Việt Cộng ung dung bước lên chiếc xe Hoa Kỳ để được rước ra thành phố Sài Gòn.

Vừa đánh nhau sứt đầu mẻ trán tối hôm qua, sáng hôm nay đã cặp kè nhau và chiều chuộng nhau còn hơn nhân tình mới gặp. Đó là phần kết thúc kỳ lạ của một cuộc chiến tranh lạ kỳ. Nếu mọi chuyện ăn khớp với kế hoạch, trong những ngày kế tiếp còn nhiều mống tướng lãnh Việt Cộng của Hà Nội tung tăng lội trên phố xá thủ đô Sài Gòn. Đối với các chiến binh đã thừa sống thiếu chết để kinh qua cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, buổi hừng đông của nền hòa bình Việt Nam còn khó tin hơn giáo điều chủ thuyết Cộng sản. Vừa rồi, các bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ, Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam cũng như của Việt Cộng đã hội tụ với nhau ở thủ đô nước Pháp, để được những nhân viên dẫn chỗ trịnh trọng mang cà vạt trắng mặt trơ như phỗng đá đón chào vào sảnh đường nơi các nhà thương thuyết quần thảo nhau suốt bốn năm tám tháng – để ký bản hiệp định đình chỉ chiến sự. Bản hiệp định mang chữ ký của 4 phe: quốc gia Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Williams P. Rogers, Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) với chữ ký của Ngoại trưởng Trần Văn Lắm, Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (Bắc Việt Nam) do Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) do Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình. Như thế, đây là một bản hiệp định tréo cẳng ngỗng, mang 4 chữ ký của chỉ hai nước, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Đơn phương ngồi vào bàn với ba người Việt Nam, nhưng người Mỹ đã đặt chữ ký ghi chiến tích của họ trước khi bỏ chạy, và 3 người Việt Nam đã cùng ký để cùng nhìn nhận cái thua.
 
*Cuộc bỏ phiếu bằng chân lịch sử*
Năm 1954, Hiệp định Đình chiến Genève (tức Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam) được ký kết mang tính thuần túy quân sự, quy định việc rút quân, tập trung quân, thời hạn chuyển quân thay mà không có các giải pháp chính trị hay hướng dẫn, ràng buộc việc thực thi bầu cử. Bản thân Hiệp định Genève 1954 không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Chỉ trừ bản *“Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”* đề ngày 21/7/1954, trong đó Điều 7 gợi ý một cách vô thưởng vô phạt rằng một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956 – nhưng văn kiện quốc tế nầy lại không có giá trị pháp lý vì không mang chữ ký của bất cứ nước nào.
Vì không có đủ phương tiện cho tất cả những người muốn bỏ Việt Cộng để vào Nam nên chính phủ Pháp phải kêu gọi các nước khác giúp tàu biển để chuyên chở người di cư. Ngày 4/08/1954, cầu hàng không được thiết lập để nối phi trường Tân Sơn Nhứt ở Sài Gòn với các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Cát Bi, Hải Phòng của miền Bắc. Tại Tân Sơn Nhất, cứ mỗi 6 phút có một chuyến bay hạ cánh, mỗi ngày mang vào nam từ 2.000 đến 4.200 người di cư. Tổng kết cầu không vận đã lập kỷ lục 4.280 lượt hạ cánh, vận tải 213.635 người. Ngoài biển, tàu thủy quốc tế mang vào nam 555.037 người. Do số người muốn di cư quá đông, Cao uỷ Pháp đã đề nghị với Hà Nội xin gia hạn thêm ba tháng nên ngày cuối thay vì 19/05 được dời lui thành 19/08/1954. Nhờ thời gian gia hạn nầy, có thêm 3.945 người đã kịp rời miền Bắc. Cạnh đó, còn có thêm 102.861 người khác đã di cư tự túc bằng đường bộ hoặc bằng đường biển.
Tóm lại, việc thi hành Hiệp định Đình chiến Genève đã hoàn tất khi hai miền bắc và nam Việt Nam thỏa thuận chọn sông Bến Hải làm làn ranh tạm thời để trở thành 2 quốc gia độc lập và riêng biệt, và đợt di cư khổng lồ kết thúc bằng cuộc bỏ phiếu bằng chân lịch sử khi chuyến tàu biển chót cập bến Sài Gòn vào ngày 16/08/1954.

*Lật lọng tại miền Nam*
Sau khi hai miền được phân định xong, phía Cộng sản không để nhân dân miền nam an hưởng hòa bình được lâu. Ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Tây Ninh, Cộng sản miền bắc dựng lên cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam – một cái tên ma để đặt cho binh sĩ miền bắc vượt vĩ tuyến 17 vào nam gây chiến. Với danh nghĩa MTGPMN, Hà Nội nói rằng các vụ tấn công vũ trang tại miền nam là do nhân dân miền nam nổi dậy. Trên thực tế, bộ đội Bắc Việt trước khi vào nam đã được cấp giấy tờ tùy thân giả, để che mắt quốc tế và đánh lận tinh thần Hiệp định Geneve 1954.
Cuộc chiến lan rộng nhanh. Vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Dwight Eisenhower, Mỹ chỉ có 875 cố vấn quân sự tại Việt Nam, nhưng tới ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, 22/11/1963, con số ấy vọt lên16.263 người. Chính phủ và quân đội miền nam khó lòng triệt hạ hết các cuộc tấn công vũ trang của bộ đội miền bắc đội lốt MTGPMN. Lời kêu gọi trợ giúp quân sự của miền nam VN tới Washington đã được đáp ứng, và đáp ứng quy mô. Ngược lại, Việt cộng bắt đầu tấn công các nơi Mỹ đóng quân, giết chết nhiều cố vấn và binh sĩ. Tổng thống Johnson ra lệnh TQLC thiết lập các vị trí phòng thủ quanh phi trường Đà Nẵng và Chu Lai. 8g15 sáng 8/03/1965, đơn vị TQLC Mỹ đầu tiên gồm 5.000 quân đổ bộ ở bờ biển Nam Ô phía tây Đà Nẵng, mở đầu 8 năm tham chiến với thời điểm cao nhất có quân số tăng gấp 100 lần, tới nửa triệu tay súng. Nếu chi phí quốc phòng Mỹ dành riêng cho chiến tranh Việt Nam tài khóa 1966 là 4,7 tỉ đô la, qua năm 1967 đã tăng lên 30 tỉ, gấp 6 lần rưỡi, làm hậu phương Hoa Kỳ bị kinh tế suy thoái, thâm thủng ngân sách, vật giá cả tăng vọt, lạm phát vượt mức kiểm soát. Ngày 15/4/1967, khoảng 40.000 người kể cả những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam tụ tập nhau về thủ đô Washington để biểu tình phản đối chiến tranh. Qua tháng Mười, nhiều cuộc biểu tình khác nhằm chống chiến tranh lan rộng khắp nước Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Như họ công khai nhìn nhận sau khi chiếm được miền nam vào năm 1975, tới cuối năm 1967, bộ đội và thanh niên xung phong miền bắc đã vượt Trường Sơn mang vào chiến trường miền Nam hàng trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thực phẩm, thuốc men. Ngoài ra chỉ trong năm 1967, Hà Nội đã cải danh trên 94.000 bộ đội miền Bắc thành các trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng chuyên môn để gởi vào chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên, chiến trường Tây Nguyên và đồng bằng Cửu Long, nâng tổng số chủ lực quân của họ tại phía nam vĩ tuyến 17 lên 220.000 người.
Nhưng Tết Mậu Thân sắp mở ra một lối thoát cho cuộc chiến đang cù nhầy, dậm chân tại chỗ từ 1965. Chiến trường cù cưa bất phân thắng bại từ lâu nay làm các nhà lãnh đạo đôi bên phải khó phủ nhận việc đạt một chiến thắng quân sự là điều không tưởng, trong bối cảnh hiện tại và tương lai trước mắt. Các tổn thất của phía Cộng sản đang leo cao, cho thấy tình hình chưa đủ chín muồi cho việc lật đổ chính quyền Sài Gòn bằng quân sự. Nhưng Cộng sản có những nhà kế hoạch thích làm chuyện bất ngờ kết hợp với việc đánh thí quân. Nghĩ rằng Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh không có đường ra và không biết làm sao kết thúc, và chính phủ Mỹ không còn chọn lựa nào ngoài việc nhắm mắt tiếp tục tăng quân và tăng chi phí quân sự, tổng bí thư Lê Duẫn quyết định đến lúc phải tạo

*“Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị” *
Để xoay chiều cục diện chiến tranh, thúc ép Mỹ phải xuống thang và đàm phán ngưng chiến. Từ ngày 20 tới 24/10/1967, Quân ủy Trung ương phê chuẩn phương án tổng công kích Mậu Thân do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo và Bộ Chính trị thong qua. Hà Nội còn thỏa thuận ngừng bắn vào dịp tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc, để rồi chính họ lợi dụng tinh thần vui xuân của quân dân miền nam, đồng loạt khai hỏa ở khắp các thành thị miền nam. Dù bất ngờ vì đã thỏa thuận ngưng chiến, và bị đánh vào ngày tết thiêng liêng của dân tộc, nhưng phía VNCH đã quyết liệt phản công, để chỉ thất thủ thành phố Huế trong chưa đầy một tháng. Cuộc phản công của miền nam cũng đã nổ ra đồng loạt, để Hà Nội phải họp để tự đúc kết các nguyên nhân thảm bại của họ:
(1) khi lập kế hoạch tấn công, đảng Cộng sản đã không đánh giá đúng tình hình thực tế và thực lực quân đội miền nam để cả tin rằng khi họ đánh vào các thành thị, dân chúng sẽ nổi dậy cướp chính quyền VNCH,
(2) các cấp chỉ huy chiến đấu của Việt cộng quá tự tin, không dự trù việc rút lui, dẫn tới việc tác chiến thụ động, nhất là kế hoạch tấn công đã bị lộ và phía VNCH đề phòng và chuẩn bị đón đánh, nên họ càng thiệt hại lớn. Tổng kết điều mà họ gọi là “chiến thắng Mậu Thân 1968”, phía Cộng sản có 44.824 chết, 61.267 bị thương, 5.776 mất tích và đi lạc, 912 bị bắt, 416 đầu hàng và 10.899 bộ đội đào ngũ. Chính ông chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 – đơn vị chủ lực đánh chiếm Huế và giữ Huế 25 ngày – cũng phải thú nhận 10 năm sau về cú đánh lén: *““B”ộ đội đói,” “trời mưa tầm tã,” đ”ịch mạnh quá trong khi ta lại yếu, gạo không đủ thậm chí còn đói nữa”;” “p”hải ăn cháo, thậm chí ăn rau để đánh giặc”; k”hi rút ra ngoài, cả trung đoàn chỉ còn đúng 5 cân gạo. Lên rừng, có người đói quá đã lấy sắn của dân, có người vướng bẫy của đồng bào Pa cô” mà chết”. Mình giáo dục bộ đội không được lấy sắn của dân, nhưng thực ra lúc đó rừng không còn gì, rau không còn.” “Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chúng tôi ở chiến trường lao đao mất 2 năm rưỡi””.* Tác giả câu nói nầy là Lê Khả Phiêu, người giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001.
Một tháng sau khi bộ đội Cộng sản bị đánh bật ra khỏi thành phố Huế, vào đêm 31/03/1968, Tổng thống Johnson lên tivi hứa với quốc dân rằng chính phủ của ông đang nỗ lực tìm một phương án ngoại giao để giải quyết cuộc chiến. Ông cũng nói ông sẽ không ra tranh cử nữa, và đã ra lệnh ngừng ném bom Bắc Việt từ vĩ tuyến 20 trở lên. Trước khi đi ngủ, ông đã quỳ gối cầu nguyện. Ba hôm sau, thế giới đã nghe tiếng vọng từ bên kia bức màn sắt: *““Rõ rang Chính phủ Mỹ chưa đáp ứng nghiêm “túc” và đầy đủ đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng h”òa”, của dư luận tiến bộ Mỹ và dư luận thế giới.
Tuy nhiên về phía mình, Chính phủ “VNDCCH” sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống “VNDCCH” để có thể bắt đầu cuộc “đàm phán”. *Tối hôm sau, sứ quán Mỹ ở Lào chính thức báo cho sứ quán Bắc Việt rằng Mỹ đề nghị tiếp xúc tại Geneve, nhưng Hà Nội đề nghị chọn Nam Vang. Mỹ từ chối, đề nghị bốn địa điểm khác: Tân Đề Li, Jakarta, Vạn Tượng, Ngưỡng Quang. Hà Nội bác, đề nghị Varsava. Washington đồng ý Varsava, nhưng sau đó đã loại bỏ vì địa điểm nầy bị tiết lộ.
Mỹ đưa một danh sách khác gồm 10 địa điểm mới: Colombo, Kathmandou, Kualumpur, Rawalpindi, Kabul, Tokyo, Bruxelles, Helsinski, Vienne, Rome. Việc chọn địa điểm tiếp xúc kéo dài gần một tháng. Cuối cùng, ngày 2/05, Hà Nội đề nghị lấy Paris làm địa điểm hội đàm chính thức, và phiên họp đầu tiên sẽ tiến hành vào ngày 10/05/1968 hay một vài ngày sau đó. Washington thỏa thuận. Ngày 13/05, phiên họp đầu tiên giữa đại biểu hai nước đã xảy ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế bên trong Khách sạn Majestic ở Paris.

*Đi đêm *
Tại thủ đô nước Pháp, Hà Nội và Washington quyết định gặp riêng nhau bên ngoài bàn hội nghị – báo chí gọi là đi đêm. Chuyến đi đêm đầu tiên xảy ra tối 26/06/1968 tại khu nhà lưu trú của phái đoàn Bắc Việt ở Vitry-sur-seine, khi Cyrus Vance và Philip Habib tới, gặp Hà Văn Lâu và Nguyễn Minh Vỹ, và chỉ ra về lúc quá nửa đêm. Giữa tháng 7, Cyrus Vance lại gặp riêng Hà Văn Lâu lần thứ nhì, đưa đề nghị ngừng ném bom miền bắc và phía Hoa Kỳ sẽ có thêm đại điện của VNCH; phía VNDCCH *““có thể có bất kỳ đại diện nào mà phía “Hà Nội” muốn mời tham dự. Ngày 4/08, trước khi về Mỹ, Vance lại gặp riêng Hà Văn Lâu. Trở lại Paris và gặp Hà Văn Lâu hôm 19/08, Cyrus Vance đọc một tờ giấy chuẩn bị sẵn, nói *““cần có sự tham gia của đại diện của “VNCH “nếu muốn có đàm phán nghiêm chỉnh về tương lai của Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không đòi “VNDCCH “công nhận “VNCH” là Chính phủ chính” thức”…
Đây là tham gia chứ không phải công nhận… cũng như Hoa Kỳ không công nhận “MTGPMN” nhưng thấy sự tham gia này là cần thiết đối với cuộc “đàm phán nghiêm chỉnh.”
Hôm 21/08/1968, trong giờ nghỉ giải lao uống cà phê sau phiên họp chính thức lần thứ 18 tại hội trường Kléber, Harriman gợi ý gặp riêng Lê Đức Thọ và Xuân Thủy. Lần đi đêm nầy thoạt đầu dự trù tại một biệt thự nhỏ trên đường phố Boileau hẻo lánh, nhưng sau đã diễn ra tại nơi ở của phía Cộng sản tại Vitry-sur-seine hôm 8/09/1968, giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Hà Văn Lâu và thông dịch viên Nguyễn Đình Phương; phía Mỹ có Harriman, Vance và Philip Habib. Sau phần xã giao mào đầu, Harriman vào đề trước bằng cách nhắc lại phải có đại diện của Chính phủ VNCH. Tiếp theo, Lê Đức Thọ dành suốt một giờ đồng hồ để giảng thuyết về qui mô chiến tranh, một cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, rồi ông so sánh dân số miền Nam với số lượng quân Mỹ, số bom đạn Mỹ đã dùng, ngân sách Mỹ đã chi tiêu, thương vong về phía Mỹ, thất bại của Mỹ trong chiến tranh đặc biệt và sau hai mùa khô vừa qua,  yếu điểm của Mỹ và thế thua chắc chắn của Mỹ… Biết những người Cộng sản có bệnh thèm nói, ông Harriman cứ bình tĩnh ngồi nghe, tịnh khẩu suốt sáng chủ nhật hôm ấy. Có lúc Lê Đức Thọ ngừng lại hỏi Harriman sao không bình luận gì cả, ông nầy vui vẽ đáp, “Tôi tưởng là Ngài nói chưa xong, làm sao tôi dám bình luận?”, rồi còn đề nghị gặp riêng mỗi tuần hai lần. Riêng hay chung, dù kéo dài nhiều năm, các phe trong cuộc đều thừa biết rằng cuộc hội đàm chỉ là bánh vẽ, là nơi để làm màu làm mè, là diễn đàn để xổ các giọng điệu tuyên truyền. Ví dụ trong lần gặp vào hôm 20/09, khi Harriman cho rằng Hoa Kỳ muốn thêm ai tham gia bên phía Mỹ đó là quyền của Hoa Kỳ, nhưng Xuân Thủy cứ cù nhầy về vấn đề có đi có lại “trong” việc chấm dứt ném bom, làm vị đại sứ bảy mươi lăm tuổi của Hoa Kỳ to tiếng: “Tôi xin lỗi phải ngắt lời ông. Vì các ông nói là muốn nói chuyện nghiêm chỉnh nên chúng tôi mới nói: muốn nói chuyện nghiêm chỉnh thì phải có đại diện VNCH. Tại sao ông lại bác bỏ điều đó?”  “Chính ông đã bác bỏ điều đó”! Hôm ấy Xuân Thủy đã sẵng giọng: “Tôi nói thẳng để ông biết, ngụy quyền Sài Gòn không phải là đại diện cho nhân dân Nam Việt Nam. Chúng tôi không thừa nhận bọn Thiệu – Kỳ, ông biết chưa?” Harriman cũng gầm lên: “Ông xuyên tạc tất cả. Đây không phải là điều kiện. Nếu các ông muốn chiến tranh thì bom sẽ rơi trên đầu các ông.” Các phiên họp như thế chẳng đóng góp gì cho bản hiệp định chung cuộc cả, bởi giải pháp hoặc vẫn nằm trên bãi chiến trường, hoặc chỉ có thể giải kết dưới gầm bàn – kiểu cờ gian bạc lận.
 
*Mùa Hè Đỏ Lửa *
Hội đàm Paris kéo dài đã qua năm thứ ba nhưng bom vẫn rơi xuống miền Bắc. Nixon đã qua Bắc Kinh bắt tay với Mao vào cuối tháng Hai, rồi chuẩn bị đi Liên Xô vào cuối tháng Năm gặp tổng bí thư Leonid Brezhnev để ký thỏa ước Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. Hai chuyến đi của tổng thống Mỹ làm đảng Cộng sản VN không khỏi lo lắng và phải liều lĩnh làm một quả thí nghiệm tinh thần vô sản quốc tế.
Cộng với tham vọng tiêu diệt các đơn vị VNCH, chứng minh chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon thất bại, và đánh ngã được chính phủ Nguyễn Văn Thiệu – Hà Nội quyết định đánh. Ngày 30/3/1972, họ khai hỏa trên nhiều chiến trường, bằng Chiến dịch Xuân Hè, miền nam gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, và người Mỹ có tên Easter Offensive. Coi như không có Hiệp định Geneve 1954, bộ đội Cộng sản công khai mang 200 chiến xa tràn qua khu phi quân sự, đánh sâu về phía Quảng Trị, xóa sổ Sư đoàn 3 Bộ binh. Cùng ngày, sư đoàn chính quy 324B từ thung lũng A Shau tấn công các đơn vị bảo vệ thành phố Huế; các căn cứ hỏa lực Bastogne và Checkmate thất thủ.
Trong nam, ngày 5/04, quân Bắc Việt từ biên giới Cam Bốt đánh vào Bình Long, Lộc Ninh, Quản Lợi, và An Lộc. Cũng hôm nay, họ nổ súng tấn công các đơn vị VNCH dọc QL1 trong tỉnh Bình Định, trong khi một cánh quân khác chiếm được Ben Het và Dak To, nhưng VNCH giữ vững được Kon Tum, nhờ B-52 ném bom sát phòng tuyến quân bạn.
Sau khi phải rút bỏ nhiều nơi, quân VNCH chấn chỉnh lại và phản công. Các căn cứ hỏa lực thất thủ lần lượt được tái chiếm, kể cả cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị. Sử gia Nguyễn Khắc Viện của đảng Cộng Sản sau 1975 đã nhìn nhận rằng thời điểm 1972 dù không thèm thuồng một cái hiệp định đình chiến thì Hà Nội vẫn sẵn sàng đặt bút ký, vì yếu tố quân bình lực lượng. Sự hiệu nghiệm của chiến dịch Phụng Hoàng của VNCH đã ảnh hưởng tới khía cạnh chính trị của phe Cộng sản sau khi quân đội miền nam dồn bộ đội từ thế công lùi vào thế thủ, làm gia tăng con số chỉ huy của họ bị bắt hoặc bị giết. Tính tới cuối chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa, sau khi tung 14 sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập vào trận nầy, phía Cộng sản thiệt mạng 40.000 binh sĩ cộng với 60.000 mất tích và bị thương. Ngoài ra, chiến dịch nầy đã phát hiện tung tích và bắt giữ 33.000 Việt Cộng nằm vùng, hạ sát trên 26.000 tay súng, làm 22.000 cán binh khác nhanh chân chạy về chiêu hồi chínhquyền quốc gia để tránh lâm vào số phận sinh bắc từ nam của đồng chí mình. Phía Mỹ và VNCH có khoảng 10.000 tử trận, 33.000 bị thương và 3.500 mất tích. Đến cuối năm, quân đội VNCH tăng lên tới 1 triệu 48 ngàn tay súng, trong đó 516 ngàn là lính chính quy – so với năm 1966, quân số miền nam đã tăng hơn gấp đôi. Với tổn thất cao, cả hai bên đều tích cực hơn ở bàn hội nghị Paris. Chịu thương vong và thất bại trên chiến trường nhưng QLVNCH đã đẩy lui được cuộc tổng tấn công lớn nhất từ trước đến nay của phe Cộng sản, mặc dù phải phụ thuộc vào sự yểm trợ của không lực Mỹ. Nhược điểm này đã bị đối phương khai thác triệt để trong nỗ lực vi phạm ngừng bắn và lấn đất giành dân về sau.
Từ tháng 10/1972 đến khi bản hiệp định mang đủ 4 chữ ký có lẽ là thời gian làm Nixon và Kissinger bận rộn và nát óc nhất, để phải đưa ra hơn một lời hứa, trên giấy trắng mực đen. Trong tập san *Bang giao Quốc tế *số phát hành tháng 12/1979, tác giả McGeorge Bundy, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Kennedy ghi nhận rằng chính phủ Mỹ không hề công bố bất cứ hồ sơ gì trao đổi với Tổng thống Thiệu về hiệp định Paris 01/1973, nhưng các phụ tá của ông Thiệu có tiết lộ 2 tài liệu mật loại nầy vào cuối năm 1975.
Lúc ấy, Kissinger lảng tránh đề tài nầy, nhưng về sau chính ông ta đã liệt kê nội dung 2 thư đó trong sách của mình.
Thư thứ nhất ghi ngày 14/11/1972, Nixon viết cho ông Thiệu: “Nhưng quan trọng hơn những gì chúng tôi nói tới trong bản hiệp định về vần đề nầy, là chúng tôi sẽ làm gì trong trường hợp phía địch phục hồi việc gây hấn của họ. Ngài có lời bảo kê tuyệt đối của tôi rằng nếu Hà Nội không tuân thủ các điều khoản của bản hiệp định, thì tôi chủ trương ra tay với biện pháp trả đũa tức khắc và mãnh liệt”.
23 ngày trước ngày ký hiệp định, sáng 5/01/1973, tổng thống Mỹ lại viết cho tổng thống Việt Nam Cộng Hòa: “Nếu như Ngài quyết định theo phía chúng tôi, và tôi tin là Ngài sẽ làm thế, thì Ngài có sự bảo đảm của tôi về việc tiếp tục yểm trợ trong giai đoạn hậu ngưng bắn, và rằng chúng tôi sẽ đáp ứng bằng hỏa lực tối đa nếu như hiệp định bị vi phạm bởi phía Bắc Việt Nam”. Trong bối cảnh của trận trải thảm bằng bom B-52 tới tấp xuống thủ đô Hà Nội vừa chấm dứt chỉ một tuần, lời hứa thứ nhì nầy không thể không lay động tâm tư ông Thiệu.
72 tiếng đồng hồ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Kissinger được Marvin Kalb của đài truyền hình CBS phỏng vấn, vào tối 1/02.
Một phần của cuộc phỏng vấn như sau: “Thưa Tiến sĩ Kissinger, tôi nghĩ tôi phải hỏi câu nầy, vì điều tốt nhất lúc nầy là cuộc ngừng bắn cần phải tuân giữ, nhưng trong thế giới mà chúng ta đang sống, biết đâu chẳng ai tuân. Cũng trên đài CBS tối nay, tổng thống Thiệu nói rằng ông sẽ không bao giờ kêu gọi quân đội Mỹ trở lại Việt Nam, nhưng ông mong sẽ có thể gọi không lực Hoa Kỳ trở lại. Và mới hôm Chủ Nhật vừa qua Đại sứ “Sullivan” nói chuyện đó chẳng có gì ngăn cản cả – tôi tin là nghe đúng lời ông ta – về vấn đề sử dụng không quân. Thưa có đúng không?”. Kissinger đã trả lời: “Điều đó đúng về mặt pháp lý”.
6 năm sau, Kissinger tìm cách chạy tội và đùn trách nhiệm cho Quốc hội: “Về việc Hoa Kỳ đối phó với những vi phạm [Hiệp Định Đình Chiến], tôi nhắc lại lời cam kết của Nixon là, trong trường hợp Bắc Việt ồ ạt vi phạm, Hoa Kỳ sẽ hành động để bắt họ phải thi hành hiệp định. Sau này lập luận đó được cho là nếu không được Quốc Hội minh định ủy quyền, tổng thống không đủ thẩm quyền để hứa hẹn như vậy. Ngày đó chúng tôi không hình dung được điều này. Chúng tôi tưởng trong những rắc rối có thể có về bản thỏa ước, vi phạm thỏa ước là rắc rối nhỏ nhất. Không hiểu trong hoàn cảnh bình thường suy đoán này có giá trị gì không. Nhưng ngay sau khi ký hòa ước, uy tín của Nixon bị suy giảm vì Watergate, khiến bờ đê ngăn chặn những đợt sóng nghị quyết chống chiến tranh bị vỡ tung.” (Trích White House Years, Henry Kissinger, trang 1373, bản tiếng Việt của Nguyễn Đạt Thịnh).

*Hòa bình giả tạo 1973*
Ngày 15/12/1972, cả Lê Đức Thọ lẫn Kissinger cùng ra phi trường Le Bourger để về nước. Tối 18, sau khi ghé qua Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, Lê Đức Thọ vừa từ phi trường Gia Lâm về đến nhà thì những trái bom B-52 đầu tiên trong 36.000 tấn của Chiến dịch Linebacker II rơi xuống Hà Nội. Chưa lành vết thương, nhưng Việt Cộng đang phải tíu tít bận rộn chuẩn bị để chào đón đám đế quốc Mỹ tới để đón tù binh của họ về.
Động cơ làm những chuyện tréo ngoe như thế xảy ra, là bản văn dài 18 trang có tên *Hiệp định Đình chỉ Chiến sự và Lập lại Hòa bình ở Việt Nam*, một văn kiện lịch sử phức tạp đòi hỏi ngoại trưởng Mỹ William Rogers và ngoại trưởng nước cựu thù Bắc Việt có mặt trong hai buổi lễ khác nhau và đặt xuống không ít hơn 144 chữ ký. Chìm sâu trong mớ bòng bong chữ nghĩa của những trang hiệp định và nghị định thư rối rắm là dòng chữ mà nhiều đời nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ đã mỏi mòn thao thức chẳng khác chuyện ngậm ngãi tìm trầm: “Trong thời hạn 60 ngày sẽ hoàn thành việc rút khỏi Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự Hoa Kỳ; việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành không chậm hơn việc rút quân; các bên sẽ giúp tìm kiếm nhân viên quân sự và thường dân bị mất tích và hồi hương hài cốt”. Đối với tổng thống Nixon, bấy nhiêu đã có thể gọi là chiến công và vinh quang. Ông đã từng hứa rằng sẽ không đóng vai một tổng thống Mỹ mang bại binh từ nước ngoài về nhà.
Cuối cùng thì một văn kiện “hòa bình” cũng thành hình. Sau những động tác giả và các buổi rạng đông hòa bình dối trá, bản thỏa ước cũng được ký kết. Tối thiểu, sau những tháng năm dài đầy chết chóc và tàn phá mà bốn đời tổng thống Hoa kỳ coi là cần thiết phải chống lại chủ nghĩa Cộng sản quốc tế, nay cũng kết thúc. Đối với người Mỹ, sau rốt, là ký được rồi. Cái mà Kissinger và Nixon cần, là khoảng cách an toàn từ khi Mỹ rời Việt Nam đến khi VNCH bị bức tử trong tay Hà Nội. Cả 4 phe đặt chữ ký đều thừa biết hiệp định hòa bình chỉ là viên thuốc độc bọc đường. Tại phòng ký hiệp định, nâng ly rượu sâm-banh “mừng” hòa bình, bộ trưởng ngoại giao VC Nguyễn Thị Bình gọi bộ trưởng ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm bằng “anh” – chữ “anh” thô bỉ nhất trong ngôn ngữ của gái làng chơi. Thực ra, trong những tiếng đồng hồ ngắn ngũi từ khi bản văn được ký tại Paris đến khi nó trở thành hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam, Việt Cộng đã mở một cuộc tấn công quy mô vào thủ phủ tỉnh Tây Ninh, và vào giờ hòa bình bắt đầu, Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất đã lãnh một trận địa pháo của Việt Cộng. Dưới cơn mưa pháo đó, chuyến máy bay quân sự của VNCH cất cánh bay đi Bangkok, chở theo thiếu tá Tyrus W. Cobb qua Thái Lan để hộ tống phái đoàn quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận GPMN về Sài Gòn. Tàu đáp xong taxi vô bãi đậu, các sĩ quan VNCH phát cho họ các tấm thẻ xuống tàu để điền tên, cấp bậc và chữ ký nhưng họ từ chối, ngồi lì trên tàu qua hết đêm 28/01/1973. Việt cộng không làm thủ tục nhập cảnh, VNCH không chịu cung cấp lương thực và không cho xuống đất để đi nhà vệ sinh, làm cơ quan MACV của Mỹ phải mang thức ăn lên tàu cho họ. Vấn đề nhập cảnh cù cưa tiếp mãi tới trưa hôm sau mới giải quyết xong sau khi có sự can thiệp giữa đại sứ Bunker và Thủ tướng VNCH.
Khi tổng thống Thiệu thông báo tin tức ngừng bắn trước đó một tuần, thành phố Sài Gòn nhuộm trong màu sắc, cờ vàng sọc đỏ của miền Nam đột nhiên tung bay và phủ rợp khắp nơi. Các bích chương biểu ngữ giăng mắc dọc ngang trên các cột đèn tuyên bố một chiến thắng oanh liệt, nhưng lòng dân như có vẻ ngậm ngùi, tủi phận, thương thân. Không các cuộc nhảy nhót reo vui trên đường phố, hay bất cứ nơi đâu. Không những lời chúc tụng, thậm chí không cả nụ cười rạng rỡ hân hoan mọi ngày. Tại quán cà phê Givral, nơi dân thành phố thường tụ tập để kháo chuyện chính trị và chiến trường bên tách trà nóng, nay chỉ có một chiếc máy thu thanh lải nhải đọc 9 chương của bản hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình kèm theo thông điệp của tổng thống. Phân nửa khách trong tiệm chẳng buồn quan tâm. Một bộ trưởng trong chính phủ nhận xét: “Chỉ là mảnh giấy lộn. Giá trị thực của nó còn phải chờ tương lai trả lời”. Ở Mỹ cũng chẳng khá hơn. Trong một câu lạc bộ thể thao của hạ sĩ quan tại Căn cứ Fort Jackson lính tráng thật bận rộn. Chưa tới một chục người chịu ngồi trước màn ảnh tivi nghe tổng thống Nixon nói về hiệp định, còn lại 300 quân nhân kia mãi chơi *bingo*. Khi ngừng chương trình bóng rổ để phát thong điệp của tổng thống, đài truyền hình Chicago đã bị tràn ngập bởi các cú điện thoại của khán giả gọi vào mắng vốn. Khôn khéo hơn, thị trưởng Houston ông Louis Welch quyết định ngậm tăm. Ông nói với ký giả: *“Thiên hạ xem việc kết thúc chiến sự đáng tri ân hơn là ăn mừng”. *Tờ Boston Globe bình luận rằng chiến tranh chấm dứt không với lời reo vui mà bằng tiếng thở dài não nuột.
Trong cuốn *Decent Interval* xuất bản rất sớm vào năm 1977, Frank Snepp đã viết rằng *“Hiệp định Hòa bình Paris không mang lại tí xíu hòa bình nào cả. Bản văn ấy không áp đặt bất cứ hạn chế nào, hay bổn phận gì cho bất cứ bên nào để họ khỏi vô hiệu hóa các nguyên tắc đã thỏa thuận, và chỉ trừ việc triệt thoái quân Mỹ, tất cả các điều khoản chủ yếu khác đều cần phải diễn giải lại, hay tranh luận tiếp. Một mặt, Kissinger hứa với ông Thiệu là Mỹ vẫn yểm trợ đồng thời dọa sẽ cắt bỏ tất cả nếu Thiệu không chịu ký hiệp định. Mặt kia, Kissinger hứa với Lê Đức Thọ rằng các phi vụ thám thính trên không phận miền bắc sẽ đình chỉ và tất cả chuyên viên kỹ thuật sẽ rút khỏi miền nam trong vòng một năm, nếu Hà Nội đồng ý bản dự thảo ngưng bắn. Nếu điều thề hứa nầy lọt tới tai ông Thiệu, hẳn ông còn giữ lập trường cứng rắn của mình lâu hơn nữa. Kissinger đưa ra các lời hứa hẹn ấy và giữ kín như bưng là dễ hiểu, nhưng làm như thế, ông đã tạo ra các niềm hy vọng và trông đợi hảo huyền nhằm dẫn hai phe Việt Nam tới chỗ tự đánh giá quá cao thực lực của mình trong thời kỳ hậu ngưng bắn. Cũng như chính bản hiệp định, những lợi thế bí mật trong lời hứa hẹn đã trở thành bãi mìn chính trị chờ chực để nổ tung khi có kẻ mon men lại gần. Do bản hiệp định ngừng bắn cho phép thay thế vũ khí, nhiều người cáo buộc Kissinger không hề nhắm tới việc làm cho bản văn đưa đến hòa bình, nhưng chỉ nhằm tạo một khoảng cách vừa đủ giữa việc quân đội Mỹ phủi tay ra đi đến khi xảy ra trận chung kết mà một trong hai phe lâm chiến ở Việt Nam bị khai tử hoàn toàn”.
Khi Mỹ đang ném bom Hà Nội liên tục 12 ngày đêm, ông Thiệu giải thích với nội các lý do ông sắp phải ký hiệp định: *“Người Mỹ biến cuộc chiến nầy thành của riêng họ. Khi họ thích, họ chơi tới cùng. Khi họ chán, họ ép buộc cả hai bên phải ngưng. Khi Mỹ muốn đến, chúng ta không thể nào ngăn. Nay họ đã quyết tâm ra đi, chúng ta không thể nào níu”.* Khi đợt ném bom vừa dứt, ông thêm, “Nếu Kissinger mà có quyền ném bom xuống Dinh Độc Lập để buộc tôi ký bản hiệp định, y cũng chẳng ngần ngại gì mà không làm”.
Vào giờ phút bản hiệp định bắt đầu có hiệu lực, Richard Nixon lên tivi loan báo hòa bình, và mời cả nước dâng lời cầu kinh. Những ai không nắm vững diễn biến chính trị đã tin tưởng tổng thống. Những người làm việc chung quanh ông thì không. John Ehrlichman, cố vấn trưởng của Nixon, tình cờ gặp Kissinger ngay ngày hôm sau, ngõ lời chúc mừng chiến công “hòa bình” của ông cố vấn an ninh, và hỏi: “Ông hình dung là Nam Việt Nam sẽ tồn tại được bao lâu sau bản hiệp định nầy?” Trong cuốn “Người chứng của Quyền lực: Những năm phục vụ Nixon”, ở trang 316, tác giả John Ehrlichman ghi lại nguyên văn câu Kissinger trả lời mình: “Tôi nghĩ, nếu may mắn, họ có thể cầm cự thêm một năm rưỡi nữa”. Trong vòng một tháng sau ngày hòa bình, hai nhân vật cao cấp của Hà Nội, ủy viên Trung ương đảng Tố Hữu và tướng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Văn Tiến Dũng đi thị sát và nghiên cứu chiến trường miền nam. Họ đã đến Quảng Trị, Thừa Thiên, Mặt trận B3 và Khu 5 và đồng bằng song Cửu Long để tính chuyện tiếp tục chiến tranh. Tội nghiệp, Kissinger tính sai đến 9 tháng. Dù quân dân miền nam phải chiến đấu trong điều kiện tuyệt vọng và trước sự phản bội trắng trợn của Mỹ, bản án tử hình của VNCH do Kissinger cùng Hà Nội thiết kế chỉ xảy ra 27 tháng sau, vào ngày 30/04/1975. Năm ngày trước, ông Thiệu từ chức và chạy qua Đài Loan. Báo New York Times kể khi gặp bà Anna, phu nhân tướng Claire Chennault, ông than: “Thật quá dễ để trở thành kẻ thù của Mỹ, và vô cùng khó để làm bạn với họ”.
Dù không là Richard Nixon, Henry Kissinger, Lê Duẫn, hay Nguyễn Văn Thiệu mà chỉ là một người lính thấp bé của cuộc chiến, người viết bài nầy tự thấy mình cũng có phần tội lỗi với nhân dân Việt Nam trước trách nhiệm lịch sử, vì hiệp định ngừng bắn 1973 quả là viên “thuốc độc bọc đường” dẫn tới việc mất nước năm 1975.
NgyThanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét