Pages

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Không ai có thể ngăn cản được con đường đi đến Sự Thật


Trần Quốc Việt (Danlambao) – Anh Nguyễn Đắc Kiên đã cứu danh dự chung cho các nhà báo Việt Nam dưới chế độ toàn trị dù cái giá anh trả là bị đuổi việc, là tương lai bấp bênh đang chờ anh và gia đình.
 
Anh là người chính trực và là người tự do!
Những công dân Locris ở miền trung Hy Lạp cổ đại đều được ban cho quyền tự do ngôn luận, dù nhiều người trả giá rất cao. Tại các cuộc họp công cộng, ai cũng có thể đứng lên bàn cãi về những thay đổi trong luật pháp hay trong phong tục, với chỉ một điều kiện duy nhất. Trước khi họ bày tỏ ý kiến người ta tròng sợi dây thừng vào cổ họ. Nếu những gì họ nói không làm công chúng vừa lòng, họ sẽ bị treo cổ ngay.
Câu chuyện “đóng góp” ý kiến về hiến pháp hiện nay ở Việt Nam chính là phiên bản “tự do ngôn luận” cổ đại ở trên.
Sợi dây thừng đầu tiên đã được đảng CSVN tròng vào cổ anh Nguyễn Đắc Kiên và những người góp ý kiến khác.
Anh Nguyễn Đắc Kiên là nhà báo can đảm, và câu chuyện của anh gợi tôi nhớ đến câu chuyện của nhà báo can đảm khác. Đó là nhà báo Từ Chung, chủ bút nhật báo độc lập Chính Luận.
Chính Luận là tờ báo không do dự chỉ trích chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, hay Cộng Sản. Vì sự trung thực can đảm này, Cộng Sản đã ghi tên chủ nhiệm Đặng Văn Sung và chủ bút Từ Chung vào danh sách sách những kẻ phải giết. Vào tháng Sáu 1965 Việt Cộng gởi thư tố cáo họ là “những con chiên ghẻ phục vụ chủ Mỹ” và đe dọa ám sát họ. Người ký tên dưới bức thư là Võ Công Minh“Chỉ huy Phân đội 628, Lực lượng Giải Phóng Vũ trang khu vực Sài Gòn- Gia Định.”
Chính Luận đăng lá thư này, kèm theo bài xã luận đáp lại rằng báo chỉ cố gắng phục vụ một người chủ duy nhất- Sự Thật- như được minh chứng qua việc các bên đều chỉ trích báo. Nhưng chỉ những người cộng sản, bài xã luận tuyên bố, mới đe dọa giết chết họ. Bài xã luận kết luận:
“Như tất cả mọi người đều quý sự sống, chúng tôi quý sự sống Chúa đã thở vào thân xác chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ nhìn thẳng vào nòng súng của kẻ giết người đến hại chúng tôi và chúng tôi sẽ nói: “Ông có thể giết chúng tôi, nhưng tinh thần của chúng tôi sẽ sống mãi.” 
Vào ngày 30 tháng Mười Hai, 1965, khi chủ bút Từ Chung từ trên xe hơi bước xuống trước nhà ông, hai tên khủng bố Việt Cộng bắn bốn viên đạn vào người ông ở khoảng cách gần và giết ông ngay tức thì.
Tinh thần của chủ bút Từ Chung ngày xưa chính là tinh thần của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên ngày nay.
Tinh thần Sự Thật ấy được nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn khẳng định như sau trong bức thư gởi Hội nhà Văn Xô Viết:
“Tất nhiên tôi tin chắc rằng tôi sẽ làm tròn bổn phận của mình với tư cách là một nhà văn trong mọi hoàn cảnh-ngay cả càng thành công hơn và không bị thử thách hơn từ nấm mồ hơn từ trong cuộc đời tôi. Không ai có thể ngăn cản được con đường đi đến sự thật, và để đẩy mạnh chính nghĩa của sự thật, tôi sẵn sàng chấp nhận cả cái chết.” 
Nếu nước ta có nhiều người như Từ Chung, Nguyễn Đắc Kiên, Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh và nhiều người dấn thân khác thì tự do đến sớm hơn cho tất cả mọi người Việt Nam. Họ là những người can đảm. Như lời người Mỹ hay nói về nước họ như sau: “Đất nước của những người tự do nhờ những người can đảm.” 
Càng nhiều người can đảm dấn thân sớm ngày nào thì Việt Nam nhất định sẽ trở thành đất nước của tự do sớm ngày đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét