Pages

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Lời chúc Tết cho Việt Nam: Lột bỏ lớp da tham nhũng trong năm con Rắn!


Icon_Tham Nhũng_Corruption1
Jim Anderson
Theo World Bank
Thế là năm mới lại sắp tới.  Thời điểm mà nhà nhà, người người chuẩn bị đón Tết cổ truyền thì cũng là lúc các doanh nghiệp tranh thủ tìm kiếm sự ưu ái từ cán bộ công chức nhà nước. Theo một khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ về tham nhũng *  được công bố vào cuối năm 2012 thì hầu hết các doanh nghiệp nói rằng họ đã tặng quà cho cán bộ công chức nhà nước nhân dịp lễ tết năm trước đó: 44% các doanh nghiệp nói họ đã tặng quà cho cơ quan thuế, còn 20%-30% đã tặng quà cho các cán bộ quản lý ngành của họ, cho ngân hàng, và cho cảnh sát địa phương.

Viet Nam anticorruption
Tặng quà cho bạn bè và gia đình là một truyền thống ngày Tết và là biểu hiện của sự tôn trọng cá nhân của người Việt. Nhưng tại sao các doanh nghiệp lại tặng quà cho cán bộ công chức nhà nước?
Những người hay hoài nghi có thể cho rằng những món quà lễ tết này không phải là hối lộ, bởi vì đây rõ ràng là tự nguyện. Hóa ra hầu hết những khoản hối lộ thực sự cũng đều được đưa một cách tự nguyện, cho dù thỉnh thoảng là được đưa một cách miễn cưỡng. Khảo sát tại 1.058 doanh nghiệp ở mười tỉnh thành cho thấy: 44% các doanh nghiệp đã tặng quà hoặc tiền bạc trong lần giao dịch gần nhất của họ với các cơ quan nhà nước, và những cơ quan thường bị nghi ngờ đứng đầu danh sách: thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, ngân hàng, cảnh sát giao thông, hải quan, và các cơ quan khác. Đối với những cơ quan này thì hơn 75% những người đã trả tiền nói rằng đó là do tự bản thân doanh nghiệp chủ động.
Điều đó không có nghĩa rằng các công chức nhà nước – những người nhận quà hoặc tiền kiểu này – không có liên quan gì cả. Doanh nghiệp và người dân đều phàn nàn rằng cán bộ công chức gây khó khăn cho họ, và họ cảm thấy rằng họ phải trả tiền. Nhưng những khoản tiền này được chi trả một cách quá dễ dàng. Hơn một nửa các doanh nghiệp nói khi họ gặp phải những vấn đề khó giải quyết từ các cơ quan nhà nước thì họ biếu quà cáp hoặc tiền cho các cán bộ phụ trách; 63% các doanh nghiệp nói những khoản thanh toán không chính thức “tạo ra các cơ chế ngầm để giải quyết công việc cho nhanh.” Và dĩ nhiên từ một góc nhìn thiển cận thì có thể hối lộ dường như là hiệu quả.
Nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý: Những doanh nghiệp mà đã nhanh chóng hối lộ thì lại không hoạt động tốt hơn; thực chất, các doanh nghiệp này đang phát triển chậm hơn so với những doanh nghiệp không đưa hối lộ. Hối lộ cho một kẻ tham nhũng chỉ làm tăng thêm nhu cầu tham nhũng, và việc trả những khoản tiền không chính thức này chỉ nuôi dưỡng – “làm cho màu mỡ” có thể là một từ tốt hơn!- một thứ văn hóa mà ở đó đút lót và hối lộ luôn được mong đợi.
Tìm kiếm những phương án thay thế hối lộ là một chiến lược kinh doanh tốt hơn: biết các thủ tục và làm theo đúng thủ tục mà không đi đường tắt; biết các quyền hợp pháp của mình và đòi hỏi các quyền này; cùng hợp tác để thúc đẩy minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khảo sát cho thấy những chính sách này có hiệu quả: Những tỉnh thành tập trung nhiều vào công khai và minh bạch nhất (theo các công chức) thì có  hối lộ ít hơn 40% (theo các doanh nghiệp); các tỉnh mà chú ý vào cải cách hành chính nhiều nhất thì có hối lộ ít hơn 35%.
Hợp tác cùng nhau – nói thì dễ hơn là làm, nhưng một vài doanh nghiệp đang chấp nhận thách thức này. Năm 2007, khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) và Intel đã ký một biên bản ghi nhớ thỏa thuận để làm kinh doanh “đúng với quy tắc đạo đức  và trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành, để hành động chống lại tham nhũng, hối lộ, tiền lại quả và bất cứ hình thức lạm quyền vì lợi ích cá nhân …”. SHTP với sự hỗ trợ của Chương trình Sáng kiến Phòng chống Tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI), đang tiếp tục tăng cường nền tảng đạo đức bằng cách mời các doanh nghiệp ký vào một cam kết tự nguyện hành xử một cách có đạo lý, và cho đến nay, 12 doanh nghiệp, một nửa số doanh nghiệp ở SHTP, đã ký vào những biên bản ghi nhớ này.
Quy định về quà cáp vấp phải 2 vấn đề khó giải quyết. Luật pháp chưa quy định rõ ràng cái gì là bất hợp pháp, và các điều khoản trong đó cũng không được thực hiện. Bao nhiêu thì là nhiều? Luật pháp đưa ra các quy định về giá trị quà biếu mà các cán bộ công chức hoặc các cơ quan nhà nước có thể tặng, nhưng lại không có quy định về giá trị những món quà mà các công chức nhà nước có thể nhận. Việc thiếu những quy định pháp luật áp dụng khu vực tư nhân cũng làm vấn đề thêm trầm trọng.
Theo thông tin trên báo chí thì những món quà này có thể là rất giá trị. Một bài báo về quà biếu Tết đã nói quà cáp đã lớn đến mức là các công ty biếu hẳn những căn hộ, lô đất hoặc “những người đẹp chân dài” cho các sếp của những cơ quan giúp đỡ họ.
Làm rõ và thực hiện những quy định về quà biếu sẽ mang lại hiệu quả. Khảo sát cho thấy  ở những nơi thực hiện các quy định khác nghiêm túc hơn, chẳng hạn như những quy định về quyền hạn, quy tắc và tiêu chuẩn thì việc hối lộ của các doanh nghiệp cũng ít hơn tới 50% . Nếu những quy định về quà biếu được làm rõ và được thực hiện một cách tương tự thì sự nhập nhằng mà tham nhũng dung dưỡng sẽ bị xóa bỏ.
Quá dễ dàng để chỉ ra những bất cập trong khung pháp lý và đưa ra những lời biện hộ để trì hoãn. Ngay lúc cái vòng luẩn quẩn của hối lộ còn được nuôi dưỡng bằng cả bên đưa và bên  nhận thì có thể tìm kiếm các giải pháp trong cải cách khu vực công và hành vi của khu vực tư nhân.
Tết là thời gian cho các hoạt động chào mừng, chứ không phải là cho tham nhũng. Hãy để cho năm con Rắn, năm mà con rắn lột đi lớp da già cỗi của nó, thì lớp vỏ tham nhũng cũng được lột bỏ để hé lộ ra một lớp vỏ liêm chính mới.

Không có nhận xét nào: