Pages

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Philippines kiện Trung Quốc về chủ quyền


Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1
Vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng ủng hộ Philippines đưa các tranh cãi với Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền tại biển Đông ra Tòa án trọng tài LHQ về Công ước luật biển 1982, một nhóm các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ sự nhất trí quan điểm với Philippines. Dư luận đang quan tâm rằng động thái của Philippines có mạo hiểm và vụ kiện này sẽ đi về đâu?

Chuẩn bị kỹ càng
Theo hãng tin GMA của Philippines, Werner Langen, Trưởng phái đoàn các nghị sĩ EU đến Manila ngày 15-2 vừa qua đã cho rằng Trung Quốc nên tham gia quá trình phân xử của tòa án quốc tế mà Manila đã đề xuất trước LHQ. Theo quan chức này, việc nhờ tòa án quốc tế phân xử là một động thái tốt, đảm bảo một giải pháp hòa bình cho tranh chấp.
Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines đã đệ đơn lên LHQ kiện Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai so với những quy định của Công ước luật biển 1982 (UNCLOS 1982) về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên biển Đông. Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario, khẳng định cái gọi là “đường lưỡi bò” bao gồm 90% diện tích ở biển Đông là bất hợp pháp, không căn cứ vào công ước luật biển mà Philippines và Trung Quốc cùng tham gia, chịu sự điều chỉnh. Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines không thể nằm trong tuyên bố về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.


Ảnh chụp cho thấy bãi cạn Scarborough (chữ A) gần với Philippines, rất xa Trung Quốc.
Cũng theo ông Rosario, Manila đã quá mệt mỏi trong việc giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh và việc đưa yêu sách vô lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế phân xử không nằm ngoài mục đích tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên cơ sở pháp lý đối với các tranh chấp trên biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Để phục vụ cho vụ kiện Trung Quốc, Philippines đã mời thẩm phán Rudiger Wolfrum, chuyên gia luật quốc tế của Đức tại Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) làm thành viên đại diện cho Philippines tại tổ trọng tài. Philippines hy vọng hội đồng trọng tài quốc tế sẽ căn cứ theo quy định của luật pháp quốc tế, buộc Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng tiếp giáp lãnh hải và lãnh hải trên biển Đông. Theo các nhà phân tích luật, việc phân xử vụ kiện này có thể được thực hiện theo Điều 287 và Phụ lục 7 của UNCLOS. Điều 287 của UNCLOS cho phép việc giải quyết các tranh chấp thông qua giải thích và vận dụng UNCLOS tại ITLOS, Tòa án công lý quốc tế hoặc các tòa án trọng tài quốc tế…
Tuy nhiên, theo Điều 298 của UNCLOS thì các quốc gia tham gia luật biển có thể chính thức tuyên bố với Tổng thư ký LHQ rằng họ không chấp nhận bị ràng buộc bởi các phán xét về các vụ tranh chấp. Vì thế, Philippines đã chọn cách là không yêu cầu ITLOS quyết định xem bên nào có chủ quyền đối với bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham mà cả nước này và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Thay vào đó, Philippines khẳng định rằng đường 9 đoạn là bất hợp pháp vì nó bao gồm khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines, thềm lục địa, các vùng biển quốc tế kề cận và cản trở việc Philippines thực hiện các quyền tài phán của mình trong vùng biển được luật pháp quốc tế thừa nhận…
Khó khăn
Sau khi Philippines thông báo với Trung Quốc về vụ kiện, Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối. Hãng BBC dẫn lời một chuyên gia luật pháp quốc tế của Pháp nhận định Bắc Kinh thường không có xu hướng, chủ trương đưa ra tòa án quốc tế những vấn đề tranh chấp biển đảo ở những điểm mà nước này cảm thấy có thể gây bất lợi, tuy nhiên họ lại có các chiến lược đa động thái nhằm tuyên truyền các lập trường của mình và tranh thủ mọi diễn đàn để ghi dấu ấn quốc tế những gì có lợi cho họ nhất.
Theo chuyên gia Carl Thayer của Trường Đại học New South Wales, Australia, vụ kiện tụng có thể sẽ không có sự tham dự của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu có một quyết định thuận lợi sẽ đem lại cho Philippines một thắng lợi tinh thần. Nếu tòa phán quyết, thậm chí chỉ thiên một phần về Philippines thôi thì cũng làm xẹp bớt những khẳng định của Trung Quốc, đem lại thêm tính hợp pháp và sự ủng hộ quốc tế cho Philippines. Giáo sư Carl Thayer nhận định, dù không có cơ chế thực thi nhưng nếu Tòa án LHQ phán quyết cái gọi là “đường 9 đoạn” là phi pháp, Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế và cộng đồng pháp lý quốc tế. Theo quy định, quyết định của Tòa án LHQ không mang tính ràng buộc bắt các bên phải thực hiện.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời giám đốc Trung tâm luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore Robert Beckman nhận định, Philippines có thể được Tòa án quốc tế ủng hộ, nếu không gắn liền tranh chấp với các hoạt động quân sự hay các điều khoản phân định biên giới trên biển. Và điều này hoàn toàn có khả năng bởi lý do Philippines kiện Trung Quốc không phải là tranh chấp mà là về pháp lý liên quan đến việc áp dụng sai công ước về luật biển. Ông Beckman cũng cho biết hội đồng trọng tài hoàn toàn có thể bác tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bởi vì cho đến nay, Trung Quốc không hề chứng minh cái gọi là “đường 9 đoạn” trước luật pháp quốc tế.
Bản thân phía Philippines cũng nhận thức rõ ràng vụ kiện mà họ đứng làm nguyên đơn này sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Dựa trên một số các vụ kiện tương tự trước đây, Manila dự kiến các thủ tục pháp lý phải kéo dài từ 3-4 năm.
Trước tình hình căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines. Trả lời phỏng vấn tại trụ sở LHQ ở TP New York (Mỹ) ngay sau tuyên bố của Philippines, Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định, LHQ sẵn sàng trợ giúp Philippines về mặt kỹ thuật và chuyên môn cho vụ kiện này, song điều quan trọng là mọi vấn đề tranh chấp phải được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.
ĐỖ CAO (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: