Đỗ Nguyên (Danlambao) - Trong tiền sảnh của Bộ Ngoại Giao chiều hôm ấy, 1-2-2013, một trang sử của nền dân chủ Hiệp Chủng Quốc lại vừa được lật qua. Sau bài nói chuyện ngắn, Ngoại Trưởng Clinton bước xuống bắt tay từng nhân viên rồi bước ra sân có đoàn xe hộ tống đang chờ, đây là chuyến đi cuối cùng từ Bộ Ngoại Giao trở về tư gia của bà. Hàng trăm người đưa tay vẩy chào người lãnh đạo nhiệt tâm. Có ai đó hô to “2016”, một chức vụ Tổng Thống cho Hillary vào nhiệm kỳ tới? Và những tiếng cười thông cảm và lịch sự. Không thấy nỗi xúc động bộc lộ trên những khuôn mặt của nhân viên, cũng không có những bàn cãi sôi nổi, và mọi người bình thản quay trở lại nhiêm sở của mình. Một người ra đi, sẽ có một người đến thay thế đã là một thông lệ quen thuộc ở đây...
*
Chiều ngày thứ Sáu 1 tháng 2, 2013 toàn thể nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ ở Washington được thông báo tập họp ở tiền sảnh Diplomatic của tòa nhà Harry S. Truman để dự lễ từ nhiệm của Ngoại Trưởng Hillary Clinton.
Theo truyền thống của Bộ Ngoại Giao, các tân Ngoại Trưởng khi nhậm chức là phải mời toàn thể nhân viên đến Phòng Khánh Tiết (Diplomatic Lobby) để gởi lời chào mừng, và khi hoàn tất nhiệm kỳ do Tổng Thống giao phó cũng phải đến đây leo lên cái cầu thang này, đã trở thành bục diễn thuyết, để chào từ giã các đồng nghiệp.
Các nhân viên kỳ cựu vẫn còn nhớ Ngoại Trưởng Madeleine Albright trong nhiệm kỳ 1997-2001 là người phụ nữ Mỹ đầu tiên nắm giữ chức vụ quan trọng này. Bà là nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp với tư tưởng và ý thức chống chủ nghĩa Cộng Sản triệt để, phản ảnh cái gốc dân tị nạn CS đến từ Tiệp Khắc. Người ta vẫn không quên những cuộc tranh cãi quyết liệt không nhân nhượng về các đề tài tự do và nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc, và những điệu vũ dân tộc hòa hợp của bà với người Bắc Hàn trong chuyến công du ở đó. Mềm mỏng hay cứng rắn tùy từng trường hợp nhưng không đánh mất giá trị cao cả của quốc gia là đặc điểm của người Ngoại Trưởng tài ba này.
Cũng từng trên cái cầu thang lịch sử này là Ngoại Trưởng Colin Powell trong nhiệm kỳ 2001-2005. Ông Powell không phải là một Ngoại Trưởng giỏi, có lẽ vì cuộc chiến ồ ạt của Mỹ ở Trung Đông làm tê liệt khả năng ngoại giao của ông. Giống như Ngoại Trưởng Condoleezza Rice của nhiệm kỳ 2005-2009, ông lại rất ít đi công du quốc ngoại, và mối liên hệ mật thiết với thế giới không thể chỉ xây dựng qua đường dây nóng điện thoại được.
Tuy nhiên, Ngoại Trưởng Colin Powell được hầu hết nhân viên gồm các khuynh hướng bảo thủ đến cởi mở quí mến vì cách cư xử của ông. Khi từ giả nhân viên, cũng trên cái cầu thang này, vị tướng 4 sao đã làm mọi người cảm động khi ông nói “các bạn là những chiến sĩ của tôi, you were my troops. You were America's troops. You are wonderful patriots who serve your nation as its troops in the far-flung outposts of American diplomacy...” Phó Ngoại Trưởng Richard Armitage là một người có tài quản trị. Cả 2 ông đều là cựu chiến binh ở Việt Nam. Phó Ngoại Trưởng Armitage nói tiếng Việt thông thạo, đã từng phục vụ trong đơn vị người nhái SEAL, đã giúp hạm đội của Hải Quân VNCH di tản tháng 4 năm 1975.
Ngoại Trưởng Hillary Clinton có thành tích công du gần 1 triệu dặm, 401 ngày trên đường thiên lý của nhiệm kỳ 4 năm, đến 112 quốc gia, đã xây dựng lại rất nhiều mối quan hệ của Hoa Kỳ với thế giới. Dư luận chống đối thì cho rằng bà đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của khủng bố cực đoan Hồi Giáo. Ưu điểm của Ngoại Trưởng Clinton là những nỗ lực tích cực, bà sẵn sàng đi đến bất cứ đâu với nụ cười thân ái và trí thông minh để giải quyết vấn đề của quốc gia và của thế giới.
Văn phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động (Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor) của Bộ Ngoại Giao, dưới sự chỉ đạo của bà Clinton, đã hỏi thăm sức khỏe nhà cầm quyền Việt Nam nhiều lần vì các vụ đàn áp thô bạo ở trong nước. Và Bộ Ngoại Giao với sự giám sát của Quốc Hội vẫn ngăn cấm CSVN không được phép mua vũ khí sát thương của Mỹ.
Bộ Ngoại Giao Mỹ có một đội ngũ trẻ trung và tài giỏi, các nhân viên mang nặng lý tưởng giúp các quốc gia trên thế giới phát triển nền tự do dân chủ, hòa bình và thịnh vượng. Bộ có khoảng hơn 7 ngàn công chức ngành dân chính (Civil Service employees, CS), gần 12 ngàn nhân viên thuộc sở ngoại giao (Foreign Service employees, FS) và hơn 30 ngàn nhân viên nước ngoài (Foreign Service National employees, FSN) phục vụ tại 294 tòa đại sứ và lãnh sự ở quốc ngoại. Chi phí hoạt động hàng năm của Bộ là gần 30 tỉ đô la.
FSN là người địa phương được tuyển vào làm việc trong các Sứ Quán hay Tổng Lãnh Sự ở quốc ngoại. CS là nhân viên phục vụ ở nội địa Mỹ nhưng vẫn có thể tình nguyện làm việc ở nước ngoài tùy nhu cầu đòi hỏi, thông thường là các quốc gia chậm tiến, có chiến tranh, như Phi Châu, Trung Đông, Trung Á (Liên Sô cũ) v.v. Nhân viên FS bắt buộc phải làm việc ở nước ngoài khoảng 2 năm công vụ rồi trở lại Mỹ một thời gian để hội nhập lại xã hội Mỹ trước khi lên đường đáo nhậm một nhiệm sở mới ở một quốc gia khác.
Hàng năm Bộ Ngoại Giao cũng như các tòa đại sứ Hoa Kỳ còn tiếp nhận hàng ngàn thực tập sinh (Intern) trung học và đại học với quốc tịch Mỹ và hàng chục ngàn nhân viên phục cụ qua diện hợp đồng vào các loại công việc như nghiên cứu, huấn luyện, bảo vệ, kỹ thuật v.v. Điều kiện để được lựa chọn vào làm việc cho Bộ còn tùy thuộc vào hồ sơ an ninh quốc gia điều tra về lý lịch của mỗi cá nhân (security clearance) và vì Bộ Ngoại Giao đòi hỏi hầu hết các chức vụ phải có cấp độ đảm bảo an ninh Tối Mật (Top Secret) nên sự tuyển chọn càng khó khăn và tốn kém hơn.
Một loại nhân viên đặc biệt khác của cơ chế chính quyền Hoa Kỳ là các nhân viên được đảng cầm quyền tiến cử (Political Appointees, PA), và Bộ Ngoại Giao là cơ quan có nhiều nhân viên PA nhất so với các bộ khác. Các nhân viên này được nắm giữ hầu hết các chức vụ lãnh đạo từ Bộ Trưởng xuống đến các cấp thấp như Trợ Lý Phụ Tá Bộ Trưởng (Deputy Assistant Secretary, DAS); thậm chí đôi khi còn xuống cấp thấp nhất như Phó Giám Đốc Văn Phòng (Deputy Office Director) có cấp số từ 10 cho đến trên 50 nhân viên tùy công vụ. Nhân viên Political Appointees là những người có công cho đảng và hoạt động tích cực trong mùa tranh cử vừa qua.
Nhân viên PA do Tổng Thống tiến cử phải thi hành tất cả các công tác như nhân viên chuyên nghiệp (career employee) nhưng không được hưởng các điều kiện bảo vệ công ăn việc làm (job security). Toàn thể nhân viên các loại phải chịu một kỷ luật chung như không được công khai nhân danh cơ quan của mình để đề cao hay hoạt động ủng hộ bất cứ một đảng phái nào, kể cả đảng đang cầm quyền. Vì thế tuy đảng cầm quyền bổ nhiệm đảng viên tràn ngập vào các chức vụ then chốt nhưng luật pháp không cho phép các đảng viên trong qui chế political appointees thao túng, gây ảnh hưởng cục bộ có lợi cho đảng mình.
Trong các bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang (State of the Union address) của Tổng Thống đọc trước Lưỡng Viện Quốc Hội, ta thấy các quân nhân trong quân phục đại lễ luôn luôn ngồi im trong thái độ trung dung khách quan, không vỗ tay hoan hô Tổng Thống. Giống như các nhân viên dân chính chuyên nghiệp của chính quyền Hoa Kỳ, quân đội Mỹ là một đạo quân tình nguyện nhà nghề với lời thề sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, chống lại quân thù; theo hiến pháp, quân đội tuân lệnh Tổng Thống là vị chỉ huy trưởng tối cao nhưng không nhất thiết phải "trung thành" với cá nhân Tổng Thống và phe đảng cầm quyền. Không như QĐND của CSVN, với căn bệnh tôn thờ lãnh tụ vốn là tập tục của những quốc gia lạc hậu chậm tiến, tự đội cho mình cái danh từ phản dân chủ: “bộ đội cụ Hồ”.
Trái ngược lại với guồng máy cai trị chuyên chính của Cộng Sản là độc đảng muôn năm và đảng viên thao túng quyền hành và được chóp bu bao che và tiến cử bừa bãi. Trong cơ cấu chính trị Mỹ, các nhân viên cao cấp PA được Tổng Thống hay đảng cầm quyền tiến cử phải được Quốc Hội thông qua (confirmation) bằng những cuộc khảo hạch (hearing) đôi khi nảy lửa kịch liệt.
Ví dụ ngày 14 tháng 10, 2012 Tổng Thống Obama hằn học tuyên bố “If Sen. McCain and Sen. Graham and others want to go after somebody they should go after me”, thách thức các Thượng Nghị Sỹ đảng đối lập “có ngon thì đối chọi với tôi chớ đừng gây khó khăn người mà tôi muốn đề cử”, vì Đại Sứ Susan Rice được TT Obama tiến cử vào chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao để thay thế bà Clinton đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của phe đối lập. Và TT Obama trong cơn tức giận đã quên mất hệ thống kiểm soát và quân bằng tam chế lừng danh của chính quyền Mỹ (check and balance system). Loại bỏ người do Tổng Thống đề cử là quyền hạn của quốc hội.
Cũng xin phân tích thêm về thái độ hằn học và quyết liệt của TT Obama. Các TT Mỹ thường khiêm tốn và dung hòa ở nhiệm kỳ một để lấy lòng quốc hội và cử tri của các khuynh hướng. Nhưng khi đã thắng cữ rồi và nhiệm kỳ 2 là nhiệm kỳ cuối cùng nên trở nên cứng rắn bất cần dư luận chống đối để thực hiện cho được mục tiêu của mình hay của đảng mình. Rất may, những vị cha già lập quốc của Mỹ quốc đã sáng suốt nhìn thấy rõ mầm mống độc tài đảng trị sẽ phát sinh ở những người nắm trong tay quyền lực lâu dài nên đã viết Hiến Pháp giới hạn chức vụ Tổng Thống chỉ vào 2 nhiệm kỳ mà thôi.
Sau mỗi nhiệm kỳ bầu cử tổng thống, nhất là sau khi một đảng đối lập thắng cử, thủ đô Washington nhộn nhịp hẳn lên vì “đoàn quân chiến thắng” (political appointees) tiến vào “tiếp thu” các cơ quan của chính quyền Liên Bang. Dân chúng và nền kinh tế địa phương sẽ được hưởng những phúc lợi của chính quyền đổi chủ này vì đoàn quân chiến thắng sẽ tiêu rất nhiều tiền vào những buổi tiệc tiếp tân hay khoản đãi, mua sắm, thay đổi và tân trang hàng loạt các cơ quan công quyền.
Trong khi đó “đoàn quân thất trận” của đảng thất cử bình thản cuốn gói trở về quê, một số làm giấy xin ở lại phục vụ theo diện nhân viên chuyên nghiệp. Một số ít được tân chính quyền lưu dụng vì đã lập nhiều công trạng cho quốc gia, như Giám Đốc CIA Robert Gates do TT Bush tiến cử đã được TT Obama lưu giữ trong nội các của ông đến 3 năm. Không có trả thù, không có tẩy não cải tạo, không có danh từ "phản động" trong tri thức của công dân Mỹ. Chỉ có quan niệm tiến tới (move on) nhìn về tương lai với tinh thần hợp tác và đoàn kết.
Trong tiền sảnh của Bộ Ngoại Giao chiều hôm ấy, 1-2-2013, một trang sử của nền dân chủ Hiệp Chủng Quốc lại vừa được lật qua. Sau bài nói chuyện ngắn, Ngoại Trưởng Clinton bước xuống bắt tay từng nhân viên rồi bước ra sân có đoàn xe hộ tống đang chờ, đây là chuyến đi cuối cùng từ Bộ Ngoại Giao trở về tư gia của bà. Hàng trăm người đưa tay vẩy chào người lãnh đạo nhiệt tâm. Có ai đó hô to “2016”, một chức vụ Tổng Thống cho Hillary vào nhiệm kỳ tới? Và những tiếng cười thông cảm và lịch sự. Không thấy nỗi xúc động bộc lộ trên những khuôn mặt của nhân viên, cũng không có những bàn cãi sôi nổi, và mọi người bình thản quay trở lại nhiêm sở của mình. Một người ra đi, sẽ có một người đến thay thế đã là một thông lệ quen thuộc ở đây.
Thay đổi, thay thế và đổi mới là những điều kiện tất yếu cho một nền dân chủ.
Tạm biệt Hillary.
Washington DC, ngày 7/2/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét