Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Sửa Hiến Pháp - Bịp có bằng chứng

Ông Nguyễn Văn Phúc

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến đó, ông Phúc đã tuyên bố, "...nếu chúng ta thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2013 thì phải làm thế nào để quy định của dự thảo sửa đổi Hiến Pháp thông qua sau đó vào tháng 10-2013 không trái với quy định của Luật đất đai (sửa đổi)." Lời tuyên bố đó cho thấy rõ ràng việc lấy ý kiến nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ là bịp bợm. 

Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 23-1, trong cuộc tọa đàm trực tuyến của Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, qua một câu trả lời của ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên Tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, người ta đã thấy lộ rõ âm mưu lừa dối của Đảng khi tung ra chiến dịch gọi là vận động dân chúng đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. 

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến đó, ông Phúc đã tuyên bố, "...nếu chúng ta thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2013 thì phải làm thế nào để quy định của dự thảo sửa đổi Hiến Pháp thông qua sau đó vào tháng 10-2013 không trái với quy định của Luật đất đai (sửa đổi)."

Lời tuyên bố đó cho thấy rõ ràng việc lấy ý kiến nhân dân trong việc sửa đổi Hiến Pháp lần này chỉ là bịp bợm. Bởi vì ai cũng biết Hiến Pháp là luật mẹ, phải được soạn thảo và biểu quyết trước rồi mới soạn thảo các đạo luật phù hợp với Hiến Pháp. Không nước nào theo tiến trình lập hiến và lập pháp ngược lại. 

Nguyên lý của Hiến Pháp như sau: "Mục đích của Hiến Pháp là qui định phương cách tổ chức và hoạt động của guồng máy nhà nước và trong đó có những giới hạn nghiêm trọng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước (government) nhằm bảo vệ các quyền căn bản của người dân là quyền Sống (Life), quyền Tự Do (Liberty) và quyền Mưu cầu hạnh phúc (the pursuit of Happiness)." Hiến Pháp chỉ vạch ra những đường lối đại cương, những nguyên tắc căn bản điều hành quốc gia. Hiến Pháp không đi vào chi tiết. Bởi vì, cuộc sống luôn luôn sinh động, có nhiều thay đổi. Khi văn minh kỹ thuật thay đổi, cuộc sống thay đổi, văn hóa, phong tục, tập quán thay đổi, thì luật pháp thay đổi theo, vì luật pháp phải phản ảnh cuộc sống. Bởi thế, nếu đi vào quá chi tiết thì Hiến Pháp sẽ sớm bị cuộc sống vượt qua và sẽ phải liên tục sửa đổi tạo sự bất ổn trong công cuộc điều hành guồng máy nhà nước. Hiến Pháp dành những qui định thường nhật của nhân dân cho những đạo luật được soạn thảo bởi những quốc hội lập pháp về sau. Có như vậy xã hội mới có được những đạo luật hữu ích, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Có những hành vi trước kia là trái luật nhưng ngày nay không còn được coi là trái luật nữa. Ví dụ theo luật Hồng Đức, "để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi" là yếu tố của tội bất hiếu, nhưng ngày nay những hành vi này không bị kết tội hình sự nữa. 

Ngay cả trong luật Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, những luật lệ về kinh tế thay đổi nhiều trong thời gian 2 thập niên qua. Luật thay đổi nhưng Hiến Pháp có đời sống lâu dài hơn nếu những nhà lập hiến có viễn kiến. Bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ là bản Hiến Pháp đầu tiên của nhân loại và cũng là bản Hiến Pháp tiên tiến nhất vì những nhà lập hiến Hoa Kỳ là những người có viễn kiến. Họ chỉ qui định những nguyên lý căn bản của Hiến Pháp, những nguyên lý lập hiến "bất biến". Những nguyên lý lập hiến đó không có qui định nào hạn chế quyền công dân mà hoàn toàn chỉ là một kế hoạch qui định cách tổ chức và phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước. Bốn nguyên tắc lập hiến cơ bản đó là:  

1- Quyền lực của nhân dân (Rule by the people);  
2- Giới hạn quyền lực của nhà nước (limited powers);  
3- Phân chia quyền lực giữa các cơ quan nhà nước (Separation of powers); và  
4- Cơ quan bảo vệ Hiến Pháp (Tòa tối cao liên bang) có quyền hủy bỏ những đạo luật vi hiến.

Như vậy các đạo luật phải tuân theo Hiến Pháp, phải hợp hiến, chứ Hiến Pháp không phải"hợp luật". Khi một bản Hiến Pháp mới được ban hành thì các đạo luật có trước sẽ tiếp tục được áp dụng nếu còn phù hợp với hiến pháp mới. Những đạo luật nào trái với hiến pháp mới thì phải hủy bỏ. Không thể có chuyện tréo cẳng ngỗng là Đảng và nhà nước "phải làm thế nào để quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua sau đó vào tháng 10-2013 không trái với quy định của Luật Đất Đai" như ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phó trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 đã tuyên bố. 

Bài báo trích dẫn trên báo Tuổi Trẻ cho biết bên lề cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phó trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 - đã trao đổi với báo chí xung quanh quy định về thu hồi đất trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất Đai (sửa đổi). Bài báo viết nguyên văn câu hỏi của báo chí và trả lời của ông Phúc như sau:
"* Dự kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5, trong khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến phải đến kỳ họp cuối năm mới thông qua. Vậy trong trường hợp giữa hai văn bản này có sự vênh nhau trong quy định về thu hồi đất thì sao?
- Đó là điểm hiện đang được thảo luận, bởi vì nếu chúng ta thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2013 thì phải làm thế nào để quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua sau đó vào tháng 10-2013 không trái với quy định của Luật đất đai (sửa đổi). Nghĩa là phải đảm bảo tính nhất quán về chính sách. Có ý kiến cho rằng vẫn có thể lần lượt thông qua hai văn bản nêu trên nếu đảm bảo được tính nhất quán. Tuy nhiên, có ý kiến khác cũng đề nghị thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai (sửa đổi) cùng thời gian để đảm bảo tính thống nhất của quy định này."
Với chức vụ của ông Phúc, tuyên bố của ông là tuyên bố của Đảng, của chính quyền, của ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Khi ông Phúc tuyên bố như vậy thì người dân suy luận có hai tình huống xảy ra: Hoặc Đảng và chính quyền dốt luật, đặc biệt là luật Hiến Pháp. Hoặc là Đảng và chính quyền muốn bịp dân chúng qua một cuộc sửa Hiến Pháp giả tạo.

Sau bài này, tôi sẽ lần lượt gửi tới độc giả một số bài nghiên cứu về Nguyên tắc và nguyên lý soạn thảo Hiến Pháp và Luật pháp để độc giả và nhân dân tham khảo và để tự bảo vệ chống lại sự sách nhiễu của cơ quan thi hành luật pháp các cấp.

Nguyễn Tường Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét