Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Tham vọng biển của Trung Quốc : Nguy cơ chiến tranh khu vực


Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân
quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm
ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.   
REUTERS/Guang Niu
Lê Phước
Tình hình tại vùng Châu Á Thái Bình Dương luôn thu hút truyền thông thế giới, trong đó có báo giới Pháp. Tuần san Le Nouvel Observateur số ra tuần này có bài chạy tựa «Cuộc chiến mới trên Thái Bình Dương », cảnh báo về tình hình căng thẳng trong khu vực mà mấu chốt là tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.

Trung Quốc hung hăng, láng giềng xa lánh
Tờ báo cho biết, Trung Quốc muốn bắt chước Mỹ, Anh và Pháp trước kia trở thành cường quốc biển. Nguyên nhân khiến Trung Quốc bằng mọi giá phải hướng ra biển, đó là địa thế Trung Quốc bị bao bọc xung quanh, từ bắc chí nam, từ Nhật Bản đến Indonesia, bởi một vòng vây các quần đảo lớn nhỏ và các vùng nước thuộc lãnh thổ của các nước « đối thủ » thậm chí là « kẻ thù ».

Tờ báo nhắc lại, Bắc Kinh đã yêu sách hầu hết lãnh thổ Biển Đông, tức tất cả các hòn đảo mà có khi cách lãnh thổ Trung Quốc đến nhiều ngàn cây số. Trung Quốc dần tăng cường sự hiện diện ở những khu vực nhạy cảm này. Tờ báo nêu rõ, mặc cho các nước dọc bờ biển phản đối, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện, thậm chí còn đe dọa, ở những vùng nước tranh chấp. Tình hình căng thẳng đến mức mà các nước trong khu vực phải cầu cứu đến Liên Hiệp Quốc trong việc thực thi các qui định quốc tế về luật biển. Nhiều nước trong số đó đã xích lại gần Mỹ bởi vì, theo tờ báo, đó là nước duy nhất có thể kiềm chế « sự tham lam của Trung Quốc ».
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc tỏ ra « nhắm mắt tai ngơ » trước những phản đối của láng giềng. Và vào tháng 02 này, Bắc Kinh sẽ tung ra một bản đồ mới về cái gọi là « Đại Trung Hoa », một hành động mà theo tờ báo sẽ làm cho tình hình thêm căng thẳng. Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 11/2012, Trung Quốc đã cho in một bản đồ như thế trên hộ chiếu của Trung Quốc, gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong khu vực.
Trung Quốc không ngại dùng vũ lực ?
Le Nouvel Observateur nhận định, Trung Quốc đã trở thành cường quốc, và không còn cần phải che dấu tham vọng lãnh thổ, tham vọng thay đổi bản đồ khu vực kể cả bằng vũ lực. Và tất cả các quốc gia ven biển ở đây đều nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Tờ báo nhắc lại, hồi năm ngoái, hải quân Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, đã cấm Malaisia triển khai tàu địa chấn trong phạm vi đặc quyền kinh tế Malaisia, đã gây xáo trộn hoạt động thăm dò dầu khí ở những vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Từ mùa hè rồi, Trung Quốc đã toan làm thay đổi thực trạng pháp lý ở các vùng nước đang tranh chấp với chiêu thức « việc đã rồi ». Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 7/2012, Trung Quốc đã cho thành lập một đơn vị hành chính ở quần đảo Trường Sa, nơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Nhìn sang biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở đảo Senkaku mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Đây là một quần đảo bao gồm nhiều đảo nhỏ, do Nhật Bản kiểm soát. Từ nhiều năm nay, tranh chấp này luôn là ưu tiên khai thác của truyền thông của cả hai phía. Theo Le Nouvel Observateur, hồi tháng 12 rồi, tranh chấp Trung-Nhật đã tiến thêm một bước khi mà một máy bay Trung Quốc đã tiến vào không phận của khu vực này. Phía Nhật Bản xác nhận, đó là vụ « xâm phạm không phận Nhật Bản » lần đầu tiên kể từ thế chiến thứ hai. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn thường xuyên gây khó dễ cho tàu cá Nhật bản, và tàu hải giám của Trung Quốc thì cũng hay xâm nhập vào khu vực này.
Ở Trung Quốc, dư luận bị hâm nóng bởi sự hiện diện quá nhiều của chủ đề Điếu Ngư trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người Trung Quốc còn không ngại nói : « Phải cho bọn nhược tiểu Nhật Bản một bài học ». Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc còn không ngại nói đến khả năng « xung đột vũ trang » giữa hai nước.
Phía Nhật Bản tỏ ra không nhân nhượng. Tình hình căng thẳng đến mức mà báo giới Nhật Bản đã nói đến nguy cơ « chiến tranh » giữa hai nước. Chính phủ mới của Nhật Bản đã tuyên bố không thương lượng về chủ đề Senkaku vì quần đảo này, theo chính phủ Nhật Bản, hiển nhiên là của Nhật Bản. Chính phủ Nhật còn vừa tăng ngân sách quốc phòng. Tân thủ tướng Abe đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến 3 nước Asean là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, với mục đích, theo Le Nouvel Observateur, là cũng cố « mặt trận chống Trung Quốc » ở Thái Bình Dương. Ông Abe còn hứa sẽ cung cấp tàu tuần tra bờ biển cho Philippines và đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
Chiến lược lấn biển của Trung Quốc gồm 3 giai đoạn
Tại sao Senkaku lại nặng nề như thế đối với Bắc Kinh ? Theo Le Nouvel Observateur, bên cạnh nguồn lợi dầu hỏa còn có vấn đề địa chính trị.  Trung Quốc muốn trở thành cường quốc biển như Mỹ, Pháp, Anh trước kia, muốn phát triển một lực lượng hải quân đủ mạnh để có thể vươn xa ra biển cả nhằm đảm bảo những tuyến đường vận tải biển. Dù Trung Quốc có đến 15 000 km bờ biển, nhưng lại trong thế bị một vòng cung các hòn đảo chặn lối vào Thái Bình Dương. Trung Quốc dùng từ «dãy đảo thứ nhất » để chỉ khu vực biển tiếp giáp các quốc gia đối thủ hay thù địch với Trung Quốc như Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia và Malaisia.

Các nước này thường có quan hệ đồng minh với Mỹ. Hạm đội 7 của Mỹ thì lại không ngừng tuần tra những vùng nước quốc tế « kế cận một cách nguy hiểm » các bờ biển Trung Quốc. Còn các tuyến đường biển đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng và nguồn xuất khẩu của Trung Quốc thì lại đi qua khu vực biển này, khu vực nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Cảm thấy bị bó buộc một cách nguy hiểm, nên Trung Quốc đã không ngừng phát triển hải quân với mục đích là tạo ra một khu vực an ninh hàng hải bao gồm 3 giai đoạn.
Thứ nhất là kiểm soát cho được vùng biển gọi là « dãy đảo thứ nhất » nói trên, đặc biệt là vùng tiếp giáp với Đài Loan để ngăn chặn hải quân Mỹ tiến vào cứu đồng minh Đài Loan khi cần thiết. Và dĩ nhiên, mục tiêu cuối cùng của giai đoạn này là sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc đặt mục tiêu trong năm 2020-2030 sẽ triển khai hải quân Trung Quốc đến những vùng nước mà Trung Quốc gọi là « dãy đảo thứ hai », bao gồm khu vực Mariannes và Guam, mục đích là để so kè với Mỹ ngay trong vùng ảnh hưởng của Washington. Giai đoạn thứ ba, đó là hiện diện ở khắp các đại dương trên thế giới.
Tham vọng đó của Trung Quốc đã được tình hình kinh tế ủng hộ. Trung Quốc có nguồn ngoại tệ dồi dào nhất thế giới, đã trở thành nền kinh tế thứ hai địa cầu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã làm chao đảo nước Mỹ. Le Nouvel Observateur nhận định, trong bối cảnh đó, các nhà chiến lược Trung Quốc cảm thấy thời cơ đã đến. Và sự căng thẳng quá mức tại Trung Quốc trên hồ sơ Điếu Ngư cũng là một biểu hiện cho việc chóp lấy thời cơ của Bắc Kinh. Một chuyên gia Nhật Bản nhận định : « Nhìn từ Bắc Kinh, Nhật Bản là một chướng ngại lớn » đối với tham vọng biển của Trung Quốc. Và trên thực tế, Senkaku một là « chốt khóa » nằm trong lòng cái gọi là « dãy đảo số một » của Trung Quốc, và ngăn lối Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.
Tờ báo nhắc lại, từ 20 năm nay, hải quân Trung Quốc đã không ngừng lớn mạnh, và hiện tại lên đến 225 000 người, 50 tàu ngầm, 79 khu trục hạm. Cuối năm 2012, Trung Quốc đã ra mắt chiếc tàu sân bay đầu tiên và tên lửa đạn đạo chống hạm có khả năng tấn công tàu sân bay của Mỹ cách Thượng Hải 2 000 cây số. Tờ báo nhận định, hiện tại Trung Quốc đã trở thành một cường quốc hải quân, và sẽ còn tiếp tục lớn mạnh trong thời gian tới.
Tuy vậy, nguy cơ đến từ Trung Quốc không phải là quá lớn. Le Nouvel Observateur dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật Bản cho rằng, dù trong 20 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 18 lần, nhưng hiện tại hải quân Trung quốc vẫn còn thua xa Mỹ, chưa kể là bên cạnh đó còn có các lực lượng hải quân của các nước đồng minh của Mỹ. Hơn nữa, hải quân Trung Quốc dù lớn mạnh nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến. Trong khi đó, hải quân Nhật lại rất mạnh, nên việc bức phá Senkaku của Trung Quốc là việc chưa thể. Thêm vào đó là nội tình rối ren tại Trung Quốc với nguy cơ bạo động xã hội đang âm ĩ. Tờ báo kết luận, tất cả cho thấy, bản đồ « Đại Trung Hoa » của Trung Quốc hiện chỉ là « một giấc mộng trên giấy ».
Tập Cận Bình muốn gì ?
Bàn về ông Tập Cận Bình, tờ báo nhắc lại, ông này tuần qua đã có lời lẽ khoan hòa với Nhật Bản. Ông có thật sự muốn vậy hay không ? Tờ báo cho rằng, sự thật coi chừng ngược lại vì ông Tập là người có thói quen khi nói thì khoan hòa nhưng hành động thì lại khác.

Tờ báo nhắc lại làm bằng chứng, đó là hồi năm 2011, khi còn là phó chủ tịch, ông Tập đã tiếp nhiều lãnh đạo Châu Á và luôn hứa là sẽ làm dịu căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ. Khi đến thăm Việt Nam, ông Tập cũng có lời lẽ khoan hòa. Nhưng, những hành động làm cho tình hình thêm phức tạp của phía Trung Quốc hồi năm 2012 đã cho thấy rõ sự thật của vấn đề.
Thế giới phụ nữ « quật khởi »
Xã hội ngày càng tiến bộ, phụ nữ ngày càng muốn thật sự bình đẳng với cánh mày râu. Vì thế, nhiều phong trào và nhiều hình thức đấu tranh của chị em đã nổi lên ở nhiều nước. Báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến hiện tượng này. 
Ấn Độ : Hết chịu nổi cảnh hiếp dâm
Tạp chí Le Monde Diplomatique số ra tháng này có bài dành cho tình hình phụ nữ tại Ấn Độ với dòng tựa đáng chú ý : «Ấn Độ mới đang hối hả ». Tờ báo nhắc lại sự việc hồi tháng 12 năm ngoái một nữ sinh bị hiếp dâm ngay trên xe buýt công cộng tại thủ đô New Delhi, vài ngày sau thì cô chết. Thế là, một làn sóng phẫn nộ đã nổi lên. Phụ nữ Ấn Độ đã xuống đường.
Nhìn sâu vào vấn nạn hiếp dâm tại Ấn Độ, tờ báo nêu ra một nguyên nhân cốt lõi, đó là nạn trọng nam kinh nữ trong xã hội phụ quyền Ấn Độ. Gia đình nào cũng muốn có con trai, và nạn phá thai đã diễn ra nghiêm trọng. Kết quả là tỷ lệ nam nữ ở đất nước này chênh lệch khá cao : 940 nữ/1000 nam. Vì thế, nhiều thanh niên chịu cảnh không vợ.
Một nguyên nhân khác, đó là thực trạng tự tung tự tác của nạn hiếp dâm. Tức là, việc xử phạt của luật pháp đối với tội này còn rất sơ xài. Theo Le Monde Diplomatique, tại New Delhi, trong giai đoạn từ tháng 01 đến tháng 11/2012, có đến 754 người bị tố cáo trong 635 vụ án hiếp dâm, thì đến hiện tại chỉ có một thủ phạm duy nhất đã bị kết án.
Nhìn lại các vụ xuống đường vừa qua, đa số là phụ nữ trẻ tuổi thuộc tầng lớp trung lưu thành thị. Theo Le Monde Diplomatique, đó là biểu hiện của thế hệ mới tại Ấn Độ, thế hệ được sinh ra và lớn lên trong toàn cầu hóa, được đi ăn học ở nước ngoài, có thể độc lập về tài chính, có khả năng tìm kiếm việc làm, thế hệ có thể nhận thức được sự bất bình đẳng giới tính trong xã hội Ấn Độ.
Phụ nữ khỏa thân để đấu tranh
Nhìn rộng ra thế giới, tuần san Courrier International dành một hồ sơ cho phong trào phụ nữ thế giới với hàng tựa chạy trên trang nhất : «Những phụ nữ không khuất phục », kèm theo bức ảnh một phụ nữ đang đấu tranh trong tư thế …cởi trần.

Đấu tranh bằng tư thế cởi trần là độc chiêu của chị em phụ nữ Unkraina trong phong trào mang tên Femen. Phong trào này hiện đã lan rộng đến nhiều nước. Femen lấy chủ đề đấu tranh trong cuộc sống thường nhật, nhất là vấn đề quyền phụ nữ. Vũ khí đấu tranh của các chị là để ngực trần bởi đó là « biểu tượng của nữ tính, của người mẹ và của tình dục ».
Tờ báo Der Spiegel của Đức có bài đi sâu vào vụ việc này, được Courrier International dẫn lại với dòng tựa ấn tượng : «Những chiếc vú mang tính chính trị ». Tờ báo kể lại rằng, hồi tháng 5 năm ngoái, 4 thiếu nữ Ukraina đã cởi trần đứng trước tòa đại sứ Ấn Độ tại Ukraina để phản đối. Nguyên nhân là vì trước đó, có tin cho hay, ngoại trưởng Ấn Độ đã lên tiếng cho rằng, phụ nữ các nước thuộc Liên Xô cũ đến Ấn Độ để hành nghề mại dâm. Thế là, băng rôn phản đối của bốn cô gái nói trên nêu rõ : «Phụ nữ Ukraina không phải là gái mại dâm », và kèm theo câu biểu trưng của Femen là : «Xéo đi ».
Một trường hợp đấu tranh ấn tượng khác đến từ Ai Cập. Courrier International dẫn lại bài của tờ TelQuel tại Maroc với dòng tựa khá sốc : « Trần truồng và phản đối tất cả ». Bài viết đăng hình ảnh một phụ nữ Ai Cập trong tư thế không mảnh vải che thân, hai tay đưa lên cao cầm quốc kỳ Ai Cập, đầu đội vòng hoa, khu vực từ cổ đến thắt lưng có vẽ hàng chữ màu đỏ : « Luật Hồi Giáo Charia không phải là Hiến pháp ».
Cô nàng nói trên tên là Aliaa Magda Elmahdy, năm nay 22 tuổi, một blogger nổi tiếng tại Ai Cập. Số là hồi tháng 10 năm 2011, trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng tại Ai Cập, cô nàng đã đăng trên blog cá nhân một bức ảnh của cô trong tư thế trần truồng. Bức ảnh lập tức làm sốt cộng đồng mạng, và chỉ trong vài ngày đã có đến 8 triệu lượt xem. Gia đình và búa rìu dư luận Hồi Giáo lập tức tấn công cô, và cô buộc phải bỏ xứ đến Bắc Âu.
Hình ảnh không mảnh vải che thân và cầm cờ nói trên là cảnh diễn ra hồi tháng 12/2012, trước đại sứ quán Ai Cập ở Thụy Điển, với mục đích là đòi quyền phụ nữ và phản đối chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan tại Ai Cập. Trả lời cho tờ telQuel, Aliaa giải thích cho phương pháp đấu tranh của cô như sau : «Tôi là một phụ nữ, tôi không xấu hổ và cũng chẳng sợ sệt khi phô bài thân thể trong một xã hội dưới quyền thống trị của cánh đàn ông, những người hành hạ phụ nữ hàng ngày, những người xem phụ nữ là công cụ tình dục ».
Trung Quốc : Cởi trần phản đối bạo hành gia đình
Đến với Trung Quốc, Courrier International cho hay, thế hệ trẻ của phụ nữ nước này đã biết tận dụng Internet để đấu tranh, và có nhiều người đã không ngại đưa lên Internet hình ảnh cá nhân trong thế cởi truồng. Một trong những chủ đề đấu tranh trọng yếu của họ là chống bạo hành gia đình. Theo thống kê được công bố tại Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái, có đến 24,7% phụ nữ được hỏi khẳng định đã từng bị «lăng mạ, đánh đập, cướp quyền tự do và phương tiện kinh tế, bị bạo hành tình dục ».

Nhật Bản : Đấu tranh bằng bikini 
Còn tại Nhật Bản, Courrier International bàn về một phong trào phụ nữ mang tên Momoiro Guerrilla (Tạm dịch : Trận du kích màu hồng). Phong trào này ra đời năm 2003, phản đối Nhật Bản tham gia vào trận chiến Irak. Biểu trưng của phong trào này là chị em phụ nữ đi đấu tranh bằng cách mặc bikini màu hồng. Hiện tại, phong trào này đã bắt đầu tiếp nhận thành viên nam với điều kiện các anh phải mặc màu hồng như chị em khi đi đấu tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét