Pages

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Thư ngỏ kêu gọi cải tổ ở Trung Quốc



Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc
Lá thư ngỏ được công bố chỉ vài ngày trước khi ông Tập Cận Bình nhận chức Chủ tịch nhà nước TQ
Một số học giả, nhà báo và các nhà hoạt động nổi tiếng nhất tại Trung Quốc vừa công bố một lá thư ngỏ thúc giục giới lãnh đạo hãy thực hiện các cải tổ chính trị và đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng qua.
Hơn 100 người ký vào bức thư ngỏ thúc giục chính phủ tại Bắc Kinh hãy phê duyệt một hiệp ước quốc tế về nhân quyền.

Sự việc xảy ra chỉ vài ngày trước khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tụ họp phiên họp Quốc hội thường niên tại Bắc Kinh.
Lá thư được đăng trên một vài trang mạng và blog nổi tiếng của Trung Quốc.

Tại phiên họp, tân lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ nhận chức vụ Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, thay thế ông Hồ Cẩm Đào, hoàn tất cuộc chuyển giao quyền lực mười năm một lần.
'Mục tiêu có thể thực hiện được'
"Chúng tôi trang trọng và công khai đề nghị những điều sau trên cương vị là các công dân của Trung Quốc," mở đầu lá thư viết, "rằng Công ước Quốc tế về Các Quyền chính trị và Dân sự (ICCPR) phải được phê chuẩn, nhằm quảng bá thêm và tạo lập các nguyên tắc về nhân quyền và chủ nghĩa hợp hiến tại Trung Quốc."
Công ước ICCPR là một phần của Luật Quốc tế về Nhân quyền do Liên Hiệp Quốc (LHQ) lập ra. Nó kêu gọi các quyền chính trị và dân sự căn bản cho mỗi cá nhân, bao gồm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do hội họp.
Chính phủ Trung Quốc ký Hiệp ước này năm 1998 nhưng Quốc hội Trung Quốc chưa bao giờ phê chuẩn Hiệp ước này.
Lá thư kêu gọi chính phủ Trung Quốc phê chuẩn một Hiệp ước của LHQ về các quyền căn bản của con người.
Lá thư ngỏ được nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng tại Trung Quốc ký, bao gồm kinh tế gia Mao Vu Thức, học giả về pháp lý Hạ Vệ Phương, và Đới Tình, một nhà hoạt động chính trị trực tính.
Hồi tháng 12, nhiều người trong số này cũng đã ký một lá thư ngỏ với từ ngữ mạnh mẽ đòi có những cải tổ chính trị bao gồm một thay đổi có ý nghĩa về dân chủ và một hệ thống pháp lý độc lập.
"Nếu những cải cách chế độ mà xã hội Trung Quốc đang cấp thiết cần tới bị đình trệ không có tiến bộ," lá thư hồi tháng 12 cảnh báo, "thì tình trạng quan chức tham nhũng và xã hội bất bình sẽ lên tới mức khủng hoảng và Trung Quốc một lần nữa bỏ lỡ cơ hội cho một cải cách hòa bình và sẽ bị rơi vào tình trạng hỗn độn và rối loạn của một cuộc cách mạng bạo động."
Ngôn ngữ trong lá thư mới đây hòa giải hơn, công nhận những khó khăn của việc thực hiện một thay đổi chính trị là ý nghĩa ngay chính bên trong Trung Quốc trong khi nhấn mạnh việc ký Hiệp ước ICCPR là một mục tiêu "có thể thực hiện được" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Thay đổi từng bước
Trong một phỏng vấn với BBC, nhà báo điều tra Uông Khoa Tần cho biết ông tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phê chuẩn Hiệp ước ICCPR trong phiên họp quốc hội tới, một mục tiêu mà ông nói là "rất ôn hòa và bảo thủ".
"Chúng tôi không dám mơ ước rằng Trung Quốc sẽ có rất nhiều tiến bộ trong một bước nhảy vọt lớn," ông Vương nói. "Đất nước phát triển từng bước và nỗ lực của chúng tôi cũng là nhằm thay đổi từng bước. Đây là một tình huống khá lúng túng mà chúng tôi đang rơi vào hiện nay."
Ông không muốn cho biết người đầu tiên đã viết lá thư này và thu thập các chữ ký và đổ lỗi sự miễn cưỡng không muốn tiết lộ cho "hoàn cảnh đặc biệt của Trung Quốc".
Theo Dự án Truyền thông Trung Quốc, một nhóm có trụ sở tại đại học tổng hợp Hong Kong quan sát truyền thông Trung Quốc, thì lá thư tuần này được dự kiến đưa ra vào thứ Năm.
Tuy nhiên có tin là giới chức trách đã nghe nói về lá thư này khiến những người ủng hộ lá thư công bố nó sớm trước hai ngày. Những nhắc nhở tới lá thư này đã biến mất trên nhiều trang web tại Trung Quốc kể từ đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét