Pages

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

TQ không muốn Giáo hoàng mới 'can thiệp'



Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc
Trung Quốc không muốn Giáo hoàng kế tiếp 'can thiệp nội bộ' vào Công giáo
Bắc Kinh kêu gọi người kế nhiệm của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, theo quan chức ngoại giao nước này.
Hôm thứ hai, khi được hỏi về quyết định từ chức của đương kim Giáo Hoàng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói Vatican "không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".


Các căng thẳng trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh thể hiện thông qua xung đột giữa hai bên về quyền tấn phong, công nhận chức linh mục và về việc ai có tiếng nói quyết định về công việc của Giáo hội Công giáo ở quốc gia đông dân số nhất thế giới.
Hãng tin AFP cho rằng phát biểu của người phát ngôn này phản ánh sự căng thẳng trong quan hệ của Trung Quốc với Vatican trong suốt thời gian qua.
Ông Hồng Lỗi nói ông hy vọng Đức Giáo Hoàng kế tiếp sẽ "tạo điều kiện cho việc cải thiện quan hệ song phương" với Trung Quốc, nhưng chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép một sự “tan băng” trong quan hệ mà không có nhượng bộ nào từ Vatican.
Trung Quốc hiện vẫn không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, và chỉ cho phép các giáo dân Công giáo hoạt động tín ngưỡng trong khuôn khổ Giáo hội Công giáo do nhà nước công nhận.
Quốc gia này hiện có hai giáo hội Công giáo, một của Nhà nước cho các nhà thờ công khai cho tín đồ đến cầu nguyện và một hoạt động phi chính thức, ở các không gian riêng tư.
"Trung Quốc hy vọng Giáo Hoàng kế tiếp sẽ tạo điều kiện cải thiện quan hệ song phương, nhưng sẽ không cho phép một sự 'tan băng' trong quan hệ mà không có nhượng bộ nào từ Vatican"
Các giám mục "giáo hội nhà nước" của Trung Quốc tuyên bố công nhận thần quyền của Đức Giáo hoàng nhưng lại không chấp nhận Ngài bổ nhiệm, tấn phong các vị trí trong 'giáo hội' của riêng họ.
Những tín đồ và hàng giáo phẩm trung thành với Vatican phải bí mật hành đạo hoặc cầu nguyện ở chốn riêng tư.

'Cắt đứt quan hệ'

Giáo hội nhà nước mà một số nhà chỉ trích gọi là “quốc doanh” có khoảng 5,7 triệu thành viên trong khi có khoảng từ ba đến sáu triệu giáo dân khác, hành lễ trong các nhà thờ Công giáo không công khai, nơi mà họ tuyên bố trung thành với Vatican.
Ông Hồng Lỗi cũng kêu gọi Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của họ, vẫn theo AFP.
Trung Quốc và Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1951 sau khi Tòa Thánh công nhận chính phủ Quốc Dân Đảng của Đài Loan ở Đài Bắc, một đối thủ của chế độ cộng sản ở Bắc Kinh.
Hồi cuối tháng 7/2011, Bấmcăng thẳng giữa Trung Quốc và Tòa Thánh lên cao khi Giáo hội do Nhà nước chỉ đạo ở Trung Quốc tuyên bố xem xét việc tấn phong thêm bảy giám mục, bất chấp các rạn nứt sẵn có với Tòa Thánh sau các lần tấn phong trước đó.
Giữa tháng Bảy cùng năm, Trung Quốc tự tấn phong một giám mục mà không cần sự đồng ý của Tòa Thánh La Mã, đây là lần tấn phong thứ ba trong vòng tám tháng tính tới thời điểm đó, gây thêm căng thẳng hai bên.
Tòa thánh Vatican
Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican từ năm 1951
Về phần mình, lập truờng của Tòa Thánh Vatican luôn nhấn mạnh chỉ Đức Giáo hoàng mới có thẩm quyền tấn phong hay bổ nhiệm các chức giám mục.
Tuy thế, Bắc Kinh lại coi việc này là hành động 'can thiệp vào nội bộ' của nước Trung Quốc cộng sản.
Hồi tháng 7/2011, ông Anthony Lưu Bách Niên, chủ tịch danh dự Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, tổ chức chỉ đạo giáo hội của chính quyền, tuyên bố Trung Quốc đã có "các cuộc bầu cử cấp địa phương và chọn ra bảy ứng cử viên vào chức giám mục".
Ông Lưu nhấn mạnh tên tuổi các vị này đã được đệ trình lên "Hội đồng Giám mục Trung Quốc", cơ quan cũng thuộc Nhà nước quản trị và không thần phục Tòa Thánh, như một thủ tục mà ông tin là đảm bảo tính dân chủ và tự trị của Giáo hội công giáo yêu nước.
Được biết quốc gia láng giềng của Trung Quốc là Việt Nam cũng vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican, mặc dù trong chuyến thăm gần nhất của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tới Tòa thánh gặp Giáo hoàng Benedict XVI, hai bên đều cho hay đang nhắm tới thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ.
Đương kim Giáo Hoàng bất ngờ tuyên bố thoái vị hôm thứ Hai tuần trước, tới nay, một số ứng viên được cho là có thể kế vị ngài đã được giới truyền thông luận bàn. Một trong số đó là Đức Hồng y Peter Turkson, 64 tuổi người Ghana, đại diện châu Phi.
Ứng viên được truyền thông cho là tiềm năng của châu Mỹ Latinh là Tổng giám mục Sao Paulo, Brazil, Hồng y Odilo Pedro Scherer, và từ Mỹ là Tổng giám mục New York, Hồng y Timothy Dolan, năm nay 62 tuổi.
Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines cũng đang có một ứng viên mà giáo dân nước này kỳ vọng là Hồng y Luis Antonio Tagle, ngài năm nay 56 tuổi và đang coi sóc địa phận Manila.

Không có nhận xét nào: