Pages

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Trung Quốc : Khu vực nhà nước lũng đoạn thị trường



PetroChina, tập đoàn Nhà nước nặng ký của Trung Quốc.
PetroChina, tập đoàn Nhà nước nặng ký của Trung Quốc.
Reuters
« Chiều quá hóa hư », đó là thực trạng của khu vực kinh tế nhà nước tại Trung Quốc. Do được nhà nước ưu ái quá mức, nên khu vực kinh tế này ngày càng làm ăn không hiệu quả, đòi hỏi những cải cách về mặt cấu trúc. Tuần san Le Nouvel Observateur có bài phân tích chủ đề này với dòng tựa đáng chú ý : «Phẫn nộ về những « cương thi nhà nước » ở Trung Quốc ».
Tờ báo dùng từ « cương thi » để ám chỉ việc khu vực kinh tế nhà nước tại Trung Quốc «hút máu» khu vực tư nhân, các đại doanh nghiệp nhà nước «hút máu» các công ty vừa và nhỏ. Ước tính, ở đất nước đông dân nhất thế giới này, hiện có khoảng trên duới 150 000 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 117 doanh nghiệp được quản trực tiếp bởi Ủy ban giám sát và điều hành tài sản nhà nước. Đóng góp của các công ty này rất lớn, chiếm từ 40% đến 60% GDP cả nước.

Thế nhưng, tờ báo cho biết, khu vực kinh tế nhà nước được chính phủ nước này quá nuông chìu, vì thế dẫn đến tình trạng độc quyền trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Tình trạng đó không chỉ làm nản lòng các doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà còn gây mất lòng tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư phương Tây đã không còn dấu được bức xúc trước tình trạng độc quyền và sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Còn đối với nền kinh tế Trung Quốc thì tình trạng trên cũng gây nhiều thiệt hại. Kinh tế Trung Quốc đang chậm đà tăng trưởng. Ấy vậy mà nhà nước còn phải nai lưng chi những khoản tiền khổng lồ để duy trì hoạt động của những lĩnh vực không sinh lợi và để bù những khoản thiệt hại do doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả.
Một trong những bằng chứng không hiệu quả nhất của khu vực kinh tế này : Theo các chuyên gia, nếu không được hưởng ưu đãi về vốn vay và về mọi thứ từ nhà nước, thì các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc mấy năm qua chẳng những không có lợi nhuận mà còn có thể bị thua lỗ. Tức là, lợi nhuận mấy năm qua của các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc chính là tiền trong chính sách ưu đãi của nhà nước.
Một tác hại khác của độc quyền kinh tế nhà nước tại Trung Quốc đó là nó «bóp nghẹt » khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi mà, theo Le Nouvel Observateur, tại Trung Quốc, khu vực tư nhân năng động nhất, tạo ra nhiều công ăn việc làm và nhiều lợi nhuận nhất, sản xuất đến 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này. Thế mà, các doanh nghiệp tư nhân lại không được ưu đãi của các ngân hàng, vì vậy việc vay vốn là hết sức khoa khăn, bởi vì ngân hàng thì là ngân hàng nhà nước, mà ngân hàng nhà nước thì dĩ nhiên ưu ái phe nhà, tức các doanh nghiệp nhà nước.
Từ đó, các doanh nghiệp tư nhân, do thiếu vốn, phải chạy đi vay nóng với lãi suất cao. Ai là người cho các doanh nghiệp này vay lãi suất cao? Tờ báo cho biết, có những doanh nghiệp nhà nước lợi dụng chính sách ưu đãi để vay tiền với lãi suất thấp ở các ngân hàng nhà nước, để sau đó cho các doanh nghiệp tư nhân vay lại với lãi suất cao.
Sự thiệt hại không dừng lại đó. Một chuyên gia kinh tế cho biết, Trung Quốc gần đây phát triển bằng cách thành lập các đại tập toàn để tăng cường tính cạnh tranh trên thế giới. Thế nhưng, các đại tập đoàn nhà nước này, do có nhà nước bảo kê về nguồn vốn, nên đã lao vào đầu tư không tính toán và bất chấp chuyên môn. Chẳng hạn như một tập đoàn trang thiết bị quân sự lại đầu tư trong ngành xây dựng khi thấy lĩnh vực bất động sản đang ăn nên làm ra, hay trong lĩnh vực năng lượng sạch hoặc dã tham gia cả ngành sản xuất phim.
Điểm đáng chú ý là, cách đầu tư như vậy dĩ nhiên không hiệu quả, gây thất thoát cho nhà nước, và làm phương hại đến lĩnh vực tư nhân bởi sự độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh của khu vực nhà nước.
Tờ báo cũng chỉ ra một sự việc cho thấy, nạn nhân của sự tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước tại Trung Quốc chính là người dân. Theo tờ báo, người Trung Quốc dành dụm tiền bạc gửi tiết kiệm để tích cóp của cải. Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc nhận tiền gửi của họ với lãi suất thấp, sau đó cho vay lại các doanh nghiệp với lãi suất cao hơn rất nhiều để kiếm lợi nhuận. Và lợi nhuận này lại dành dụm để cho các doanh nghiệp nhà nước-con cưng của chính phủ- vay, bất chấp hiệu quả kinh doanh.
Đó chính là hiện tượng mà các nhà cải cách kinh tế tại Trung Quốc gọi là : «Nhà nước tiến tới, nhân dân thục lùi ». Thế nhưng, sự phẩn nộ của người dân không chỉ ngừng ở đó, bởi vì, nếu đi sâu thêm một tí, ta sẽ thấy được một thực tế phủ phàng khác. Số là khu vực nhà nước ngon cơm như thế nên thường do những người thuộc hàng « hoàng thân quốc thích » trực tiếp điều hành.
Các nhà kinh tế theo đường lối cải cách tại Trung Quốc từ lâu đã không ngừng lên tiếng, nhưng tiếng nói của họ chẳng được nhà cầm quyền quan tâm. Thế nhưng, hiện tại, tiếng nói này có hy vọng được đội ngũ lãnh đạo mới tại Trung Quốc lắng nghe. Bởi nếu không cải cách, thì cũng giống như tờ Nhân Dân Nhật báo đã cảnh báo, « cả dân tộc sẽ gặp nguy cơ nghiêm trọng ».
Giàn lãnh đạo mới cũng tỏ ra quyết tâm cải cách và các biện pháp cải cách đầu tiên có thể được công bố trong năm 2013 này. Ấy thế nhưng, Le Nouvel Observateur nhận định : Đó là một công việc dài hơi, đòi hỏi phải mất nhiều năm mới có thể có kết quả, trong khi lại « không hề có cơ sự bảo đảm chắc chắn nào cho sự thành công ».
Bắc Triều Tiên và Hà Quốc sẽ xích lại gần nhau hơn dưới thời Park Geun-hye ?
Liên quan đến quan hệ liên Triều, tuần báo Sisa In tại Seoul đặt hy vọng vào vị tân tổng thống Hàn Quốc-bà Park Geun-hye. Quan điểm này được tạp chí Courrier International dẫn lại với hàng tựa : «Niềm hy vọng xích lại gần nhau ».
Bà Park Geun-hye sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Hàn Quốc vào ngày 25 tháng này. Sinsa In cho rằng, vị nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc này có nhiều thuận lợi để hâm nóng lại quan hệ liên Triều vốn trở nên hoàn toàn lạnh giá từ 05 năm nay.
Thuận lợi trước tiên, theo theo tờ báo, đó là bà Park Geun-hye đã có « một thỏa thuận trước » với Bắc Triều Tiên. Cái gọi là « thỏa thuận trước » này muốn đề cập đến thỏa thuận được đưa ra trong bản thông cáo chung hồi tháng 7/1972 giữa cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành và cố tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, tức thân phụ của bà Park Geun-hye .
Thỏa thuận 1972 đã mở đường cho những thỏa thuận tương tự khác giữa hai miền vào năm 1991, 2001 và 2007. Thỏa thuận đề ra một số nguyên tắc chung như : độc lập, hòa bình và « tinh thần đại đoàn kết » của người dân hai miền Triều Tiên, tức tạo tiền đề thúc đẩy hồ sơ đoàn tụ gia đình của những gia đình bị li tán trong chiến tranh. Thế nhưng, thỏa thuận ban đầu này đã không được thực hiện đến nơi đến chốn do hai bên chưa thống nhất được phương thức thực hiện.
Thế rồi 30 năm sau, vào năm 2002, bà Park Geun-hye đã tới Bình Nhưỡng gặp gỡ cố lãnh đạo Kim Jong-il và hai người đã quyết tâm tiếp tục phát triển thỏa thuận đạt được dưới thời cha họ. Hai người đã đồng ý về một điểm : thiết lập một địa điểm thường trực dành cho việc tiếp nhận cùng một lúc đến 10 000 người đến từ hai miền trong khuôn khổ đoàn tụ gia đình. Đây là một thỏa thuận lịch sử vì trước đó, từ năm 2000, Seoul đã đề nghị một địa điểm như vậy nhưng Bình Nhưỡng đã từ chối.
Thế nhưng, sau thỏa thuận 2002, tình hình vẫn không tiến triển. Rồi đến năm 2006, theo một báo cáo gửi cho tổng thống Hàn Quốc khi đó, thì chính quyền Bình Nhưỡng khi ấy thể hiện ý muốn hợp tác về hồ sơ đoàn tụ gia đình, nhưng do ở miền nam khi ấy đã gần ngày bầu cử, nên đã không chú trọng đến việc đó. Rồi khi ông Lee Myung-bak trở thành tổng thống Hàn Quốc vào đầu năm 2008, từ đấy, mọi khả năng nối lại đàm phán đều chấm hết.
Hiện tại, Sinsa In cho rằng, hồ sơ này cần được mở lại và thúc đẩy nhanh chóng, bởi vì nếu không mọi thứ sẽ quá muộn : Thế hệ trực tiếp có người thân li tán đã vào tuổi gần đất xa trời, và đã có nhiều người rời bỏ trần gian mà chưa được gặp lại người thân ở bên kia ranh giới.
Nhật Bản : tuổi trẻ đi tìm tương lai ở nước ngoài
Cũng nhìn về Châu Á, Courrier International dẫn lại bài của tờ Mainichi Shimbun tại Tokyo với dòng tựa cảnh báo : « Nhật Bản : Đối với thanh niên, tương lai đang ở nơi khác ».
Tờ báo bàn về một hiện tượng đang có chiều hướng mạnh dần tại Nhật Bản : Nhiều sinh viên nước này sau khi tốt nghiệp có ý định đi tìm việc làm ở các nước đang có nên kinh tế phát triển mạnh, tức những nước mới nổi.
Các sinh viên này thuộc thế hệ gọi là « không hề biết tăng trưởng là gì ». Tức là thế hệ sinh ra và lớn lên kể từ khi kinh tế Nhật Bản bắt đầu èo ọt. Thế hệ này lúc ấu thơ thì chứng kiến cảnh vỡ bong bóng bất động sản tại Nhật Bản, khi 10 tuổi thì là lúc người dân ở độ tuổi lao động tại Nhật Bản bắt đầu giảm, khi vào tuổi vị thành niên thì Nhật Bản bị rơi vào cảnh suy thoái triền miên.
Khi đã trưởng thành, thế hệ trẻ này cảm thấy khó tìm được tương lai nơi đất mẹ. Nguyên nhân thì có nhiều. Đó là do ngành công nghiệp bị hụt hẩn bởi tình trạng các đại tập đoàn di dời nhà máy đến những nước có thị trường lao động giá rẽ, vì thế nạn thất nghiệp dâng cao tại Nhật Bản. Thêm vào đó là sức ì của cả hệ thống kinh tế-xã hội : không thay đổi kể từ sau thế chiến thứ hai. Bên cạnh đó còn có tệ trọng bằng cấp và tệ « sống lâu lên lão làng », tức trọng thâm niên làm việc mà xem nhẹ năng lực thật sự…
Nước mới nổi mà tuổi trẻ Nhật tìm đến được tờ báo đưa ra làm minh chứng đò là Indonesia. Đây là nước đông dân nhất trong 10 nước Asean, và cũng là nước được xem là đầu tàu kinh tế của khối này. Đây cũng là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư cuốn gói khỏi Trung Quốc để đi tìm thị trường lao động giá rẽ hơn. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia hiện trên 6%. Tất cả đã thu hút tuổi trẻ Nhật Bản tìm đến, hoặc là để làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Indonesia, hoặc là để làm việc trong các ngành kinh tế Indonsia, nhưng mục đích chung đó là, tìm kiếm tương lai ở một chân trời mới.
Syria : Ai thất bại?
Tình hình tại Syria vẫn không có gì sáng sủa, các cường quốc vẫn tiếp tục « đánh võ miệng », còn trên thực địa chết chóc vẫn tiếp diễn. Syria sẽ về đâu ? Tạp chí L’Express dành mục thời luận bàn về chủ đề này. Tờ báo chỉ ra những thất bại trên hồ sơ nhân đạo và ngoại giao của tất cả các bên có liên quan trong cuộc xung đột tại Syria.
Thất bại trước tiên đó là trên hồ sơ nhân đạo. Danh sách người chết ngày càng dài ra. Theo số liệu ước đoán của các tổ chức phi chính phủ, thì số người chết do chiến sự tại Syria có thể lên đến 60 000 người. Bên cạnh đó, làn sóng tản cư ngày càng mạnh. Ước tính hiện có 225 000 người Syria chạy loạn đến Liban, 220 000 người đến Jordani, 165 000 đến Thổ Nhĩ Kỳ, 20 000 đến Ai Cập. Chưa kể là có khoảng 2 triệu người tản cư trong phạm vi lãnh thổ Syria. Lượng di cư quá lớn khiến các nước lân cận với Syria có ý đóng cửa ranh giới. Trên khắp Syria hiện có trên 550 điểm xung đột, gây khó khăn cho việc tiếp cận thực địa để làm công tác nhân đạo của các tổ chức thiện nguyện.
Thất bại thứ hai là trên hồ sơ ngoại giao. Các nước phương tây ngày càng tỏ ra bối rối. Nga và Trung Quốc thì đã nhiều lần phủ quyết dự thảo nghị quyết trừng phạt Damas do các nước phương Tây đề xướng. Trên chiến trường thì hai bên tham chiến đều được tiếp tế vũ khí từ bên ngoài. Việc tiếp tế vũ khí loạn xạ như vậy gây nguy cơ để lọt vũ khí vào tay quân Hồi Giáo cực đoan. Điều đó sẽ gây phương hại lâu dài đến Syria thời hậu Assad, đẩy nước này vào cảnh của Irak hoặc Somalia.
Tờ báo nhắc lại sự kiện Israel bất ngờ đánh bom vào lãnh thổ Syria hôm 30 tháng rồi. Lý do bên ngoài là để phá hủy kho vũ khí dành cho quân đội Hồi Giáo Chiite Hezbollah tại Liban, một đồng minh của chính quyền Damas. Thế nhưng, theo tờ báo, nơi bị đánh bom có thể chứa các tên lửa phòng không SA-17 do Nga sản xuất. Sự việc không gây căng thẳng gì nhiều nhưng cũng góp phần cho Nga thấy rằng, kéo dài cuộc chiến sẽ không có lợi cho ai cả. Thủ tướng Nga Medvedev đã lên tiếng cho rằng « các cơ may duy trì quyền lực của Assad đang cạn dần ». Và còn nói, ông Assad đã phạm « một sai lầm định mệnh ».
Tình hình đang rối rắm như vậy, chưa biết bên nào sẽ thắng. Thế nhưng, nếu đặt ra viễn cảnh thời hậu Assad thì tình hình lại càng rối rắm bởi hiện tại chưa có một tín hiệu sáng sủa nào cho viễn cảnh này. Các bên tham chiến trên thực địa vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về một chính phủ chuyển tiếp. Liên Minh Dân tộc Syria (CNS) được phương Tây ủng hộ và thừa nhận thì lại kiên trì lập trường bài Assad. Trong khi đó, cuộc chiến càng kéo dài, thì các nhóm Hồi Giáo cực đoan sẽ ngày càng cực đoan và xuất hiện ngày càng nhiều đến mức không thể kiểm soát được, như nhóm có tên Mặt trận Al-Nosra, nhóm bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố.
Pháp : Hồi giáo tăng dần ảnh hưởng ?
Cuối cùng, đến với nước Pháp, tờ The New York Times có bài cho biết ngày càng có nhiều thanh niên tại Pháp cải đạo theo Hồi Giáo. Bài viết được Courrier International dẫn lại với dòng tựa : « Hồi Giáo, chốn bình yên».
Tờ báo cho biết, nếu như con số cải đạo tại Pháp nhìn chung là tương đối thấp, thì con số cải đạo theo Hồi Giáo ở nước này đã tăng gấp đôi trong vòng 25 năm. Và tốc độ gia tăng bắt đầu vào những năm 2000.
Theo một quan chức hữu trách, tại Pháp hiện có khoảng 6 triệu tín đồ Hồi Giáo, trong đó có 100 000 người cải đạo, mà theo một số tổ chức Hồi Giáo thì con số này lên đến 200 000. Trong khi đó người cải đạo theo Hồi Giáo tại Pháp vào năm 1986 chỉ có 50 000.
Nguyên nhân cải đạo thì có nhiều, trong đó có một nguyên nhân đáng chú ý. Đó là, thường thì những người cải đạo sống ở các khu dân cư ngoại ô. Có những khu dân cư tuyệt đại đa số là người Hồi Giáo. Bởi vậy, để không khác lạ với mọi người nơi mình sinh sống, có nhiều người đã chấp nhận cải đạo theo Hồi Giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét