Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Không có động cơ để bình ổn giá vàng


Quan điểm của Nhà nước hiện nay là không bình ổn giá vàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ can thiệp mạnh vào thị trường vàng để đảm bảo kinh doanh của Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đây là những tuyên bố rất rõ ràng của Thống đốc NHNN trong một cuộc họp tại Đà Nẵng ngày 20/3 vừa qua.
Còn nhớ trong một lần trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, chỉ trong vòng một buổi sáng mà các câu trả lời của Thống đốc đã thể hiện sự mâu thuẫn đối với việc bình ổn giá vàng khiến không chỉ 500 ĐBQH mà hàng triệu cử tri cả nước ngồi trước máy thu hình cũng phải… chưng hửng.
Khi đó, để khẳng định tính đúng đắn của Nghị định 24, Thống đốc lập luận giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới là không ổn, dẫn đến tình trạng đầu cơ, nhập lậu, lũng đoạn thị trường vàng. Từ đó NHNN đặt ra nhiệm vụ phải giảm mức chênh lệch giá vàng với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không quá 400.000 đồng/lượng. Tại thời điểm Thống đốc đăng đàn, sự chênh lệch giá xấp xỉ 10 lần so với mức “phù hợp” mà Thống đốc nêu ra.
Nhưng đến khi các ĐBQH truy vấn tại sao Nghị định 24 đã được ban hành nhiều tháng trời mà độ chênh lệch giá vẫn quá cao, phải chăng có điều gì đó bất ổn đang diễn ra trên thị trường vàng mà NHNN không kiểm soát nổi thì ngay lập tức, Thống đốc cũng có câu trả lời. Theo đó, Thống đốc khẳng định vàng không phải là hàng hóa thiết yếu như chất đốt, thực phẩm… nên Nhà nước đâu cần phải bình ổn giá?!
Dường như người dân đã quen dần với các thông điệp bất nhất từ phía các cơ quan quản lý nên ngay cả khi ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch thương thiệu vàng quốc gia SJC cách đây hơn một tháng khẳng định, chỉ trong vòng 1 tuần sẽ kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới sau khi có một lượng cung lớn khoảng 30 tấn vàng được tung ra, thì thị trường hầu như cũng chẳng có phản ứng gì ngoài sự hoài nghi.
Ở thời điểm đó, phần lớn người dân đều giữ thái độ “kính nhi viễn chi” đối với các tuyên bố kiểu như vậy, ghi nhận trên thị trường cho thấy, giao dịchở các cơ sở kinh doanh vàng rất trầm lắng. Ấy vậy mà không hiểu vì lẽ gì, giá vàng vẫn cứ được cho thả dốc, tuột một mạch xuống vùng 42 triệu đồng/lượng và được giữ trong một khoảng thời gian đủ dài, sau đó lại leo ngược lên vùng 44 triệu đồng/lượng và tiếp tục duy trì cách biệt đối với giá vàng thế giới. Đã có những nhận định cho rằng, giới ngân hàng đắc lợi trong đợt vàng nhảy giá vừa qua khi nhanh tay gom vàng hạ giá để chuẩn bị cho đợt tất toán sắp tới.
Trở lại với lập luận của Thống đốc, trong một hội nghị bàn về sự phát triển KT-XH tại Đà Nẵng ngày 20/3, Thống đốc lại khẳng định: “Quan điểm của Nhà nước hiện nay là không bình ổn giá vàng” với phân tích từ đầu năm tới nay, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tuy chênh nhau rất lớn nhưng “có ảnh hưởng đến tỷ giá đâu?”, “có ảnh hưởng gì đến nhập siêu đâu?”(Đất Việt -22/3/2013).
Thống đốc tiếp tục nhấn mạnh, hiện không đặt ra vấn đề bình ổn giá vàng nữa, vàNHNN sẽ can thiệp mạnh vào thị trường vàng theo hướng ổn định thị trường này và đảm bảo kinh doanh của Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước?!
Như vậy đã rõ, mục tiêu can thiệp vào thị trường vàng của NHNN không thể hiện mong muốn duy trì một thị trường lành mạnh, hoạt động dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích của các bên tham gia, mà cái đích được đặt ra là đảm bảo hoạt động kinh doanh cho một cơ quan của nhà nước. Nhờ đó mà cả triệu người dân có vàng “phi SJC” phải chịu mất tiền oan, hàng ngàn đơn vị kinh doanh vàng bị loại khỏi cuộc chơi và NHNN nhận được một loạt đặc quyền từ việc xuất nhập khẩu vàng và bán ra thị trường hưởng chênh lệch giá (ông Lê Hùng Dũng trả lời trực tuyến trên vnexpress ngày 4/3/2013).Hiển nhiên, lợi nhuận của NHNN chỉ được đảm bảo khi chênh lệch giá vàng còn được duy trì ở mức độ cao như hiện nay.
Chưa hết, nếu theo lời Thống đốc, tuần tới khi NHNN can thiệp “mạnh” thì không biết thị trường vàng sẽ đi đến đâu?!
Huy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét