Pages

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Ngân hàng Nhà nước bị truy về các gói tín dụng


“Cá nhân tôi đi về địa phương thấy có nhiều chính sách mà trên Trung ương có chủ trương, nhưng ở dưới không tiếp cận được”, thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông trao đổi với đại diện của ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 26.3, khi vị này xin phép rời sớm khỏi cuộc họp Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh dịch vụ và đầu tư tháng 3 do bộ này tổ chức.

Ông Đông đơn cử nghị định 41 của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các ngân hàng sẽ cho các tổ chức kinh tế tập thể vay không cần thế chấp tài sản tới 500 triệu đồng với điều kiện các hợp tác xã vay vốn phải đưa ra được phương án kinh doanh khả thi. Thế nhưng, thực tế thì: “Tôi đến các nơi đều thấy nói các ngân hàng từ chối”.

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải thu hẹp quy mô sản xuất. Ảnh mang tính minh họa.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Xuân Hoè, phó vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) lập luận, “Tôi xin nói thẳng, nền kinh tế Việt Nam suốt ngày chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Thị trường tài chính bao gồm cả thị trường vốn nữa mà thị trường chứng khoán không phát triển được, các doanh nghiệp không đủ uy tín, không có ai chấm điểm để họ phát hành được trái phiếu”.

Trước đó, thứ trưởng Đông đã đề nghị NHNN làm rõ gói tín dụng 30.000 tỉ dành cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hình như đã giải ngân, nhưng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tỉnh nói không tiếp cận được. Ông Đông đặt câu hỏi vậy gói tín dụng có đến đúng địa chỉ hay sang đối tượng khác. Ông Hoè cho hay công việc này liên quan đến vụ Tín dụng, ông sẽ về báo cáo và có thông tin công khai trên website.

Thứ trưởng Đông nói sắp tới, bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ có buổi làm việc với NHNN. Ông nói: “Thông điệp của chúng tôi là sẽ giúp tạo quan hệ đối tác lành mạnh và bền vững giữa ngân hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó mới chính là đầu ra của ngân hàng... Chúng ta bàn với nhau, phối hợp thế nào để ngân hàng thực sự có khách hàng tốt”.

Tiếp đó, ông Trịnh Hữu Thắng, giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Giang cho biết nghị định 61 (khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn), có hiệu lực từ 2010, nhưng thực tế doanh nghiệp không tiếp cận được, các ngân hàng thương mại nói chưa cho vay.

Thứ trưởng Đông đề nghị, nếu các tỉnh có vấn đề tương tự như Bắc Giang (thực hiện nghị định 61) thì phải có công văn gửi bộ Kế hoạch và đầu tư, cùng NHNN ngay chứ “không nói miệng”, để các chính sách phải đi vào cuộc sống.

Điện của bộ Công thương và nhiều tỉnh, thành khẳng định, tình hình sản xuất – kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Có hai nguyên nhân quan trọng là tổng cầu quá yếu, tiêu dùng và sản xuất quá yếu. Hai là việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khó khăn, lãi suất vẫn khá cao trong bối cảnh hiện nay. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động ở một số nơi.

Việt Anh (SGTT)
Theo bộ Kế hoạch, trong quý 1/2013 cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỉ đồng, giảm 6,8% về số lượng doanh nghiệp và 16,1% về vốn so với quý 1/2012. So với quý 4/2012 thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,4% và số vốn đăng ký giảm 26,7%. Số doanh nghiệp và số vốn đăng ký trong quý 1/2013 vẫn tiếp tục xu thế giảm so với cùng kỳ năm trước.
Xét quy mô vốn đăng ký thì mức vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý 1/2013 vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể mức vốn đăng ký bình quân quý 1/2013 giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái, giảm 19% so với quý 4/2012. Mức vốn đăng ký bình quân quý 1/2013 là 5,5 tỉ đồng/doanh nghiệp, quý 1/2012 là 5,61 tỉ đồng/doanh nghiệp, quý 4/2012 là 6,24 tỉ đồng/doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét