Pages

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Nợ công 71,7 tỉ USD: Nhìn Síp để giật mình


Theo tờ The Economist, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh số nợ công hơn 800 USD.

The Economist, một tờ báo uy tín ở Anh vừa cho hay nợ công của toàn cầu liên tục tăng mạnh. Trong đó, nợ công của Việt Nam ở mức trên 71,7 tỉ USD, tương đương 49,4% GDP. Cũng trong tuần qua, truyền thông xôn xao câu chuyện Cộng hòa Síp để nợ công lên tới trên 85% GDP, dẫn đến nhiều hệ lụy. Đây chính là bài học kinh nghiệm để nhìn lại nợ công Việt Nam.

“Cần có sự quan tâm, kiểm soát chặt chẽ ngay từ bây giờ về nợ công, tránh sự cố xảy ra như các nước châu Âu từng gặp phải” - PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khuyến cáo.

“Trong giới hạn” nhưng chưa chắc “an toàn”

. PV: Theo ông, con số nợ đến 71,7 tỉ USD có khiến chúng ta cần phải giật mình?

+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Với con số trên, tôi cho rằng nợ công Việt Nam hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát, giới hạn cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, đây cũng là con số khá cao. Do vậy, ta không thể chủ quan, để đến khi vay nợ đụng trần rồi mới tính. Trong nợ công của chúng ta, hiện có nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp (DN) vay và cuối cùng là nợ của địa phương. Trong đó, nợ của Chính phủ là lớn nhất.

Một điểm cần quan tâm nữa là có khoảng 60% nợ công là vay nước ngoài, chủ yếu là vay dài hạn với lãi suất thấp 1%-2%. Nợ thì phải trả trong khi nguồn trả của chúng ta thì lại đang gặp nhiều khó khăn. Thực tế, ngân sách năm nào cũng bội chi ở mức 5% GDP. Năm 2012 chúng ta bội chi 140.000 tỉ đồng và theo kế hoạch năm 2013, có thể bội chi ở mức 160.000 tỉ đồng, tương đương 4,8% GDP. Như vậy, bản thân chúng ta không có dư, năm nào cũng thâm hụt. Vì vậy chủ yếu chúng ta vẫn phải vay những khoản mới để trả cho những khoản vay cũ.

. Con số nợ của các DN có đè lên gánh nặng của Chính phủ không, thưa ông?

+ Nợ công bảo lãnh cho các DN vay thì chủ yếu là bảo lãnh cho các DNNN. Hiện số tiền vay bảo lãnh cho DN chiếm khoảng 12% nợ công. Đây là con số khá lớn. Việc bảo lãnh này cũng đã gây ảnh hưởng nhất định, nếu các DN này không có khả năng thanh toán thì Chính phủ cũng phải trả. Như vậy, việc bảo lãnh cần phải cẩn trọng, chặt chẽ hơn nữa. Ngoài ra, phải tránh tình trạng các địa phương gây ra những khoản nợ lớn, cuối cùng đè lên nợ quốc gia.

Nói chung nợ của chúng ta chỉ có thể nói là trong giới hạn cho phép chứ tôi không khẳng định là an toàn, vì sự an toàn rất bấp bênh, giống như người nợ ít nhưng khi bị thất nghiệp thì số nợ dẫu ít ấy cũng sẽ trở thành gánh nặng.

Đa số các khoản vay được Việt Nam đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng việc đầu tư này lại quá dàn trải dẫn đến thất thoát, lãng phí.

Phải có trách nhiệm với tương lai

. Hiện dù các khoản nợ của chúng ta vay chỉ với lãi suất 1%-2% nhưng tương lai ta sẽ trả nợ những khoản này ra sao?

+ Mỗi năm, có những khoản nợ đến hạn và Chính phủ lấy tiền thu ngân sách để trả nợ. Ước tính khoản nợ phải trả mỗi năm có khi lên đến 100.000 tỉ đồng, tương đương gần 5 tỉ USD. Như tôi nói ở trên, chúng ta vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ, cộng thêm tiền lãi nên số nợ cứ ngày càng lớn.

Do đó, các khoản nợ vay cần phải được sử dụng một cách hiệu quả và có khả năng tái tạo ngoại tệ để trả nợ. Chính phủ cần phải tính đến điều này chứ không thể cứ thấy vay lãi suất thấp nên thoải mái vay. Chúng ta không trả hôm nay thì vài năm sau chúng ta vẫn phải trả. Do đó chúng ta phải có trách nhiệm với các thế hệ và cũng phải để dành cho tương lai con cháu chúng ta còn có thể tiếp cận với nguồn vay đó nữa. Vấn đề là phải giữ được uy tín chứ không thể cứ cố vay cho đến mức đụng trần rồi mình không vay nữa, đến lúc đó thế hệ sau sẽ vay ở đâu?

. Nhưng hiệu quả của đầu tư công thời gian qua lại chưa cao khiến dư luận lo lắng lẫn bức xúc?

+ Đa số các khoản vay được chúng ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng thời gian qua, việc đầu tư này lại quá dàn trải dẫn đến thất thoát, lãng phí. Hiện Chính phủ cũng đã nhìn thấy những khúc mắc đó và đang tái cơ cấu đầu tư công. Vấn đề là triển khai đề án tái cơ cấu đầu tư công đó như thế nào để đảm bảo đi vào hiệu quả, tránh lặp lại những khuyết điểm trước đây đã gặp.

Tóm lại, cần phải nhìn vào bài học thực tiễn rút ra từ quản lý nợ công của các nước châu Âu để đừng chủ quan ở mức nợ của mình.

. Thời gian qua dư luận quan tâm nhiều đến cuộc khủng hoảng tài chính của Cộng hòa Síp, phải chăng mọi “rắc rối” cũng bắt nguồn từ việc để nợ công quá cao?

+ Chúng ta vốn đã biết bất cứ một nền kinh tế nào để nợ công quá cao, phải đi cầu cứu các tổ chức nước ngoài thì sẽ gặp những hậu quả nghiêm trọng. Khi đó, các chính sách về kinh tế sẽ bị một “bàn tay” của nước ngoài can thiệp.

Vấn đề của Cộng hòa Síp gặp phải cũng là do họ đã để nợ công quá cao. Từ câu chuyện của quốc đảo này, tôi cho rằng đây cũng là sự cảnh báo để Việt Nam không chủ quan về khoản nợ của mình. Cho dù bên cho vay ra điều kiện dễ dàng, lãi suất thấp thì đó vẫn là một khoản nợ nên cần được cân nhắc khi sử dụng những đồng vốn đó. Thà là không vay chứ không thể vay rồi sử dụng không hiệu quả, hết sức nguy hiểm. Nói như vậy để mọi người cùng có sự cảnh tỉnh chứ không nên có tâm lý hoang mang. Tới đây, cụ thể là từ năm nay, chúng ta phải phấn đấu tiết kiệm chi để giảm dần bội chi ngân sách, trước đây bội chi trên 5% thì giờ cần kiểm soát ở mức dưới 5%. Cần phấn đấu đến năm 2015 giảm dần bội chi ngân sách xuống còn 4,5% và sau đó tiến tới đến một mức cân bằng ngân sách.

. Xin cảm ơn ông.

Khủng hoảng trong nợ, Síp phải cầu cứu Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các tổ chức này đưa điều kiện: Muốn được cứu trợ 10 tỉ euro, Síp phải huy động được 5,8 tỉ euro từ các nguồn.
Giữa tháng 3, Chính phủ Cộng hòa Síp đã đưa dự luật đánh thuế tiền gửi ở mức 6,75% đối với số tiền tiết kiệm 20.000 euro đến 100.000 euro, 9,9% đối với số tiền tiết kiệm cao hơn. Chỉ sau một ngày, hệ thống máy rút tiền của Síp đã cạn kiệt do người dân đổ xô đi rút tiền. Hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán phải tạm thời đóng cửa.
Ngày 19-3, Quốc hội Síp đã thẳng thừng bác bỏ dự luật trên. Các nghị sĩ quốc hội, trong đó chủ tịch quốc hội đã xem đó là hành động “tống tiền”.
TS

(PLTP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét