Pages

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Quốc hội Trung Quốc sẽ hủy bỏ chế độ "lao giáo" ?


Công an Trung Quốc câu lưu một người đàn ông có đeo trên áo hai chữ
Dân Chủ tại quảng trường Thiên An Môn (REUTERS /C. Barria)
Trọng Nghĩa
Với khóa họp khai mạc ngày mai, 05/03/2013, ngoài nhiệm vụ trọng yếu là bầu lại giàn lãnh đạo Nhà nước, thông qua ngân sách – trong đó có quốc phòng - Quốc hội Trung Quốc được cho là sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội, trong đó có chế độ giáo dục lao động đã dẫn đến biết bao trường hợp lạm quyền.

Nhân danh chế độ này, rất nhiều người đã bị giam trong các trại, không cần phải ra tòa, chỉ cần một quyết định của công an là đủ.
Chế độ mang tên chính thức là « lao giáo » đã bị cáo buộc là mở đường cho hàng loạt những vụ lạm dụng quyền lực, đặc biệt là đã được các chính quyền địa phương, các quan chức tham ô sử dụng rộng rãi để trừng phạt những người dám tố cáo họ, hoặc là dám đệ đơn khiếu kiện lên cấp chính quyền cao hơn.
Được thành lập từ thời Mao Trạch Đông vào những năm 1950 như là một công cụ để áp đặt chế độ kiểm soát tư tưởng – từng được mệnh danh là chế độ « tẩy não », phương thức cải tạo lao động cỗ lỗ này cho đến nay vẫn chưa hề được sửa đổi hoặc loại bỏ.
Lẽ đương nhiên, Quốc hội Trung Quốc, một cơ chế thường được cho là lệ thuộc hoàn toàn vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ không dám làm gì nếu chưa có đèn xanh từ phía Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều lời kêu gọi cải cách chế độ này đang vang lên, đến từ cả giới phê phán chính phủ lẫn những nạn nhân của chế độ trừng phạt này.
Hồi tháng Giêng vừa qua, đã có nhiều quan sát viên cho rằng chế độ giáo dục lao động sẽ được Quốc hội Trung Quốc thay đổi nhân khóa họp lần này sau khi các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin là chế độ này sẽ được bãi bỏ. Tuy nhiên, các thông tin này đã được nhanh chóng xóa bỏ, thay thế bằng các dự đoán cải cách, những với rất ít chi tiết và không hề nêu ra thời gian biểu.
Theo một số nhà phân tích, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, kể cả khi có một mong muốn cải cách mạnh mẽ từ phía chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, quan điểm chống đối từ các địa phương có thể kềm hãm bất kỳ một sự thay đổi thực thụ nào trong nhiều năm trường.
Một giáo sư tại Học viện Giáo dục Hồng Kông nhận định : « Khi chính quyền trung ương có một chỉ thị nào đó về chính sách, thì một số chính quyền địa phương luôn có cách để luồn lách… Ngay cả khi chính phủ thông báo rằng chế độ lao giáo sẽ bị bãi bỏ, chúng ta vẫn có thể sẽ thấy một số hình thức lao cải tồn tại trong tương lai gần ».
Theo chuyên gia này, tại Trung Quốc, luôn luôn có một khoảng cách giữa việc ban hành và thực thi một chính sách. Lý do là vì đất nước Trung Quốc quá rộng lớn, cũng sẽ có sự phản đối từ chính quyền địa phương. Đối với nhà phân tích này : « Sẽ có một sự "hạ cánh mềm" trong cách tiếp cận vấn đề này. »

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét