Pages

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Tiến trình dân chủ hóa và dấu ấn lãnh đạo



Quốc Việt - “…Quí v anh minh thì con cháu ta sau này sẽ n mày nở mt. Còn như tiếp tc thin cn, chm chp và đc tài thì quí vị sẽ làm người dân Vit Nam luôn luôn thua kém người dân các nước khác. Quí v đâu có mun như thế…”
Nhân đọc bài “Hứa hẹn của mùa xuân Ả Rập” (The Promise of The Arab Spring) của Giáo sư Sheri Bernard, Đại học Columbia, Hoa Kỳ trên Foreign Affairs và bản dịch của Trần Ngọc Cư gửi cho Bauxit Việt Nam, người viết cảm thấy rất hứng khỏi và mong muốn được đóng góp một vài chia sẻ. Bài viết có nêu lên bài học vô cùng ý nghĩa của những nước Pháp, Ý, và mô hình Đức. Xin được trích lời dịch của Trần Ngọc Cư: “Trong phát triển chính trị, không thành quả nào mà không gian khổ” [1]

Không cần phải bàn cãi, một trong những vấn đề gây nhiều chú ý nhất của thế giới thời gian gần đây đó là làn sóng dân chủ đang lan rộng. Âm hưởng của Cách mạng Hoa Lài hay Mùa Xuân Ả Rập vẫn còn mang tính thời sự và vang vọng, tới tận những thành lũy vững chắc nhất của nền độc tài toàn trị, nơi mà dân chủ, nhân quyền những giá trị cao nhất của loài người tiến bộ vẫn đang bị chà đạp. Chắc hẳn bạn đọc vẫn còn nhớ Cái kết hãi hùng cho cuộc đời của nhà độc tài Muammar Gaddafi sau khi cai trị Libya 42 năm, có một sức lay động mạnh mẽ và làm thức tỉnh lương tâm của những dân tộc vẫn còn đang chìm đắm trong đêm trường của áp bức bóc lột và như một tiếng chuông cảnh tính, đánh vào nỗi sợ hãi của những kẻ cai trị bằng ảo tướng, giáo điều huyễn hoặc và độc đoán chuyên quyền. [2]
Gần với đất nước Việt Nam của chúng ta nhất và cũng gây ấn tượng nhất chắc hẳn là câu chuyện kì tích ở Miễn Điện. Câu chuyện về ‘Mùa Xuân Miễn Điện” mang đậm dấu ấn của bà Aung San Suu Kyi, người đàn bà nhỏ bé nhưng đầy trí tuệ, dũng cảm và bản lĩnh. Bà đã đặt tương lai vận mệnh của xứ sở lên trên cuộc sống hạnh phúc của cá nhân và gia đình. Trong diễn văn nhận giải Noel Hòa Bình, bà nói những lời xúc động chân thành từ đáy lòng: “Khi tôi gia nhập phong trào dân chủ ở Miến Điện, tôi không hề nghĩ ngày nào đó sẽ được trao giải thưởng hay vinh dự gì. Giải thưởng chúng tôi mong có được là một xã hội tự do, yên ổn và công bằng trong đó đồng bào chúng tôi có thể phát huy tất cả mọi tiềm năng. Sự vinh dự nằm trong nỗ lực ấy. Lịch sử đã cho chúng tôi cơ hội cống hiến mọi sức lực cho chính nghĩa mà chúng tôi tin tưởng. Khi Uỷ ban Nobel chọn vinh danh tôi, tôi đã bớt cô đơn đi tiếp trên con đường mình đã tự nguyện chọn” [3]
Dẫu vẫn còn rất nhiều khó khăn phải đương đầu và vượt qua, nhưng nền “dân chủ” non trẻ ở Miễn Điễn chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của thế giới tự do tiến bộ. Một niềm tin mạnh mẽ cho sự hồi sinh của xứ sở có quá khứ “đầy đau khổ” này và kì vọng vào một lộ trình rộng mở thênh thang dẫn tới tương lai tươi sáng hơn không còn là một viễn cảnh hão huyền. Một trong những điều đáng ghi nhận nhất về câu chuyện thành công của Miễn Điện đó là tiến trình dân chủ hóa được diễn ra trong hòa bình, tránh được rất nhiều  đau khổ do xung đột đổ máu và cũng rất đáng ghi nhận, mang đậm dấu ấn của lãnh tụ, tổng thống Thein Sein, người trong tình thế nguy hiểm đã khoảnh khắc đi tới một quyết định sáng suốt mang tính bước ngoặt (turning point), góp phần rất lớn làm thay đổi hình ảnh của Miễn Điện đối với thế giới. Có lẽ còn quá sớm để đưa ra những nhận định, nhưng chắc hẳn rồi đây, sau này, những thế hệ tương lai của Miễn Điện sẽ nhắc đến bà Aung San Suu Kyi và tổng thống Thein Sein như những người anh hùng dân tộc, người mở ra tương lai mới cho xứ sở bằng đối thoại và hòa giải, những hành vi cao thượng nhất của nhân loại chứ không thông qua chiến tranh và cái gọi là “bạo lực cách mạng” [4]
Trở lại tình hình phức tạp và những bất ổn bộc lộ ngày càng rõ nét gần đây tại Việt Nam và Trung Quốc càng làm tăng thêm tính khẳng định cho nhận đình rằng: những thành trì vững chắc nhất của hai nền độc tài toàn trị này cũng khó có thể tránh khỏi vòng quay của bánh xe lịch sử. Sự sụp đổ, giải thể hay tự thỏa hiệp có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực trạng tại Việt Nam hiện nay là cực kì cấp thiết với quá nhiều vấn nạn từ kinh tế, môi sinh, văn hóa đạo đức suy đồi lạc lối, bất công trong xã hội và mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc khiến cho niềm tin đang sụt giảm nghiêm trọng, không còn mấy ai tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị xã hội toàn diện này, thực chất là “khủng hoảng của niềm tin” Đã có quá nhiều những trang viết (đặc biệt là các blogger) phơi bày những vấn đề hiện tại của Việt Nam. Ngày nay ở Việt Nam, người dân dường như đã bớt sợ hãi hơn, họ ngày càng nhận ra nhiều vấn đề, nói nhiều hơn, công khai hơn, và đặc biệt là viết nhiều hơn, nói như Tiến sỹ Nguyễn Hưng Quốc, một “xã hội dân sự” (civil society) và đặc biệt là khía cạnh “truyền thông xã hội” (social communication) đang lớn mạnh tại Việt Nam. Dân chủ hóa đất nước, chắc chắn là đòi hỏi bức thiết nhất để xây dựng lại một nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Nhưng làm thế nào để tiến tới một giải pháp tối ưu nhất cho sự thay đổi, tránh xung đột, đổ máu, đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ, hòa giải và hàn gắn dân tộc để cùng chung tay kiến thiết đất nước vì chúng ta đã có quá nhiều những bài học xương máu đầy đau khổ trong quá khứ của chiến tranh, phân ly và chia rẽ. Dẫu vẫn còn hạn chế và rất nhiều vấn đề gây tranh cãi cần được đưa ra bàn luận thêm nhưng sự kiện “Kêu gọi đóng góp Dự thảo sửa Hiến Pháp” của nhân sĩ, trí thức quốc nội trong thời gian gần đây là một nỗ lực rất đáng được ghi nhận, ủng hộ và tiếp sức. [5]
Tiến trình đầy gian nan này sẽ thật là tốt đẹp biết bao nếu trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam có những người lãnh đạo biết và hiểu thời cuộc.
Bài viết trên Foreign Affairs đã nói qua về bài học của Pháp, Ý và nền Cộng hòa Đức, nay xin được nhắc lại câu chuyện mang dấu ấn của Tưởng Kinh Quốc, cố tổng thống Đài Loan như là một bài học (case study) được đem ra so sánh và tham khảo. Sự đối chiếu càng có ý nghĩa bởi Đài Loan cùng nằm trong khu vực Á Châu và rất gần Việt Nam, có nhiều nét tương đồng, chia sẻ về lịch sử, văn hóa, nếp tư duy cũng như vận mệnh bị đe dọa bởi Trung Quốc.
Dấu ấn Tưởng Kinh Quốc trên nền dân chủ Đài Loan  
Dù chỉ là một quốc đảo nhỏ bé nhưng nhờ tận dụng được sự hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, đi theo đường lối thị trường tự do, đầu tư tốt cho nguồn lực nhân tài và tận dụng đúng đắn luồng vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu từ Nhật Bản và Mỹ), Đài Loan đã nhanh chóng vươn lên trở thành một nền kinh tế hùng mạnh ở châu Á từ thập niên 80. Tuy vậy, nền dân chủ trên hòn đảo này thực sự cũng mới được hình thành từ cuối thập niên 80 mà thôi cụ thể là năm 1987 khi Tưởng Kinh Quốc dỡ bở thiết quân luật và dần dần cho phép đa nguyên, tự do truyền thông. Xã hội Đài Loan hiện nay chưa phải là hoàn hảo và còn có rất nhiều việc phải làm nhưng có thể nói quốc đảo này hiện nay có một nền dân chủ thành công vào loại đáng ngưỡng mộ nhất ở châu Á. (Đáng buồn là trên hòn đảo này có rất nhiều cảnh đời éo le của người lao động và cô dâu Việt Nam) [6]
Có thể dễ dàng thấy một điều: “cha truyền con nối” dù chính danh hay tinh vi (con rơi con vãi) là một trong những truyền thống bất di dịch ở những thể chế độc quyền toàn trị. Nhưng không phải lãnh tụ nào ở Ðông Phương cũng suy nghĩ như vậy. Tưởng Kinh Quốc là một ngoại lệ khác biệt.
Tưởng Kinh Quốc (1910-1988) là con trai của thống chế Tưởng Giới Thạch, và khi ông sắp đến lúc nghỉ hưu thì ai cũng nghĩ là ông sẽ tiếp tục dọn đường cho con cái mình tiếp tục sự nghiệp. Nhưng năm 1985, ông Tưởng Kinh Quốc đã làm một việc mà có lẽ chưa một lãnh tụ độc tài nào dám làm: Ông tình nguyện chấm dứt triều đại của mình tại Ðài Loan và chuẩn bị cho Ðài Loan trở thành một nền dân chủ thật sự.  Ngày nay, ông Demos Chiang, 38 tuổi là chủ tịch sáng lập của DEM Inc., một công ty về design thành lập năm 2003 với văn phòng ở Ðài Bắc và Thượng Hải. Nhưng tiểu sử của ông trên websites không hề nhắc đến việc ông là cháu nội của ông Tưởng Kinh Quốc và giòng dõi của cố lãnh tụ Tưởng Giới Thạch. Sau khi ông Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988, cha của ông Demos, Tưởng Hiếu Dũng, di cư cùng toàn thể gia đình sang Canada. Demos theo học tài chánh ở trường Stern School of Business của Viện Ðại Học New York và design từ trường nổi tiếng Parsons cũng ở New York. Ông trở thành nổi tiếng nhất trong con cháu giòng họ Tưởng vì sự thành công của công ty do chính ông sáng lập. Nhưng ông cũng như những con cháu khác của giòng họ Tưởng không có hoạt động chính trị nào ở Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan. Và đặc biệt hơn nữa, họ không muốn tham gia.
Và điều đó chính là vì một quyết định của ông Tưởng Kinh Quốc. Năm 1985, ông nói với tạp chí Time là “vị lãnh tụ sắp tới của Trung Hoa Dân Quốc sẽ được chọn theo hiến pháp. Tôi không bao giờ nghĩ người đó sẽ thuộc giòng họ Tưởng.” Ðại đa số người dân Ðài Loan lúc đó không tin, nhưng ông đã thực hiện đúng lời hứa. Như một vị giáo sư ở Ðài Bắc nhận xét “Thật là hiếm có một nhà độc tài tự ý biến quốc gia mình cầm quyền thành một nền dân chủ. Ông Tưởng đã có hai đóng góp vĩ đại cho Ðài Loan. Một là ông đặt nền tảng cho ‘phép lạ kinh tế’ của các thập niên 1980 và thứ nhì là việc ông tạo ra một nền dân chủ trong đó dân chúng có quyền chọn kẻ cầm quyền. Ông đã là người hủy thiết quân luật và việc cấm lập đảng. Ông cũng là người bỏ lệnh cấm báo chí tư nhân.” Nói cách khác, ông đã chọn đa đảng, đa nguyên và dân chủ thay vì tiếp tục chế độ như cha ông, Thống Tướng Tưởng Giới Thạch, để lại.
Dĩ nhiên cũng có một số lý do gia đình khiến ông không muốn giòng họ Tưởng tiếp tục nắm quyền. Trong số con trai của ông, người con trưởng, Tưởng Hiếu Văn, là một người nghiện rượu. Thất vọng, ông đặt hy vọng vào người con thứ, Tưởng Hiếu Vũ, và đưa ông này vào làm tình báo, con đường để lên làm lãnh tụ tại Ðài Loan lúc đó. Nhưng sự nghiệp của ông Hiếu Vũ bị đột ngột gián đoạn vì tháng 10 năm 1984, nhà báo Henry Liu bị ám sát ở California. Ông Liu đã viết một cuốn tiểu sử không được cho phép về ông Tưởng Kinh Quốc. FBI khám phá ra là quân báo Ðài Loan có dính đến vụ này. Ông Hiếu Vũ cũng bị nghi ngờ. Sự việc là chuyện này xảy ra chỉ năm năm sau khi Washington đã cắt đứt liên hệ chính thức với Ðài Loan và bắt tay với Hoa Lục, ông Tưởng đành phải đưa Hiếu Vũ sang Singapore làm đại diện thương mại cho chính phủ, để bảo vệ sự liên hệ không chính thức cần thiết cũng như ô dù quân sự của Hoa Kỳ cho Ðài Loan. Liên hệ này đã khiến ông Hiếu Vũ bị loại ra khỏi chính trị.Nhưng ông còn hai người con nữa, trong đó có cha của Demos, Hiếu Dũng, và một người con gái, Hiếu Nguyên. Việc ông cảm thấy là đã đến lúc đưa dân chủ thực sự đến cho Ðài Loan đã bắt đầu từ ngay những năm ông còn nắm quyền. Trong những năm cuối, ông từ bỏ lối sống “hoàng gia”, vốn là lối sống của gia đình từ thời còn ông Tưởng Giới Thạch. Sau những chuyến công du năm 1969 và 1970 khi ông may nhiều bộ đồ Tây đắt tiền, ông không mua thêm bộ đồ nào mới nữa. Ông không mua hàng đắt tiền, và thường chỉ mặc đồ may sẵn, giản dị nhưng vẫn nghiêm chỉnh. Trong 20 năm cuối của đời ông, ông chọn ở một nhà khách cho các sĩ quan Hoa Kỳ ở phía Bắc thành phố Ðài Bắc, dùng đồ đạc bình thường như một gia đình trung lưu. Ông còn từ chối không cho tùy tùng gọi đó là “dinh”.
Khi ông qua đời năm 1988, ba người con cũng hiểu là Ðài Loan, vì những quyết định của cha mình, đã thay đổi quá nhiều rồi, và xã hội đó không chấp nhận một thế hệ họ Tưởng thứ ba nữa. Trước khi ông Hiếu Dũng đem con đi Canada, ông đến hỏi ý bà nội là Tống Mỹ Linh, năm đó đã 90 tuổi. Bà đã trả lời “Ðúng, cháu nên đi. Ta hoàn toàn đồng ý. Nhưng đừng quên hai điều: Ðừng quên mình là con cháu giòng họ Tưởng, và đừng quên mình là người Hoa”.
Di sản của ông Tưởng Kinh Quốc là một điều duy nhất nay đoàn kết hai đảng Dân Tiến và Quốc Dân Ðảng. Hai đảng này không đồng ý với nhau về bất cứ một điểm gì ngoài việc là nếu không có quyết định sáng suốt của ông thì nền dân chủ Ðài Loan đã không hình thành và phép lạ kinh tế Ðài Loan chưa chắc đã xảy ra.
Tiếc thay Việt Nam chúng ta chưa bao giờ có được một nhà lãnh đạo như vậy.
Quốc Việt
Ghi chú 1:
[1] Sheri Berman, ‘The promise of Arab Spring”, Foreign Affairs, 2013.  Đường dẫn
Bản dịch của Trần Ngọc Cư, “Hứa hẹn của mùa xuân Ả Rập”, gửi Bauxit Việt Nam
[3] Aung San Suu Kyi, Diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình, Học viện công dân
Phụ lục:
Tưởng Kinh Quốc và Quốc Dân Đảng
Khi còn trẻ, Tưởng Kinh Quốc là người say mê chủ nghĩa Cộng sản, đặc biệt là say mê các sách vở của Léon Trotski (1), người chủ trương đường lối Cộng Sản Đệ Tứ. Khi còn rất trẻ, Tưởng Kinh Quốc đã được cha gửi sang Liên Xô học tập và theo học ở trường Quốc tế Cộng sản Phương Đông (bạn cùng lớp là Đặng Tiểu Bình). Sau này khi Tưởng Giới Thạch đàn áp và khai trừ những người theo cộng sản và thân Liên Xô, Tưởng Kinh Quốc đã phải viết một bài xã luận chỉ trích cha mình và nộp đơn xin gia nhập Đảng Cộng Sản Liên Xô nhưng bị từ chối. Stalin điều Tưởng Kinh Quốc đến làm việc ở một nhà máy thép ở vùng Sibiria lạnh giá, thực chất là làm con tin. Tưởng Kinh Quốc sống ở đây hơn 10 năm rồi mới được trở về Trung Quốc, mang theo người vợ Nga và các con.
Trở về Trung Quốc, Tưởng Kinh Quốc được Tưởng Giới Thạch tin tưởng giao nhiều trách nhiệm quan trọng như kiềm chế lạm phát ở Thượng Hải, chỉ huy lực lượng cảnh sát mật, … Sau cuộc nội chiến ở Trung Quốc 1949, ra tới Đài Loan thì càng ngày càng nắm được nhiều quyền lực hơn, kinh qua nhiều cương vị (cả bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thủ tướng rồi Tổng Thống). Tưởng Kinh Quốc chính là người đặt những nền móng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế thần kì của Đài Loan. Tới những năm 80, Đài Loan đã đạt GDP đầu người hơn 4000 USD và có dự trữ ngoại tệ 70 tỷ USD, lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Nhật Bản vào thời kì đó.
Khi còn sống, Tưởng Kinh Quốc đã thực hiện nhiều việc làm nhân nghĩa để bù đắp tội lỗi và sai lầm của cha mình như: xin lỗi người dân Đài Loan bản địa nhất là trong sự kiện 28 tháng 2 (2), trọng dụng trí thức và biết lắng nghe ý kiến của người tài. Đài Loan đã rất thành công trong việc thu hút nguồn tài lực và chất xám của Hoa Kiều ở hải ngoại về đóng góp xây dựng quê hương. Tiêu biểu như ông Trương Chung Mưu (Morris Chang), chủ tịch TSMC, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, dù không sinh ra tại Đài Loan mà là tại Triết Giang và rất thành công tại Hoa Kỳ những đã quyết định trở về Đài Loan để kiến thiết quê hương, là người đã đặt nền móng cho nền công nghệ cao của Đài Loan cất cánh. (3)
Nguồn lực của người Việt Nam ở hải ngoại ngày nay không hề thua kém, thiết nghĩ làm được như vậy, chúng ta sẽ rất có tương lai. Mong sao lãnh đạo của Việt Nam biết nghĩ như ông Tưởng. Nói như lời Tiến sỹ Phùng Liên Đoàn: “Quí vị anh minh thì con cháu ta sau này sẽ nở mày nở mặt. Còn như tiếp tục thiển cận, chậm chạp và độc tài thì quí vị sẽ làm người dân Việt Nam luôn luôn thua kém người dân các nước khác. Quí vị đâu có muốn như thế.” (4)
Ghi Chú 2:
(1) Léon Trotsky : chính tả theo Universal Encyclopedia, Pháp ngữ (Nga ngữ viết là Trotski – Wikipedia). Biệt danh ghi trong một sổ thông hành giả mạo dần dần đã thay cho tên thực là Lev Blonstein.
(2) Ngày xảy ra vụ đàn áp tàn bạo phong trào của người thổ dân Đải Loan đòi thiết lập chính thể độc lập bản địa thay cho chế độ Quốc Dân Đảng di cư từ lục địa.
(3) Tổng hợp về Tưởng Kinh Quốc từ nhiều nguồn, Wikipedia:
(4) TS Phùng Liên Đoàn, chuyên gia năng lượng hạt nhân, Tám lý do Việt Nam sẽ có lợi nếu chính phủ hoãn xây nhà máy điện hạt nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét