Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Trung Quốc: Dàn đồng ca trơ trẽn chối tội bắn tàu cá Việt Nam


Dù bằng chứng về vụ tàu chiến Trung Quốc nổ súng vào tàu của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa đã rất rõ ràng và đầy đủ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng với giới truyền thông nước này vẫn ra sức chối tội bằng những tuyên bố tiền hậu bất nhất và ngang ngược.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị cho biết, hôm 20/3 vừa qua, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.

Khi chiếc tàu QNg 96382 TS trở về đất liền, vụ việc đã được báo cáo và sau khi điều tra, xác minh thông tin chính xác, đến ngày 25/3 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối sự việc nói trên đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các hành vi phi pháp, trái với công ước và luật pháp quốc tế, vi phạm DOC và phải bồi thường cho các ngư dân của Việt Nam.

Phản ứng với những lời tố cáo này của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã có những tuyên bố rất ngang ngược, thể hiện sự bất chấp đạo lý một cách trắng trợn khi cho rằng việc bắn tàu cá Việt Nam là ‘chính đáng và cần thiết’.

“Danh không chính” thì tất nhiên “ngôn sẽ không thuận” nên ngay trong các tuyên bố của mình, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tự để lộ sự xảo trá khi lúc đầu lên tiếng phủ nhận sự việc, cho rằng phía Trung Quốc không gây ra các hư hại cho tàu cá của Việt Nam nhưng ngay sau đó Hồng Lỗi lại thừa nhận hành động trên và còn tuyên bố đây là hành động nhằm ‘dạy cho các ngư dân phải tránh xa’ vùng biển thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, nhưng ông này cho rằng thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Một trong 4 chiếc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu chiến Trung Quốc tấn công hôm 20/3. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Khi “nhạc trưởng” đã lên tiếng, theo thông lệ “dàn đồng ca” của giới truyền thông được sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đã đồng loạt “cất lời”.

Điển hình nhất là Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), nhật báo Quân Giải phóng (tờ báo của quân đội) và một loạt các cổng thông tin điện tử khác của nước này đã “nhại giọng” Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi cho rằng Trung Quốc đã có hành động “hợp pháp và hợp lý” và tiếp tục phủ nhận việc nổ súng vào tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi dù chính người phát ngôn Hồng Lỗi đã thừa nhận trước đó.

“Việt Nam đã lên kế hoạch thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế bằng việc ‘đóng vai nạn nhân’”, Wu Shicun – giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc phát biểu trên tờ China Daily đồng thời tiếp tục luận điệu vu cáo ngư dân Việt Nam “xâm phạm trái phép” vào quần đảo Tây Sa (cách gọi của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Sự tiền hậu bất nhất này còn tiếp tục thể hiện ở việc lúc đầu phía Trung Quốc phủ nhận việc tàu chiến của họ đã có hành động bắt nạt các ngư dân của Việt Nam nhưng sau đó chính Bộ quốc phòng Trung Quốc buộc phải thừa nhận đã có nổ súng trong vụ đụng độ này. Sự thừa nhận này đã lập tức gây ra một làn sóng quan ngại trên khắp thế giới bởi việc một tàu chiến có vũ trang đầy đủ chủ động tấn công vào những ngư dân trong tay không một tấc sắt là hoàn toàn trái với đạo lý và luật pháp quốc tế.

Để chữa cháy cho lời thừa nhận “hớ” này, một quan chức hải quân Trung Quốc đã phát biểu với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng “thực tế là tàu chiến của họ chỉ bắn pháo sáng lên không trung và 2 quả pháo ấy đã cháy hết”. Chưa hết, Thời báo Hoàn cầu và một số tờ báo khác của Trung Quốc đã vu cáo Việt Nam để bịt mắt dư luận trong nước của họ rằng “Việt Nam đã thêu dệt” ra câu chuyện này để bôi nhọ Trung Quốc.

Trên trang web của Bộ Quốc phòng, Trung Quốc còn tuyên bố rằng: “…Xuất phát từ việc bảo vệ đại cục trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước Trung - Việt, tàu hải quân Trung Quốc từ trước đến nay chưa từng bắt giữ tàu cá Việt Nam”.

Vậy những lần tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt giữ hàng tháng trời ở đảo Trụ Cẩu, bị tịch thu ngư cụ và hải sản đánh bắt được, bị cướp lương thực và nước ngọt (với đầy đủ video clip đang còn tồn tại trên mạng Internet) là do ai? Không lẽ là đám cướp biển giả dạng quân đội Trung Quốc? Và Hồng Lỗi cũng như Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ trả lời thế nào với câu hỏi: Có bao giờ ngư dân của Trung Quốc tự đốt tàu của mình khi đang lênh đênh trên biển với hàng chục sinh mạng trên đó hay không?

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ban đầu là phủ nhận đến công nhận việc có nổ súng, sau đó là biện hộ rằng “chỉ bắn pháo sáng” rồi ngang nhiên tuyên bố đó là hành động “chính đáng và cần thiết”… chính Trung Quốc và giới truyền thông nước này đã tự thể hiện hành động nhằm mục đích “chối tội” và bào chữa cho hành động phi pháp, vô nhân tính của họ.

Nếu còn nhớ vụ tàu chiến Trung Quốc đã “khóa radar vào mục tiêu và sẵn sàng nổ súng” vào một tàu khu trục của Nhật Bản trong vùng biển Hoa Đông gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi cuối tháng 1 vừa qua, người ta sẽ thấy luận điệu chối tội và thói quen phát ngôn “tiền hậu bất nhất” của Trung Quốc đã không chỉ xảy ra một lần.

Khi đó, sau lời tố cáo của Nhật Bản, lúc đầu Trung Quốc cũng lên tiếng “chối bay chối biến” hành động được cho là có thái độ rất khiêu khích và hiếu chiến này va khẳng định “đó là những lời tố cáo vô căn cứ với ý đồ bôi nhọ hình ảnh của quân đội Trung Quốc và khiến công luận quốc tế hiểu lầm”. Đến khi Nhật Bản trưng bày đầy đủ các bằng chứng, một đại diện của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận và thanh minh rằng “hành động này không được lên kế hoạch trước và là một quyết định khẩn cấp do thuyền trưởng của tàu đưa ra”.

Nhưng dù có cố tình “lượn lẹo” hay ngang ngược thì những hành động của Trung Quốc vẫn không thể che giấu được động cơ thâm độc của họ trước con mắt của cộng đồng quốc tế. Từ Washington, ngày 26/3, ông Patrick Ventrell, phó phát ngôn tạm quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nước này "quan ngại" khi nghe tin về vụ việc và Mỹ đang tìm hiểu các thông tin thêm.

"Chúng tôi cực lực phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép của bất cứ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông”, ông Ventrell nói. Ông bình luận rằng, vụ việc này cho thấy rất cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để xử lý các tranh chấp "một cách minh bạch và có nguyên tắc".

Bình luận về những hành động bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt Nam, tổ chức tập trận đánh chiếm đảo hay rầm rộ kéo tàu chiến đến bãi đá James Shoal chỉ cách thành phố biển Bintulu của Malaysia có 80km, cách Brunei 200km, nhưng cách đất liền Trung Quốc tới 1.800km... rồi tuyên bố đó là “Cực Nam của lãnh hải Trung Quốc” “Chúng ta đang mất dần uy tín của mình với các đồng minh và bạn bè khi không tham gia vào vấn đề này. Trung Quốc diễn giải việc Mỹ không hành động có nghĩa là bật đèn xanh để nước này lấn tới”, ông Auslin nói trên tờ USA Today (Mỹ).

Lê Trí

(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét