"Nếu không tái cơ cấu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines sẽ có nguy cơ phá sản", đó là điều Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn có vấn đề về tài chính này nói tại Hội nghị Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước hôm 27/03.
Ông Lê Anh Sơn mô tả điều ông gọi là "doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ và gặp phải nhiều vướng mắc trong thực hiện kế hoạch tái cơ cấu".
Trong khi đó Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng "Chả ngân hàng nào không muốn khoanh nợ. Thực tế là không trả được nợ.”Vấn đề vướng mắc cụ thể là do các ngân hàng không muốn cho khoanh nợ, trong khi đó cần “xóa nợ thì tái cơ cấu mới thành công”, ông Sơn được truyền thông trong nước dẫn lời.
Bộ Giao Thông từng chuyển một số đơn vị của tập đoàn bê bối tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về cho Vinalines trong nỗ lực tái cơ cấu Vinashin.
Được biết Vinashin cũng không khấm khá gì hơn trong kế hoạch tái cơ cấu do không cổ phần hóa được các đơn vị trực thuộc.
Ông Thăng nói rằng Vinashin cần phải đẩy mạnh bán tàu để trả công nợ trong thời hạn từ nay đến 30/06, song không rõ qua hạn đó mà chưa trả được nợ, kế hoạch tiếp theo sẽ là gì.
"Về việc đàm phán nợ với các ngân hàng, vướng ở đâu thì báo cáo ngay. Nếu cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ làm việc với các nhà băng để đàm phán, xử lý."
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
“Cần đưa ra kế hoạch rõ ràng xem những đơn vị nào cần giữ lại, nơi nào cho phá sản, sáp nhập...
“Về việc đàm phán nợ với các ngân hàng, vướng ở đâu thì báo cáo ngay. Nếu cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ làm việc với các nhà băng để đàm phán, xử lý.", ông Thăng được truyền thông trong nước dẫn lời.
Ông Thăng nói việc cụ thể hóa kế hoạch tái cơ cấu bị chậm là do một số lãnh đạo chưa sát sao và ông cũng tỏ ra không hài lòng khi Tổng giám đốc Vinalines vắng mặt trong hội nghị vì bận đi Campuchia.
“Đi Campuchia có cứu được Vinalines không”, Bộ trưởng Thăng nói.
Hồi năm 2012, ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nay là trưởng ban Nội chính Trung Ương, từng nói trước Quốc hội, rằng thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Vinalines “như chuyện đùa” và “hàng ngàn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột”.
Thêm phá sản năm 2013
Bộ Giao thông Vận tải đang phải gánh một số lớn các doanh nghiệp nợ, thua lỗ và dự định sẽ tiếp tục cho phá sản nhiều đơn vị trong năm 2013.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng trích đăng báo cáo của Vụ Tài chính, Bộ GTVT, hiện Vinashin đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, và nếu hạch toán đầy đủ, năm 2012 Vinashin có thể lỗ hơn 2.439 tỷ đồng.
Còn Vinalines được dự báo từ nay đến năm 2015 sẽ còn lỗ nặng hơn nữa do ít có các hợp đồng vận tải biển, doanh thu hai tháng đầu năm 2013 chỉ đạt ba tỷ đồng.
Theo kế hoạch tái cơ cấu Vinalines đề ra năm 2012, doanh nghiệp này sẽ phải thoái vốn 37 doanh nghiệp, và cho phá sản 4 doanh nghiệp, trong đó có Vinashinlines và Falcon.
Bộ GTVT dự kiến năm 2013 sẽ cho phá sản tiếp một số doanh nghiệp thuộc hai tập đoàn lớn trên, và cả công ty Xây dựng công trình 506, công ty thương mại và đầu tư Giao thông Vận tải, và công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải và Xây dựng.
Cùng với đó, có 33 công ty con được cổ phần hóa, mặc dù vẫn nợ, lỗ kéo dài, và theo bộ trưởng GTVT, đây là cách duy nhất để “có cơ hội tồn tại”.
Hiện Bộ có tới 88 doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, và trong ngành đang có hơn 7.000 lao động thiếu việc làm, số nợ lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động lên tới hơn 400 tỷ đồng, theo truyền thông trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét