Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Khi nào người ta dùng luật rừng?



Đào Tuấn - Tưới xăng đốt người. Chặt chân. Nổ mìn. Đặt quan tài. Thông báo “tìm người thân” để truy tìm. Bắt cóc. Nhắn tin khủng bố. Thuê thương binh đến ăn ở tại nhà. Ném mắm tôm, trứng thối. Đặt vòng hoa viếng người sống…
Không cần nói thêm nữa. Đây đích thị là những biện pháp đã dùng để đòi nợ. Có thể gọi gì khác hơn khi bản chất của hiện tượng là việc chủ nợ thuê xã hội đen để dùng luật rừng.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao dưới dạng tín dụng đen đang diễn ra rất phức tạp. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra trên 4.300 vụ việc liên quan đến hoạt động này…
4.300 vụ luật rừng. Từ 4.300 nỗi bức xúc, sót của. Và 4.300 tâm trạng không biết bấu víu vào đâu.
Nhưng vì sao chủ nợ không “báo quan” mà lại thuê xã hội đen, để đòi nợ bằng luật rừng?
Bình Thuận là một câu trả lời. Ngay tháng trước, Công an tỉnh Bình Thuận đã tước danh hiệu một viên cảnh sát khi anh này đòi nợ thuê số tiền chỉ 28 triệu đồng.
Công an không có chức năng đi đòi nợ thuê, một quan hệ thuộc về phạm trù dân sự. Trong khi đưa ra tòa, thì như các cụ đã nói “Được vạ thì má đã sưng”.
Không ai muốn thuê xã hội đen, dùng luật rừng, để rất dễ, như thực tế chứng minh, tự đẩy mình vào thế của người mắc nợ, với pháp luật. Nhưng rõ ràng khi pháp luật, khi cơ quan chức năng, vì một lý do nào đó, không giúp cho họ thì người ta phải dùng các biện pháp ngoài luật thôi. Bởi bên ngoài lý do “của đau con sót”, đặc điểm chung của những người phải cậy nhờ đến xã hội đen, đến luật rừng là họ thân yếu thế cô, họ không thể nhờ ai khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Và lớn nhất, là sự bất lực.
Vấn đề ở chỗ một hệ thống quy phạm dày đặc vẫn để thủng lỗ chỗ những khe hở khiến người dân không thể cậy nhờ thì rõ ràng, phải xem lại hệ thống đó, chứ không thể ngồi chờ hạnh vi phạm tội xảy ra rồi mới bắt.
Nhưng đến hôm qua, còn xuất hiện thêm một khía cạnh khác của việc dùng luật rừng khi ở Hải Phòng, “đầu gấu” được thuê để “giải phóng mặt bằng”. Một cuộc đánh đập, truy sát đã diễn ra, ngay giữa ban ngày ban mặt với những nạn nhân đã bị “trọng thương”. Có một chi tiết rất đáng chú ý là câu trả lời sau đó của Giám đốc Công ty cổ phần Nam Thành, đơn vị được UBND TP Hải Phòng giao đất: “Công ty đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên thành phố, đặc biệt từ cuối năm 2011 khi cuộc bảo vệ thi công của chính quyền cho doanh nghiệp không thành, công ty đã thúc giục nhưng không được giải quyết quyết liệt”.
“Cuộc bảo vệ thi công của chính quyền cho DN không thành”. Và đây là lý do khiến DN thuê đầu gấu?
Có người đã thở phào khi Hải Phòng đã chính thức lên tiếng yêu cầu các cơ quan liên quan xác minh làm rõ. Công an Thành phố cũng đã “chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Tiên Lãng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật”.
Lạc quan thì thấy điều tồi tệ nhất còn chưa xảy ra. Bởi sẽ là loạn nếu như người những tên đầu gấu dùng nắm tay, gót chân cùng cưỡng chế thu hồi đất với lực lượng công an mặc sắc phục.
Nhưng, một cách cẩn trọng sẽ thấy việc dửng dưng bàng quang trong việc trả lời “không biết” với một sự việc nghiêm trọng, to bằng cái đình, cũng chẳng khác một cái đèn xanh cho luật rừng. Trong vụ Bình Thuận, viên cảnh sát, một biểu tượng của sự bảo vệ và pháp luật, khi được thuê, đã thuê lại những tên đầu gấu chỉ có thói quen dùng luật rừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét