Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Một vài ý kiến về đất đai



Trần Sơn (Danlambao) – Hiện nay các nhà lập pháp VN đang tốn khá nhiều trà thuốc (thuế dân cả đấy) ngồi nghiên cứu làm lại, hay sửa đổi gì đó về Luật Đất Đai. Lại đang làm trong thời điểm nhạy cảm – Toàn dân sửa đổi Hiến pháp, trong đó quyền sở hữu đất đai, đang được bàn luận khá ồn ào. Nhiều người cho rằng, thôi thì luật mẹ (Hiến pháp) làm trước, luật con làm sau, cho đỡ mất công sửa (có lý). Sửa 5 lần 7 lượt rồi , có ra cái gì đâu. Mâu thuẫn đất đai vẫn cứ nóng lên từng ngày sau mỗi lũy tre làng. Dân oan chủ yếu về đất tranh chấp đất đai với chính quyền kéo về Hà Nội nằm đầy đường.

Tớ chẳng phải Luật sư, chẳng dám góp ý với các nhà làm luật. Nhưng bảo tớ, hay bất kỳ một bà nông dân chân đất, không hiểu một chút gì vè đất đai thì võ đoán quá. Thôi thì tớ hiểu đến đâu cho phép tớ phát biểu đến đấy.
Tín đồ của Trịnh Công Sơn không thể không biết “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, rồi một mai tôi trở thành cát bụi – Cát Bụi”. Đấy, cái ông nhạc sỹ này nói cho văn hoa thế thôi, chứ ý ông nói là: Con người được sinh ra từ đất, rồi chết cũng về với đất, có hỏa táng thì tro cũng về với đất. Từ ngày Khánh Ly hát câu này chưa thấy ai phản đối. Đảm bảo bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng nghe lại cái lý này của Trịnh cũng phải gật đầu sái cổ. Thực tế là 6 tỷ dân trên trái đất này không thể sống, dù chỉ một ngày, mà không liên quan đến đât đai, thổ nhưỡng.
Thé thì “Giời sinh voi sinh cỏ”, phải nên được hiểu là Tạo Hóa sinh ra con người trên trái đất này, cũng phải cho cái lớp vỏ trái đất này một lớp thổ nhưỡng đủ dinh dưỡng cho cây cỏ có thể mọc được, cho con nai con hoẵng có cái mà ăn. Cây trái sinh hoa quả còn nuôi sống con chim, con sâu, con kiến. Con người, sản phẩm của Tạo Hóa có thể canh tác trồng trọt cái mình muốn mà nuôi sống bản thân, giống nòi.
Đất đai, quyền sử dụng đất đai là Tạo Hóa ban cho loài người.
Cũng như Ngài ban cho khí trời, sông suối, biển cả, giống đực giống cái để duy trì nói giống muôn loài…
Từ nguyên thủy đến giờ vẫn vậy, mãi mãi vẫn vậy.
Hình thái xã hội loài người do sự phát triển của loài người hình thành, nó mang tính tương đối, luôn thay đổi. Khái niệm ra sao về nó là việc của các nhà Triết học. Tạo Hóa ban cho loài người các quyền không quan tâm đến các nhà Triết học nói gì.
Tính từ thời ông nội tớ, người nông dân không quan tâm đến quan điểm triết học nhằng nhịt nào đó về đất đai. Chỉ lo mỗi việc sau mỗi vụ mùa nộp bao nhiêu để Nhà nước nuôi quan, nuôi lính. Nhưng từ khi tư tưởng của cái ông Râu Rậm bên Đức tràn vào Việt Nam, người nông dân phải quan tâm. Vì ông này là ông tổ của chủ thuyết cộng sản. Mà đảng cộng sản đang nắm quyền lãnh đạo, họ có khái niệm khác về đất đai.
Họ bảo: Phàm cái gì do giời sinh ra là không có giá trị, chỉ có giá trị sử dụng thôi. Mà không có giá trị thì không phải hàng hóa. Không phải là hàng hóa thì không được đem ra mua bán đổi chác trên thị trường.
Về đến Việt Nam, tư tưởng này được biến tấu thêm là: À không, bà con vẫn được mua bán cái quyền sử dụng. Cái ý tưởng này của ông cộng sản VN lợi trăm bề. Ngàn đời nay Tạo Hóa ban cho người ta cái quyền sử dụng không mất một xu, nay ông cộng sản lên cầm quyền lại bị mất tiền làm cái sổ đỏ. Đã thế thì mấy thằng chưa làm sổ đỏ truy thu thêm tiền cái tội làm sổ chậm cho công bằng với người làm sổ sớm (Bạn đọc nên nhớ, tiền thuế xử dụng đất khác, tiền công nhận quyền xử dụng đất khác nhau đấy nhé). Sau mỗi phi vụ mua bán cái quyền sử dụng này, mời bà con nộp thuế tiếp. Thôi thì ăn đủ đường .
Ông cộng sản VN khôn hơn ông tổ Râu Rậm vài cái đầu là thế .
Tớ đưa cái chuyện này (quyền sở hữu và quyền sử dụng đất) nói với vợ , vì tớ thấy hai cái quyền này tách ra nó cứ ngờ ngợ thế nào. Vợ tớ là đảng viên, cãi. Vợ bảo phải tách ra cho nhà nước dễ quản lý. Cãi nhau chán, nhức cả đầu. Cuối cùng, vợ cùn thế này: “Giống như em, anh có quyền “sử dụng” thoải con gà mái, nhưng bảo anh đang sở hữu em thì nghe có vẻ không được”. Tớ cãi: “Nếu thằng nào giở trò với em, anh có quyền can thiệp không. Có chứ gì. Chưa kể pháp luật bảo hộ quyền một vợ một chồng đấy nhé. Đấy! Quyền sở hữu là thế đấy! Gớm! Các bà còn đánh ghen gấp tỷ lần ấy à. Đấy không phải quyền sở hữu thì là cái gì?”. Thế là vợ tớ tịt, nhưng nó còn cố cãi: “Nếu em thích thằng khác thì sao? Thì ly dị, anh hết quyền “sử dụng” mà cũng hết luôn quyền sở hữu”.
Thức tế, chỉ ở cái xã hội Việt Nam, mới có cái chuyên quái gở. Không có quyền sở hữu, nhưng vẫn có quyền thừa kế, có quyền sang nhựơng, có quyền cầm cố, có quyền mua bán đổi chác.
Ừ thì thôi, mình sống xã hội nào thì mình phải chiều cái pháp luật cái xã hội ấy, không thì lại phạm pháp, tù có mà mọt gông. Các ông bảo “Đất đai là quyền sở hữu toàn dân”. Tớ chẳng những không phản đối, mà ủng hộ nhiệt liệt (không nói đểu đâu nhé). Nhưng cấm thằng nào con nào được suy diễn tinh thần trong sáng của hình thức sở hữu này.
- Nghĩa là toàn dân: Một người, một trăm người, một triệu người, 90 triệu người, ai cũng có quyền sở hữu đất đâi.
- Nghĩa là ai có quyền sử dụng rồi thì mặc nhiên có quyền sở hữu trên mảnh đất của mình đang có.
- Cấm một tổ chức nào, một chủ thể nào giành cái quyền sở hữu này của mỗi công dân.
- Công dân, nếu ai cảm thấy không đủ khả năng quản lý, hoặc muốn trao quyền sở hữu một cách tự nguyện cho Nhà nước thì phải làm giấy chuyển quyền, ra phòng công chứng hẳn hoi.
- Ai không có nhu cầu thì làm ơn, đừng ai, đừng tổ chức nào dùng vũ lực tước đoạt cái quyền này của dân. Làm như thế (dùng luật lệ, vũ lực tước đoạt) thì làm ơn đừng đưa ra khái niệm “đất đai sở hữu toàn dân” vào hiến pháp làm gì. Nghe mâu thuẫn lắm, nếu không muốn nói là bịp bợm.

Không có nhận xét nào: