Pages

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Nông nghiệp Việt Nam: Đường rộng nhưng kẹt tư duy


Hoàng Kim
Tôi khinh một chính phủ làm cho nông dân bần cùng, nên có khi tôi thể hiện bằng những lời khiếm nhả và coi thường, chứ không phải tôi thô lổ và tự cao. Mong Tòa soạn thông cảm.
Tựa bài này tôi đặt dựa vào tựa bài “Tắc đường hay kẹt tư duy” của Nhà văn Nguyễn Quang Thân.
Hoàng Kim
Cái tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm cho tôi ngạc nhiên đến sửng sốt.
Nông nghiệp Việt Nam làm gì có cơ cấu để mà tái (?!).

Một nền nông nghiệp tự phát: Trồng không biết trồng cây gì, nuôi không biết nuôi con chi, bán không biết bán cho ai, giá bán không biết được bao nhiêu, thì nói chuyện tái cơ cấu nghe ngộ ngộ, lạ lạ, vui vui làm sao ấy.
Nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc cách mạng
Tôi chuyên làm lúa nên trong bài viết này lấy lúa gạo làm đối tượng phân tích, các loại cây trồng, vật nuôi khác cũng tương tự.
Chúng ta điều biết: Ông Bộ trưởng Bộ Công Thương chẳng biết lúa gạo của Việt Nam xuất khẩu những loại gạo gì? Số lượng và chủng loại ra sao? Thì làm sao ông Bộ trưởng Bộ Công Thương biết thị trường thế giới đang cần tiêu thụ loại gạo nào mà lên kế hoạch cho nông dân sản xuất?
Chúng ta điều biết: Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng chẳng biết lúa gạo của Việt Nam xuất khẩu những loại gạo gì? Số lượng và chủng loại ra sao? Cho nên Bộ Nông nghiệp chỉ “ khuyến cáo” cơ cấu giống trên báo, trên đài, còn nông dân thì gieo sạ loại lúa nào tùy ý.
Năm rồi, Bộ Nông nghiệp “ khuyến cáo” nông dân không nên trồng nhiều lúa IR 50404, nông dân nghe theo, đến khi thu hoạch, thương lái tìm mua lúa lúa IR 50404 với giá cao, còn lúa nông dân mới đổi thì mua giá thấp.
Ngay lúc này đây, giá lúa IR 50404 là 4.500 đồng/ kg, bằng giá với lúa thơm nhẹ chất lượng cao OM 4900, nông dân huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp đang nóng máu với giá mua kỳ cục này.
Chỉ khuyến cáo lung tung, nói mà không biết nói cái gì, khiến nông dân đang nổi quạu lầm rầm ở dưới này, thì lấy gì mà cơ với cấu (trước vụ đông xuân năm nay, lúa OM4900 thường cao hơn lúa IR 50404 khoảng 500-800 đồng/ kg).
Hai ông bộ trưởng, một ông chuyên về sản xuất, một ông chuyên về mua bán mà hiểu biết về lúa gạo như vậy, thì cơ ở đâu để mà cấu?
Vì thế, Tôi thấy không cần đi vào chi tiết của việc tái cơ cấu mà Bộ Nông nghiệp đưa ra, bởi vì, tôi chắc, nó cũng sẽ bất khả thi.
Bây giờ, nếu cho nông dân chúng tôi đánh giá về nền nông nghiệp Việt Nam, với thang điểm từ 0 đến 10, nông dân chúng tôi sẽ cho bao nhiêu điểm?
Xin thưa: chúng tôi cho –5 điểm.
–5 , vì, không những không có một chính sách nào hiệu quả giúp nông dân trong việc sản xuất, mà việc tiêu thụ nông sản lại bỏ phế cho các thương nhân độc quyền chèn ép.
Vì vậy, sản xuất lúa gạo nói riêng và nền nông nghiệp nói chung cần cả một cuộc cách mạng.
Trước tiên phải làm cuộc cách mạng về tư duy lãnh đạo
1) Thay đổi tư duy coi thường nông dân.
Nông dân được mời lấy ý kiến về Luật Đất đai là một bộ luật liên quan mật thiết đến quyền lợi của họ là điều đương nhiên.
Vậy mà Báo Dân Việt Online cho biết: Trong một Hội thảo ngày 15.10.2012 về sửa đổi Luật Đất đai ở Hà Nội, khi xuất hiện một nữ nông dân đến từ Hà Tĩnh, ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, người tự giới thiệu từng tham gia soạn thảo Luật Đất đai đầu tiên năm 1987 tỏ ra bất ngờ với sự kiện, theo ông, là “lần đầu tiên” một người nông dân được mời đến dự cuộc hội thảo bàn về bộ luật quyết định đến sinh kế của 70% dân số là nông dân [1].
Một bộ luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi nông dân. Một bộ luật đã biến nửa triệu nông dân thành dân oan, nay muốn sửa đổi lại cho tốt hơn mà không hề hỏi ý kiến của nông dân, chẳng lẽ không muốn giảm số lượng nông dân biến thành dân oan?
Chính vì không đồng ý cách tính giá bồi thường nên nông dân mới biến thành dân oan, nay đổi cách tính giá đất mà không hỏi nông dân thì làm sao biết nông dân đồng ý với thay đổi đó?
Chỉ thay đổi: “Nhà nước xác định giá đất sát với giá thị trường” thành “giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” thì tăng quyền hạn gì cho nông dân trong việc định giá đất?
Góp ý dự thảo nghị định xuất khẩu gạo cũng không có nông dân, mà do VFA là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo làm chủ, nên đưa ra được Nghị định số 109 – một nghị định quan liêu và vô trách nhiệm, chỉ có lợi cho VFA…
Không nghe ý kiến của nông dân – những người trực tiếp sản xuất – Chính phủ sẽ biết gì về sản xuất mà lãnh đạo cho đúng?
2- Thay đổi tư duy khống chế giá lúa gạo để chống lạm phát.
Năm 2008 khi giá bán gạo xuất khẩu của Việt Nam lên đến 935 đô la Mỹ/ tấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vội ký lệnh ngừng xuất khẩu để chống lạm phát, kết quả lúa hè thu của nông dân chỉ bán được dưới 400 đô la Mỹ/ tấn.
Phát biểu với báo Tuổi Trẻ Online Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổ trưởng Tổ Điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ Nguyễn Thành Biên cho rằng: “Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân” [2].
Khống chế giá lúa gạo mãi, nông dân làm lúa hiện thu nhập không đủ chi phí, vài năm nữa thôi là nông dân bán ruộng.
3- Thay đổi tư duy ưu ái doanh nghiệp hơn nông dân.
Hiện nay, Chính phủ giao hết việc mua bán lúa gạo cho VFA bằng chính sách mua lúa trạm trữ chẳng lợi gì cho nông dân.
Trong bài viết “ Độc quyền lúa gạo cái ách đang quàng lên cổ nông dân” đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi đã chứng mình rằng lúa gạo của nông dân chúng tôi đang chịu sự độc quyền của Nhà nước, vì vậy Chính phủ phải ấn định giá mua bán lúa gạo cho nông dân, hiện nay, với chính sách mua lúa tạm trữ, Chính phủ giao toàn quyền ấn định giá lúa gạo cho VFA là vi phạm Điều 15 khoản 1 mục a của Luật Cạnh tranh.
4- Thay đổi tư duy bao đồng về an ninh lương thực cho thế giới.
Nông dân Việt Nam thừa lúa gạo bán ế không ai mua, Chính phủ lại nhảy tưng qua Châu Phi, qua Campuchia dạy người ta làm lúa.
Hiện nay đang để cho khoảng 500.000 tấn gạo của Campuchia tràn vào Việt Nam chiếm thị trường gạo ít ỏi của nông dân Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam phải lo cho đời sống của nông dân Việt Nam, bán gạo của nông dân Việt Nam với giá cao nhất có thể, chứ không nên bao đồng ôm khơi an ninh lương thực thế giới.
Thay đổi được 4 kiểu tư duy thiển cận và lỗi thời này Chính phủ đưa việc sản xuất lúa gạo trở về vạch xuất phát. Và ở điểm xuất phát này mới có đủ điều kiện để nói đến việc thiết lập cơ cấu cho nền nông nghiệp.
Việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam nên cơ cấu như thế nào?
Nông dân chúng tôi thấy không khó để cơ cấu hiệu quả cho việc sản xuất lúa gạo, nhưng nếu nói chi tiết ra đây tôi nghĩ Chính phủ cũng không dùng vì tôi đã nói nhiều rồi.
Vậy, nông dân chúng tôi xin chỉ cho Chính phủ chiến lược của Chính phủ Thái Lan vào năm 2004:
“Vào năm 2004, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã Thái Lan đã soạn thảo chiến lược lúa gạo giai đoạn 2004 – 2008. Đây là chiến lược nhằm hoạch định đường lối nâng cao hiệu quả phát triển lúa gạo của Thái Lan trong những năm trước mắt. Bản dự thảo gồm 5 lĩnh vực: 1/ Nâng cao năng suất; 2/ Nâng cao giá trị; 3/ Tiếp thị quy mô toàn cầu; 4/ Đảm bảo đời sống người lao động và tránh rủi ro; 5/ Nâng cao hiệu quả dịch vụ.
Đường đi đã có, chỉ cần cử vài cử nhân không cần phải giáo sư tiến sĩ gì đâu (nhưng phải có đạo đức để đừng bị doanh nghiệp mua chuộc, biết thương nông dân) qua Thái Lan nghiên cứu chiến lược của họ một họ một thời gian ngắn là chúng ta sẽ có một chiến lược lúa gạo tốt đẹp.
Còn, nếu, Chính phủ tự ái không cho người qua Thái Lan học tập, thì chỉ cần Chính phủ hỏi, nông dân chúng tôi chỉ cho.
H.K.
(1) Dân Việt Online, bài: “Ban soạn thảo luật thiếu… nông dân” http://danviet.vn/134115p24c45/ban-soan-thao-luatthieu-nong-dan.htm
(2) Bài “Bức xúc với giá sàn xuất khẩu gạo” http://tuoitre.vn/kinh-te/400864/buc-xuc-voi-gia-san-xuat-khau-gao.html
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét