Pages

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Đoàn Văn Vươn và vụ án của thành phố “Hoa Cải đỏ”


91509aed-d56a-4905-a6b9-cc951e0671551
Lê Diễn Đức
 Sau hơn một năm, kể từ khi tiếng súng Đoàn Văn Vươn náo động dư luận khắp Việt Nam và vượt ra ngoài biên giới của nó, chiều 18/3, chị Phạm Thị Hiền (vợ của Đoàn Văn Quý) cho biết, gia đình chị đã nhận được thông báo triệu tập của Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hải Phòng, yêu cầu các chị có mặt tại phiên tòa ngày 2-5/4 xét xử vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ”.

Một giấy mời khác của TAND Hải Phòng mời chị Hiền, chị Nguyễn Thị Thương (vợ của Đoàn Văn Vươn) có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án “Hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với tư cách là những người bị hại, vào ngày 8-10/4.
Nọc Nạn thời Pháp
Người ta đã so sánh vụ án Đoàn Văn Vươn Tiên Lãng với “Vụ án Nọc Nạn”, như là phép thử về mức độ công minh của ngành tư pháp xã hội chủ nghĩa.
 85 năm trước, theo wikipedia, vào buổi sáng 16/02/1928, trên đồng Nọc Nạn (Cần Thơ) đã xảy ra một bi kịch, trong đó những người nông dân bị áp bức đến cùng đường, đã chống lại lính Pháp và lính mã tà. Hậu quả là 5 người chết, trong đó có một lính Pháp.
 Ngày 17/08/1928 tòa Đại hình Cần Thơ đã xét xử vụ án Nọc Nạn. Hai luật sư Tricon và Zévacon được phóng viên báo tiếng Pháp “La Tribune Indochinoise” nhờ biện hộ (miễn phí) cho gia đình nông dân Biện Toại.
 Luật sư Zévaco cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Xin tòa tha thứ cho các bị can, ông nói: Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.
 Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng, cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng)…
 Báo chí Sài Gòn đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn, nhiều nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ đến đường cùng.
 Vụ án này đi vào lịch sử Việt Nam như một điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp và sự phản kháng của nông dân, đã được nhà nước Cộng sản Việt Nam tôn vinh thành “di tích lịch sử cấp quốc gia.”
85 năm sau
Vụ án Đoàn Văn Vươn không giống Nọc Nạn nhưng ở tương đồng ở điểm: lần đầu tiên, người nông dân Việt Nam trong thời cộng sản nổ súng chống lại lực lượng cưỡng chế từ phía chính quyền.
 Bản cáo trạng ngày 4/01/2013 của Viện kiểm sát Nhân dân Hải Phòng ngay từ đầu đã cho thấy sự cố ý bỏ quên một chí tiết rất quan trọng mang tính quyết định cho kết luận về vụ án: cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn là sai trái.
 Nêu trình tự một số quyết định của Uỷ Ban Nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng về việc thu hồi, nhưng bản cáo trạng đã “bỏ quên” “Biên bản thoả thuận” của toà sơ thẩm.
 Đúng là “tòa án đã giải quyết và giữ nguyên quyết định số 461/QĐ-UBND” ngày 7/4/2009, tức quyết định thu hồi đất, nhưng anh Vươn đã kiện quyết định này lên Toà sơ thẩm và Tòa sơ thẩm đã hoà giải, bằng “Biên bản thỏa thuận” giữa nguyên đơn và bị đơn: nếu nguyên đơn rút đơn thì UBND huyên Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất. Ngày 19/4/2011 anh Vươn rút đơn, ngày 22/4 Toà án đình chỉ xét phúc thẩm, nhưng ngày 24/11/2011 UBND huyện Tiên Lãng đã lật lọng, vẫn ra quyết định 3307/QĐ-UBND cho thu hồi.
 Ngày 10/2/2012, trong bài “Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng”, tờ VnExpress (21/2/2012) viết:
“Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều sai phạm như không xác định ranh giới, kiểm kê tài sản (…) Thủ tướng kết luận, huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng.”
 Ông Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước, nói:
“Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại.”(Vietnamnet 16/01/2012).
 Đây là mấu chốt của vấn đề. Như vậy, ý đồ của bản cáo trạng đã cho thấy rõ. Từ việc dẫn dắt sai, sẽ đưa đến việc áp đặt tội trạng, gắp lửa bỏ tay người.
 Chế độ công vụ định nghĩa là “hoạt động mang tính quyền lực nhà nước do cán bộ, công chức, hoặc các công dân được huy động bởi người có thẩm quyền, tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội.”
 Như vậy, không thể nói việc thực hiện cưỡng chế là “thi hành công vụ”, vì thực hiện sai trái, không phục vụ cho bất kỳ lợi ích nào, công cộng hay nhân dân. Lẽ ra chính quyền thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng phải nghiêm túc xin lỗi nạn nhân và duy nhất đưa ra xét xử là vụ án “Hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của phía chính quyền.
 Về mặt lý, toàn bộ mọi tình tiết nêu trong cáo trạng để chứng minh gia đình anh Đoàn Văn Vươn có sự chuẩn bị, ứng phó, dù đúng như vậy đi nữa, thì cũng không có giá trị. Đây là hành động của những người hoặc cúi đầu chịu sự tước đoạt trắng trợn, bất công, hoặc thà chết quyết tâm giữ đất. Một hành động chống lại kẻ cướp, một cách tự vệ chính đáng.
 Về tình, những người bị thương (nhẹ) được xem là bên bị hại, thực tế họ thừa hành một mệnh lệnh sai, thực hiện âm mưu chiếm đất vụ lợi của quan chức Tiên Lãng với phe nhóm. Họ vô tội nhưng đã vô tình tiếp tay nối giáo cho quân cuớp. Người phải bồi thường cho họ chính là UBND huyện Tiên lãng chứ không phải ai khác.
 Trong bài “Thâu tóm đất đai,” nhà văn Phạm Đình Trọng viết:
“Việc cưỡng chế đất đai phi pháp ở Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế bằng máu, đưa công an, quân đội, đưa súng lớn, súng nhỏ ra đối đầu với một gia đình nông dân hiền lành chỉ chí thú lấn biển mở đất nuôi chí làm ăn vì dân giầu, nước mạnh. Thu hồi phi pháp mảnh đất lấn biển bằng mồ hôi và máu của gia đình người nông dân lam lũ Đoàn Văn Vươn thực chất cũng chỉ là thâu tóm đất đai của một nhóm lợi ích của chính quyền địa phương Hải Phòng”.
 Thu hồi bất hợp pháp đầm nuôi thuỷ sản của anh Vươn, UBND Tiên Lãng đã không đưa ra mục đích cụ thể nào mà chỉ nói lý do hết hạn sử dụng?! Trong khi đó, gia đình anh Vươn sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt trong nhiều năm ròng bỗng nhiên mất sạch. Họ sẽ ở đâu, làm gì để sống và trả những khoản tiền vay ngân hàng đầu tư cho việc lấn biển?
 Mối lợi ích nhìn thấy rõ giữa các quan chức Tiên Lãng với các quan chức thành phố, khi cả hai đã bên “hiệp đồng” tác chiến. Đã chẳng phải vô cớ mà sau ngày 17/2, những cán bộ lão thành cách mạng của Hải Phòng đã chính thức làm đơn đề nghị cách chức Bí thư thành ủy của thành phố.
 Luật gia Lê Hiếu Đằng nhận định (Bauxite VN 12/2):
“Nếu cướp được chừng ấy đầm của ông Vươn, đám cướp Tiên Lãng đâu có dám ăn lấy một mình, còn phải cống nộp nữa chứ. Hãy cứ xem cái mặt núc ních của Đại tá Ca thì cũng đủ đoán biết ông ta là người như thế nào, và chắc chắn không phải vô cớ và vô tư khi ông ta tỏ ra rất hể hả nói rằng việc phá nhà ông Vươn ông Quý là một trận đánh tuyệt đẹp đáng viết lại thành sách mẫu mực về chiến công của công an và bộ đội thời buổi này”.
 Còn theo luật sư Trần Đình Triển (RFI 11/2), thì:
“Trong bộ luật hình sự đã có riêng quy định về đất đai. Có một điều luật chuyên biệt, đó là vi phạm về quản lý đất đai. Thì ở đây ra quyết định cưỡng chế sai, thu hồi sai, rõ ràng đã vi phạm điều đó, thì cần phải khởi tố những người thực hiện việc quản lý đất đai trong sự việc này, theo điều luật đó đã. Còn những ai chỉ đạo phá dỡ, thì đấy là phạm vào tội hủy hoại tài sản”.
 Bắt giam anh Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình, ngành Tư pháp Hải Phòng đã làm trái hoàn toàn với bản chất của sự việc.
 Đã có tới hơn 800 bài báo lề đảng với hàng ngàn bình luận, cùng với hàng trăm bài khác trên lề dân, nói về sự việc. Khắp nơi đồng bào trong và ngoài nước gửi hàng trăm triệu đồng về giúp đỡ gia đình nạn nhân và đòi chính quyền phải thực thi công lý.
 Liệu các nhà báo, bloggers, dân chúng quan tâm có thể đến tham dự phiên toà xét xử công khai và được quyền bày tỏ chứng kiến của mình?
Kết luận
Phiên xử đã dùng bạo lực và quyền sinh sát của một bộ máy chuyên quyền áp đặt tội trạng. Thời gian hơn một năm anh Đoàn Văn Vuơn và những người khác trong gia đình ngồi tù, thiết nghĩ đã quá đủ cho sự hành hạ.
 Nếu phiên toà thực sự lương thiện và công bằng, thì, hãy lấy vụ án Nọc Nạn làm kinh nghiệm, tha bổng cho anh Đoàn Văn Vươn và những người thân. Không ai trong họ phạm tội cả. Tranh đấu chống lại cái sai không thể là tội.
 Tuy nhiên, đòi hỏi tòa án CSVN, nơi diễn hài của những bản án đã định trước, thì chẳng khác gì đòi chó, ngựa biết bay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét