Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Phải hết sức cảnh giác với Nguyễn Tấn Dũng

Trong lúc này, khi mà tình hình kinh tế nguy ngập, vật giá leo thang, hàng loạt công ty phá sản hoặc hấp hối, các ngân hàng trong tình trạng báo động đỏ vì nợ xấu chồng chất, đa số các nhà đầu tư rời Việt Nam, các vụ bê bối liên tục được phơi bày vì không thể che giấu được nữa, nếu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị mất uy tín và bị đả kích gay gắt thì cũng là một điều dễ hiểu. Nhiều người cho rằng ông đang gặp khó khăn lớn, thậm chí có thể mất chức. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng phải ủng hộ ông Dũng vì dù sao ông cũng là người đang cố gắng thoát ra khỏi thế lệ thuộc Trung Quốc để đến gần với Hoa Kỳ và các nước dân chủ.


Như trong mọi tình huống tranh tối tranh sáng chúng ta cần hết sức cảnh giác.

Việc ông Dũng tham nhũng và bao che tham nhũng là điều mà không ai, dù bênh ông, có thể chối cãi. Bảy năm trước khi lên làm thủ tướng ông đã dõng dạc cam kết sẽ bài trừ tham nhũng và còn tuyên bố sẽ từ chức nếu không đẩy lùi được tham nhũng, nhưng suốt bảy năm qua tham nhũng đã không ngừng gia tăng và gia tăng với một vận tốc chóng mặt. Cũng không ai có thể phủ nhận ông không có khả năng để lãnh đạo một đất nước gần một trăm triệu người với vô số vấn đề phức tạp trong một bối cảnh toàn cầu hóa. Vinashin, Vinaline, EVN chỉ là vài thí dụ. Thành tích nổi bật của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là đã biến Việt Nam thành nước rủi ro nhất trong vùng cho đầu tư mặc dù mới chỉ là một trong những nước nghèo nhất. Trong bất cứ một nước bình thường nào một thủ tướng như ông Dũng chắc chắn đã phải từ chức hoặc bị cách chức từ lâu. Nhưng ông Dũng vẫn còn đó. Không những thế quyền lực của ông còn mạnh lên. Ông nắm được cả quân đội, công an và tài phiệt. Ông lấn áp cả đảng cộng sản. Việt Nam đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu Nguyễn Tấn Dũng bị chống đối bởi cả nhân dân Việt Nam lẫn đa số đảng viên cộng sản.

Có hai loại người bênh Nguyễn Tấn Dũng. Trước hết, và phần chính, là những người mà quyền lợi và địa vị gắn chặt với ông Dũng. Sau đó là một số ít những người tin rằng ông Dũng đang cố gắng gia tăng quan hệ với các nước dân chủ. Hai loại người này rất khác nhau nhưng sử dụng cùng một lâp luận: nếu ông Dũng bị loại, các thế lực thủ cựu thân Trung Quốc sẽ thắng và Việt Nam sẽ còn lệ thuộc Trung Quốc với tất cả nhục nhằn và mất mát trong một thời gian dài.

Lập luận này dù xuất phát từ thiện chí hay quyền lợi bất chính cũng không thuyết phục. Thời gian bảy năm vừa qua, khi ông Dũng là thủ tướng gần như toàn quyền, cũng là thời gian mà chính quyền cộng sản Việt Nam tỏ ra khiếp nhược nhất đối với Trung Quốc. Đó cũng là thời gian mà Việt Nam cho Trung Quốc thuê dài hạn nhiều khu rừng có giá trị chiến lược trên thượng nguồn, cho Trung Quốc đấu thầu khai thác mỏ bô-xit ở Tây Nguyên, để hàng lậu Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, và chấp nhận một quan hệ ngoại thương bệnh hoạn trong đó thâm thủng ngoại thương với Trung Quốc bằng tổng số thâm thủng ngoại thương của Việt Nam. Cũng nên nhớ là nếu dự án bô-xit Tây Nguyên sau cùng đã được giảm thiểu thì đó là vì ông Dũng đã phải nhượng bộ những áp lực từ xã hội Việt Nam được sự khuyến khích của những đối thủ của ông Dũng trong ban lãnh đạo cộng sản. Ông Dũng và những người ủng hộ ông có thể biện luận rằng đó là những quyết định tập thể trong đó ông Dũng chỉ có một phần trách nhiệm, nhưng nói như thế là quên rằng ông Dũng có ảnh hưởng lớn nhất thì cũng có trách nhiệm lớn nhất và hơn nữa, trái với một vài người khác trong bộ chính trị, ông Dũng tuyệt đối chưa hề biểu lộ một chống đối nào, thậm chí một sự dè dặt nào trong những chọn lựa này.

Nhưng còn một sự kiện nghiêm trọng khác chứng tỏ một cách rõ rệt ông Dũng không hề có ý định tách khỏi quỹ đạo Trung Quốc và đến gần với các nước dân chủ. Đó là từ ngày ông Dũng trở thành nhân vật quyền lực nhất chính sách đàn áp những người dân chủ đã hung bạo hơn hẳn. Các vụ án chính trị nhiều hơn, các cáo trạng tùy tiện hơn, các phiên tòa trơ trẽn hơn, các bản án nặng gấp ba bốn lần thời gian trước đó. Về điểm này chính ông Dũng chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm, và nó chứng tỏ một cách dứt khoát rằng ông Dũng không hề chuẩn bị để thắt chặt quan hệ với các nước dân chủ. Một người chuẩn bị để đến gần các nước dân chủ không hành động như thế.

Phải rất cảnh giác. Con người chống dân chủ hung bạo nhất trong các cấp lãnh đạo cộng sản hiện nay là Nguyễn Tấn Dũng. Và nếu chúng ta lý luận rằng đã chống dân chủ tất nhiên phải dựa vào Trung Quốc thì Nguyễn Tấn Dũng cũng chính là người thân Trung Quốc nhất.

(Thông Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét