Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Sự thật đằng sau việc điều hành giá vàng?


Cách đây hơn một tháng, báo VNEpress có đăng bài phỏng vấn ông Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Minh Hưng và Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - Lê Hùng Dũng về chủ đề 'Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng không vì lợi nhuận'. Lúc đó hai câu trả lời riêng rẽ của ông Lê Hùng Dũng đã khiến tôi ngờ ngợ về mức độ logic của nó.

Trả lời 1:
Trước đây để giữ giá sát với thế giới, chúng ta phải nhập vàng về đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập 30-40 tấn vàng. Nếu tính tạm mỗi tấn vàng 60 triệu USD, số ngoại tệ bỏ ra lên tới 1,8-2,4 tỷ USD, tương đương 37.000-50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn và bất khả thi.
Trả lời 2:
Thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường, đồng thời SJC gia công thì nguồn vàng lớn sẽ được bung ra thị trường và đủ lớn thì giá trong nước sẽ về sát thế giới.
Về mặt logic, đây là câu trả lời huề vốn. Câu 1 nêu lên khó khăn của chính phủ trong việc liên thông giá vàng với thế giới, đó là tốn kém lên tới 2,4 tỷ USD. Trong khi đó câu 2 lại trấn an bằng việc nhà nước sẽ can thiệp liên thông giá trong tương lai.

Vậy tóm lại, ý đồ chính thức của của NHNN trong vấn đề này là gì?

Nếu để thực hiện liên thông giá, NHNN không cần phải thực hiện một loạt hành vi rối rắm trong 6 tháng qua mà cứ để mặc thị trường tự do lên xuống như trước đây. Những diễn biến gần đây trên thị trường vàng, từ việc độc quyền kinh doanh, đến cố ý đặt giá chênh lệch so với thế giới, không thể lý giải nỗ lực liên thông giá của NHNN. Giá vàng do NHNN bán ra luôn chênh lệch từ 10 đến 20% giá trị so với giá thế giới.

Có hai cách lý giải:

Một cách chính đạo, có thể đọc lời ông Phó Thống đốc NHNN hôm qua:
Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trước đây, nhiều doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng, khi thị trường có chênh lệch giữa trong nước và quốc tế thì xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp cần một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng sản xuất vàng miếng, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá và gây áp lực nên lạm phát. Đây là yếu tố quan trọng để ban hành Nghị định 24. Quản lý chặt chẽ nhập khẩu, sản xuất vàng miếng là yếu tố quan trọng để ổn định thị trường, tỷ giá.
Nguồn
Điều này có nghĩa là từ đây NHNN sẽ chủ đạo việc kinh doanh vàng bằng một giá bằng phẳng, không lướt sóng lên cũng như sóng xuống theo giá thế giới nữa mà giá vàng sẽ ổn định, nhằm mục đích ổn định tỉ giá trong nước. Theo đó, mục đích liên thông giá vàng sẽ bị bỏ rơi, đúng như lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước đó.

Một cách tà đạo, không thể không suy nghĩ về lời phát biểu của ông Lê Hùng Dũng trước đây và nhìn vào con số 2,4 tỷ USD nhập vàng mỗi năm. Trước đây, công việc nhập vàng nằm trong tay các công ty tư nhân và họ mua vàng quốc tế về và bán với giá chênh lệch chừng 5% so với giá thế giới. Trong khi đó hiện nay toàn bộ con số nhập vàng đó sẽ nằm trong tay nhà nước và mức chênh lệch là chừng 10-20%. Tính ra lợi nhuận chênh lệch bán - mua là khoảng 250-500 triệu USD.


Chênh lệch bán mua này sẽ đi về túi ai? Liệu đây có phải là mục đích ẩn đằng sau ván bài ổn định giá vàng? Câu trả lời chỉ có người trong cuộc mới giải đáp được.

Dù giải thích kiểu gì đi nữa, thì sau phát biểu của ông Thống đốc NHNN cũng như Phó Thống đốc, giá vàng trong nước được hiểu là sẽ KHÔNG BAO GIỜ ngang bằng giá quốc tế. Đó là mục đích của Nghị định 24. Câu hỏi đặt ra cần giải đáp hiện nay là chênh lệch đó sẽ đi về túi ai? Đó mới là vấn đề.

Innova

(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét