Thùy Linh
1. ĐẠO ĐỨC CỦA CON NGƯỜI TƯ HỮU
Gia đình anh Đoàn Văn Vươn đã bỏ ra biết bao mồ hôi nước mắt, ngay cả sinh mạng đứa con 8 tuổi bị chết đuối để làm giàu cho chính mình. Khi gia đình anh làm ra của cải cho mình thì cũng đem lại lợi ích xã hội từ trong đó qua việc tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm không chỉ trong khu vực anh sinh sống mà còn là các tạo công việc làm cho nhánh vận chuyển sản phẩm, phân phối, bán lẻ, và đóng thuế để nhờ vào thuế để xây dựng công ích địa phương. Đó là những gì "bàn tay vô hình" của Adam Smith bàn bạc với chúng ta về bản chất của con người là tư hữu tài sản trong khi đi tìm tư lợi thì có một "bàn tay vô hình" điều khiển con người tạo ra lợi ích cho xã hội.
2. "KẺ CƯỚP HỢP PHÁP"
Việc phải tự trang bị vũ khí để đánh trả là hành vi bị ép vào bước đường cùng của gia đình vốn bản chất lương thiện này. Nên việc dùng vũ khí chống trả phải được xem xét ex ante tức là: tự vệ để bảo vệ tài sản chứ ko thể là ex post: tức giết người, chống người thi hành công vụ. Hành vi của chính quyền có khác gì hành vi của kẻ cướp hợp pháp (lawful plunder) được tổ chức, mà Frederic Bastiat (1801-1850) từ 2 thế kỉ trước "when plunder is organized by law for the profit of those who make the law" (Khi mà kẻ cướp được tổ chức bởi luật phục vụ cho lợi ích của kẻ làm ra luật) và như thế anh Đoàn Văn Vươn trở thành "nạn nhân của kẻ cướp hợp pháp" theo đúng ngôn ngữ của Bastiat "Victims of Lawful Plunder".
3. KINH TẾ-CHÍNH TRỊ
Trong môi trường vốn lưu chuyển quốc tế, lao động trình độ cao cũng lưu chuyển quốc tế về những nơi mà đồng vốn, tài sản được đảm bảo an toàn ko bị cướp bóc. Nhân tài sẽ dịch chuyển qua những quốc gia trả lương cao, ưu đãi nhân tài. Đồng vốn đầu tư, tiết kiệm nhân lực của dân Việt Nam cũng sẽ đội nón ra đi. Chỉ còn lại các doanh nghiệp nhà nước yếu kém và các doanh nghiệp vốn nước ngoài do quyền tư hữu của họ được bảo vệ bởi luật quốc tế bởi tư pháp quốc tế (Trái ngược với gia đình anh Vươn bị giới hạn trong định nghĩa dưới nền tư pháp trong phạm vi Việt Nam), họ làm ăn nơi nào có lời thì họ đến, ít bị ràng buộc bởi các yếu tố phi kinh tế khác.
Còn đối với người trong nước, chọn lựa nơi họ tìm kiếm lợi nhuận khác với nhà đầu tư nước ngoài ở điểm là họ còn bị ràng buộc bởi yếu tố phi kinh tế như: văn hóa, những người lao động cùng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán với mình mà bạn có thể xem đó như một thói quen đạo đức (Moral Rule). Việc tước đoạt quyền tư hữu của nhà đầu tư trong nước vì họ không được bảo vệ bởi công pháp quốc tế như các doanh nghiệp nước ngoài Thứ nhất là, chính nhà nước của ta đã cướp bóc chính tài sản công dân của mình. Thứ hai là, một cách gián tiếp, có khác nào ép buộc các nhà đầu tư trong nước vào đường phá bỏ những "thói quen đạo đức" được hình thành từ văn hóa làng xã, cộng đồng để đi tìm sự bảo vệ quyền tư hữu bởi nền tư pháp nước khác qua việc chuyển tài sản đầu tư hay tiết kiệm ra nước ngoài đó sao?
Như thế thì cái đất nước này coi như đã đến hồi kết thúc trong môi trường cạnh tranh thu hút vốn, tiết kiệm của người trong nước đầu tư trong nước tạo việc làm và các ngành nghề hỗ trợ thay vì đầu tư ra nước ngoài , rồi hiện tượng "chảy máu chất xám" và bào mòn luôn những "thói quen đạo đức" của con người kinh tế được cấu thành trong văn hóa cộng đồng.
4. ĐỊNH NGHĨA CÔNG LÍ
Tôi không biết bạn định nghĩa công lí là gì, nhưng với tôi CÔNG LÍ TỐI THƯỢNG LÀ BẢO VỆ QUYỀN TƯ HỮU. Chỉ có sự an toàn tuyệt đối cho vốn đầu tư thì mới hút được đầu của người dân Việt Nam, bằng không thì nó sẽ chảy qua nước khác bằng rất nhiều cách khác nhau không thể kiểm soát. Dân không thể làm giàu trong nước mình thì nước sẽ không thể mạnh, lấy tiền đâu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ? Khi quyền tư hữu bị đe dọa, người dân sẽ chuyển tài sản hoặc qui đổi qua các ngoại tệ, kim loại quí và chuyển qua các nước an toàn bảo vệ tư hữu, không còn tài sản ở trong lãnh thổ Việt Nam nữa do sợ bị "kẻ cướp hợp pháp" lấy mất, cũng sẽ chẳng còn bất cứ động lực nào để ở lại đóng góp hay tham gia vệ quốc, vì vệ quốc lúc này chính là bảo vệ tài sản tư hữu hữu hình của chính mình không bị phá hoại, lẽ nào bạn không nhìn thấy logic giữa quyền tư hữu và lòng ái quốc sao? Tôi không tin vào cái phiên tòa mà trong đó những thẩm phán chỉ phán xử theo tư lí có nguồn gốc từ triết lí chính trị trong một hệ thống tập quyền sẽ không thoát khỏi chuyện "amicus curiae" trong luật La Mã cổ đại có nghĩa là "Bạn của tòa án".
Đây là lí do tôi kí tên vào "Tuyên ngôn công lí cho Đoàn Văn Vươn", mặc dù ít kì vọng vào một kết quả tích cực của phiên tòa nhưng im lặng trước bất công là sự đồng lõa. HÃY BẢO VỆ ĐOÀN VĂN VƯƠN ĐỂ SẼ ĐẾN LÚC CHÍNH BẠN ĐƯỢC BẢO VỆ. Bảo vệ quyền tư hữu để bảo vệ công lí, bảo vệ quyền tư hữu là cách để tiết kiệm của người dân sinh lợi và không bị thất thoát trong môi trường cạnh tranh vốn và nhân lực toàn cầu. Tài sản của công dân được bảo vệ thì công dân có động lực để vệ quốc mà trong đó quyền tư hữu của họ được bảo vệ tuyệt đối.
Thùy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét