Pages

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Bắc Kinh dùng Okinawa để gây sức ép với Nhật về Senkaku/Điếu Ngư

Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư (DR)
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư (DR)

Trong một động thái thách thức chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhân chuyến công du Đức vừa qua, đã nhắc lại một số nội dung trong tuyến bố Potsdam năm 1945 cũng như tuyên bố Cairo năm 1943, liên quan đến vấn đề lãnh thổ Nhật.

Chủ nhật, 26/05, khi tới thăm Potsdam, nơi mà các nước đồng minh, vào năm 1945, họp hội nghị và đưa ra các điều kiện buộc quân đội Nhật Hoàng đầu hàng, ông Lý Khắc Cường tuyên bố là Bắc Kinh « không cho phép bất kỳ ai phá hoại hoặc chối bỏ trật tự hòa bình » được thiết lập từ sau đệ nhị Thế chiến.

Thủ tướng Trung Quốc đã nói đến điều 8 của Tuyên bố Potsdam yêu cầu Nhật Bản phải thực thi tuyên bố Cairo Ai Cập, theo đó, Nhật Bản phải trả lại những phần lãnh thổ đã đánh cắp của Trung Hoa, trong đó có « các đảo ở phía đông bắc Trung Quốc và Đài Loan ».

Điều 8 bản Tuyên bố Potsdam viết : « Nội dung bản tuyên bố Cairo cần phải được thực hiện và chủ quyền của Nhật Bản bị giới hạn trong bốn quần đảo Honshu, Kokkaido, Kyushu, Shikoku và những đảo nhỏ ».

Theo đoạn hai bản tuyên bố Cairo năm : « Tất cả những lãnh thổ mà Nhật Bản đã đánh cắp của Trung Hoa như Mãn Châu (Manchuria), Đài Loan (Formosa) và các đảo Bành Hồ (Pescadores), cần phải được trả lại Cộng Hòa Trung Hoa ». Vào thời điểm đó, đại diện cho Trung Quốc là Trung Hoa Dân Quốc. Còn nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời năm 1949.

Phát biểu của ông Lý Khắc Cường diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và hung hăng khẳng định có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, cũng như đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên, một quan chức lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nói đến chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh đối với các quần đảo của Nhật Bản và như vậy, vấn đề này trở thành quan điểm chính thức của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng Năm, báo chí Trung Quốc có đăng bài viết của hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội nước này cho rằng đã đến lúc cần phải xem xét lại những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến quần đảo Ryukyu. Trong lịch sử, quần đảo Ryukyu mà đảo lớn nhất là Okinawa vốn là chư hầu của Trung Quốc, rồi bị sát nhập vào đề chế Nhật Bản năm 1879.

Sau khi có bài viết này, Bắc Kinh coi đó là công việc nghiên cứu của giới học giả. Ngày 08/05, khi được hỏi là liệu Trung Quốc có coi quần đảo Ryukyu là của Nhật Bản hay không, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), không trả lời rõ ràng mà chỉ nói : « Từ lâu, giới nghiên cứu quan tâm đến lịch sử Okinawa và quần đảo Ryukyu ».

Theo giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên gia về Trung Quốc, thuộc đại học Trung Hoa, ở Hồng Kông, thì bài viết của hai nhà nghiên cứu Trung Quốc nằm trong khuôn khổ chiến tranh tâm lý và giúp Trung Quốc « gây sức nhằm buộc chính phủ Nhật Bản phải có những nhượng bộ về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ».

Báo chí Trung Quốc trong những ngày qua liêp tiếp có bài về phát biểu của thủ tướng Lý Khắc Cường tại Potsdam. Hôm qua, đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đã từ chối trả lời đề nghị của Nhật Bản muốn Bắc Kinh làm rõ các phát biểu của thủ tướng Trung Quốc. Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn yêu cầu Nhật Bản phải nhìn thẳng vào lịch sử.

Theo giới chuyên gia, vấn đề chủ quyền lịch sử trong các tranh chấp lãnh thổ là một việc phức tạp và ít có giá trị.
Trong cuộc hội thảo về tranh chấp tại Biển Đông, được tổ chức ở trường đại học Luật Columbia, New York, Hoa Kỳ, hồi tháng 11/2012, giới chuyên gia và ngoại giao cho rằng các luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử khi đưa ra bản đồ « lưỡi bò » ở Biển Đông không có sức thuyết phục và có ít giá trị trong công pháp quốc tế hiện đại. Bởi vì, trong lịch sử, đế quốc La Mã và quân Nguyên Mông Cổ đã từng chiếm đóng và có chủ quyền đối với toàn châu Âu.

Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét