Pages

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Bỏ lề đảng, về phía lề dân


Thất Lĩnh (Danlambao) - Sự kiện blogger Trương Duy Nhất bị bắt vì những bài viết khách quan vạch trần mặt trái tiêu cực của xã hội, một lần nữa, chứng minh rằng làn sóng những người bỏ lề đảng về phía lề dân đang ngày càng gia tăng.

Ông Trương Duy Nhất từng làm việc cho báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau này chuyển sang làm báo Đại Đoàn Kết. Nghe tên hai tờ báo này một người bình thường cũng dễ dàng nhân ra đây là hai tờ báo quyết liệt bảo vệ cho chủ trương chính sách nhà nước, hay nói khác hơn là công cụ để mị dân, giữ vững quyền cai trị của đảng cộng sản. Nhưng một ngày đẹp trời, ông Trương Duy Nhất đã quyết định bỏ viết báo chuyển sang viết blog. Slogan “một góc nhìn khác” đã chứng minh mạnh mẽ quan điểm của Trương Duy Nhất sau khi bỏ báo lề đảng, đó là cái nhìn xoáy vào thực tế cuộc sống chứ không phải múa bút theo chỉ thị của đảng cộng sản. Anh không chấp nhận làm kẻ bồi bút cho nhà cầm quyền mà mạnh dạn đứng về phía người dân đang thống khổ, mất quyền con người.

Những ai am hiểu đời sống chính trị Việt Nam sẽ nhận ra “phong trào” bỏ lề đảng về phía lề dân không chỉ mới bắt đầu từ thời Trương Duy Nhất. Nhiều trước đây, Nguyễn Vũ Bình, một đồng nghiệp của Trương Duy Nhất tại báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài viết cổ xúy cho dân chủ tự do và đa nguyên đa đảng đã bị cộng sản tống giam. Nhưng giờ đây, anh vẫn kiên trì đấu tranh mà không hề tỏ ra sợ hãi hay luyến tiếc.

Một nhân chứng sống động nữa là trường hợp của nhà báo Huy Đức. Trong khoảng thời gian làm cho báo lề đảng, anh được đánh giá là một cây bút sắc sảo, đầy nội lực. Dân trong nghề thường kháo nhau rằng, trong thời gian anh viết cho báo Tuổi Trẻ, những cán bộ cao cấp từ Hà Nội vô Sài Gòn phải tránh mặt Huy Đức vì anh có những câu hỏi phỏng vấn quá khó trả lời. Với tài năng và uy tín như thế, nếu chịu ngoan ngoãn theo lời đảng, Huy Đức hoàn toàn có một vị trí xã hội cao. Nhưng rồi anh đã viết nhiều bài “trái ý” đảng và nghiệp làm báo của anh bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Đến một ngày, khi quyển truyện Bên Thắng Cuộc ra mắt, người ta hoàn toàn tin rằng Huy Đức đã đứng hẳn về phía lề dân. Blogger hay facebook của anh được xếp hạng top đối với những ai quan tâm đến vấn đề chính trị và xã hội Việt Nam.

Một nhân vật đình đám khác trong làng báo lề đảng phải nhắc đến là Huỳnh Ngọc Chênh. Anh đã từng có một vị thế khá cao trong báo Thanh Niên. Rời khỏi tờ báo này anh đã trở thành một blogger nổi tiếng với nhiều bài viết hay về tình hình Việt Nam. Phải thừa nhận rằng từ khi chuyển sang lề dân, anh nổi tiếng hơn hẳn thời còn làm báo lề đảng. Kết quả là giải thưởng quốc tế mà anh nhận được cách đây chưa lâu.

Gần hơn nữa, một cái tên nhắc đến là mọi người lập tức ồ à thán phục đó là nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên. Anh đã dũng cảm phản bác lại ý kiến phê bình những người thẳng thắn góp ý trong đợt sửa đổi hiến pháp của ông Nguyễn Phú Trọng, một người mà xét về tổng thể quyền lực ngang hàng với vua tại Việt Nam. Nhà báo trẻ này không sợ bị kết tội“phạm úy” dám lên tiếng để bảo vệ cho người dân thấp cổ bé miệng, tức giận nhưng sợ hãi không dám bài tỏ chính kiến. Hành động can đảm của anh đã thực sự góp phần thức tỉnh nhận thức về quyền con người.

Chắc chắn còn rất nhiều nhà báo lề đảng đã theo lề dân nhưng vì hiểu biết giới hạn, và vì khuôn khổ của bài viết mà người viết chỉ nêu ra những cái tên tiêu biểu kể trên. Do bài viết đề cập đến những nhà báo nên cũng xin mạn phép không nhắc đến những nhà văn tên tuổi đã tự nguyện từ bỏ đảng để viết những gì chân thật nhất về bản chất cộng sản. Vấn đề chính mà người viết muốn nêu ra ở đây là vì sao ngày càng có nhiều nhà báo bỏ đảng cộng sản?

Giống như ở bất cứ xã hội nào, những nhà báo ở Việt Nam vốn là những người nắm bắt dòng thời sự, và chuyển biến xã hội nhanh hơn nhiều đối tượng xã hội khác. Bản thân họ có nhiều cơ hội để biết và hiểu rõ những gì đã và đang xảy ra trong môi trường xã hội họ đang sống. Lúc đầu, có thể vì nỗi lo cơm áo, vì trách nhiệm họ đành chấp nhận giả điếc, giả mù để tránh rắc rối. Nhưng rồi khi đã sống quá lâu với cái xấu, những người có lương tri có cái dũng, đã cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để giữ lại điều tốt đẹp cho cuộc đời. Thế là họ đã lên tiếng mà bất chấp sự hiểm nguy sẽ đến với mình. Họ không thể im miệng mãi trước sự suy đồi đến mức mục rũa của chế độ. Một cách rất tự nhiên, họ đứng vào lớp người tiên phong chống lại sự cai trị độc tài, phi dân chủ và phi nhân quyền ở đất nước Việt Nam thân yêu.

Điều này cho thấy quyền con người là một nhu cầu bức thiết, mà con người dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng phải đấu tranh để giành lấy cho bằng được.

Vì vậy, tôi tin rằng sau Trương Duy Nhất sẽ còn nhiều nhà báo lề đảng sẽ công khai đứng về phía người dân. Bởi vì, tầng lớp trí thức sẽ không bao giờ chấp nhận khuất phục trước sự bá đạo, lừa dối và phi nhân của đảng cộng sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét