Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ gặp thủ tướng CSVN ở Singapore

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ gặp ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, bên lề Đối thoại Shangri-La khi cả hai đến Singapore dự diễn đàn an ninh khu vực bắt đầu từ Thứ Sáu,  31 tháng 5, 2013.

Hãng tin Bloomberg cho hay như vậy trong một bài viết phân tích về cuộc đối thoại sắp diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông ngày một dấu hiệu nguy hiểm hơn mà các nước cần biết thái độ của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel tham dự lễ tốt nghiệp của  các sinh viên Học viện quân sự West Point hôm 25 tháng 5 2013. Ông sẽ gặp thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại Singapore. (Hình: Ramin Talaie/Getty Images)
Khi Bộ trưởng Chuck Hagel còn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, ông là một trung sĩ bộ binh trẻ tuổi có mặt tại chiến trường Việt Nam. Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng là một Việt Cộng ở trong bưng. Bây giờ, ông Hagel là bộ trưởng quốc phòng sau một thời gian làm nghị sĩ. Còn ông Dũng thì leo lên được ghế thủ tướng của một nước cộng sản.

Cả hai đều đến dự Đối Thoại Shangri-La kỳ 12 kéo dài 3 ngày từ 31 tháng 5 đến 2 tháng 6, 2013 và được mời là các diễn giả chính. Đây là cuộc đối thoại về an ninh khu vực được tổ chức hàng năm với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, các tổng tư lệnh quân đội, các thủ tướng của 28 nước hai bên bờ Thái Bình Dương và các nước quan tâm.

Việt Nam, ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng, còn có một phái đoàn quân sự do thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cầm đầu. Trung Quốc chỉ cử Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, Thích Kiến Quốc, đến dự. Năm ngoái Bắc Kinh cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt.

Theo một số bản tin quốc tế, cuộc đối thoại năm nay tập trung vào các vấn đề hiện đang nóng của khu vực như tranh chấp Biển Đông giữa một số nước phía nam với Trung Quốc, tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc với Nhật, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Cùng với sự căng thẳng, nhiều nước ASEAN trong đó có Việt Nam cố gắng cải thiện khả năng quân sự trước sự hung hăng của Bắc Kinh ngày một thêm trắng trợn.

“Sự nghi ngờ chính yếu của các nước trong khu vực này là Hoa Kỳ có duy trì chủ trương tái cân bằng lực lượng (nghiêng về Á Châu như đã loan báo).” Ông Termsak Chalermpalanupap, một chuyên viên khảo cứu tại Viện Khảo Cứu Đông Nam Á tại Singapore, phát biểu. “Chừng nào Hoa Kỳ giúp duy trì luật lệ ở khu vực chúng tôi” thì sự chú trọng đó được hoan nghênh.

Ông nói như vậy khi đề cập đến sự tăng cường mối quan hệ cả về kinh tế và an ninh của Mỹ với Á châu.

Cũng như các người tiền nhiệm, ông Hagel phải chú ý đến tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc mà các đồng minh của Mỹ đang có mối quan tâm đặc biệt. Mỹ cũng cần sự hợp tác của bắc Kinh để ngăn chặn các chương trình võ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

* Mỹ hướng về Á Châu

Một viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ không muốn nêu tên tiếp xúc với báo chí cho biết, tại Shangri-La 12, Bộ trưởng Hagel cũng sẽ xác nhận lại kế hoạch của Mỹ là chuyển hướng các lực lượng quân sự hướng về Á châu không thay đổi. Theo đó, 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020 mà hiện chỉ đang khoảng 50/50.

Khi đến dự Diễn Đàn Shangri-La hồi năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, Robert Gates, đã cảnh cáo Trung Quốc đừng có đe dọa các công ty nước ngoài tham dự các cuộc dò tìm và khai thác dầu khí trên Biển Đông.

Các công ty Shell, Mobil-Exxon và các công ty khác đã bị Trung Quốc đe dọa đến phải bỏ hoặc đình hoãn hợp đồng đã ký với Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam cũng như cản trở các tàu dò tìm dầu khí của Philippines. Năm ngoái, Bắc Kinh còn loan báo mời thầu quốc tế tại các lô ở trên thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Mới tuần trước, chiến hạm Trung Quốc hộ tống một đoàn tàu đánh cá tới khu vực bãi Cỏ Mây, đang có một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Philippines đồn trú trên một chiến hạm phế thải. Năm ngoái, Philippines kình chống với Trung quốc một thời gian tại khu vực bãi đá Scarborough Shoal nhưng rồi phải rút đi.

Theo nhận xét của ông Richard Bush thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Center for Northeast Asean Policy Studies thuộc Viện Nghiên Cứu chính sách (Brookings Institute) nổi tiếng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn thì việc ông thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đến Shangri-La lần này có thể gửi một thông điệp tích cực cho khu vực.

Có thể người ta không hy vọng nhiều đến điều gì ông nói trên diễn đàn vì cũng chẳng khác mấy đối với các lời tuyên bố của Bộ Ngoại Giao CSVN là kêu gọi giải quyết các tranh chấp dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Rất là vô cùng bất thường nếu ông dám tuyên bố điều gì làm phật lòng phương Bắc mà chế độ Hà Nội đang cần chỗ dựa để tồn tại.

Nhưng có vẻ như việc ông gặp Bộ trưởng Hagel bên lề diễn đàn là một điều đáng để ý.

“Ông ta không thể sai lầm khi cố vận dụng khả năng và sẵn sàng tìm phương cách hòa giải giữa hai kẻ cựu thù.” Ông Bush nhận xét. “Còn nhiều kẻ cựu thù khác ở Á châu có thể học hỏi được điều từ đó.”

Hồi tháng Sáu năm ngoái, sau khi dự diễn đàn Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, tiền nhiệm của ông Hagel, đã đến cảng Cam Ranh trước khi bay đi Hà Nội. Tại Hà Nội ông đã gặp ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Dịp đó, tin cho hay Hà Nội đã đề nghị Mỹ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương nhưng đã bị ông Panetta nói rằng CSVN cần cải thiện nhân quyền trước.

Lần này, khi gặp ông Hagel ở Shangri-La, liệu ông Nguyễn Tấn Dũng có lập lại lời yêu cầu mà ông đã nói với ông Panetta hay không?

(Người Việt)

2 nhận xét:

  1. Vậy là thủ tướng csvn đang tìm đường theo Mẽo rồi.

    Trả lờiXóa
  2. đừng vội tin lơi của CS

    Trả lờiXóa