Pages

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Khai thác mỏ ở Việt Nam như 'hủy diệt'

Cung cách quản lý, điều hành hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam đã và đang gây ra rất nhiều tác hại cho cả kinh tế, đời sống lẫn môi trường.

Đó là nhận định của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (viết tắt là PAN) trong một nghiên cứu về “Khoáng sản - phát triển - môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế”.

PAN cho rằng, vì giàu khoáng sản, Việt Nam xem công nghiệp khai thác khoáng sản (khai khoáng) là một trong những ngành mũi nhọn để tạo việc làm, tăng ngân sách cho địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên kết quả khảo sát của PAN cho thấy, công nghiệp khai khoáng hiện chỉ gây ra những tác động tiêu cực.

Công trường khai thác mỏ sắt xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. (Hình: PAN)
Sau khi khảo sát mỏ sắt Tân Pheo ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, PAN cho biết, hoạt động khai thác đã ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu đất trong khu vực. Vào mùa mưa, đất đá từ núi  trôi xuống ruộng và suối khiến độ sâu của suối giảm từ 1 m xuống còn  20 cm, thậm chí một số đoạn đã bị lấp.  Trong khi hệ thống suối là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, tưới, tiêu và nuôi thủy sản của cả ngàn gia đình.

Tại thời điểm khảo sát, nguồn lợi thủy sản gần như không còn, nước suối cạn, có màu đặc trưng của oxide sắt. Quá trình tuyển quặng và sau tuyển quặng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho dân chúng.

Tương tự, quá trình khai thác quặng bauxite tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường (bụi, nước thải, bùn đỏ). Do đường vận chuyển quặng là đường đất, hơn 150 gia đình sống ven đường phải chịu cảnh bụi bặm vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa.

Việc trồng trọt cũng bị ảnh hưởng nặng. Hoạt động khai thác bauxite còn phá vỡ cấu trúc địa chất, làm bề mặt đất bị hạ thấp từ 5 mét đến 9 mét, lớp đất bazan bị thay thế bởi đất sét nên mùa mưa, nhiều chỗ bị ngập úng, xói lở với cường độ mạnh.

Tuy khoáng sản được xem như tài sản toàn dân song PAN cho rằng, trên thực tế, phần lớn lợi nhuận đang chảy vào túi các doanh nghiệp, để mặc cộng đồng dân chúng địa phương gánh chịu thiệt thòi.

Cách quản lý, điều hành công việc khai khoáng chính là nguyên nhân khiến khai khoáng giống như hủy diệt. Luật Khoáng sản năm 2005 cho phép các tỉnh, thành phố được cấp giấy phép khai thác các mỏ có quy mô nhỏ, không nằm trong quy hoạch của chính phủ. Vì vậy, số giấy phép khai khoáng đã tăng vọt.

Trên giấy tờ, khai khoáng đóng góp khoảng 9% tổng GDP nhưng PAN khẳng định, các tổn thất trong quá trình khai thác khoáng sản lớn hơn thế nhiều lần.

Cũng theo PAN, khi xin giấy phép khai khoáng, các doanh nghiệp luôn khẳng định sẽ giải quyết việc làm cho dân địa phương nhưng kết quả khảo sát cho thấy, rất ít mỏ dùng lao động địa phương. Công nhân các mỏ chỉ được trả lương rất thấp. không có bảo hiểm và chịu nhiều rủi ro từ môi trường lao động thiếu an toàn.

Điểm đáng chú ý là đa số dân chúng sống quanh các mỏ không được thông báo về dự án khai khoáng, các tác động cũng như các hoạt động mở rộng sản xuất. Thậm chí lãnh đạo xã, phường cũng không có thông tin về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, dù theo quy định hiện hành, quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lấy ý kiến cộng đồng bị ảnh hưởng và phải có sự đồng thuận của họ.

Cũng theo các quy định hiện hành, hàng năm, nhà cầm quyền các tỉnh và thành phố phải xây dựng khung giá đất để có căn cứ cho việc đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, theo PAN, kết quả khảo sát cho thấy, khung giá đất (đặc biệt là đất nông lâm nghiệp) thường thiếu cơ sở và xa rời thực tế.

Giá một mét vuông đất canh tác tại nhiều địa phương thấp hơn giá của… một ký gạo chất lượng trung bình tại cùng thời điểm nhưng người dân vẫn phải chấp nhận, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét