Pages

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Lập trường ASEAN về Biển Đông có gì mới?

Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ là tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, giữa Trung Quốc với ASEAN, trước hết, đó là tranh chấp đa phương liên quan đến khu vực và thế giới.

Ngày 29.5 tới, nhóm công tác ASEAN – Trung Quốc về Tuyên bố ứng xử (DOC) nhiều khả năng họp kín tại Bangkok, Kyodo News thông tin theo nguồn từ Thư ký thường trực bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow. Cuối tuần qua, ông này cũng nhắc lại đề xuất sẽ tổ chức một cuộc họp khác giữa các ngoại trưởng ASEAN vào tháng 8, trước cuộc họp giữa ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc vào tháng 9 để bàn về các vấn đề tranh chấp trong khu vực, trong đó quan trọng là phương thức nhằm đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Vượt lên vấn đề chủ quyền

Nếu như năm ngoái, vấn đề Biển Đông bị gạt khỏi nghị trình hàng năm của ASEAN thì năm nay, ASEAN đã tiến được một bước dài hướng tới hành động. Chủ tịch luân phiên đã đưa ra lời kêu gọi các thành viên sớm có lập trường thống nhất để đối phó với mưu đồ của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Các hành động leo thang của Bắc Kinh bất chấp luật pháp và công pháp quốc tế ở cả Hoa Đông lẫn Biển Đông, đã đặt ra một câu hỏi lớn: vì sao Trung Quốc ngày càng áp đặt lập trường ngang ngược đối với cả các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản hay Philippines, lẫn đối với các nước có chung biên giới biển với Trung Quốc như Việt Nam? Đó là “liên hoàn kế” của Bắc Kinh.

“Liên hoàn kế” gồm ba bước. Một, Trung Quốc không ngừng bành trướng sức mạnh kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị trong khu vực và trên thế giới. Hai, tìm mọi cách chia rẽ Mỹ với đồng minh, Mỹ với ASEAN và ngay trong nội bộ Mỹ cũng như nội bộ ASEAN, để các nước không thống nhất được với nhau về chủ trương. Ba, lợi dụng sơ hở của đối phương, Trung Quốc có thể tiến đến phát động lấn chiếm ở những nơi yếu nhất. Lợi dụng Mỹ gặp khó khăn về kinh tế cũng như rạn nứt giữa Dân chủ và Cộng hoà, Trung Quốc chia rẽ từ bên trong và “đột nhập” vào một số đồng minh của Mỹ, ra sức gây sức ép với Nhật Bản và đe doạ các nước nhỏ.

Trong bối cảnh ấy, việc Việt Nam công khai lập trường chính nghĩa của mình trước thế giới là một tín hiệu tốt. Trong các hội thảo quốc tế gần đây, Việt Nam phần lớn dùng tài liệu trong nước, nhưng cũng đủ cho thế giới biết lập trường đối với vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với nhiều nước trên thế giới và ngay cả trong ASEAN, đối với họ, an ninh hàng hải và an ninh trong khu vực mới là vấn đề lớn. Bởi vì 90% thương mại thế giới là trên biển và 60% khối mậu dịch đó đi qua Biển Đông. Vì vậy, cả Việt Nam lẫn ASEAN ngoài việc nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền, cần vạch rõ hơn, Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ là vấn đề chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam, giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, mà còn là vấn đề đa phương liên quan đến khu vực và thế giới.

90% thương mại thế giới là trên biển và 60% khối mậu dịch đó đi qua Biển Đông.
Sáng kiến an ninh toàn diện

Đông Á ngày càng bị giằng xé mãnh liệt giữa hai trào lưu đối lập. Một bên là các lực lượng toàn cầu hoá khiến các quốc gia xích lại gần nhau. Bên kia là các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, luôn đe doạ/gây chia rẽ khu vực. Trong bối cảnh ấy, tiến trình COC cần được đặt trên những tầm nhìn lâu dài và toàn diện. Đó là quan điểm của cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd về cách giải quyết các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông hiện nay. Đó cũng là quan điểm của ngoại trưởng Indonesia Natalegawa tại cuộc hội thảo do trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức đã đề xuất một hiệp ước mới sẽ giúp chấm dứt “vòng luẩn quẩn căng thẳng quá quen thuộc” ở châu Á và khuyến khích sự tin tưởng lẫn nhau.

Theo ông Natalegawa, hiệp ước mới này sẽ mang tên “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Ấn – Thái mở rộng”. Nó phù hợp với Hiệp ước quan hệ thân thiện và hợp tác của ASEAN được ký năm 1976, trong đó nêu rõ: cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh hiệp ước Ấn – Thái là sự trải dài xuyên suốt từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Đây là khu vực đang tạo nên động lực chủ đạo cho tăng trưởng của thế giới, nhưng lại thường bị các chia tách riêng biệt chi phối. “Có thể đem lại hoà bình và ổn định trong khu vực qua việc đề xướng một quan điểm an ninh chung, thịnh vượng chung và ổn định chung”, ông Natalegawa khẳng định.

Trên đây là lý do để một khi ASEAN thúc đẩy COC với Trung Quốc thì dĩ nhiên không chỉ thúc đẩy trong khuôn khổ của an ninh Đông Nam Á, mà phải hiện thực hoá nó trong một phạm vi căn bản hơn, đó là an ninh châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn. Hẳn nhiên ASEAN không nên và cũng không thể có lập trường chống Trung Quốc. ASEAN muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng ASEAN cũng cần nói rõ cho Trung Quốc biết, những hành động gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trên các biển đảo trong khu vực, cuối cùng sẽ gây khó khăn cho chính bản thân Trung Quốc.

Trần Hiếu Chân

(SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét