Pages

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Nợ công VN đã lên tới 95% GDP?

Tổng nợ công năm 2012 ước tính khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của DNNN và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác thì nợ công Việt Nam lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 60% GDP.

Đồng hồ nợ công của Việt Nam trên Economist: Mỗi người dân cõng trên lưng 817,74 USD nợ công.
Đồng hồ nợ công của Việt Nam trên Economist: Mỗi người dân "cõng trên lưng" 817,74 USD nợ công.
Tại báo cáo nghiên cứu "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam", Uỷ ban Kinh tế cho biết, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP.

Tuy nhiên, theo nhận xét của Uỷ ban, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Vấn đề nằm ở những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả - mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam. Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư, mà chủ yếu là DNNN, không được Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,6% GDP.

Ngoài ra, nợ trong hệ thống ngân hàng của khu vực DNNN theo ghi nhận tại đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP. Nếu tính đến các con số này và cộng với các khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN, Uỷ ban Kinh tế cho biết, nợ công Việt Nam sẽ lên tới xấp xỉ 95% GDP!

Tỷ lệ này rõ ràng đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đồng thời, cao hơn nhiều so với tỷ lệ được công bố trên Đồng hồ nợ công thế giới của Economist.

Cấu trúc nợ công của Việt Nam.
Cấu trúc nợ công của Việt Nam.
Hiện nay, theo định nghĩa, tổng nợ công là nợ trong nước và nợ nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhưng không bao gồm nợ của DNNN, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Chỉ có nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công.

Nợ nước ngoài tính bằng nội tệ tăng với tốc độ chóng mặt

Uỷ ban cũng lưu ý rằng, mặc dù nợ nước ngoài có thể được hưởng lãi suất thấp song lại tiềm ẩn đầy rủi ro về tỉ giá. Sự mất giá của đồng nội tệ sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng lên.

Các chủ nợ lớn của Chính phủ Việt Nam bao gồm Nhật (chiếm 34,3% tổng nợ) và các tổ chức quốc tế như IDA (24,9%) và ADB (15,0%). Mỹ và khối EU chỉ chiếm lần lượt 0,3% và gần 6,9% tổng nợ của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên nợ theo đồng tiền của các nước/khu vực này lại chiếm tỉ trọng lớn.

Theo nhận xét của Uỷ ban, các chủ nợ thường có xu hướng sử dụng những đồng tiền mạnh, và việc vay nợ theo các đồng tiền mạnh này khiến nợ nước ngoài chịu rủi ro cao khi chúng có xu hướng lên giá theo thời gian.

Cụ thể, chỉ tính kể từ đầu năm 2010 đến cuối tháng 6/2011, ba đồng tiền chủ chốt gồm EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ đang tăng với tốc độ chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.

Uỷ ban Kinh tế đánh giá, việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật về nợ công, nợ nước ngoài và nợ của DNNN ở Việt Nam là hết sức khó khăn. Nguồn thông tin chính thống về nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay được cung cấp duy nhất qua Bản tin Nợ nước ngoài phát hành định kỳ 6 tháng/lần của Bộ Tài chính. Dù vậy, bản tin mới nhất cũng chỉ phản ánh sơ sài về thống kê nợ nước ngoài cho tới hết năm 2010.

Các thống kê khác về nợ công trong nước và đặc biệt là nợ của khối DNNN đều không được công bố chi tiết và chính thống. Các số liệu của DNNN được nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Kinh tế thu thập và tính toán đề dựa trên báo cáo của Bộ Tài chính tại các kỳ họp Quốc hội và thống kê dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng của NHNN.

Do vậy, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, thách thức đầu tiên trong việc quản lý nợ công Việt Nam đó là việc xây dựng một hệ thống cung cấp và quản trị thông tin nợ công/nợ nước ngoài một cách minh bạch và nhanh chóng. Điều này cần có sự nhìn nhận đúng đắn của các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở Việt Nam về vấn đề quản lý rủi ro nợ công hiện nay.

Bích Diệp

(Dân trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét