Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

TRUNG QUỐC ĐANG LỰA THỜI CƠ ĐỂ CHIẾM TRƯỜNG SA

Tống Văn Công

Chiếc tàu cá QNg 90917 (Quảng Ngãi) vừa bị tàu sắt Trung Quốc đâm tới 3 lần liên tiếp, trên đường từ vùng biển Hoàng Sa của chúng ta về đất liền! 

Từ ngày 8.5, tờ Văn Hối xuất bản tại Hồng Kông đã ngang nhiên nói rằng: “Năm 2013 sẽ là năm quan trọng của trận giao tranh giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam trên Biển Đông… Trung Quốc đã bắt đầu những nước cờ lớn với thế tiến công liên tục, không ngừng” và “Trên bàn cờ Biển Đông năm 2013, Trung Quốc có thể giành được nhiều thành quả”.

Trước đó, ngày 26.4 , chưa từng có tiền lệ, Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - nêu tên 8 đảo, bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là của họ. Chúng ta phải biết rằng, việc chiếm Trường Sa là mục tiêu của họ, vấn đề chỉ còn là tìm thời cơ, so sánh lực lượng, tính toán lợi - hại trước mỗi bước vào cuộc phiêu lưu bá quyền. Từ đó mà có đủ bình tĩnh, sáng suốt thực hiện một sách lược thích hợp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Chúng ta có một thuận lợi rất lớn là mọi người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều dễ dàng gác qua mọi khác biệt để chung lưng đấu cật, cùng một ý chí khi nhìn về biển đảo, quyết chống mọi mưu toan xâm lược. Ở đây cần ôn lại và vận dụng bài học của cụ Hồ, tôn trọng những cách yêu nước khác nhau.

Trung Quốc không có chính nghĩa, vì trong lịch sử biển Đông chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc, vậy mà họ vẫn tìm cách dựng chuyện đổ cho Việt Nam chiếm đảo của họ, kích động chủ nghĩa dân tộc ích kỷ hòng thực hiện mộng bá quyền xâm lược. Chúng ta có sự thực lịch sử về chủ quyền biển đảo, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, vì vậy phải khai thác tối đa ưu thế tuyệt đối đang thuộc về mình!
 
Mấy năm nay, chúng ta đã tích cực nâng cao năng lực quốc phòng một cách toàn diện. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, để kịp thời đối phó với những hoạt động vụng trộm của Trung Quốc, các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và cả hải quân, cần tăng cường cảnh giác và đẩy mạnh các hoạt động hơn nữa, không để xảy ra chuyện bất ngờ. Bài học kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây cho ta thấy vai trò quan trọng của nhân dân; ngày nay trên các vùng biển đảo là vai trò của bốn triệu ngư dân.
 
Phải có nhiều hình thức tổ chức, chăm sóc, tháo gỡ khó khăn, trợ giúp vốn liếng để ngư dân thường xuyên có mặt trên ngư trường, đóng vai trò “cột mốc sống” chủ quyền, làm tai mắt trinh sát kịp thời phát hiện động thái của kẻ thù. Đây là một công việc vô cùng quan trọng, không thể chỉ do các địa phương có bờ biển lo toan, không phải chỉ để cho Nghiệp đoàn Nghề cá xoay xở bảo trợ, mà cần đặt vấn đề này trên tầm quản lý, điều phối của Nhà nước và cần vận động sức đóng góp tiền tài, trí tuệ của toàn dân.
 
Ngày 24.1 năm nay, trả lời câu hỏi phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.
 
Chúng ta chủ trương kiên trì thảo luận với Trung Quốc những vấn đề quan hệ giữa hai nước, chúng ta chủ trương hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc. Nhưng chủ quyền quốc gia là điều không thể nhân nhượng. Nếu họ cứ khư khư không chịu từ bỏ đòi hỏi phi lý, phi lịch sử, thậm chí ngang ngược mưu toan dùng vũ lực bành trướng, thì chúng ta cũng nên chuẩn bị đến phương án giải quyết tranh chấp cũng bằng phương pháp hòa bình, nhưng ở Tòa án quốc tế. 

Tống Văn Công
(theo báo Lao Động ngày 25.5.2013)
Ghi chú: Tít bài do chủ trang đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét