Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

“Ăn… nhà vệ sinh” và chuyện “lau mép”


Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Thường khi “ăn vụng” miệng mép hay dính đầy gian manh, bị phát hiện, tức thời khó mà lau cho sạch! Ví dầu có lau sạch cũng để lại cái mùi “xú uế” trên miệng vì thức ăn là “nhà vệ sinh” của các cháu học sinh.

Hơn mười ngày qua, sự việc: 

Trường dột nát, nhưng xây hàng lọat nhà vệ sinh “dát vàng” giá hơn nữa tỷ!? tại tỉnh còn nghèo Quảng Ngãi.


Gây nên làng sóng xôn xao trong công luận đồng bào nhân dân, ngập đầy báo giấy và các trang báo điện tử web, blog … vào tận Quốc Hội và cuối cùng là Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, làm rõ sự việc liên quan đến công trình xây dựng nhà vệ sinh 29m2 tại Trường THCS Long Hiệp, Quảng Ngãi báo cáo kết quả lên “đồng chí X” trước ngày 30- 6.

Theo trực giác, “chủ đầu tư” thường nhảy nhổm, cải chính, cải tà để biện minh cho hậu quả. Nhưng như lời nhận xét ở đầu bài viết: Thường khi “ăn vụng” miệng mép hay dính đầy gian manh, bị phát hiện, tức thời khó mà lau cho sạch! Vì “vụng về” lau dọn không thể sạch được nên nó như vương vãi quanh miệng trông hài hước rất buồn cười …

Chúng ta đọc, qua lời phỏng vấn của PV báo chí trong buổi họp báo do Sở GD - ĐT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức liên quan sự việc này và sẽ thấy cũng rất đậm chất hài. Sở GD - ĐT làm chủ đầu tư lại “hiên ngang” công bố lập đoàn kiểm tra “Sự Việc” ấy của chính ngay sở mình!?? .

Liệu có đội trên đầu “quang vinh muôn năm” khi thường xuyên có những cuộc họp báo cũng bay mùi “tham nhũng muôn năm” như thế này?.

Những câu hỏi không được trả lời!? .


* PV Tuổi Trẻ: Ông nói (Đỗ Văn Phu - phó giám đốc Sở GD - ĐT) làm theo thiết kế mẫu có sẵn của Bộ GD - ĐT đưa xuống nhưng tại sao mỗi công trình lại phải đi thuê thiết kế riêng một lần nữa để chi phí tư vấn, chi phí khác chiếm đến 10- 15% tổng giá trị công trình? Đã thế thì tại sao không một đơn vị duy nhất nào làm cho tất cả các dự án nhà VS các trường học ấy?

- Đại diện Sở GD - ĐT: (không trả lời).

(Nếu biết rằng: Riêng tiền chi trả cho mỗi bản thiết kế “nhà vệ sinh” này khoảng 22 triệu đồng/cái, còn cao hơn gấp từ 2 đến 4 lần, so với tiền trả cho bản thiết kế một biệt thự hay một nhà cao tầng) theo ông Phu là do chi phí này tính trả theo tỉ lệ tổng mức đầu tư nên mới cao như vậy.!?? thật lạ lùng.

Trong khi với một công trình phụ “nhà vệ sinh” nhỏ, đơn giản quét vôi, không cầu kỳ như thế này theo các nhà thầu chuyên nghiệp xây dựng thì không cần thiết phải “tư vấn hay thiết kế” gì ráo cho tốn kém! giao cho thợ “bậc 2” thôi, không cần giám sát họ cũng xây nên hoàn hảo! .

Ông Đỗ Văn Phu phó giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Ngãi trả lời các câu hỏi của phóng viên.

* PV báo Người Lao Động: Ở bên cạnh tỉnh nhà là tỉnh Quảng Nam, cũng nằm trong chương trình như thế này nhưng họ xây 5 nhà vệ sinh chỉ hết gần 700 triệu đồng, diện tích lại lớn hơn, sao Quảng Ngãi xây 1 nhà VS lại có giá cao như vậy? (trung bình 1 nhà vệ sinh đã 500 triệu).

- Đại diện Sở GD - ĐT: (không trả lời).

* PV báo Tuổi Trẻ: Ở Trường tiểu học Đức Thắng chỉ duy nhất một nhà vệ sinh nhỏ nhưng giá quyết toán cũng lên đến 560 triệu đồng?

- Ông Đỗ Văn Phu: Nhà vệ sinh trường này vốn ngân sách cấp trên 420 triệu, còn lại là phần đối ứng nhà trường. Nhà vệ sinh này chỉ xây dựng hết 226 triệu đồng (giá trị thật dưới 100 triệu) rồi cấp thoát nước hết hơn 70 triệu đồng...

(420 triệu trừ 226, trừ 70 còn lại 124 triệu nó chạy đi đâu? chưa nói tới giá trị thực xây, ai cũng đánh giá phải dưới 100 triệu - không thể là 226 triệu )

PV Dân trí đặt câu hỏi: “Cũng chung với 1 thiết kế, kết cấu vật tư giống nhau nhưng vì sao giá trị đầu tư chênh lệnh quá lớn, có nơi đầu tư chỉ 159 triệu cho 1 nhà vệ sinh (trường ở Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh) nhưng lại đến 721 triệu (Trường TH Năng An, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức)”? .

- Ông Ngô Hữu Đằng - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Sở GD - ĐT trả lời ngắn gọn: “Phê duyệt ra sao thì chúng tôi làm vậy…”.!?? . (câu trả lời thật là vô cùng “thông minh” của một “Robot” có trách nhiệm, một công bộc ăn lương của nhân dân??)

Ai Phê Duyệt?? .


* PV báoTuổi Trẻ: Thưa ông, trong bảng quyết toán 1m2 nhà vệ sinh cấp 4, vật liệu báo giá khoảng 8 triệu đồng có hợp lý đó là giá “phổ thông”? Một bồn inox 500 lít cùng 194m ống nước, mà tiền công cán lắp đặt hết 95, 4 triệu đồng liệu có cao hay không?. Chúng tôi được báo giá tất cả các hạng mục này chỉ bằng khoảng 1/4 giá trị quyết toán?

- Ông Đỗ Văn Phu: Việc thiết kế nhà vệ sinh được áp dụng theo mẫu thiết kế do Bộ GD - ĐT ban hành. Việc lập thiết kế, áp giá theo toàn bộ quy trình xây dựng, từ lập dự toán thiết kế, thuê đơn vị tư vấn giám sát độc lập, rồi áp giá từng hạng mục theo giá Sở Xây dựng công bố hằng tháng. Sau khi các cơ quan thẩm định xong, đến tổng mức đầu tư thì “Sở Kế hoạch- đầu tư thẩm định lại giá này và ra quyết định phê duyệt dự án.” Giá của hạng mục hệ thống cấp nước như trên cũng làm như thế. (!? ).

Ngược lại ông Lê Tấn Hùng - phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với báo Tuổi Trẻ khẳng định: Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ có nhiệm vụ thẩm định bốn nội dung: thứ nhất sự cần thiết của dự án, thứ hai là thẩm định nguồn nước, thứ ba là thẩm định quy mô nhà vệ sinh, thứ tư thẩm định mức đầu tư. Sở Kế hoạch - đầu tư chỉ thẩm định phương pháp tính (suất đầu tư và khối lượng công việc) có đúng hay không, chứ giá cả, thiết kế dự toán, bản vẽ thi công... đều do Sở “Giáo Dục Đào Tạo” thẩm định (báo TT).

Với cái giá trời ơi, đất hỡi, vô lý phơi bày trước công luận – Hiện tại Sở Giáo Dục Đào Tạo và Sở Kế hoạch- đầu tư - Bóng đổ hình, hình đổ bóng!? – Dù là ai? Chỉ nghe, đọc, ngần ấy thôi cũng đủ làm “bại não” chúng ta (những người è cổ đóng thuế) rồi, trên cái danh sách: 


24 trường có nhà vệ sinh “cao cấp” ở Quảng Ngãi: 


1. Trường tiểu học Bình Chánh (749 triệu đồng) 
2. Trường THPT Vạn Tường (hơn 688 triệu đồng). 
3. Trường THPT Phạm Kiệt (hơn 632 triệu đồng). 
4. Trường THPT số 2 Mộ Đức (hơn 628 triệu đồng). 
5. Trường tiểu học Long Sơn (hơn 598 triệu đồng). 
6. Trường tiểu học Tịnh Kỳ (338 triệu đồng). 
7. Trường tiểu học Mỏ Cày (342 triệu đồng). 
8. Trường THCS Tịnh Minh (300 triệu đồng). 
9. Trường THCS DTNT Sơn Hà (422 triệu đồng). 
10. Trường THPT Lê Quý Đôn (484 triệu đồng). 
11. Trường THPT số 2 Nghĩa Hành (522, 7 triệu đồng). 
12. Trường THPT Tây Trà (389, 3 triệu đồng). 
13. Trường THPT Nguyễn Công Phương (469, 7 triệu đồng) 
14. Trường THCS Long Hiệp (593 triệu đồng). 
15. Trường THCS Nghĩa Hiệp (710, 2 triệu đồng). 
16. Trường tiểu học Năng An (721, 3 triệu đồng). 
17. Trường tiểu học Hành Thịnh (593 triệu đồng). 
18. Trường tiểu học Đức Thắng (560, 7 triệu đồng). 
19. Trường THPT Trà Bồng (557, 5 triệu đồng). 
20. Trường THCS Hành Tín Đông (366, 2 triệu đồng). 
21. Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (442, 6 triệu đồng). 
22. Trường THCS Long Sơn (399, 8 triệu đồng). 
23. Trường THCS Ba Vì (379 triệu đồng). 
24. Trường tiểu học Ba Động (385, 3 triệu đồng


Nhà vệ sinh Trường tiểu học Bình Chánh (749 triệu đồng)

Nhà vệ sinh Trường tiểu học Năng An (721, 3 triệu đồng).

Nhà vệ sinh Trường tiểu học Long Sơn (hơn 598 triệu đồng).

Bệ ngồi tiêu, tiểu, phòng vệ sinh nữ quay mặt hướng ra ngoài nhưng lại trống trơn, không một cánh cửa che chắn, mà tất yếu phải nên có.

Giá kê cao lên gần gấp 6 lần


Trong chiều 11/6, để xác định giá thành các công trình xây dựng, chúng tôi (PV Báo điện tử VTC News) đã mời một nhà thầu chuyên nhận các công trình xây dựng cơ bản đến đo đạc, tính toán toàn bộ vật tư đã xây dựng tại 2 nhà vệ sinh Trường Tiểu học Năng An (tổng mức đầu tư 721 triệu đồng) và Trường Tiểu học Đức Thắng tổng mức (đầu tư 560 triệu). Sau khi đo đạc diện tích, các vật dụng bên trong được sử dụng tại hai nhà vệ sinh Trường Tiểu học Năng An, ông Nguyễn Văn Thạch, đại diện nhà thầu trên, tính toán: “Nhìn phần nỗi bên trên của công trình nhà vệ sinh có diện tích chưa đầy 40m2 và hệ thống điện nước, những vật dụng loại thường trang bị bên trong thì tôi có thể cam đoan dưới 100 triệu. Nếu phía dưới cho đổ 10 khối bê tông đi nữa (10 khối tương đương sàn nhà 100m2) hiện nay cũng chỉ 11 triệu đồng. Nhưng ở đây công trình nhà vệ sinh chưa đầy 40m2 chắc chắn không tới 10 khối. Nếu tính toán toàn bộ chi phí xây dựng nhà vệ sinh cùng hệ thống điện nước ở đây, chúng tôi sẽ nhận không quá 130 triệu.

Tại Trường Tiểu học Đức Thắng, sau khi đo đạc diện tích chưa đầy 50m2, khảo sát thiết kế, các vật liệu đã sử dụng… ông Thạch đưa ra giá nhận thực tế công trình không quá 100 triệu đồng.

Còn ở nhà vệ sinh Trường Tiểu học Đức Thắng, dù chi phí lên tới 560 triệu đồng nhưng lại chẳng có gì bên trong là quá vô lý. “Cái giá này tương đương với xây dựng một cái nhà 1 tấm, diện tích 100m2”- ông Thạch tính toán. 

“Với thiết kế nhà vệ sinh như vậy, làm sao mà công trình lại có tổng mức cao như thế. Rõ ràng ở khâu thẩm định giá có vấn đề. Muốn biết chính xác việc đội vốn này lên bao nhiêu, chỉ cần tính toán thiết kế so với giá thực tế được ban hành thì sẽ biết rõ”- ông Thạch cho biết thêm. (VTC News).

Quá lãng phí!

Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nhận định, việc xây dựng một nhà vệ sinh trường học vùng nông thôn bằng giá trị một căn hộ nhỏ đầy đủ tiện nghi là một sự lãng phí không cần thiết và không thể chấp nhận được.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT

“Đất nước ta còn nghèo, nhiều trường học ở vùng cao các em đi học vẫn không đủ sách vở, quần áo vẫn rách sờn, run rẩy vì không có áo ấm khi trời rét, ăn cơm nội trú không có thịt, thậm chí bàn học, trang thiết bị ở trường còn thiếu và đã hư hỏng. Vậy mà người ta đầu tư tới 600 triệu chỉ để xây cái nhà vệ sinh. Tính mặt bằng chung, giá thành xây dựng hiện nay 3 triệu/m2, số tiền 600 triệu có thể xây dựng một công trình nhà ở với diện tích 200 m2 mà trong đó vẫn bao gồm hệ thống cấp thoát nước, có cả nhà vệ sinh trong nhà. Xây nhà vệ sinh trường học ở miền núi mà trị giá bằng một căn hộ tiện nghi là một sự lãng phí khủng khiếp”, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.

“Đằng sau công trình này chắc chắn không chỉ lãng phí mà còn có nhiều cái khuất tất cần làm rõ”, vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT này đặt nghi vấn. (m.kienthuc.net.vn )

Bởi vậy, tất cả chúng ta có thể chỉ tay vào thẳng mặt họ - những kẻ có trách nhiệm và liên quan trong vụ việc “ăn bẩn” này, đang nhận lương hàng tháng bằng mồ hôi nước mắt của chúng ta đóng thuế, mà hỏi: Nếu họ còn nhân cách họ có dám tự móc túi bỏ ra ngần ấy tiền để xây cho chính gia đình họ những căn nhà vệ sinh có giá “ảo” vô lý như thế không? Hay chỉ có loài “sâu mọt” mới làm như thế với “ân nhân” người dân đang nuôi mình!. - (m.kienthuc.net.vn)

Không có nhận xét nào: