Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Bài phỏng vấn trên NPR về vấn đề Biển Đông

Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1

Thái Văn Cầu

NPR hay National Public Radio là cơ quan truyền thông có uy tín cao ở Mỹ. Chương trình “Talk of the Nation” của NPR là một chương trình nhắm vào những vấn đề mà họ cho là quan trọng mà người Mỹ phải quan tâm. Đây là kiểu “bàn tròn” để các vấn đề được trình bày từ những khía cạnh hay quan điểm khác nhau cho thính giả hiểu rõ thêm.
Thành phần tham dự phỏng vấn bao gồm Neal Conan, hướng dẫn chương trình, Michael Sullivan, nhà báo chuyên nghiệp, Chris Johnson, cựu quan chức và hiện là chuyên gia về Trung Quốc, và Ngô Vĩnh Long, giáo sư tại Đại học Maine, Hoa Kỳ.

Bài phỏng vấn trên NPR cho thấy những điểm chính sau:
1. Họ nói tranh chấp ở Biển Đông chủ yếu là vì trữ lượng dầu khí và thuỷ sản ở đó, và tranh chấp chủ yếu là giữa Việt Nam với Trung Quốc vì “dân tộc chủ nghĩa” của hai nước này đặc biệt lớn, lớn hơn Philippines và các nước khác
2. Họ nói vì Việt Nam có “dân tộc chủ nghĩa” rất cao cho nên lãnh đạoViệt Nam dùng tranh chấp với TQ để đánh lạc hướng dư luận quần chúng đối với những khó khăn kinh tế trong nước
3. Họ nói Hoa Kỳ là nước đứng bên lề nhưng bị các nước trong khu vực kéo vào như là một “đàn anh” để bảo vệ họ, đặc biệt là Philippines và Việt Nam
4. Họ nói do Mỹ chưa ký Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), Mỹ khó có thể có vai trò trực tiếp (hay lớn hơn) trong vấn đề Biển Đông được
5. Họ lập lại quan điểm của Trung Quốc là “giữ nguyên trạng” để tránh gia tăng căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông
Giáo sư Ngô Vĩnh Long dùng cuộc phỏng vấn để “nhắc khéo” một số nhận định chưa chính xác:
Vấn đề tranh chấp không chỉ giữa VN và TQ mà là vấn đề toàn cầu. Khi 90% chuyển vận hàng hoá trên thế giới là bằng đường biển và 60% số lượng chuyển vận bằng đường biển đi qua Biển Đông thì tham vọng đường lưỡi bò của TQ, đòi chủ quyền khoản 80% toàn bộ Biển Đông, không trên cơ sở pháp lý hay chứng cứ lịch sử nào, là nguyên nhân gây nên căng thẳng hiện nay.
Khi Chris Johnson nói Mỹ chưa ký UNCLOS thì ông ấy muốn nói là Mỹ chưa “chính thức ký” vì Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn, nhưng thật ra chính phủ Mỹ năm 1994 đã ký cái gọi là “Hiệp ước Thi hành” (Agreement on Implementation) đối với UNCLOS rồi. Việc Johnson nói một là để làm áp lực Quốc hội Mỹ phê chuẩn và hai là để trốn tránh trách nhiệm của Mỹ trong việc làm áp lực TQ, một phần là vì ông ta là chuyên gia về TQ, khó thể công bằng trong nhận định dẫu Johnson có “tiến bộ” cách mấy đi nữa.
Nước Mỹ đã đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy sự hình thành của UNCLOS và đã thi hành Luật Biển của LHQ một cách nghiêm chỉnh từ lâu rồi cho nên dù Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn thì chính phủ Mỹ cũng không có thể trốn tránh trách nhiệm được. Đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông thì chính Mỹ đã chơi lá bài TQ và đã giúp TQ hùng mạnh trên các lãnh vực kinh tế và quân sự cho nên Mỹ có trách nhiệm với lịch sử và với thế giới.
Cuộc phỏng vấn trên NPR cho thấy lãnh đạo VN cần tích cực hơn trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, trong đó bao gồm nhu cầu tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, đánh đổ các quan điểm sai trái do hoả mù của TQ tạo nên, như “dân tộc chủ nghĩa”, “gác tranh chấp, cùng khai thác”, “giữ nguyên trạng”, v.v.
Khi TQ chiếm đóng nhóm đảo An Vĩnh ở Hoàng Sa của VN năm 1956, dùng vũ lực chiếm đoạt nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa năm 1974, khiến 74 chiến sĩ VNCH hy sinh, dùng vũ lực chiếm đoạt đảo, đá ở Trường Sa của VN năm 1988, khiến 64 chiến sĩ QĐNDVN hy sinh, xung đột quân sự với Philippines ở Trường Sa năm 1995, TQ có theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, “giữ nguyên trạng” hay không?
Do Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử rõ ràng, vững chắc, và do tư duy bá quyền nước lớn, do hành động ngang ngược cố hữu của Trung Quốc đối với Việt Nam trong bao năm qua, để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi đất nước một cách hữu hiệu, lãnh đạo Việt Nam không có con đường nào khác ngoài sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Nhân sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu chính tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri La diễn ra tại Singapore ngày 31/5/2013, nếu có thể, xin các Bác, Anh Chị chuyển thông tin trên đến những quan chức quen biết.
Xin cám ơn.
T. V. C.
TB: Bài đính kèm dạng pdf (xem ở đây) có đánh dấu một số đoạn liên hệ. Rất tiếc là chưa có bản dịch tiếng Việt!
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét