Đúng như sự chấm điểm từ cử tri, những lĩnh vực mà nhân dân thấy còn nhiều điểm chưa hài lòng nhất, thì tư lệnh của ngành đó, có số lượng lá phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất. Đại biểu, cử tri đã cùng chung một tiếng nói, chung một tiếng lòng. Cuộc bỏ phiếu kép đầu tiên trong lịch sử Quốc hội kết thúc khá thành công. Đại biểu, cử tri đã cùng chung một tiếng nói, chung một tiếng lòng. Cuộc bỏ phiếu kép đầu tiên trong lịch sử Quốc hội kết thúc khá thành công.
Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trình bày ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, có thấy nổi lên ba lĩnh vực mà nhân dân có nhiều bức xúc nhất đó là ngân hàng, giáo dục và y tế.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực ngân hàng, cử tri cho rằng “tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, sau đó, đã có bản giải trình chi tiết gửi đến đại biểu Quốc hội về nội dung này, trong đó nhấn mạnh đến một loạt nội dung như Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường. Toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh...
Đồng thời, phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp chiều 30/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhắc đến một câu nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “Thống đốc không còn đơn độc” trước khi đưa ra lời kêu gọi: “Chúng tôi rất cảm động với câu nói đó và đến nay chúng tôi không còn đơn độc nữa. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực, rất phấn đấu, mong cử tri cả nước tiếp tục động viên và đồng hành cùng chúng tôi”.
Tuy nhiên, vẫn có tới 209 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 41,97%) đánh giá người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước ở mức “tín nhiệm thấp”, đưa Thống đốc Nguyễn Văn Bình lên đứng đầu danh sách những thành viên Chính phủ phải nhận nhiều nhất mức đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Với lĩnh vực giáo dục, cử tri bức xúc vì “bệnh thành tích trong giáo dục không giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bậc học phổ thông nhiều nơi rất cao nhưng không phản ánh đúng thực trạng chất lượng của ngành giáo dục. Hậu quả của việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã dẫn đến việc nhiều trường thiếu các điều kiện cơ bản cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực quản trị nên chất lượng đào tạo thấp, số lượng tuyển sinh ngày càng giảm sút, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội”...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trở thành thành viên Chính phủ thứ hai, đứng sau Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về số lượng phiếu “tín nhiệm thấp”, khi có 177 đại biểu Quốc hội “chấm điểm” ông Luận ở mức này, đưa tỷ lệ “tín nhiệm thấp” của ông Luận lên 35,54%. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận về 146 phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, chiếm tỷ lệ 29,32%...
Bình luận về kết quả lấy phiếu tín nhiệm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành quy trình này nên không tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên kết quả chung phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tư pháp của đất nước. Có đủ 3 loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhìn chung, cách đánh giá của đại biểu Quốc hội là khách quan. Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao về đánh gia tín nhiệm bước đầu. Đây sẽ là cơ sở để các lần sau rút kinh nghiệm khi tiến hành quy trình này ở các cấp hội đồng nhân dân.
Nói thêm về các lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế..., theo Chủ tịch Quốc hội, đây đều là những lĩnh vực mà Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Ông động viên: “Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội vừa là sự động viên khích lệ đối với cá nhân người trong diện được lấy phiếu, vừa là sự đánh giá kết quả điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đạt được thời gian qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp là sự nhắc nhở nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao”.
Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội phê chuẩn hoặc bầu. Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết là 477 người, đạt 95,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong đó, số đại biểu Quốc hội tán thành với kết quả lấy phiếu tín nhiệm là 471 đại biểu, chiếm 94,58%. Số không tán thành là 4 đại biểu, số không biểu quyết là 2 đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Không việc nào được 10 điểm cả nhưng tôi tin tưởng việc thông qua Nghị quyết xác nhận này với tỷ lệ phiếu rất cao, tức là chúng ta đã khẳng định được kết quả trong lần lấy phiếu tín nhiệm này”.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét