Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Bộ Trưởng Hagel Lật Bài Tẩy Về Châu Á-Thái Bình Dương

Icon_Biển Đông_Đường Lưỡi Bò1

Tại Đối thoại Shangri-La 12 trong 3 ngày kể từ 31 tháng 5 đến 2-6-2013 ở Tân Gia Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel đã công khai trình bày về việc thực hiện trục xoay tại Châu Á-Thái Bình Dương nhằm trấn an các đồng minh, bằng hữu trong vùng, đồng thời, chính thức răn đe Bắc Kinh. 
Trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta đã trình bày cụ thể chiến lược trục xoay Hoa Kỳ tại Đối Thoại Shangri-La 11 bao gồm việc điều động 60% lực lượng Hải Quân về Châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ đấy, binh sĩ và chiến cụ tuần tự chuyển đến Úc Đại Lợi, Guam và sức mạnh quân sự Mỹ hiện diện tại các điểm nóng ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Mối nghi ngờ của cộng đồng cư dân Châu Á-Thái Bình Dương đối với chủ trương tái cân bằng của Hoa Kỳ vẫn chưa tan biến dù cho phi cơ B-52 từ Guam, B-2 từ Mỹ đã thực tập ở Bán đảo Triều Tiên cùng với cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn kéo dài cả tháng 4 khi Bình Nhưỡng liên tục phóng ra những lời đe doạ sắt máu.
Tuần duyên hạm Tác chiến Ven bờ USS Freedom mới nhất của Hoa Kỳ đã đồn trú tại Căn cứ Hải Quân Shangi của Tân Gia Ba từ giữa tháng 4 để thực tập cùng với Hải Quân các quốc gia Đông Nam Á. Sắp tới sẽ có 2 chiếc loại này thường trực tại Tân Gia Ba.
Diễn văn của Bộ trưởng Hagel tại Đối thoại Shagri-La-12 tập trung vào 4 điểm chính “Hoa Kỳ là cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương suốt 200 năm nên có quyền lợi ở khu vực này. Dù cho ngân sách quốc phòng bị cắt 487 tỉ USD trong 10 năm tới, nhưng, Hoa Kỳ sẽ điều động 60% lực lượng Không Quân hải ngoại như F-22 Raptor, F-35 Joint Strike đến Châu Á-Thái Bình Dương và dành 100 triệu USD để tập trận, thao dượt quân sự tại đây. Công khai cảnh cáo Trung Quốc phải ngưng các hoạt động gián điệp mạng chống Mỹ. Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng, cương quyết chống lại nỗ lực cưỡng chế nhằm làm thay đổi nguyên trạng” tại Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ không đứng nhìn Bình Nhưỡng phát triển hoả tiễn đạn đạo và vũ khí nguyên tử”. 
Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân, Voltaire Gazmin được Hagel tiếp đầu tiên bên lề Đối thoại Shangri-La 12 và cam kết sẽ tuân thủ Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương năm 1951.
Thông cáo của Mỹ, Nhật, Úc tại Shangri-La 12 viết “Phản đối mọi hành động cưỡng chế để làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa. Kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải, giải quyết xung đột bằng hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế”.
Phái đoàn quân sự của Trung Quốc do Phó tham mưu trưởng Giải phóng quân, Trung tướng Thích Kiến Quốc cầm đầu đã không tin Mỹ điều động lực lượng quân sự hùng hậu tới Châu Á-Thái Bình Dương mà chẳng tính chuyện bao vây, ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc.
\
Diễn văn của Tướng Thích Kiến Quốc kêu gọi cử toạ tin vào lịch sử “Trung Quốc chưa bao giờ có chính sách bành trướng ra nước ngoài và xâm lược quân sự”. Chẳng ai mua những lời dối trá đó.
Thích Kiến Quốc không đề cập tới tình hình căng thẳng trên Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa trong bài diễn văn, nhưng khi bị chất vấn đã trả lời “Hai Biển đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc nên hoạt động tuần tra hoàn toàn hợp pháp và chẳng có gì để tranh cãi”.
Tường trình của Chuck Hagel gây thêm niềm tin cho các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ.
Ngược lại, Thích Kiến Quốc làm cho cử toạ thất vọng về bài diễn văn mơ hồ và các câu trả lời sặc mùi bá quyền nước lớn.
Hoa Kỳ đóng vai trò siêu cường có trách nhiệm duy trì hoà bình, an ninh trên các tuyến đường hàng hải quốc tế để hàng hoá lưu thông tự do, phục vụ cho sự phát triển của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển, ổn định, an ninh của từng quốc gia tuỳ thuộc ý chí và khả năng dân tộc. Hoa Kỳ không chủ trương bành trướng lãnh thổ, đặt nền cai trị lên dân tộc khác mà còn luật-hoá quyền tự quyết dân tộc thông qua Hội Quốc Liên được Liên Hiệp Quốc tiếp tục thực hiện.
Suốt dòng lịch sử, Trung Quốc chủ trương bành trướng lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự, văn hoá và thiết lập hệ thống chư hầu triều cống. Các phong trào Maoit đã tạo ra cảnh tương tàn cho không ít các quốc gia trên thế với bạo lực trung cổ làm sôi sục lòng thù hận tuyệt đối giữa người và người. 
Hai thế lực quốc tế này sẽ tác động lên tình hình Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung như thế nào?
Hoa Kỳ đang cố ve vãn Trung Quốc đi theo con đường cường quốc có-trách-nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế nên hy vọng vào chiến thuật “quan hệ quân sự-với-quân sự” để cùng hiểu nhau mà chung sống hài hoà trên lộ trình tiến hoá của nhân loại.
Ngược lại, Trung Quốc sử dụng chiến thuật “bên bờ vực chiến tranh” để loại Hoa Kỳ ra khỏi sân chơi Châu Á trên con đường bá chủ thế giới.
Sự xung đột mang tính chất nguyên tắc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã, đang và sẽ cuốn Châu Á-Thái Bình Dương vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc đã kéo theo các nước nhỏ và yếu phải trút hầu bao hoặc vay nợ nước ngoài để mua sắm vũ khí và phương tiện chiến tranh. Dù tận lực, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Indonesia, Brunei cũng khó bén gót Trung Quốc.
Năm 2008, chi phí quốc phòng Châu Á 207 tỉ USD tăng lên 287 tỉ vào 2012, vượt Liên Âu. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc từ 37 tỉ USD của năm 2000 lên 166 tỉ vào 2012. Nhật Bản cũng tăng chi phí quốc phòng lần đầu tiên sau 11 năm.
Song song cùng mối quan hệ quân sự-với-quân sự, Hoa Kỳ hé lộ nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh vượt trội để làm nãn lòng Trung Quốc trong cuộc chạy đua không cân sức.
Bắc Kinh không hề nãn lòng vì kể từ thời Hồ Cẩm Đào (2002-12) cho tới triều đại Cập Tận Bình, giới quân sự đã giữ vai trò trọng tài trong các cuộc đấu đá chính trị nên các tướng lãnh chi phối đường lối đối ngoại, quốc phòng của Trung Quốc.
Phi Luật Tân, Brunei, Tân Gia Ba, Indonesia, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ đều công khai thừa nhận sự hiện diện cần thiết của Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương để gìn giữ hoà bình, an ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa vẫn mang ảo tưởng “không liên minh, liên kết quân sự với bất cứ nước nào” và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gào “chiến lược tin tưởng” như muốn hoà điệu với Thích Kiến Quốc.
Hiểm họa Trung Quốc ngày càng lộ liễu, chẳng chừa ai mà Việt Nam bị đe doạ nặng nề nhất vẫn cứ tin tưởng vào 16 chữ vàng và 4 tốt do Bắc Kinh ban cho.
Lòng yêu nước sục sôi thúc giục con Hồng Cháu Lạc xuống đường chống Trung Quốc thì bị công an lôi về đồn.
Đàn áp người dân chống Trung Quốc vì sợ mất nước. Ngư dân tay không tấc sắt phải đương đầu với Hải giám, Ngư chính, chiến hạm của Bắc Phương trong khi lực lượng của Nhà nước chẳng dám ló dạng. 
Nhà nước Việt Nam dựng lên để bảo vệ dân hay lo làm vừa lòng Bắc Kinh?
Đại-Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét