Pages

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Bước đi Việt Nam và 'quy luật niềm tin'


Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-La vừa qua đánh dấu một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam và vẫn đòi hỏi có thêm các đánh giá đúng mức sau nhiều bình luận khen chê trong và ngoài nước.
Trước hết, sự xuất hiện trở lại sau một thời gian khá lâu của Thủ tướng Việt Nam ở một diễn đàn quốc tế quan trọng - tính từ dịp ông tới New York tháng 3/2012 dự Thượng đỉnh An toàn Hạt nhân - là điểm son cho bản thân ông Dũng, người gặp nhiều khó khăn nội bộ thời gian qua đa số vì chính các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của chính phủ ông điều hành gây ra.

Xu hướng chuyển động


Thứ nhất là các nước bên ngoài không thể nói về an ninh biển ở Đông Nam Á lại không tính đến Asean, cho dù hiệp hội thường bị chê là liên kết lỏng lẻo, thiếu sức mạnh.
Nhưng tạm gác lại chuyện nội trị để bàn về ngoại giao thì rõ ràng là Bấmbài diễn văn ở Singapore tuần qua của Thủ tướng Dũng tạo ấn tượng tốt trong chính giới ở Washington và các nước Asean chính vì đã phản ánh một số xu hướng đang thành quy luật.
Quy luật nữa là để có thể ‘không trở thành đồng minh quân sự với nước nào’ như lời ông Dũng nói, một dạng như quy chế trung lập của Thụy Sỹ, nước có huấn luyện quân sự toàn dân và nhà nào cũng cất súng, thì Việt Nam cần tự cường về quân sự, và hai điều này không hề mâu thuẫn với nhau.
Mua sắm có đúng không, có biết sử dụng vũ khí tối tân và tinh thần chiến đấu ra sao là chuyện khác nhưng trên nguyên tắc thì chọn vị thế 'trung lập' mà không tự cường sẽ chẳng khác gì Campuchia thời Sihanouk.
Đồng cảm Asean: hai bộ trưởng quốc phòng Philippines và Indonesia ở Đối thoại Shangri-La
Và về địa chính trị, quy tắc áp dụng không chỉ riêng với Việt Nam, là nước nhỏ hoặc tầm trung phải chấp nhận thực tế rằng các nước lớn hơn có những quyền lợi lớn hơn để mặc cả và giải quyết trước khi quan tâm đến mình.
Vì thế, thái độ của Thủ tướng Dũng trước câu hỏi không hề ngoại giao của đoàn Trung Quốc là đúng mực.
Về mặt thủ tục và ứng xử, không việc gì một thủ tướng phải đôi co với một thiếu tướng, nhất là khi vị tướng đó lại là phụ nữ.
Về đối sách, địa chính trị của Việt Nam không cho phép nước này đối đầu với nước láng giềng phía Bắc.
Về lịch sử, Hà Nội cũng rút ra bài học đứng hẳn về một bên trong Chiến tranh Lạnh, trở thành tuyến lửa cho hai hệ thống đánh nhau, hoặc làm đồng minh của Moscow từ 1978 và bị Bắc Kinh trừng phạt trong tiếng vỗ tay khuyến khích từ Washington.
Ví dụ của Ba Lan, nước luôn có dư luận thân Hoa Kỳ mạnh mẽ, cho thấy kể cả khi đã là thành viên NATO, Warsaw cũng không thể mong Hoa Kỳ xây lá chắn hỏa tiễn bảo vệ mình trước đe dọa nào đó từ Nga.
Người Ba Lan phải chấp nhận rằng dù Nga có căn cứ hải quân ở Kaliningrad ngay biên giới thì Hoa Kỳ còn có cả bang Alaska ‘mặt đối mặt’ với Nga, chưa kể các tính toán chiến lược của Washington ở Viễn Đông và Trung Á không thể gặp sự chống đối từ Kremlin.
Huống chi Việt Nam thực ra chưa phải là đồng minh gì của Hoa Kỳ về quân sự, vì như Đại sứ David Shear vừa nói tại California, quan hệ quân sự hai bên mới chỉ có một vài thỏa thuận chung chung.
Quy luật ‘nước xa không cứu được lửa gần’ càng được làm rõ qua thái độ của bà thiếu tướng Diêu Vân Trúc khi chất vấn Thủ tướng Việt Nam, khiến cử tọa có thể đặt câu hỏi quan chức Trung Quốc còn coi Việt Nam là nước đồng minh có quan hệ ‘Bốn Tốt’, khắc bằng các dòng chữ vàng chữ bạc gì đó nữa không.

Quy luật hay nghịch lý?

"Trung Quốc có còn coi Việt Nam là đồng minh 'Bốn Tốt'?"
Nhưng đã nói về quy luật thì cũng cần nêu ra một nghịch lý là với Việt Nam, ngoại giao có vẻ như không phải là phần nối dài của chính sách nội trị.
Ngoại giao Việt Nam những năm qua đã có những bước tiến hội nhập chắc chắn, mềm dẻo bất chấp những lệch lạc của nội trị.
Một phần là nhờ trên thế giới có các luật chơi khá rõ và các định chế quốc tế làm chuẩn và nền truyền thông phản ánh đúng những chủ đề lớn đang diễn ra nên định hướng của ngành ngoại giao Việt Nam có những điểm tựa tốt.
Đó là chưa kể vào những giai đoạn trọng yếu, Việt Nam nhận được những bàn tay nâng đỡ từ bên ngoài mà báo chí trong nước thường nói đến rất ít vì nhãn quan ‘bạn thù’ còn nặng.
Ngược lại, các vấn đề nội bộ, từ dân sinh, dân quyền đến dân chủ ở Việt Nam đều vấp phải rào cản mang tính cơ chế và bị phản ánh thiên lệch qua một mạng lưới truyền thông có nhiều bộ phận thiếu trách nhiệm chung lại thiên về vụ lợi bè nhóm, vùng miền.
Càng hội nhập, Việt Nam càng cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào các vấn đề quốc nội chứ không thể để tình trạng ‘sức mạnh mềm’ về ngoại giao và hình ảnh liên tục bị các vụ việc mang tính đối phó bạo lực, 'không làm gì được thì cấm', làm suy yếu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rất thuyết phục trước cử tọa quốc tế nhiều lần về 'chiến lược xây dựng niềm tin', về thái độ ‘tôn trọng lẫn nhau’ giữa các nước.
Nếu chính quyền các cấp cũng làm đúng như vậy để tạo niềm tin trong dân và trí thức thì chắc chắn nhiều hồ sơ tiềm tàng gây bất ổn ở Việt Nam sẽ dần giảm đi.
Ở gần Việt Nam, chính Thủ tướng Dũng đã nêu ví dụ thành công của quá trình "cởi mở cho một tương lai tươi sáng" dựa trên căn bản của "kiên trì đối thoại, xây dựng niềm tin, tôn trọng quyền lợi chính đáng của các bên" ở Myanmar như bài học cho khu vực.
"Nếu chính quyền tạo được niềm tin trong dân và trí thức thì chắc chắn nhiều hồ sơ tiềm tàng gây bất ổn ở Việt Nam sẽ dần giảm đi."
Cải tổ hiến pháp ở Myanmar quả thật đã mở ra các hướng đi mới cho nước này, so với cuộc vận động 'sửa đổi hiến pháp' Việt Nam tốn kém và kết quả chưa thấy có gì.
Ở xa hơn, diễn biến nhanh chóng tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy thêm một quy luật khác là đối ngoại hay chưa chắc đã cứu được nội trị dở.
Dù là đồng minh quan trọng của Mỹ và đang vươn lên làm cường quốc vùng, Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo rắn tay của Thủ tướng Recip Tayyip Erdogan vẫn rơi vào cuộc khủng hoảng bất ngờ chưa rõ hồi kết.
Nếu nhanh chóng rút ra được các bài học đang diễn ra quanh mình, Việt Nam vẫn đang có cơ hội chấn chỉnh kinh tế, kiềm chế các nhóm lợi ích và giải phóng sự sáng tạo của xã hội để tạo chuyển biến mang tính nền tảng.
Sự đón nhận dành cho bài diễn văn của Thủ tướng Dũng tại Singapore cho thấy kỳ vọng của bạn bè khu vực và các đồng minh tiềm năng với Việt Nam vẫn còn rất cao và sẽ thật là điều đáng tiếc nếu nước này không đóng được vai trò như mong đợi đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét