Một thằng ăn cướp có cái áo khoác. Mỗi lần mặc cái áo này, hắn thường được người ta khen là đẹp, trông cũng thấy oai.
Nhưng không phải lúc nào hắn cũng mặc chiếc áo này. Hắn chỉ khoác cái ‘áo nhà nghề’ khi đi hành nghề mà hắn thấy cần thiết.
Cũng như thói quen từ lâu rồi, hắn vào chợ, ăn mặc lịch sự, muốn cho thiên hạ thấy rằng hắn cũng thuộc diện khá sang trọng, có học, cho dù vốn kiến thức văn hóa của nó chẳng có gì. Khi trước, hắn lười học, ăn cắp vặt trong lớp, bị đuổi học từ khi đang học dở lớp 2. Hắn không ngán, khỏi phải học, ăn chơi lêu lổng. Mỗi khi hắn đã khoác chiếc áo ‘com lê’ vào, hắn thấy tự tin hơn, ít có ai lại nghĩ rằng một kẻ trông lịch lãm thế kia làm gì có chuyện ăn cắp hoặc đi cướp giật.
Có lần, hắn móc túi sau của một thanh niên. Thấy động, chàng thanh niên nọ sờ tay ra túi sau, thấy mất cái ví tiền: “Thôi chết, ăn cắp”. Hắn cũng hô hoán: Nó chạy rồi, phí kia” – Hắn chỉ tay về phía mấy quầy hàng bán vải, áo quần. Chàng trai bị mất cắp tin hắn, chạy đi tìm thằng ăn cắp. Hắn vội cởi chiếc áo khoác, ôm ở tay có vẻ rất oai, rồi trà trộn vào đám đông. Với cách ‘tàng hình’ như vậy, hắn đã nhiều lần lấy cắp, ăn cướp trót lọt.
Có một lần nọ, hắn thấy cuối làng có tiệm tạp hóa khá đông người đến mua. Hắn lân la đến. Một chị nông dân ghé mua hàng, nói với người đứng quầy rằng: “Thằng con bên Đức vừa gửi cho ít tiền, ra bưu điện lấy, ghé tiệm sắm vài thứ và trả nợ cũ cho chị”. Thằng ăn cướp đứng sát người mua hàng. Khi người đàn bà nọ vừa móc chiếc ví tiền từ trong túi xách ra, hắn liền cướp trên tay rồi tháo chạy. Chị kia vội đuổi theo và hô: “Cướp, cướp, bắt lấy nó”. Nhiều người gần đó vội vàng cùng chị truy đuổi kẻ cướp. Thằng ăn cướp chạy bẻ quẹo vào khúc quanh bị nhiều cây ven đường che khuất. Ngoái lại thấy chưa có ai đến gần, hắn vội quẳng cái áo khoác vào bụi rậm. Lúc này hắn mặc sơ mi trắng, làm động tác giả, chậm rãi bước như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy mấy người rượt đuối đến gần, hắn chỉ tay về phía ao đình, hô hoán: “Chạy nhanh, chạy nhanh, bắt lấy nó, tôi thấy hắn tẩu phía kia rồi”. Chị nông dân nhìn hắn, rất nghi. Bỗng thấy cái áo trong bụi rậm chị vội núm cổ hắn: “Mày chứ ai. Hắn đây rồi, bà con ơi giúp tôi”. Hắn cũng to mồm: “Không phải tôi, người như tôi mà đi ăn cướp à? Bỏ tôi ra”. Hắn chưa kịp vùng ra để chạy thoát thân thì hai thanh niên lực lướng đã kẹp chặt hai bên. Chị nông dân bước đến bụi cây lề đường, lấy cái áo khoác. Quả nhiên, thấy cái ví tiền của mình đang nằm trong túi áo “com lê” của hắn. Chị gí cái áo khoác vào mặt nó: “Cái gì đây, còn chối hả!”. Rồi chị lại day vào trán hắn, chửi: “Tiên sư cha mày, cái đồ vừa ăn cướp vừa la làng”. Ngay sau đó, thằng ăn cướp bị bà con lôi cổ đến Ban công an xã.
Trong hiện trạng xã hội, thấy không ít kẻ trộm, kẻ cướp dùng mọi thủ đoạn ngụy trang bên ngoài, đánh lừa sự mất cảnh giác của thiên hạ. Nó còn tệ hơn đạo đức giả. Có ông “nhớn” giữ trọng trách Trưởng Ban phòng chống tham nhũng ở tỉnh nọ, chính ông ta tham nhũng nhiều nhất và nặng nhất. Ông ta lên bục tuyên bố: “Tham nhũng làm mất uy tín đảng lãnh đạo, làm mất thẻ diện chế độ, mất lòng dân, làm hại đất nước, vì thế, chúng ta cần kiên quyết chống tham nhũng, chống mạnh hơn, không chần chừ, không kể người đó là ai…!”. Ngồi dưới, nhiều người nghĩ: “Ông chứ còn ai nữa! Tôi đang ‘phấn đấu’ bằng ông mà chưa được”. Nhưng biết vậy, rồi cũng chỉ biết vậy. Bởi các thành viên có chân trong Ban PCTN đâu có ai trong sạch, ai cũng có dính tham nhũng cả rồi. Chỉ khác nhau mức độ nặng nhẹ, ít nhiều và tính chất, phạm vi các vụ việc mà thôi. Chống ai? Ai chống? Chẳng lẽ tự lấy đá ghè vào đầu mình? Có hô hào, lên gân đễn máy cuối cùng cũng hòa cả làng. Lai có những kẻ khoác áo đảng viên cộng sản mà chẳng khác gì thằng ăn cướp ngày. Khi đã tham ô, tham nhũng mà chưa bị phát hiện, hoặc người ta đã phát hiện rồi nhưng không thể lấy được chứng cứ. Anh ta thấy ngon trớn, vênh vang lên bục đưa tay chém gió, thuyết giảng về đạo đức, về sự giữ gìn nhân cách: “Xã hội phải có trật tự, an toàn, các đồng chí và bà con hãy cảnh giác với bọn lưu manh chuyên đi ăn trộm, ăn cướp của thiên hạ, thấy nó phải bắt cho kỳ được”. Kẻ gian khi đã tìm cách cố tình khoác áo bề ngoài đánh lừa thiên hạ, sớm hay muộn cũng bị lột mặt nạ. Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày còn lộ ra kia mà!
Bùi Văn Bồng
(Blog Bùi Văn Bồng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét