Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Chính danh trong sở hữu đất đai

Icon_Symbols_Job_Nông Dân
Không nên đối lập sở hữu nhà nước với chế độ sở hữu toàn dân, mà ngược lại phải chính danh hóa sở hữu nhà nước cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Các tranh luận xung quanh sở hữu toàn dân trong thời gian gần đây trở nên nóng bỏng bởi đã gắn liền chế độ sở hữu toàn dân với hình thức sở hữu toàn dân. Dẫn tới các quan điểm muốn phủ nhận hình thức sở hữu toàn dân đều muốn phủ nhận luôn cả chế độ sở hữu toàn dân. Liệu chúng ta có cách nào tiếp tục duy trì chế độ sở hữu toàn dân, nhưng diễn đạt nó dưới ngôn ngữ pháp lý phù hợp, phản ánh đúng bản chất sở hữu của nhà nước đang tồn tại trong thực tế hay không?

Chế độ sở hữu toàn dân khác với hình thức sở hữu toàn dân về đất đai. Nếu như hình thức sở hữu đất đai toàn dân gây nhiều tranh luận, thì chế độ sở hữu toàn dân với tư cách là nguyên tắc quản lý đất đai và mục tiêu quản lý đất đai lại chứa những lý tưởng đáng trân trọng. Đó là:
- Quản lý đất đai phải chống lại hiện tượng độc quyền đất đai; sử dụng đất đai làm công cụ bóc lột quá đáng người thuê nhà, thuê đất;
- Tạo cơ hội tiếp cận đất đai bình đẳng cho mọi công dân;
- Ghi nhận lịch sử hình thành lãnh thổ Việt Nam là công sức của nhiều thế hệ từ thời Hùng Vương đến nay;
- Chủ quyền quốc gia luôn bao trùm lên toàn bộ các vùng lãnh thổ, tách biệt, không phụ thuộc quyền sở hữu, quyền khai thác đó thuộc công dân, cá nhân nào. Kể cả khi pháp luật cho phép công dân nước ngoài sở hữu đất đai tại Việt Nam thì chủ quyền quốc gia trên vùng đất đó hoàn toàn không thay đổi.
Luật đất đai, sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, chính danh, Hiến pháp
Ảnh minh họa: Vũ Điệp
Với tính chất như vậy, lời văn của Hiến pháp cần chuyển tải tinh thần nêu trên của chế độ sở hữu toàn dân. Theo đó cần “diễn lý” (diễn đạt bằng ngôn ngữ pháp lý) tư tưởng này tại Điều 57 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (ngày 11/4/2013) như sau:
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác là di sản chung của thế hệ người Việt Nam[1].
Các tài sản này phải được quản lý, khai thác vì lợi ích chung của toàn dân. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm mọi công dân có có hội bình đẳng tiếp cận các tài sản này.
Một đạo luật sẽ quy định chi tiết quyền sở hữu các loại tài sản này phù hợp với sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ tương ứng”.
Bằng ngôn từ như vậy, Hiến pháp tiếp tục ghi nhận chế độ sở hữu toàn dân, nhưng hình thức sở hữu sẽ được điều chỉnh linh hoạt bởi luật cho phù hợp với từng thời kỳ. Khi điều chỉnh hình thức sở hữu bằng luật, chúng ta không nên đối lập sở hữu nhà nước với chế độ sở hữu toàn dân, mà ngược lại phải chính danh hóa sở hữu nhà nước cho phù hợp với thực tế ở Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Chính danh hóa sở hữu nhà nước
Nhà nước hiện nay đang là một chủ sở hữu thực tế cả trong hệ thống pháp luật quốc nội và quốc tế.
Pháp luật quốc nội đã ghi nhận tư cách chủ sở hữu của nhà nước trên thực tế tại Bộ luật dân sự 2005 và Luật doanh nghiệp 2005. Và tư cách chủ sở hữu của nhà nước cũng được phản ảnh gián tiếp qua cụm từ “của nhà nước” tại Điều 17 Hiến pháp hiện hành, và cụm từ “nhà nước đầu tư tại Điều 57 Dự thảo (ngày 1174/2013) sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trong hệ thống pháp luật quốc tế, các hiệp định về lãnh thổ, viện trợ, vay vốn ODA, thì nhà nước xuất hiện với tư cách là chủ sở hữu, là con nợ, là chủ nợ, chứ không phải là “toàn dân”. Không có ai ký kết điều ước quốc tế với “toàn dân cả”, vì đơn giản không ai có thể khởi kiện “toàn dân” để đòi thực hiện các cam kết quốc tế.
Nên phân biệt giữa sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân, tuy nhiên không nên đối lập sở hữu nhà nướcvới chế độ sở hữu toàn dân, càng không nên phủ nhận bản chất “nhà nước của dân, do dân, vì dân” của Nhà nước mình như lập luận sau đây của tác giả Vũ Văn Phúc:
… Sở hữu toàn dân không phải là sở hữu nhà nước về đất đai. Toàn dân, tức toàn thể công dân của một nước và thiết chế đại diện chung cho họ là Nhà nước chia nhau quyền của chủ sở hữu đất đai theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, nếu chúng ta nhất trí đất đai thuộc sở hữu nhà nước thì có nghĩa là công dân không còn chút quyền nào đối với đất đai[2]“.
Nếu Điều 2 Hiến pháp đã ghi nhận “nhà nước của dân, do dân, vì dân” thì tại sao công dân lại “không còn chút quyền nào đối với đất đai”, nếu đất đai thuộc sở hữu nhà nước.  Nói như vậy, thì chẳng khác gì cho rằng góp vốn vào công ty cổ phần thì cổ đông không còn chút quyền nào, vì phần vốn góp sẽ là tài sản của công ty.
Một mặt tác giả đã sai lầm, khi kết luận bản chất phi dân chủ của nhà nước, khi cho rằng công dân không còn chút quyền nào nếu nhân dân đã trao tài sản cho nhà nước. Mặt khác, lập luận này đã nhầm lẫn giữa hai tư cách: tư cách chủ sở hữu công ty và tư cách chủ sở hữu tài sản của công ty.
Khi nhân dân thông qua bản khế ước xã hội là hiến pháp, trao các quyền và tài sản của mình cho nhà nước, thì nhà nước là một pháp nhân độc lập và nhân danh chính mình trong quan hệ với bên thứ ba.  Nếu nhà nước không độc lập về tài sản, thì nhà nước làm sao chịu trách nhiệm về tài sản trước bên thứ ba. Hay nói cách khác, nhà nước không có tư cách sở hữu thì sẽ dẫn tới một nhà nước vô trách nhiệm mà việc từ chối thi hành bản án tuyên về trách nhiệm bồi thường nhà nước trong thời gian qua là một minh chứng.
Việc chính danh hóa sở hữu nhà nước, thay hình thức sở hữu toàn dân bằng hình thức sở hữu nhà nước, sẽ không làm thay đổi đáng kể quyền năng thực tế của công dân đối với đất đai chưa sử dụng. Nhưng nó sẽ hạn chế bớt những điểm vênh giữa Hiến pháp và Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp.  Và các nhà lập hiến, lập pháp tránh khỏi cái bẫy logic, được dùng từ ngữ một cách chính danh, hứa hẹn tạo ra sự nhất quán, dễ hiểu cho toàn bộ hệ thống pháp luật đất đai.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi vừa được thảo luận tại Hội trường. Theo dự kiến, dự án Luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều ngày 21/6.
Võ Trí Hảo(Khoa Luật kinh tế - Đại học Kinh tế TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét