Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Giật mình thu nhập của 70% dân số


Phạm Thơm (Infonet.vn) – Kết quả điều tra từ 2006 – 2012 có trên 20% số hộ giảm chi tiêu về lương thực, thực phẩm. 50% số hộ được điều tra phải vay nợ để trang trải trong cuộc sống và sản xuất. Trong đó tiền nợ chủ yếu là vay tư nhân, còn nguồn vay từ ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%.
Đó là thông tin được TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (IPSARD)
chia sẻ trong buổi hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS) ngày 27/6.
Thu nhập và chi tiêu của các hộ nông dân tăng trong giai đoạn 2006 – 2010 đang ngày càng giảm mạnh. Tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện nay chỉ khoảng 5 – 8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10 – 15% thu nhập của mỗi hộ. Tiết kiệm của các hộ gia đình nông thôn (80%) được giữ dưới dạng vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro xảy ra về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già, rất ít được tiết kiệm cho mục đích đầu tư.
Nói về mức độ tăng thu nhập của hộ gia đình nông thôn đang giảm dần trong những năm trở lại đây, ông Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho biết: “Mặc dù 3 cuộc điều tra gần đây đúng vào thời điểm kinh tế Việt Nam và Thế giới gặp khó khăn, nhưng nhìn chung mức sống của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn tiếp tục chuyển đổi tốt, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, càng về sau, đặc biệt cuộc điều tra năm 2012 cho thấy tốc độ tăng về thu nhập của người nông dân càng ngày càng giảm, đặc biệt khó khăn diễn ra ở những nhóm nghèo nhất”.
Dù làm việc rất vất vả nhưng thu nhập của nông dân 
giảm mạnh những năm gần đây. Ảnh: Quỳnh Anh 
Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Thu nhập của người dân suy giảm khác nhau giữa các vùng, rõ nhất là ở những vùng sản xuất hàng hóa lớn, cả đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nơi mà sản xuất lúa, cà phê, cá da trơn những năm vừa rồi đem lại thu nhập lớn cả cho nông dân và doanh nghiệp. Những thay đổi lớn như hiện nay đang gây khó khăn cho cả người sản xuất và kinh doanh, thêm vào đó có 2 nhóm sản xuất hết sức quan trọng như nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm và nhóm chăn nuôi, gặp phải khó khăn rất lớn suy giảm về thu nhập, sức mua trong nước giảm, thị trường thế giới. Giá đầu vào tăng đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, thêm vào đó bệnh dịch cả cho gia súc và thủy sản”.
Xoay quanh mức thu nhập của hộ nông thôn giảm, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, thu nhập từ nông nghiệp giảm dần, thu nhập từ tiền công tăng nhẹ, thu nhập từ các hoạt động phí chính thức tăng lên. Tỉ lệ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012 đi cùng với việc tăng số hộ tái nghèo.
Những rào cản khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất được chỉ ra là đất đai phân tán, manh mún; các yếu tố đầu vào trong sản xuất tăng cao trong khi thông tin thị trường và chính sách hỗ trợ yếu. Vấn đề tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản là những vướng mắc lớn chưa thể giải quyết.
Cũng tại hội thảo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, cán bộ IPSARD chia sẻ: Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các thảm họa thiên nhiên, thiệt hại hàng năm do thiên tai là 1,5% GDP và ảnh hưởng trực tiếp tới 9000 người. Trong đó mùa màng và chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai và dịch bệnh.
Từ số liệu nghiên cứu của (IPSARD) đưa ra, hiện có tới 50% số hộ gia đình nông thôn chịu cú sốc về thu nhập, bà Nhàn cho biết: Sốc ở đây có 2 loại, thứ nhất là sốc tập thể tức là khi xảy ra cả làng cả huyện cả tỉnh cùng phải chịu, thứ hai là sốc cá nhân chỉ từng gia đình bị, xảy ra khi có người ốm đau, kinh doanh thua lỗ. Những bằng chứng thu thập được chỉ ra nguy cơ tổn thương trước các cú sốc mang tính cá nhân đặc biệt do vấn đề sức khỏe.
Kết quả điều tra từ 2006 – 2012 có trên 20% số hộ giảm chi tiêu về lương thực, thực phẩm. 50% số hộ được điều tra phải vay nợ để trang trải trong cuộc sống và sản xuất. Trong đó tiền nợ chủ yếu là vay tư nhân, còn nguồn vay từ ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%.
Ông Đặng Kim Sơn bày tỏ lo ngại, trong 3 năm 2010 – 2012, niềm tin của người dân có phần thay đổi. Giới trẻ vẫn tiếp tục giữ vững lòng tin vào tương lai nhưng lớp già, trung niên, chủ hộ, có một sự thay đổi đáng kể trong niềm tin, họ lo ngại về tương lai cụ thể nếu năm 2008 tổng mức độ niềm tin của người dân thuộc dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm xấp xỉ gần 90% thì năm 2012 giảm xuống còn 81%.
Qua đây ông Sơn khuyến nghị: “Phải thừa nhận nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu giúp cho đất nước đi qua khó khăn trong tình hình hiện nay và nông dân là lực lượng chủ lực trong quá trình đó. Đã đến lúc chúng ta phải nhanh chống hỗ trợ cho nông nghiệp, giúp cho nông thôn phát triển để nông dân có thể phục hồi sức lực để đứng vững, vượt qua khó khăn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét