Pages

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Hàng "Made in Việt Nam" bị Trung Quốc làm nhái

Hàng hóa "ruột" Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam giờ đã không còn là hiện tượng bột phát, nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu.

"Hồn trương ba, da hàng thịt"

Theo ông Vương Trí Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, lợi dụng chính sách khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, gần đây, rất nhiều mặt hàng Trung Quốc nhập về được gắn mác Việt Nam để dễ tiêu thụ hơn, nhiều hàng hóa được gắn mác sản xuất tại Việt Nam, nhưng thực chất nguyên liệu và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện có nhiều doanh nghiệp phản ánh đang có xu hướng các doanh nghiệp Việt Nam qua Quảng Đông (Trung Quốc) thuê sản xuất hàng hóa, rồi đóng nhãn mác, xuất xứ Việt Nam sau đó mang về thị trường nội địa tiêu thụ.

Hàng hóa ruột Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam giờ đã không còn là hiện tượng bột phát, nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu. Dạng hàng hóa ngụy trang này đang khiến thị trường nội địa gặp khó khăn.

Lợi dụng xu hướng người tiêu dùng (NTD) ngày càng ưa chuộng hàng trong nước, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng gắn mác “made in Việt Nam” nhưng thực chất đó là hàng Trung Quốc giá rẻ…

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” phổ biến nhất là các mặt hàng thời trang (quần áo, giày dép…) và hàng gia dụng, thực phẩm. Tại Hà Nội, những địa chỉ kinh doanh nhiều các mặt hàng có “vỏ” là “Made in Vietnam” nhưng “ruột” là hàng Trung Quốc thì ngoài một số chợ truyền thống, còn có các chuỗi cửa hàng Made in Vietnam…

Theo tìm hiểu của phóng viên tại các chuỗi cửa hàng, một số thương hiệu như: Place, Gap, Nike, Tommy Hilfiger, Papaya, Premium, Justice West… là hàng xuất khẩu có gắn mác “made in Việt Nam”.

Theo giải thích của chị Hoa (một chủ cửa hàng Made in Vietnam trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội), các sản phẩm này là do các công ty trong nước gia công cho thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, trong các lô hàng gia công có một số sản phẩm bị thừa, hoặc vài sản phẩm bị lỗi không xuất được nên các công ty gia công “bỏ” lại cho các tiểu thương. Vì vậy, các sản phẩm này mang mác “Made in Vietnam” nhưng chất lượng “ngoại” nên được tiêu thụ rất mạnh.

Thế nhưng, khi trực tiếp lựa chọn các sản phẩm bày bán, chúng tôi thật bất ngờ vì có rất nhiều sản phẩm may mặc bên cạnh mác “Made in Vietnam” in trên cổ áo thì vẫn còn nhãn mác “Made in China” mà các tiểu thương chưa kịp cắt bỏ như: đầm trẻ em hiệu Disney, quần trẻ em Hello Kitty… Sở dĩ các tiểu thương tráo nhãn hàng có xuất xứ Trung Quốc sang hàng xuất xứ Việt Nam vì giá bán sẽ cao hơn và dễ tiêu thụ hơn. Chẳng hạn như đầm trẻ em hiệu Disney hàng Trung Quốc giá chỉ 70.000 - 80.000đ/cái, nhưng thay bằng mác “Made in Vietnam” thì giá lên tới 160.000 - 170.000đ/cái. 

Lỗ hổng quản lý

Chị Kim Ngân ở E1 tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) – khách hàng thường xuyên của các cửa hàng Made in Vietnam một thời gian dài, nay cũng đã tỏ ra bức xúc khi cho biết chị đã không ít lần phát hiện ra sản phẩm quần áo được bán trong các cửa hàng Made in Vietnam cũng đồng thời xuất hiện ở chợ vùng biên Lạng Sơn hay chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Không chỉ mặt hàng thời trang, hiện mặt hàng điện máy, điện gia dụng bán tại một số cửa hàng, siêu thị là hàng Trung Quốc nhưng được “ngụy trang” dưới mác “Made in Vietnam” cũng đang được bày bán khá phổ biến.

Chị Nguyễn Thành (Quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị mua tại một siêu thị điện máy lớn một cơm điện là hàng Việt Nam nhãn hiệu Panasonic với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mua về kiểm tra lại, chị mới phát hiện đây là hàng Trung Quốc nhái nhãn hiệu Panasonic. Đáng ngại hơn, ngay cả thực phẩm, hóa mỹ phẩm của Trung Quốc cũng “đội lốt” là hàng Việt Nam để lừa NTD. Điển hình với mặt hàng bột ngọt, mới đây lực lượng QLTT liên tục kiểm tra phát hiện hàng trăm kilogam bột ngọt là hàng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc.

Theo đánh giá của Chi cục QLTT Hà Nội, phần lớn số vụ vi phạm mà lực lượng QLTT kiểm tra phát hiện là hàng tiêu dùng nhập lậu có xuất xứ Trung Quốc do giá rẻ, đa dạng. Các mặt hàng này nhập lậu vào Hà Nội từ nhiều nguồn.

Ông Vương Trí Dũng cho biết, thực tế để xác định nguồn gốc thực của hàng đội lốt “Made in Vietnam” rất khó nếu không bắt quả tang tận nơi sản xuất. Các đầu nậu thường đặt sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc gắn luôn nhãn mác “Made in Vietnam” rồi đưa ngược về Việt Nam tiêu thụ.

Ông Dũng cảnh báo: Hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã khá phổ biến, thậm chí những mặt hàng nhỏ như vợt đuổi muỗi cũng được đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc sau đó đưa về trong nước dán nhãn mác hàng Việt. Lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng nội của nước ta, nhiều mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc đã được đưa vào thị trường nội địa, dán mác Việt Nam để bán…”.  

Ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Trước đây hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, hàng nội giả hàng nội, thì giờ xuất hiện cả hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội được sản xuất ở nước ngoài nhập lậu vào trong nước để trục lợi. Nhiều NTD đã nói rằng họ buộc phải chấp nhận một sự thật cho dù có là “người thông thái” cũng khó để phân biệt được thực, hư xuất xứ của hàng hóa đang được lưu thông trên thị trường.

Theo thống kê mới đây của Bộ Công Thương, trên cả thị trường tiêu dùng và thị trường sản xuất, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn với 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, hiện có nhiều nguồn hàng Trung Quốc nhập về Hà Nội, nhưng trong đó phần lớn hàng giả, hàng nhái, như quần áo, đồng hồ, kính mắt, túi xách, gas, mực in vi tính, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, điện tử, phụ tùng xe máy... Trong những vụ việc lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện bắt giữ từ đầu năm đến nay có đến 90% hàng hóa bị tạm giữ, tịch thu, tiêu hủy là hàng Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Tiến Thành, Tổng Giám đốc công ty Lilama 3 cho biết: “Việc tăng giá đồng Nhân dân tệ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành của nguyên liệu khi Trung Quốc cung cấp vào thị trường Việt Nam. Nếu doanh nghiệp không tính toán trước, chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được các đơn hàng”.

Từ năm 2010 đến nay, tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và USD đã tăng khoảng 11%, mức cao nhất trong 19 năm qua. Theo TS Phạm Thị Hoàng Anh đến từ Học viện Ngân hàng Hà Nội, nếu không giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu hàng Trung Quốc, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS Phạm Hoàng Anh cho rằng: “Đối với lĩnh vực may mặc, 70% được nhập từ Trung Quốc. Do đó, chúng ta càng xuất khẩu, chi phí nhập khẩu càng cao. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc còn khiến giá thành sản phẩm tăng lên, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước".

Theo Duy Anh

( Vietq  )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét