Pages

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Nhà báo Hữu Thọ: Tin đồn trên mạng xã hội "xô đẩy" lòng tin với nhà báo

Một số người làm báo đã quá tin vào nguồn mạng xã hội mà đưa tin thiếu kiểm chứng

Mạng xã hội - sức mạnh và nguy cơ

“Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các trang mạng xã hội rất nguy hiểm, nó xô đẩy lòng tin chính trị - bản lĩnh cơ bản của người làm báo cách mạng”. Đó là chia sẻ của nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoa trung ương, nguyên tổng biên tập báo Nhân dân trong buổi tọa đàm khoa học “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ” diễn ra tại Hà Nội, do Đoàn khối các cơ quan Trung ương tổ chức hôm nay (18/6).

Cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay, việc thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam cũng mang đến nhiều điểm lợi và bất lợi. Việc ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, trên nền tảng công nghệ mới, trong các ngành truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo in là luồng gió mới của đời sống báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, những nguy cơ và bất lợi cũng thấy rõ từ sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông mới. Những biến loạn trong đời sống chính trị - xã hội do tác động của các phương tiện truyền thông mới, không còn là những cảnh báo xa vời, mà đã là những sự thực nhãn tiền.

Theo nhà báo Hữu Thọ, viễn thông ngày càng phát triển, thông tin hiện thời được truyền đi rất nhanh và nhiều. Những tiện ích đó giúp phóng viên có thể tác nghiệp nhanh, song lại khiến những bài viết trở nên khô khan, thiếu sinh động, thiếu tình tiết “kim cương” – tình tiết mang tính chất định hướng cho cả bài viết.

Rất nhiều nhà báo hiện thời lấy thông tin qua mạng xã hội, phỏng vấn nhân vật qua chat. Sự nhanh nhạy này cũng rất tốt, song cũng có nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu của những lỗi này là một số người làm báo đã quá tin vào nguồn mạng xã hội. Trong khi đó, tin trên mạng xã hội là nguồn tin chưa được kiểm chứng. Nếu phóng viên không kiểm chứng, việc sai sót tất yếu sẽ xảy ra.

Nhà báo Hữu Thọ
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Đối với người làm báo trẻ thì lòng tin là điều rất quan trọng, nhưng trong niềm tin phải có hoài nghi khoa học, có hoài nghi khoa học thì mới có sáng tạo. Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. Cho nên bao giờ sử dụng nguồn tin cũng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp- các yếu tố được sinh ra từ những trải nghiệm xã hội của chúng ta”.

Facebook và ứng xử của nhà báo trẻ

Đồng tình với quan điểm trên, phóng viên Hồ Điệp- Hệ Thời sự Chính trị - Tổng hợp Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, mạng xã hội mà cụ thể là facebook hiện nay đang có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến với người dùng nói chung và người làm báo nói riêng. Tuy nhiên, facebook cũng có tính hai mặt của nó, và ảnh hưởng lớn đến phóng viên, nhà báo trẻ. Họ có thể có cái nhìn sai lệch, những lời bình không hay trên mạng làm ảnh hưởng tới bản thân và cơ quan.

Phóng viên Hồ Điệp lấy dẫn chứng: “Mùa xuân Ai Cập”ở Tunisia, Ai Cập và các nước Trung Đông năm 2011 bùng phát và lan rộng chính là từ mạng facebook mà chính quyền của nước này không thể kiểm soát được. Qua mạng facebook giới trẻ các nước này và ở các nước Arab cũng như ngoài Arab đã liên kết tạo thành một sức mạnh vô hình, nhiều chiều với những diễn biến khôn lường. Kết quả là nhiều cuộc đảo chính xảy ra và nhiều chính phủ tan vỡ…

“Việc tuyên truyền tư tưởng chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị cho người làm báo là rất cần thiết, đặc biệt khi họ là những nhà báo, những người có tiếng nói và ảnh hưởng rộng trong xã hội nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ mạng facebook”, phóng viên Hồ Điệp nói.

Đề cập tới thực trạng “nhà báo bàn giấy” phóng viên Nguyễn Việt Đức, báo VietnamPlus – Thông tấn xã Việt Nam cho rằng thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận đội ngũ các nhà báo trẻ. Theo anh, “nhà báo bàn giấy” đang dần trở thành vấn nạn của chúng ta. Nó làm cho chúng ta không có sự chủ động trong quá trình tác nghiệp, trên thực tế chúng ta phụ thuộc vào công nghệ với một chiếc điện thoại và một chiếc máy tính nối mạng, sử dụng các tin đồn trên mạng như nguồn tin chính thức để cho lên báo, thì chính điều này đã làm nhiễu thông tin.

Thụ động trong thu thập thông tin, thiếu kiến thức nền, lập trường tư tưởng không vững vàng, xa rời thực tế, các “nhà báo bàn giấy” trở thành “miếng mồi ngon” cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để viết bài phản biện thiếu tính xây dựng đối với một số chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn “nhà báo bàn giấy” đang từng ngày làm xấu đi bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam”, phóng viên Nguyễn Việt Đức nhấn mạnh./.

CTV Kim Anh

(VOV online)

Không có nhận xét nào: